Ký
Đêm giáng sinh gió bấc lùa qua con hẽm nhỏ. Không
khí se lạnh cuối năm đổ về từng đợt từng
đợt nôn nao như những đứa trẻ ngoài đường tung tăng diện màu áo mới đón Tết.
Cái Tết lần thứ mười của thế kỷ 21 mà thị trấn này đón nhận.
Bạn tôi mua một cành thông, nghe nói đem từ Đà Lạt vô,
trang trí đèn màu rực rỡ. Tất nhiên nó chỉ là cây thông tượng trưng cho ngày
lễ, mai đây những cọng lá hình kim kia sẽ lụi tàn trên cơ thể không gốc rễ,
không nguồn nuôi sống. Đương sự không phải là người theo đạo, sắm một cây trang
trí cho vui, cho nên vừa đặt cây thông xuống vừa phân bua, bây giờ người ta
thích đồ giả hơn đồ thiệt, giả nhưng mà cả chục triệu đó, ít gì. Vừa tức vừa
buồn cười bèn phán một câu “lộng giả thành chơn” rồi xổ luôn một hơi kẻo bạn giận,
noel là ngày lễ của công giáo, nhưng trở thành ngày hội vui của thanh thiếu
niên có đạo và ngoại đạo. Đổ xô ra đường để tìm sự hưng phấn, không ít đứa quá
hưng phấn rủ nhau đua xe, gây tai nạn
đem phiền phức cho gia đình, xã hội.
Chuyện đua xe lan man kéo theo chuyện giao thông đường
phố, chợ búa và những đổi thay thật giả lẫn lộn.
Thị trấn cuối năm với bao nhiêu bận rộn. Ăn Tết xong,
ngày 30-4 sang năm, chợ Cai Lậy chính thức dời về điểm mới, ở phía đông bắc thị
trấn, cách ngôi chợ cũ non một cây số đường chim bay với cái tên hoành tráng
trung tâm thương mại Cai Lậy. Chuyện mua bán ở khu thương mại mới này dự báo sẽ
nhộn nhịp hơn, còn điểm cũ sẽ có các công trình khác mọc lên, nhiều người hy
vọng sẽ là những công trình văn hóa, phục vụ cho nhu cầu giải trí của nhân dân
thị trấn. Công viên, tượng đài... còn phía trước, trong dự tính, song việc
phải rời ngôi chợ đã gắn bó với người
dân hàng thế kỷ chắc hẳn cũng có chút ngậm ngùi hoài niệm...
+
Chợ Cai Lậy do vợ chồng ông Huỳnh Tấn Chiêu lập, bấy
giờ gọi là chợ Thanh Sơn. Ban đầu, chợ Cai Lậy chỉ là một ngôi nhà tre lá, xung quanh
phố xá sơ sài, tọa lạc ở đầu giồng Cai Lễ - tên của một nhân vật về sau được biết
là Cai cơ Ngô Tấn Lễ. Nguyên thủy ngôi chợ nằm giữa khu vực đình Bang Lãnh và
miếu Bảy Bà. Đó là những cơ sở thờ thần thánh của người Minh hương lập xung
quanh chợ, sau nầy đã Việt hóa. Theo dân gian thuật lại, cây đa trước miếu Bảy
Bà hiện nay là chồi rễ của cây đa mà người đương thời trồng để tạo bóng mát nơi
họp chợ. Chợ Cai Lậy bắt đầu sung túc khi có kinh Bà Bèo, tức vào khoảng năm
1785 và đường Thiên Lý, năm 1792. Từ Gia Định xuống miền Tây muốn đi đường thủy
hoặc đường bộ đều phải qua chợ Cai Lậy. Thế nên khu chợ nầy lúc nào cũng “trên
bến dưới thuyền đông vui tấp nập như sách Gia
Định thành thông chí mô tả.
Đến đời Minh Mạng, trước năm
1838, huyện Kiến Đăng cũ đóng tại chợ Cái Thia, thôn Mỹ Đức Đông (nay thuộc
huyện Cái Bè). Nhưng từ khi có huyện Kiến Phong, chợ Cái Thia tuy vẫn còn nằm
trong huyện Kiến Đăng mới nhưng mất vị trí trung tâm nên được dời về thôn Mỹ
Trang, thuộc khu 4, thị trấn Cai Lậy ngày nay. Trước đó mấy mươi năm, tại thôn
Mỹ Trang có đồn lũy khá qui mô do tiền quân Tôn Thất Hội. Phế tích nầy sau được
trùng tu làm huyện lỵ Kiến Đăng, dân gian gọi là Bờ đồn. Sách Đại Nam
nhất thống chí mô tả, đồn Mỹ Trang đắp bằng đất, chu vi 58 trượng, cao 4
thước, có 2 cửa. Bên ngoài có hào sâu 2 thước và có lũy tre bao bọc. Trước năm
1945, đồn Mỹ Trang còn nhiều vết tích. Thời gian sau nầy, người dân đã đào lấy
hết cát nên di tích cổ nầy trở thành bình địa. Ngoài ra, khu vực sát chợ Cai
Lậy, thuộc địa phận làng Hòa Sơn có một đồn nhỏ bảo vệ đồn Mỹ Trang, gọi là bảo
Hòa Sơn. Thực dân Pháp phá hủy bảo Hòa Sơn ngay sau khi chúng vừa xâm chiếm,
mấy chục năm trước đây còn là ao vũng lầy lội phía sau chùa Phật Bửu, thuộc khu
2, thị trấn Cai Lậy.
Sau khi Thực dân Pháp xâm chiếm bình định Nam kỳ, ngày
5 – 7 – 1867, họ xóa Nam kỳ lục tỉnh, các hạt Thanh tra (Inspection) chuyển
thành các hạt Tham Biện (Arrondissement) trực tiếp điều khiển các địa phương.
Trung tâm Cai Lậy do một viên phó Tham biện điều khiển. Ở đây họ dã cho cất một
dinh Tham biện nhỏ. Chợ Cai Lậy trở thành trung tâm
chính trị, kinh tế văn hóa kể từ lúc đó. Năm sau, Bốn Ông (Long, Thận,
Rộng, Đước) chiêu tập nghĩa dân khởi nghĩa chống Pháp. Đêm 24-12-1870 nghĩa
quân Bốn Ông tấn công dinh Tham biện, đốt chợ Cai Lậy. Ngày 01-10-1871, thực
dân Pháp bắt được Bốn ông. Ngày 14-02-1871 (25- Chạp- Canh Ngọ) Thực dân Pháp
hành quyết Bốn ông bên bờ rạch Ba Rài, chỗ chợ Cá hiện thời.
Trong kế hoạch khai thác thuộc địa, thực dân Pháp xây
dựng tại chợ Cai Lậy một trường học, một nhà thơ-dây thép (trạm bưu điện)...
rồi đến năm 1911, họ lập trạm xá y tế và nhà Bảo sản Cai Lậy, cũng đặt gần chợ.
Trong năm nầy chợ Cai Lậy xuất hiện tiệm cầm đồ đầu tiên. Năm 1921, lộ Đông Dương được trải đá, bốn năm
sau, ngày 24-10-1925, cầu đúc được xây dựng. Vì việc bắc cầu đúc, chợ Cai Lậy phải
dời xa về phía bắc, đình Bang Lãnh dời
về phía nam. Bấy giờ nhà cửa còn thưa thớt, hai bên đường trồng me, đến năm
1954 vẫn còn. Đa số nhà trong chợ là nhà lá, tối đốt đèn dầu. Ngoài đường cũng
thắp đèn dầu, lồng đèn quản hạt. Mỗi tối có ông Cai Thị xách mõ vừa đi đốt đèn
đường đi “tuyên truyền phòng cháy chữa cháy”, rao: “Đèn treo xa vách; Nước xách đầy ghè; Tiền để rương xe; Trước khi đi ngủ”
Ấy vậy mà chợ cháy hoài nên bà con tiểu thương hàng
năm phải bày ra lễ tiễn bà Hỏa vào dịp cúng Bốn Ông. Nổi ám ảnh cháy chợ không
còn trong suốt hơn nửa thế kỷ. Song vào lúc nhân loại bước vào thế kỷ XXI thì
chợ Cai Lậy lại cháy. Lần này hình như lỗi không phải ở bà Hỏa. Ngôi chợ bị
cháy là khu vực được xây thêm vào năm 1985, sát cầu đúc Cai Lậy. Ngọn lửa bùng
phát lúc 23 giờ đêm giao thừa thiên
niên kỷ 31-12-2000, đến 6 giờ sáng 1-1-2001 mới dập tắt được. Toàn bộ
khu chợ cùng hàng hóa đều bị thiêu hủy, tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Hình
như cơn hỏa hoạn nầy đã báo trước tương
lai phải dời chợ để tránh nguy cơ cho cây cầu huyết mạch trên quốc lộ.
Trở lại chuyện chợ Cai lậy xưa. Năm 1935 tại chợ Cai
Lậy có thêm một công trình nữa được xây dựng là nhà máy nước Cai Lậy. Nhà lồng chợ lúc nầy là một ngôi nhà vách
ván, ở giữa hai dãy phố, đường vào có hàng me cao xanh rì, tỏa bóng mát. Về
phía đông là trung tâm hành chính của chính quyền thực dân, gọi là Dinh quận.
Gần khu vực nhà thương, nhà máy nước cũng còn khá vắng vẻ, năm 1931, ông Trần
Hữu Tám trèo lên cây dương cạnh nhà thương Cai Lậy để treo lá cờ Đảng đầu tiên,
sự kiện được dựng bia kỉ niệm.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhờ có quốc lộ đi ngang
qua chợ, cùng với chính sách dồn dân lập ấp của chính quyền Sài Gòn, nhiều
người dân ở vùng nông thôn tản cư ra chợ, rồi sau đó định cư hẳn, dần dà biến
xã Thanh Sơn thành một thị trấn sầm uất và một chi khu quân sự. Phía nam là khu
mua bán hàng hóa đủ loại, phía bắc là dãy vựa cá đồng nổi tiếng... Chợ Cai Lậy bấy giờ trở
thành nơi trung chuyển hàng hóa từ Sài Gòn-Chợ Lớn đến vùng Mộc Hóa. Nhiều công
trình trường học xung quanh chợ mọc lên như trường trung học Đốc Binh Kiều,
trường bán công Tứ Kiệt...
+
Lược các sự kiện lịch sử có vẻ khô khan song cần
thiết. Trăm năm dâu bể, sự đổi thay khiến người đời nay khó có thể hình dung,
huống hồ con cháu mai sau, như căn nhà bên con hẽm nhỏ mà chúng tôi đang ngồi
đón năm mới mấy năm trước còn là con rạch nổi tiếng một thời: Rạch Ông Hiệu.
Hồi còn là chợ Thanh Sơn, sông Ba Rài mang trên mình
hai con rạch nổi tiếng Ông Hiệu và Ông Tang. Hai vị tiền hiền khai khẩn lập nên
làng Hòa Thuận và làng Mỹ Trang mà một phần lớn đất đai đã nhập vào thị trấn.
Ông Lê Phước Tang bị vua Gia Long xiềng mả, trở nên nổi tiếng rồi bị thế hệ sau
đào mả tìm cổ vật đem bán, còn ông Phan Văn Hiệu con cháu thời nay không còn
đất để bán nên lấp rạch..., xây nhà. Thật ra họ không nghèo tiền nghèo bạc đến
nổi xúc phạm tổ tiên mà họ chỉ nghèo kiến thức.
Cái chết của rạch ông Hiệu đã được báo trước từ mấy
chục năm về trước. Hồi những năm 1960, nó còn là dòng nước rộng sâu, xuồng ghe
qua lại dập dìu, ghe chài vô đến tận xóm Lò vôi ở Bến Cát, ven rạch còn mấy cái
lẫm lúa của các nhà địa chủ. Hai bên rạch có hàng dừa thơ mộng chiều chiều mấy
đứa trẻ ra đu tàu dừa nhảy xuống nước nô đùa. Hồi Mậu Thân, con rạch trở thành
chiến hào tự nhiên để các cánh quân của ta tiến vào đánh chi khu Cai Lậy..., và
máu cũng đã thấm vào cuộc đất ven bờ.
Ở xứ sở sông nước hiền hòa, không biết người ta học ở
đâu kiểu đắp đập ngăn sông lập trạm bơm thủy lợi. Lợi đâu chẳng thấy, chỉ tội
cho con rạch bị biến thành dòng nước chết, ao tù, thành nơi xả rác. Nhưng thay
vì cải tạo phục hồi dòng nước năm xưa thì người ta lại suy tính tới chuyện lấp
rạch làm đường. Đường giống như một con hẽm nhỏ, chẳng phục vụ việc đi lại và
mở mang phố xá bao nhiêu, chỉ thỏa mãn lợi ích trước mắt của một nhóm người.
Không biết về sau con cháu có ghi vào trong sử sách những người đã “bắn vào quá
khứ bằng phát súng lục”.
+
Nhân nói chuyện lịch sử, bây giờ có phong trào nhà nhà
làm sử, người người viết sử. Các địa phương phát động viết sử với mục đích và
động cơ tốt đẹp là giáo dục truyền thống. Và rồi giống như các học trò học môn
văn hiện nay phải có bài văn mẫu, nên lịch sử địa phương thường được diễn ra
theo ý muốn các “sử quan”, chứ không phải như nó vốn có. Cho nên có nhiều
chuyện bi hài ở địa phương khi những nhân chứng lịch sử cãi nhau giành công
trong một trận đánh, rồi từ là những đồng chí đồng đội cùng nhau vào sanh ra tử
lại mích lòng nhau vì chút danh dự hão huyền ở tuổi đã về hưu.
Chỉ có những hy sinh thầm lặng mà các nhà viết sử
không để ý nên mới không ai lên tiếng
giành phần.
Trước cuộc Nam kỳ khởi nghĩa nổ ra, ở chợ Cai Lậy có
nhóm Ngũ hùng, đó là ông Tư Đề làm đại lý báo Dân Chúng - tờ báo có tư tưởng
Mác xít bị cấm lưu hành, ông Hai Hớt tóc, ông Ba Nam, Sáu Tuất và Phạm Văn Thử.
Tên gọi Ngũ hùng không phải do họ tự xưng mà do người đời đặt để. Nhuốm một
chút màu sắc Lương Sơn bạc, các hoạt động cách mạng của họ có vẻ ly kỳ như
những tay anh chị. Họ lấy đình Bang Lãnh làm nơi tụ tập của nhóm. Năm 1937, lúc
cao trào đòi dân sinh dân chủ, ngay ngày cúng đình đình Bang Lãnh, nhóm Ngũ
hùng được lệnh tổ chức biểu tình. Lúc này cầu đúc Cai Lậy đang làm, chưa phá
giàn giáo. Quận Tâm đang ngồi khán đài trên cầu xem đua xuồng. Dân chúng tụ tập
xem đua khá đông mé bên bờ chùa Minh Sư. Trên lộ có một chiếc xe quảng cáo
thuốc đang đậu. Nhân tiện, bà Kim Chi nhảy lên xe, dùng loa phóng thanh quảng
cáo để tuyên truyền. Quận Tâm phản ứng ngay lập tức bằng cách huy động Mã tà
giải tán đám đông. Nhân lúc lộn xộn, bà Kim Chi được nhóm Ngũ hùng bảo vệ thoát
khỏi. Sau sự kiện đó, quận Tâm cũng học theo Thi Nại Am trong Thủy hử, mở võ
đài nhằm chiêu dụ Ngũ hùng, song không thành, bèn sai Hương cả Khánh tung tay
chân ra điều tra hành tung của nhóm. Khoảng tháng 9 năm 1940 nhóm Ngũ hùng được
triệu tập họp tại đồng Mả Vôi để chuẩn bị cho cuộc Nam kỳ khởi nghĩa, phân công
mỗi đêm hô loa kêu gọi đồng bào. Cơ mưu bại lộ, viên thơ ký của Cả Khánh vốn là
người tốt nên đã báo cho nhóm Ngũ hùng biết, nhưng vì chủ quan nên cả năm vị
đều bị bắt và bị tra tấn tàn nhẫn, hai người chết tại dinh quận, còn số khác
giải về Mỹ Tho rồi tuyệt thực chết, quyết giữ bí mật cuộc khởi nghĩa.
Câu chuyện trên tôi được nghe cụ Trần Hữu Tám thuật
lại, cụ cũng cho biết đêm cụ treo lá cờ Đảng trên ngọn cây dương là vào đêm lễ
Chánh chung nước Pháp, nhân lúc làng lính ăn lễ, không cảnh giác. Về sau không
hiểu các “sử gia” địa phương hiểu sao mà kéo thời gian về đúng ngày 3 tháng 2
cho hoành tráng. Nhưng bia đã lỡ dựng rồi, sự kiện đã khắc ghi vào đá, sau này
con cháu nghiên cứu lịch sử có hỏi thì giải thích đó là chuyện trùng hợp ngẫu
nhiên vậy.
+
Trăm năm dâu dể, người đời phải chấp nhận sự đổi thay,
để định hình cái mới nhưng cái mới định hình theo kiểu “lộng giả thành chơn”
hay đồ giả mà phải tốn cả chục triệu để mua như cành thông của bạn tôi thì
thiệt là buồn.
Noel 2009
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét