Ký
Trở lại vùng Sông
Cũ - Bà Bèo tìm dấu người xưa ở điểm giao nhau giữa hai dòng kinh gọi là Mũi Dụi,
nói theo ngôn từ dân dã, chỉ cái góc nhọn tam giác nối kinh Nguyễn Văn Tiếp và sông
Cũ. Ở chỗ vàm kinh này còn có tên là vàm Bánh Tét, chưa có giải thích hợp lý
nào ngoài sự mường tượng của nhiều người rằng xưa ở đây có một cái chợ nổi
chuyên bán bánh tét cho giới thương hồ.
Vàm Bánh Tét hay
Mũi Dụi nằm giáp ranh ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Hạnh Đông và xã Phước Lập, trịch xuống
vài trăm thước là tới chợ Tân Phước. Ngôi chợ mới lập song rất sung túc, bán đủ
các loại thực phẩm, hàng công nghệ và dĩ nhiên không thiếu các loại đặc sản
chim, chuột, cá thia và rau choại. Hai bên dòng kinh nhà cửa san sát, có nhiều
ngôi nhà sàn cất chồm ra mé nước, tranh thủ mặt bằng để mở dịch vụ, cho nên sông
Cũ không còn mênh mang như thuở Ngô Huỳnh đưa vào giai điệu con kênh xanh xanh với
những chiều êm ả nước trôi và “tiếng ai giã bàng nhịp
nhàng như tiếng lòng tôi” thời chín năm kháng chiến.
1. Sông Cũ bấy giờ
nhưng là kinh Mới thời xưa. Tài liệu thư tịch ghi là Đăng giang Tân kinh, dịch
nôm na là Kinh mới rạch Chanh. Qua khỏi ngả tư Bà Bèo là xuống tới chạm vào
nước rạch Chanh. Chỗ này sách vỡ xưa và nay có nhiều chuyện lẫn lộn. Địa chí
Tiền Giang nói đó là một con kinh đào, được khởi công dưới triều Minh Mạng, gọi
là kinh Tranh Giang do người Pháp ghi nhầm là Đăng Giang, hay kinh Thương Mại, được
kéo dài đến tận sông lớn bởi rạch Bà Bèo và rạch Cái Bè. Tài liệu này mới xem
qua có vẻ rất thuyết phục nhưng lại đi quá xa vấn đề đã sai lệnh từ căn bản. Đọc
lại Đại Nam Thực lục Tiền biên thấy cái tên Đăng (chanh) giang đã được nhắc đến
ít nhất hai lần trong giai đoạn chúa Nguyễn Ánh còn bôn ba lưu lạc từ đất Ba
Giồng đến chốn sình lầy Đồng Tháp. Lần thứ nhất vào tháng 3 năm Đinh Dậu 1777
lúc Tây Sơn Nguyễn Huệ truy kích quân Lý Tài và Tân Chính vương. Lần thứ hai
vào mùa hạ, tháng 4 năm Quý mão 1783,
chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đến sông Đăng Giang, sông có
nhiều cá sấu, không thể lội. Nhân có con trâu nằm bên sông, Ánh cưỡi để sang
sông; giữa dòng nước, trâu chìm mất, cá sấu đến giúp chúa đưa qua sông chạy
thoát về Mỹ Tho.
Một tấm bản đồ do
người Pháp vẽ năm 1885 đã ghi Đăng Giang là kinh Thương mãi (Arrovo commercial)
và trên bản đồ này ta thấy có đoạn khá dài chảy qua ba làng Phú Mỹ, Hưng Thạnh
và Mỹ Điền nối xuống Bà Bèo về hướng Mỹ Hạnh Đông. Đăng giang gắn với bài vè Lái
Rổi nổi tiếng ngày xưa cụ Trương Vĩnh Ký chép lại “Kinh Rạch Chanh khác thể Lấp
Vò; Kinh Giồng Cú đường như Giồng Đá; Đặt có thiên có hạ, Mà thu quân vội vã
làm chi. Bến Lức này khác thể kinh kỳ…”. Như vậy người Pháp đã rất thực tế khi
ghi chú bản đồ là kinh Thương mãi, nơi ghe xuồng của bạn lái ngược xuôi từ Gia
Định đến miền Tây mua bán các loại cá tôm, nông sản ngày xưa.
Ở đây có vấn đề
dịch thuật chú giải nên có tài liệu cũng chép lẫn lộn giữa Tranh giang (rạch
Chanh - Bến Tranh) ở vùng Lương Phú phảng phất đâu đó trong vài bài thơ phú của
Trịnh Hoài Đức và Đăng giang/Rạch Chanh –Bàu Bèo/Bà Bèo mà đường đi của nó
không hề nhầm lẫn trong bài vè Lái Rổi “Nước ròng xuôi thẳng Ba rài, Nước lớn
tuốt vô Xã quảng”.
Tranh giang tân
kinh là do nhà Tây Sơn đào, là con kinh đầu tiên, cũng là công trình duy nhất
của nhà Tây Sơn ở đất Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung. Chữ nghĩa đọc
ra là vậy, song nhiều người vẫn thích gọi là sông Cũ, bởi nó chứa đựng một miền
gợi nhớ. Những cái tên như xứ Kiến Vàng, xóm Bàu Bầu, xóm Bàu
Bèo từng ghi trong địa bạ thời Minh Mạng hiện vẫn còn dù bị gọi trại đi đôi
chút...Địa danh Bà Bèo sách vỡ xưa vẫn ghi là đầm Bàu
Bèo nằm ở phía nam thôn Mỹ Điền giáp với Phước An. Khi Tây qua, thôn Phước An đổi
thành làng Phước Lộc. Thời Minh Mạng thôn Phước An có hàng trăm ao cá đào trong
các sở ruộng, có lẻ cư dân bấy giờ ngoài làm ruộng có thêm nghề bắt cá đồng đem
vào ao rộng lại chờ thời điểm thích hợp đem bán. Ai nói nông dân ngày xưa không
biết kinh tế thị trường ?
Thôn Mỹ Điền xưa
giáp thôn Mỹ Hạnh Đông về phía tây. Hồi đầu thế kỷ 20 bị người Pháp nhập thành
làng Mỹ Phước, rồi nhập Hưng Thạnh và Mỹ Phước thành làng Hưng Thạnh Mỹ. Từ lúc
thành lập, làng Mỹ Điền có tục chỉ cử đến chức Hương chủ, còn chức Hương cả thì
nhường cho chúa Sơn Lâm, gọi là Cả Cọp. Chưa ai dám bạo gan lãnh chức vụ cao nhất
làng này, vì trước sau cũng bị cọp vật chết. Dân Mỹ Điền có lập ngôi miếu thờ
Cả Cọp. Mỗi đầu nhiệm kỳ phải làm lễ dâng lên một tờ cử hương chức. Lệ cúng Kỳ
Yên phải cúng bộ thủ vĩ. Để giải thích tục lệ nầy, người ta tạo nên một huyền
thoại rằng có một hôm cọp lạ về làng bắt gia súc, bắt người. Dân làng tổ chức
trang bị giáo mác đối phó. Đêm hôm đó có người trong nhóm nằm mơ thấy một người hình vóc lực lưỡng
phương phi mặc quần áo vằn vện về dặn “hễ hai bên đánh nhau mà thấy ai cúi đầu thì
đó là “ông Cả” không được xúc phạm. Hôm sau cọp dữ về, dân làng đánh mõ báo
động, thì có con cọp khác chạy ra chận đường dẫn con kia ra bãi đất trống. Hai
bên quần nhau, dân làng không phân biệt được, rồi người ta phá hiện có một con
hay cúi đầu, nhớ lời thần nhân báo mộng, người ta dụ con cọp còn lại đẩy xuống
hố chết.
Câu chuyện có vẻ đậm
chất “rừng nào cọp nấy” song phảng phất một đạo lý thông thường “ăn cây nào rào
cây nấy”, mặc dù cọp chỉ là thú vật.
2. Câu phương ngôn
“Mất trâu mất bò về chùa Phật đá”, chưa biết có tự bao giờ. Chùa Phật đá nay đã
nằm trong thị trấn Mỹ Phước. Hồi đầu thế kỷ 20, ông Nguyễn Liên Phong
tác giả Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca cho biết ngôi
chùa nằm ở kinh Bà Bèo, làng Mỹ Hạnh. Có lẻ đó cũng chỉ là ký ức tên làng. Ngôi
làng rộng lớn này đã chia tách trước đó rất lâu. Lúc vua Minh Mạng sai lập địa
bạ vào năm 1836 thì đã có ba thôn Mỹ Hạnh
Đông, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Tây. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam
kỳ, một số đồn điền phía nam Đồng Tháp Mười giải tán theo quân khởi nghĩa, thôn
Mỹ Hạnh Tây về sau nhập với Long Phước thành làng Mỹ Phước Tây. Năm Thiên hộ Võ Duy Dương lập cứ khởi nghĩa ở
Tháp Mười, giặc Pháp xua quân đàn áp, có một tuyến đường hành quân của giặc qua
đây. Dấu vết tuy không còn, nhưng trong ký ức người già vẫn còn “trận lửa rừng”
đốt cháy ngôi đình làng Mỹ Hạnh Trung.
Làng Mỹ Hạnh đến
đầu thế kỷ 20 vẫn còn nhiều chỗ hoang vu, trộm cướp lộng hành, nên Nguyễn Liên
Phong có chép:
Ở làng Mỹ Hạnh giữa gò.
Ra vô những kẻ chăn bò chăn trâu.
Thường khi trộm cướp đâu đâu.
Đem đồ tang vật tới âu ở nhờ.
Chùa Phật đá hiện
tại cách ngôi chùa cổ hơn nửa cây số về hướng Tây Bắc. Dân gian kể rằng xưa có một
gã mục đồng lớn tuổi. Một hôm ông thả trâu trâu lội ngang qua Bàu Sọ thì gặp
phải một tượng đá dài, to lớn nằm dưới lớp sình dày, ông liền chạy về báo cho
dân làng biết. Bà con vội vã chạy đến khiêng tượng lên xem thì đây là pho tượng
Phật bằng đá có bốn tay, đứng trên tòa sen. Dân làng rước tượng về lập chùa thờ,
từ đó dân gian gọi là chùa Phật Đá. Mấy năm sau đó, quan Bảo hộ Thoại Ngọc Hầu
qua đây, thình lình vợ ông phát bịnh. Có người mách bảo phải vào chùa van vái
mới mong lành bịnh, quan Bảo hộ nghe theo và quả nhiên hiệu nghiệm. Sau đó,
ngôi chùa được Bảo Hộ Thoại Ngọc hầu xây dựng lại khang trang và đặt tên chùa
là Linh Phước.
Việc này cũng được tác giả Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chép lại:
Ông Bảo hộ Thoại qua kinh
Bà cảm thời chứng thình lình phát đau
Ông Thoại xót xa ưu sầu
Trên bờ mách miệng phật cầu hiển linh
Vái van lập tức bịnh lành.
Ngày sau tu chỉnh mới thành chùa to.
Tuy nhiên, chuyện này cũng là giai thoại, bởi Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn
Thoại sinh năm 1761, còn chùa Linh Phước theo lịch sử thì đã có từ 1789, năm đó
Nguyễn Văn Thoại chưa làm quan tới chức Bảo hộ. Nói thêm vùng này có một vị
quan lớn tuổi hơn, vào năm 1778, sau khi chiếm lại Gia Định được chúa
Nguyễn phong chức Bảo hộ Chân Lạp, đó là
Khâm sai Chưởng cơ Hồ Văn Lân, người
huyện Kiến Đăng, nay còn mồ mả và bài vị thờ ở chùa Kim Tiên thuộc thị trấn Cai
Lậy. Có lẻ người xưa lầm lẫn, và ông Nguyễn Liên Phong chép lại mà không kiểm
chứng.
Khi thực dân Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ, chùa không còn khách vãng
lai, trở nên hoang vắng. Khoảng năm 1926, chính quyền
thực dân Pháp cho xáng đào kênh La – com. Chùa di dời về chỗ hiện nay rồi đến
giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa lại bị bom pháo làm hư hại, phải tản cư.
Pho tượng phật đá cổ bị gãy đổ, cũng theo chùa về đô thị Mỹ Tho, rồi nghe nói
bị đánh cắp rồi đến nay chưa tìm lại được. Thêm một di vật văn hóa Phù Nam bị
thất lạc.
3. Mồng 5 Tết Bính Dần 1986,
nghĩa là cách đây 25 năm tôi và nhà thơ Lê Hà có dịp ghé chơi với ông Nguyễn
Đức Nhuận. Nhà ông Nhuận nằm cạnh dốc cầu chùa Phật đá. Cảnh vật xưa bây giờ thay
đổi nhiều, chỗ ngôi nhà cũ nay lọt thỏm vào khu 4, thị trấn Mỹ Phước, huyện lỵ
huyện Tân Phước. Ông Nhuận rất vui tính, thích nhậu rượu đế, thuộc nhiều thơ
Nguyễn Bính, thơ Bảo Định Giang, ca dao...Đặc biệt là “rượu vào thi hứng”, thơ
của ông mang tính vè tự sự. Quê quán ông Nhuận ở làng Phú Mỹ, sau cuộc Nam kỳ
khởi nghĩa, Tây khủng bố quá nên gia đình dọn đến vùng này lánh nạn. Buổi sơ
giao, khúc dạo đầu của ông là bài vè nhổ bàng vốn dĩ là cái nồi cơm của gia
đình trong hành trình bỏ quê đi tìm đất mới. Đất mới đã không đãi người hiền.
Nó khắc nghiệt hơn nhiều so với ước vọng mong tìm no cơm ấm áo. Những công
đoạn, nhổ, tót, giã, đươn để có chiếc đệm, chiếc nóp càng không thơ mộng như
trong Trường ca Đồng Tháp Mười của nhà thơ Nguyễn Bính: “Đêm đêm trong ánh
trăng mờ/ Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng”. Giã bàng cực lắm nên mấy năm
trở nay, nông dân bỏ lần cái chày, cái mộc chế tạo máy ép bàng cho đỡ cực.
Hì hục đêm ngày đà chưa chán.
Quây quần năm tháng mệt ngẩn ngơ.
Bài thơ do ông
Nhuận sáng tác hơi tục. Nhưng mà tục hay thanh cũng do người đọc suy diễn. Mấy
năm này là đỉnh điểm của thời kỳ khủng hoảng kinh tế do cơ chế bao cấp đem lại.
Chuyện cái máy ép bàng là sáng kiến của nông dân, từ ý tưởng mía ép được sao
bàng không ép được. Câu hỏi và sự hoài nghi bất chợt trở thành ý tưởng mang
tính đột phá. Từ cái máy ép bàng, ông kể chuyện hợp tác xã mua bán cung cấp mỗi
hộ dân hai thước vải mùng và nửa lít dầu lửa để... ăn Tết, rồi cười khà, hứa sẽ
có bài vè đọc cười chơi. Cực khổ lấy thơ văn khỏa lấp đời thường nên trong bữa
tiệc đạm bạc có nhiều bài thơ, câu đối ngẫu hứng:
Tết Đồng Tháp cá nướng trui cùng rượu đế
Xuân Bà Bèo lá bông súng gói thia thia.
Cái ngả tư Ba Bèo
hồi ông mới tới còn là ngả ba, phía bắc có kinh nhỏ, gọi là kinh số 7. Ông nói,
địa chủ Phủ Mầu chiếm hết đất đai vùng này, cho đào nhiều kinh xổ phèn, cứ 250
thước thì đào một con kinh nhỏ, đánh số, nên vùng này có các con kinh số 1, số
2, số 5...số 13 đến số 24. Sau năm 1975,
kinh số 7 được đào rộng chạy thẳng vế phía Tuyên Nhơn, tỉnh Long An. Từ
đó chỗ này mới thành cái ngả tư.
Ông Nhuận qua đời
nay đã mấy năm. Qua kinh số 7 bây giờ có chiếc cầu hoành tráng nối con đường
nhựa thênh thang về Phú Mỹ quê ông. Bên kia vòng xoay trung tâm thị trấn, những
chiếc xe huýt hối hả chở khách từ Mỹ Tho về thăm xứ Bà Bèo. Nhưng vàm Bánh Tét
đã thiếu vắng câu hò cũ lại mất thêm những câu thơ dân giã và những câu đối đậm
mùi men rượu đế. Hiện thực cuộc sống được phơi bày qua câu thơ bình dân, bài vè
thời sự, ngôn từ không hằn học cay cú, không chữ nghĩa văn hoa, nhiều khi “nói
nghe chơi rồi bỏ” theo đúng phong cách nông dân Nam bộ.
Đứng ở bên này Mũi Dụi, xuồng ghe tấp nập, máy nổ thay chèo. Thị
trấn Mỹ Phước hối hả trong quá trình xây dựng phát triển đô thị. Đâu rồi chiếc
xuồng câu lênh đênh giữa ngả ba, thơ thẩn như người chờ thời vận ? Đâu rồi
những câu hò bán vàm của giới thương hồ đậu ghe chờ con nước thuận ? Cuộc đời
là những ngả ba, có khi đó là nơi hội tụ những niềm vui, cũng có khi là nổi cô
đơn, chơi vơi một mình mà chẳng biết chèo lái về đâu trong kiếp người phiêu bạt
theo đúng nghĩa giang hồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét