Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Chùa Phù Dung và câu chuyện Áo cưới trước cổng chùa.

Chùa Phù Dung ở Hà Tiên gắn liền với chuyện kể về bà Dì Tự - dân gian còn đặt cho một cái tên khác nữa là bà Phù Dung, đồng thời cho đó là vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa.  Thực sự giai thoại trên là do dân gian kể theo tiểu thuyết lịch sử “Nàng Ái Cơ trong chậu úp”  của bà Mộng Tuyết, xuất bản năm 1961, trước đó ở Hà Tiên chưa hề có câu chuyện này. Câu chuyện trở nên đình đám hơn khi tuồng cải lương Áo cưới trước cổng chùa ra mắt khán giả cũng trong thập niên 1960.

 1. Câu chuyện tóm lược như sau: Mạc Lịnh Công tức Tổng binh Đại Đô đốc Mạc Thiên Tích có một người vợ thứ tên là Dì Tự “sắc nước hương trời và văn hay chữ tốt”. Do đó Mạc Lịnh Công đã vô cùng sủng ái khiến cho bà chánh thất Nguyễn phu nhân ghen tức, lập mưu hãm hại bà.
Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công bận đi duyệt binh. nhà, Nguyễn phu nhân đem nhốt bà thứ vào trong một cái chậu, úp lại cho ngột mà chết. Bất thình lình, vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to và Mạc Lịnh Công cũng vừa về đến. Thấy trời đang mưa, mà sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp, ông bèn truyền lệnh giở chậu ra, thì thấy nàng Dì Tự đang thoi thóp, nhưng may mắn, hãy còn cứu kịp.
Tuy  thoát chết, nhưng bà trở nên chán chường sự thế, bà xin Mạc Công cho phép đi tu. Trước sự tình ngang trái đó, ngài Tổng binh không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho “Ái cơ” của mình tu hành.


Bên am tự, ngài cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Đến khi qua đời, Mạc Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ, cấu trúc theo hình cái chậu để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương  giai nhân đã vì ông mà oan ức, khổ ải...
Đó là câu chuyện hư cấu. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt phân tích Ái Cơ là cách tôn xưng do nữ sĩ Mộng Tuyết sáng tạo trong tiểu thuyết. Trước khi tiểu thuyết  Nàng Ái Cơ trong chậu úp” ra đời, không người dân Hà Tiên nào tôn xưng bà bằng ngôi vị Ái Cơ. Bởi vì gọi Bà Dì Tự là người ta hiểu ngay vai vế của bà là vợ thứ. Trong câu chuyện, tác giả cho rằng người phụ nữ có ngôi vị “Ái cơ” đẹp mà phải đi tu, rồi lâm vào cảnh tuyệt tự. Nhưng trên mộ bia của bà Dì Tự này còn ghi rõ Từ Thành Thục nhân, họ Nguyễn và người lập bia là con trai của bà: “Nam Chú lập thạch” (Con trai tên Chú lập bia). Chứng tỏ khi bà qua đời, con trái bà đã lập mộ. Theo phong tục, cấu trúc ngôi mộ hình khum tròn này thuộc loại mộ cải táng và chữ nghĩa trên bia một không thấy bà là người tu hành. Căn cứ dòng lạc khoản này, ta còn biết được năm lập mộ là năm Tây Tỵ (1761), lúc này Mạc Thiên Tích còn sống.
Ông Đạt nói: Theo sách Hà tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh chép:  “Về sau, các bà thê thiếp sanh trai gái thật đông đảo, tựa hồ Chu Văn, số đến chín chục. Điều này chứng minh ông Mạc Thiên Tích có rất nhiều vợ. Theo tôi ít nhất là 7 bà, căn cứ vào 7 ngôi mộ được tìm thấy: vợ chánh và thứ thiếp, chưa kể những cung phi tỳ nữ thời ấy. Trên bia mộ các bà thứ thiếp của ông Mạc Thiên Tích đều có những mỹ tự.
Tất nhiên tiểu thuyết không cần phải ghi chép đúng theo sự thật, tác giả được phép thêu dệt. Điều quan trọng là các sử quan về sau đừng căn cứ vào tiểu thuyết mà đưa vào chính sử, coi đó là một phần trong lịch sử của chùa Phù Dung.
2.  Ông Đạt thuật lại: Năm 1958, tôi đã đi dạy học. Nhà văn Sơn Nam từ Sài Gòn về, tìm tư liệu để viết bài về Hà Tiên. Trong một đêm tá túc ở chùa Phù Dung, nhà văn đã gặp được ông sư trụ trì chùa. Sư vốn là người trong dân gian không rành lịch sử, nên nảy sinh ý tưởng sáng tác ra câu chuyện về ngôi mộ không theo hình dạng bình thường mà giống như cái ảng chụp lại. Ông lại nghe Mạc Tiên Tích có hai vợ. Và theo ông người vợ thứ hai là bà Dì Tự, khi bà qua đời được chôn ở gần chùa. Còn bà lớn chôn ở khu vực lăng Mạc Cửu. Ông nghĩ bà này bị ghen, hồi còn sống đã bị bà lớn chụp cái ảng lên đầu, nên khi chôn người ta làm mộ úp lên để làm kỉ niệm.
Trước khi kể chuyện cho ông Sơn Nam nghe, nhà sư đã kể cho ông Trần Thiêm Trung viết trong bộ địa phương chí đánh máy. Ông viết “ Ông Mạc Thiên Tích vắng mặt nhiều ngày trong chiến trận, Mạc Phu nhân chánh thất rất ghen tuông, cho nhốt bà Dì Tự vào một cái mái xưa úp lại...”  Ở một đoạn khác, ông Trung viết “...bà Dì tư chán chường kiếp sống, xin Mạc công đi tu, ngài chiều ý nên cất ngôi am tự cho tu hành. Đến khi nàng mất, lại xây cất một ngôi mộ đẹp đẽ dưới ao có hoa sen trắng”. Sai lầm lớn nhất của tác giả Hà Tiên địa phương chí là nói ngôi chùa được cất lại lần thứ ba, do ông Mạc Thiên Tích cất cho bà thứ thiếp gọi là bà Dì Tư. Ông Trung cũng đã gởi bản địa phương chí này cho Đông Hồ và Mộng Tuyết. Bấy giờ Bà Mộng Tuyết ở Sài Gòn. Khi nhà văn Sơn Nam về viết chuyện này đã phối kiểm với Trần Thiêm Trung rồi mới viết lại đăng trên báo Nhân Loại, với tiêu đề là “Hà Tiên đất Phương Thành”, trong đó có kể câu chuyện lâm ly, vợ lớn ghen, úp bà vợ nhỏ trong chậu…
Năm đó, Trần Thiêm Trung có gặp tôi và hỏi, em ở Hà Tiên có biết về lịch sử bà Dì Tự không ?. Bà Mộng Tuyết cũng hỏi tôi tương tự. Nhưng tôi trả lời hoàn toàn chưa biết. Bà Mộng Tuyết bảo mai mốt em sẽ hiểu rõ chuyện này, cô Bảy (tức bà Mộng Tuyết) sẽ dựng lại câu chuyện này. Như vậy, chính bà Mộng Tuyết là tác giả của câu chuyện “Nàng Ái Cơ trong chậu úp”.
Sau khi nhà thơ Đồng Hồ qua đời, bạn bè thân hữu tổ chức họp mặt kỉ niệm một năm ngày mất của ông. Buổi đó có bà Mộng Tuyết, Kiên Giang Hà Huy Hà, Trương Minh Hiển, nhà văn Sơn Nam và tôi. Nhân ngày họp mặt, soạn giả Kiên Giang đã xin phép bà chuyển thể tiểu thuyết lịch sử “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” thành tuồng cải lương. Từ đó câu chuyện về bà Dì Tự có thêm nhiều tình tiết lâm ly bi đát qua tuồng cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” của Kiên Giang Hà Huy Hà.
Mấy năm sau, tuồng cải “Áo cưới trước cổng chùa” được thu vào dĩa nhựa với các đệ nhất danh ca thời bấy giờ đã thu hút không biết bao nhiêu con tim của khán thính giả.
Sau ngày thống nhất, đến năm 1989, ông Kiên Giang và Mặc Tuyền còn chuyển kịch bản vỡ cải lương thành tiểu thuyết Áo cưới trước cổng chùa, do nhà xuất bản Long An ấn hành.
Từ tiểu thuyết rồi đến cải lương đã làm cho người ta biết lịch sử chùa Phù Dung chỉ qua nghệ thuật hư cấu, dàn dựng theo cảm hứng của các tác giả. Rồi chùa Phù Dung cũng theo đó lập bàn thờ mới, nói là bàn thờ bà Dì Tự. Điều đáng buồn những thông tin không xác đáng ấy lại được một số người trong giới học thuật theo hướng đó mà nghiên cứu, tiếp tục quảng bá sự sai lệch; Ông Đạt nói.

Ngọc Phan-Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét