(Người ta hỏi thì mình nói, nghe
xong chưa đã nên biểu viết, viết xong lại không dám đăng, post hồi tháng 9-2012
cho đỡ tức. Nay nhân TW tổ chức tổng kết NQ 5, lại thấy ông Thủ Tướng nói “ Bệnh
thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hóa ngày càng lan rộng” http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx) bèn đăng lại. Nói thêm ở đây
chỉ nêu 1 trong nhiều vấn đề ở 1 địa phương cụ thể về bệnh thành tích trong
hoạt động văn hóa)
Việc xây dựng và cho ra mắt ấp văn
hóa ở Tiền Giang bây giờ đi theo một qui trình rập khuôn máy móc, song lại được
ngộ nhận rằng đã vô nề nếp đúng bài đúng bản. Điều đó xuất phát từ chỗ chưa có
cách làm nào tốt hơn, hay hơn, đồng thời vô tình đẩy phong trào vốn dĩ của quần
chúng thành một hoạt động mang tính hành chánh.
Ở huyện Cai Lậy, nhiều năm qua, cứ
đầu năm ngành VHTT phát cho xã, đối tượng nhận dĩ nhiên là văn hóa thông tin xã,
bản chỉ tiêu đăng ký ấp văn hóa. Bản chỉ tiêu này đã được thống nhất chỉ đạo
thành một tiêu chí chấm điểm thi đua cho cơ sở, vì vậy không thể không tuân
theo, rằng trong năm anh phải ra mắt cho được 1 hoặc 2 ấp gì đó, ấp nào hay khu
phố nào tùy anh chọn lựa. Căn cứ vào chỉ tiêu mang tính mệnh lệnh hành chánh
đó, các xã tùy nghi tính toán.
Song chẳng cần tính toán gì nhiều,
thông thường thì 6 tháng đầu năm chẳng cần phải bận tâm. Đến cuối năm thì cả
ngành VHTT huyện lẫn BCĐ cấp xã bước vào giai đoạn nước rút. Thế rồi bấm tay mà
tính theo mẫu bao nhiều phần trăm hộ nghèo, bao nhiêu phần trăm hộ có đủ 3 công
trình vệ sinh…điền vào cho khớp. Còn lại là phần bề nổi thì khá dể dàng, xem hộ
nào còn sử dụng cầu tiêu ao cá thì bảo họ dỡ, hộ nào để cỏ rác trước sân nhiều
quá thì bảo họ dọn…(Đến nổi người dân tưởng rằng cán bộ văn hóa là những người
chuyên đi dọn cỏ, dẹp cầu tiêu và biểu xây nhà tắm) Tiêu chí nào khó quá, như trụ
sở ấp chẳng hạn, chưa xây dựng hoặc không thể xây dựng (vì thiếu tiền, thiếu
đất) thì ok cho thiếu nợ, và món nợ này chẳng ai là chủ nợ cũng chẳng ai là con
nợ, vì vậy trong thực tế có rất nhiều ấp đã công nhận hơn 5 năm vẫn còn….nợ.
Qui trình trên có biểu mẫu (điều
tra), có văn bản (biên bản, báo cáo) hẳn hòi, đố ai bắt bẻ được. Và như thế chỉ
cần hẹn ngày mà mời Ban chỉ đạo huyện xuống làm động tác thẩm định lần cuối cho
ra mắt. Nói ban bệ cho oai chứ thông thường chỉ vài ba thành viên là đủ, chủ
yếu ngành văn hóa thông tin làm tham mưu cho UND huyện ra quyết định.
Cho nên không phải ngẫu nhiên thời
gian gần đây hầu như phiên họp nào của HĐND huyện cũng nêu thắc mắc xoay quanh
vấn đề chống xuống cấp (nói cho hay ho là nâng chất tiêu chí ấp văn hóa). Tiêu
chí có bấy nhiêu mà thực hiện không đạt thì làm sao nâng chất, có chăng là nâng
chất cách làm, nâng chất những kết quả chưa đạt, tránh tình trạng ấp văn hóa ra
mắt xong rồi đâu vào đó. Để làm được điều này, nhiều năm qua cấp huyện và tỉnh đã
thành lập Ban tái thẩm định. Tỉnh lo phần xã văn hóa, huyện lo phần ấp văn hóa.
Xã nào tệ hay phạm vào các tiêu chí tùy theo mức độ mà nhắc nhỡ hay gác danh
hiệu lại 1 năm, ấp nào tệ hay thiếu nợ mà không trả thì xếp loại phía dưới B
hoặc C…Ban đầu xã ấp văn hóa còn ít thì Ban tái thẩm định đi xuống tận nơi, về
sau nhiều qua thì chỉ cần tới trụ sở UBND xã nghe báo cáo, và rồi đi đến giai
đoạn yêu cầu gởi văn bản về trên để thẩm định qua báo cáo. Chắc hẵn không đơn
vị nào dám báo thật, bởi điều chỉnh vài con số với vài câu nhận định hay ho,
theo kiểu “bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc…” cũng chẳng chết ai mà trái lại
có lợi cho địa phương mình.
Nói ra có vẻ xúc phạm chứ kiểu làm
vô thưởng vô phạt nói trên hầu như chả ăn nhập gì với cuộc vận động mang tính
quần chúng như tiêu đề của nó đặt ra là “phong trào toàn dân” cả.
Ở xã Bình Phú (huyện Cai Lậy) có một
cây cầu bắc qua con rạch giáp ranh hai ấp văn hóa Bình Sơn và Bình Đức, đã gần
nửa năm qua, mấy tấm dal đầu cầu phía ấp Bình Đức bị bể, rơi xuống rạch. Người
dân ở gần lấy vài tấm ván đóng tạm, rập rình nguy hiểm cho xe gắn máy lẫn người
đi bộ. Thật ra chỉ bao xi măng một ít sắt là có thể vá lại chiếc cầu an toàn
hơn, song họ lại đổ trách nhiệm cho nhau, ấp Bình Đức cho rằng cây cầu này dân Bình
Sơn đi nhiều hơn, họ phải sửa. Còn người Bình Sơn thì ngược lại bảo rằng phần
cầu hư nằm phía của Bình Đức, họ dại gì phải sửa… Không biết Ban chủ nhiệm hay
trưởng ấp của hai ấp văn hóa nêu trên nghĩ gì ?
Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều sự
việc như cỏ mọc tràn lan các trụ sở ấp không ai dọn, bảng hiệu gỉ sét không ai
sơn…
Ở cơ quan phòng VHTT huyện Cai Lậy
có lần được tiếp một công dân đi gởi đơn khiếu nại việc đo đạc đất đai, bèn chỉ
qua cơ quan phụ trách địa chính. Công dân ấy lại cãi rằng tôi ở ấp văn hóa…mấy
chú là cán bộ văn hóa huyện, cấp trên của ấp văn hóa mà hổng chịu xử…
Chưa hết, có lần người viết bài này
đi tham dự buổi lễ ra mắt ấp văn hóa, thấy một chị đang cặm cụi treo cờ bèn hỏi
thử, hôm nay lễ gì mà treo cờ. Bà chị đáp, hổng biết chú ơi, mấy đứa nhỏ nói
trên xã xuống làm lễ ra mắt ấp văn hóa gì đó.
Không biết các “thư lại” ngày nay
chuyên viết bài cho các vị lãnh đạo phát biểu có những câu rất bóng bẩy rằng “việc
ra mắt ấp văn hóa hôm nay là ngày hội toàn dân” có cảm thấy bị mỉa mai.
Và để kết luận xin nhắc lại rằng,
ngày hội toàn dân mà các vị nêu phải xuất phát từ những cách làm đi vào chiều
sâu và chiều rộng, thẩm thấu trong dân và thực sự là phong trào quần chúng,
chứ vận động rồi cho ra mắt các danh
hiệu văn hóa theo “kiểu mì ăn liền” gần đây thì việc nâng chất trước tiên nên
làm là nâng chất các ban chỉ đạo phong trào và đội ngũ cán bộ làm văn hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét