Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

30 NĂM LÀNG QUÊ THẠNH PHÚ

Trở lại Mối Nhíp.

Mối Nhíp là nơi tiếp giáp với xã Mỹ Thành Bắc và xã Tân Hòa (thuộc tỉnh Long An), có người gọi là Mũi Nhíp, có lẻ do nơi tiếp giáp Hai Hạt là một mũi nhọn. Ấp Một xã Thạnh Lộc nằm trên bờ kinh Mối Nhíp là ấp có số dân ít nhất trong xã, nên diện tích bình quân mỗi hộ gần 1 ha ruộng. Ruộng nhiều, năng suất lại cao, mỗi năm thu hoạch đến 16 tấn/ha.

Chợ Thạnh Lộc nằm sát bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, từ khi có cầu bắc qua kinh, ngôi chợ trở thành trung tâm mua bán của các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc...Xung quanh chợ là những dãy phố lầu sầm uất, có hơn 100 hộ mua bán, dù còn danh xưng là chợ xã nhưng ở đây không thiếu các dịch vụ từ chuyện làm đẹp của các bà, các chị đến mua bán điện thoại di động, quay phim, chụp ảnh...

Thạnh Lộc đang hối hả xây dựng. Năm 2009, nhiều công trình quan trọng đã được khởi công và sắp hoàn thành như nâng cấp lộ Kinh 10, xây dựng mới 5 cầu bê tông, xây dựng tuyến dân cư kinh Tám Bì, tuyến đê bao chống lũ kinh Tám Dư, qui hoạch đường ống cung cấp nước sạch cho ấp 4 và ấp 5...Tỉnh lộ 865 - con đường huyết mạch trên tuyến đang thi công nâng cấp trải nhựa. Công trình nầy chậm hơn so với dự kiến do công tác đền bù giải tỏa. Sự chậm trễ đó phần nào đã làm khựng lại cái guồng máy đang phát triển của khu vực. Nhưng dẫu sao, so với năm 1980, mỗi khi đến vùng nầy phải đợi đò mỗi ngày một chuyến, từ huyện lỵ vô Thạnh Lộc phải mất một ngày đi, một ngày về thì nay chỉ cần 30 phút. 

Nhớ lại, năm năm sau ngày chia xã, tôi đón đò về thăm vùng này, Năm ấy, đường tỉnh 865 vừa mới đắp phần nền, nước lũ tràn về vượt qua mặt đường chảy tràn xuống vùng nam kinh Nguyễn Văn Tiếp. Nước về, phía Mối Nhíp đang đắp bờ hàn kinh ngăn lũ, cứu lúa. Cả cánh đồng phía nam kinh Nguyễn Văn Tiếp lúa chỉ còn chút bông ló lên mặt nước, mọi người hối hả đổ ra đồng, lặn xuống nước cắt ngầm từng bó chất lên xuồng. Phía Tân Hòa sợ nước ứ lại không cho đắp bờ bao, du kích hai giáp ranh xách súng ra bắn thị uy đe dọa.

Ông Chín Thợ Rèn, tên Phước năm ấy đã 72 tuổi, bà con gọi ông là Phước Búa thầu, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm và vui tính. Ông thuộc thế hệ cuối cùng những người đàn ông ăn trầu và cũng là những người thợ rèn cuối cùng của vùng này còn biết nghề rèn lưỡi hái cắt lúa.

Ông thợ rèn già vừa rèn lưỡi hái cho bà con cắt  lúa chạy lũ vừa kể chuyện đắp cản hàn kinh hồi trào Việt Minh ở Kinh Gãy. Không phải đắp đập ngăn lũ mà là ngăn tàu giặc. Cả ngàn người tới, dùng ghe chở đất, đục đáy ghe nhận chìm, xóc tràm, tre…rồi trồng chuối lên để nghi trang. Giặc vô dùng bom mìn đánh phá, giải tỏa lòng kinh, có lần chúng đánh sập đập nước, Việt Minh đánh mõ huy động cả ngàn người tới đắp lại. Bấy giờ mọi người đoàn kết lắm. Xóm giềng có gây lộn thì tổ chức họp kiểm điểm, bắt tay nhau thề không gây nữa. Ngày Tết mấy anh em bơi xuồng xin quà, gạo, bánh mứt của các gia đình khá giả chia cho dân nghèo ăn Tết. Thời kháng Pháp dân ở hai bên bờ kinh Gãy khá đông, mỗi chiều tập trung ở nhà ngói ông Cả Mùi đẻo súng cây tập lính. Lò rèn nhà ông tổ chức sản xuất lựu đạn gang, mã tấu cung cấp cho Việt Minh.

Năm 1958, địch cào nhà gom dân, ông chạy ra Bình Phú ở được một năm rồi cũng trở về xóm cũ, mấy đứa con khuyên ông đi ra vùng tạm chiến, ông dạy, theo chúa nào thì phò chúa nấy, đã theo Cộng sản thì thờ Cộng sản, không được phản. Tới Đồng khởi, năm 1960, ông Hai Bộ bàn chế súng ngựa trời bằng ống tuýp sườn xe đạp, dùng miểng chai, sắt vụn dồn vào họng súng, có cò vỗ, lấy diêm sanh làm chất nổ. Đem đi bắn thử, súng nổ ngang hông, văng miểng bị thương người bắn, đặt tên ngựa trời cái. Cho nên có súng mà không dám bắn, chủ yếu là để gợi tò mò, lúc nào cũng được bó lại, nửa kín nửa hở...

Bấy giờ Mối Nhíp là tam giác hoang vu, căn cứ cách mạng vào những năm đen tối thời Ngô Đình Diệm. Những nông dân như ông Hai Kim, Hai Thì, chị Hai Nông dân sáng chiều lui tới vườn trâm bầu đem cơm nước nuôi "Việt cộng nằm vùng". Tới những ngày đồng khởi 1960, họ rủ nhau rần rần kéo ra kinh Mười, qua bót giặc, hù dọa “chết tụi bây rồi, bộ đội mang súng ngựa trời về”, tự dưng đám làng lính hốt hoảng bỏ chạy. Hóa ra cây súng ngựa trời bên nào cũng sợ.

…Trở về thăm Thạnh Lộc lần này, nhắc lại chuyện cũ, ít người nhớ ông Chín Búa Thầu, ông Hai Bộ. Mấy anh ở Ủy Ban xã cũng không nhớ ngày xã mình thành lập, nên không nghĩ tới chuyện tổ chức lễ kỉ niệm. Dân vùng Đồng Tháp Mười là vậy. Vô tư. Lặng lẽ. Thạnh Lộc không tổng kết 30 năm thành lập và phát triển, song cái ấp nghèo nhất xã hồi năm 1979 bên bờ kinh Mối Nhíp nay xây dựng ấp văn hóa với thu nhập bình quân đầu người hơn 6 triệu đồng/năm, có lẻ đó là bản tổng kết sinh động nhất. Bê tông hóa đường đi, dọn dẹp tu chỉnh cảnh quang cho đẹp, song cũng nên bảo tồn khu vườn trâm bầu ở vuông Bộ Phước, nhắc nhỡ những ai đã từng ở đó đừng quên, và con cháu mai sau có chỗ để về nguồn.

Ký ức Trấp Bèo.

Nằm trong cái vạt đất trủng rất đặc trưng của Đồng Tháp Mười kéo dài từ ấp 6 đến ấp 5 B xã Phú Cường, hồi chưa chia xã Thạnh Phú khu vực Trấp Bèo là cánh đồng đầy năn kim làm lúa một vụ. Nghe nói lúc mới có kinh Tổng Đốc Lộc là đã có người tới cất nhà làm ruộng.

Nhắc lại chút lịch sử, năm 1895, Trần Bá Lộc đã ngó tới vùng Đồng Tháp Mười bèn bắt dân vùng Cái Bè, Cai Lậy đào một con kinh từ Rạch Ruộng đến Bà Bèo. Dân gian lưu truyền, khi phóng kinh, Lộc ngồi trên chiếc ghe lườn trải chiếu bông, bắt dân kéo theo tầm ngắm ống dòm, rồi căn cứ vào vết ghe lướt qua vùng sậy đế đưng lác mà cắm bông tiêu, chia đoạn mà đào. Kinh được đào tay bề ngang khoảng 3 thước, dài 47 cây số. Hồi đó dân phu đào kinh bị chết rất nhiều, do thiếu nước ngọt và dịch bệnh kiết lỵ. Mục đích của Lộc là chiếm đất, khai thác vùng Thiên Hộ, Phụng Thớt. Cho nên sau khi thành khoảnh, đất đai được giao cho cháu nội hắn là Trần Bá Trình, tục gọi là cậu Mười Bảy chết trẻ lúc 30 tuổi, địa chủ lập phủ thờ ở Ngả Sáu- Cái Bè. Kinh Tổng Đốc Lộc khánh thành vào tháng 07-1897, từ năm 1918 đến 1924, thực dân Pháp đã nhiều lần dùng xáng múc cải tạo lại nên còn gọi là kinh Xáng. Năm 1947, kinh Tổng Đốc Lộc được Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Mỹ Tho đổi tên là kinh Nguyễn Văn Tiếp.

Gia đình bác Bảy Võ Văn Khánh là một trong những nông dân đầu tiên lập nghiệp phía bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp. Năm năm sau ngày lập xã, bác Bảy Khánh đã bước và tuổi cổ lai hy, gầy, tóc hoa râm, mặt xương, má hóp khắc khổ. Qua hai đời định cư mà nhà cửa còn đơn sơ, mái lợp tôn. Tiện nghi quí giá nhất là cái tivi đen trắng 12 inch, chạy bằng ắc qui.

Hồi ông còn nhỏ, rạch Trấp Bèo còn là đường mương dẫn vô bưng Sình Chạy, sen mọc bạt ngàn. Ông kể, chỗ lung Thị Ngoãn có một cây cột to, bọn trẻ thường ra lung bắt cá, ôm cột đùa giỡn, người xưa bảo là cột buồm, nhiều năm trước vẫn còn nguyên ròng rọc, nhưng không ai quả quyết. Có lẻ tiềm thức Đồng Tháp Mười vốn là biển cả vẫn còn hằn sâu trong ký ức qua nhiều thế hệ.

Xưa ở bưng ở trấp rùa rất nhiều, đốt đồng bắt rùa vui nhứt. Đỉa thì khỏi phải nói, lội lềnh đen nước. Chuột cũng nhiều vô kể, có năm chuột chuyển đồng đến 1 -2 tiếng, lội rạp đưng năn, bắt không hết. Kinh nghiệm của người xưa nơi nào năn kim mọc nhiều thì nơi đó phèn nặng khó có thể cấy lúa, cho nên khẩn ruộng chỉ chọn nơi có sen mọc nhiều. Lúc ông còn nhỏ vùng này đã cấy lúa, thân phụ ông vốn là bầu vạn cấy. Lúa cấy vào tháng bảy âm lịch, các giống Gan đá, Nàng lai, cao giàn vượt nước, chỗ nào thấp hoặc năm nước lụt thì sạ Trường hưng, nàng Tri vượt nước. Nguồn sống hồi đó chủ yếu làm ruộng, lấy đưng, đốn tràm và bắt cá. Gà đãy nhiều, hồi nhỏ thấy gà đãy rất sợ. Gà vô tới nhà rình bắt heo con. Xa xa phía trong lung là một gò đất cao, gọi là sân heo. Ông bà xưa kể mỗi chiều về heo rừng tụ tập đông, chúng kêu nghe rợn óc. Chỗ Cống chùa có cây kè lớn, bên dưới có một cái miếu hoang sập hư, nghe nói thờ “những người tiền chủ ”, ông Sáu Dần làm ruộng gần đó, một đêm nằm chiêm bao thấy họ về, sợ quá nên sửa miếu lại. Qua mấy năm chiến tranh cây kè vẫn còn, miếu sập lâu rồi.  

 Trước năm ông Công an Bảy bị xử máy chém, bác Bảy còn bám trụ làm ruộng. Mấy năm sau tụi lính khu trù mật lên bán phá quá, ông bỏ ruộng tản cư. Năm 1975, ông trở về điên điển mọc thành rừng, sậy đế cao khỏi đầu, thưa thớt chỉ có vài ba ngôi  nhà.

+

Nhờ mở rộng các con kinh sườn, nước phèn được đưa ra sông lớn nhanh chóng, vùng đất ven kinh Nguyễn Văn Tiếp bây giờ trở nên trù phú, song nó cũng trải qua không ít thăng trầm thời cuộc. Có những chuyện nhắc lại như một kỉ niệm buồn.

Năm 1981, sau khi có tỉnh lộ 865, khu vực Trấp Bèo được Đội 4 – Nông trường Ấp Bắc khai phá trồng lúa. Nhưng lúa sạ tốt tươi được vài tuần lễ thì lụn dần do “phèn dậy”. Vài năm sau, một hệ thống kinh 26 tháng 3, kinh Trấp Bèo, Cống Chùa, Cống Kho…được xẻ rộng nối kinh Nguyễn Văn Tiếp và Hai Hạt. Trong lúc đào kinh xẻ cống thì phát hiện lớp than bùn tiềm ẩn trong lòng đất. Bấy giờ huyện là đơn vị kinh tế kỹ thuật theo cơ cấu nông công nghiệp vì vậy một xí nghiệp khai thác than bùn của huyện nhanh chóng mọc lên. Nhưng rồi sản phẩm than chẳng ra than, bùn chẳng ra bùn ấy bán không ai mua nên xí nghiệp Than bùn nhanh chóng chết yểu. Tuy nhiên cái được là hiệu quả của các con kinh đào. Nó giúp xả phèn nhanh chóng, ít năm sau, đội 4-Nông trường Ấp Bắc khoán đất lại cho dân, việc khai thác diễn ra nhanh hơn dự tính, chưa đầy 10 năm đã trồng được lúa 1 vụ, rồi 2 vụ và hiện nay là 3 vụ với năng suất bình quân hơn 6 tấn/ ha/vụ. Vài năm nay, vùng đất nầy xen canh thêm dưa hấu. Một cái chợ Dưa tự phát mọc lên đối diện trụ sở Ủy ban xã nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán. Xe tải các nơi đến đậu xếp hàng chờ lấy dưa chở về Sài Gòn, ra tận miền Bắc để xuất khẩu. Thật khó có thể hình dung Đồng Tháp Mười quanh năm phèn mặn ngày xưa nay lại có dưa hấu bán tận bên Tàu.

Chỗ xí nghiệp Than bùn bây giờ là Trung tâm nông sản Phú Cường, thành lập năm 2002, với diện tích hơn 32 ha, bình thường trông có vẻ lặng lẽ, nhưng vào vụ thì nhộn nhịp với các hoạt động xay xát, chế biến và kinh doanh gạo xuất khẩu và nội địa... Ở đây còn có dịch vụ  phơi, sấy, bảo quản, gia công xay xát lúa, lau bóng gạo, sấy cám, môi giới mua bán lúa gạo cho nông dân, thông tin giá cả, thị trường nông sản, hàng hóa; kinh doanh dịch vụ xăng dầu, vật tư nông nghiệp, cho thuê kho bãi....Trung tâm thu hút một lượng lớn tàu ghe từ Long An, Đồng Tháp đến mua bán trao đổi lúa gạo... Người dân Phú Cường hiện tại không chỉ có dưa, có lúa mà còn có thêm công ăn việc làm khác từ các dịch vụ của Trung tâm lúa gạo và chợ Dưa theo mùa.

30 năm, dấu vết Trấp Bèo không còn. Những cái tên Sân Heo, bưng Sình Chạy, lung Thị Ngoãn càng lùi xa vào quá khứ khi mọi ngỏ ngách trong xóm ấp đều được bê tông hóa. Phú Cường - ước vọng giàu - mạnh của người dân đang dần trở thành hiện thực sau hơn một phần tư thế kỷ.


Mùa Áp thấp-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét