Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Đi Thanh Bình thăm dinh ông Đốc Vàng.

Ngày 7-1-2013. Từ TX Cao Lãnh đến huyện Thanh Bình độ 22 km. Gặp họa sĩ Phước - người bạn cũ là trước đây làm ở Cai Lậy, chuyển công tác về nhà VH huyện Thanh Bình đã hơn chục năm qua. Nhờ bạn dẫn đường đến dinh ông Đốc Vàng.
Địa phương có hai rạch/sông Đốc Vàng: Đốc Vàng hạ phía bắc, Đốc Vàng Thượng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình. Trước đây có một ngôi đền gọi là  “Dinh ông-Đốc Vàng”. Dinh hiện nay được trùng tu khá qui mô, cổng chính day về phía quốc lộ 30, biển ghi “Đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng” hai bên có câu đối viết bằng chữ quốc ngữ chân phương. Trần Ngọc trinh trung thiên cổ tại/ Thượng tướng oai linh vạn thế tồn”. Còn dinh cũ thì cổng chính day mặt xuống sông Đốc Vàng Thượng, sát mé sông còn cái nhà chờ, được xây trước đây để đón khách đi bằng đò ghe tới. Cổng cũ vẫn còn tấm biển đề Dinh Ông Đốc Vàng.
Đền thờ Lương Tài hầu Trần Văn Năng vừa mới xây dựng lại
Người địa phương lưu truyền rằng: Khoảng hơn trăm năm trước, khi phá hoang vùng ven vàm rạch Đốc Vàng, người dân phát hiện một ngôi miếu cổ đổ nát, trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”.  Ngôi miếu được xác tín là thờ ông Đốc Binh Vàng, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ, Vàm Nao dưới triều Minh Mạng. Khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, ông đã đốt thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ; từ đó, vàm rạch nơi ông qua đời được gọi là Đốc Vàng. Về sau dân trong vùng rủ nhau xây lại miếu. Truyền thuyết dân gian cũng kể, do ở chỗ khúc cong, nước xoáy mạnh đất lở dần, ngôi miếu có nguy cơ sụp xuống dòng sông. Người dân bàn nhau định dời ngôi miếu. Trong Ban tế tự có người nằm mộng thấy ông hiện về bảo dân làng cứ để yên miếu ở chỗ cũ. Lạ thay, thời gian sau, dòng chảy sông Đốc vàng bổng đổi hướng, chỗ ngôi miếu không còn lở nữa mà mỗi năm cứ bồi thêm ra. Từ sự hiển linh đó, người dân trong vùng tôn ngôi miếu với danh xưng trang trọng hơn là Dinh ông Đốc Vàng.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho biết, căn cứ vào bài vị đã nêu trên thì chính xác ngôi miếu cổ xưa là nơi thờ Lương tài hầu Trần Văn Năng. Còn về Đốc Vàng hay Đốc Binh Vàng là một nhân vật gắn liền với huyền tích khác.
Lương tài hầu Trần Văn Năng người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa có sức vóc, giỏi võ nghệ, quy thuận chúa Nguyễn rất sớm lập nhiều công to, được thăng chức vệ úy, rồi đến là chức Đô thống chế.
Công trạng của ông được Đại nam thực lục ghi chép khá tỉ mỉ. 
 Tháng 6 năm 1833, ông Trần Văn Năng được vua Minh Mạng phong làm Bình khấu Tướng quân dẫn binh đi dẹp loạn Lê Văn Khôi.
Tháng 11 năm Quý Tỵ [1833], quân Xiêm kéo đại binh chia làm 2 đường vào lấn cướp nước ta, Ông đã cùng các quan Tống Phước Lương, Trần Văn Trí đánh chúng một trận tơi bời ở Cổ Hủ, rồi sau đó chia quân theo đường kênh Vĩnh Tế đến chiếm lại Hà Tiên và Châu Đốc. Quân Xiêm  lui quân về Chân Lạp. Quân ta truy kích sang Nam Vang. Ở đây ông lâm trọng bịnh, bèn giao binh quyền cho Trương Minh Giảng, rồi về nước dưỡng bịnh. Thuyền đến Bến Siêu, nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì ông qua đời. Nhân dân thương tiếc tài năng, đức độ của thượng tướng đã lập nên đền thờ và bài vị của Người tại nơi Người mất.
Chuyện về Lương tài hầu Trần Văn Năng đã rõ, chỉ tiếc chưa có điều kiện tìm hiểu thêm về nhân vật Đốc Binh Vàng mà theo anh Hiếu nói là câu chuyện khác.

Đã 4 giờ chiều, họa sĩ Phước rủ nhậu, nhưng phải quay về Cao Lãnh ngay vì có hẹn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét