Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

ĐI TÌM DI TÍCH QUAN LỚN SEN Ở SA ĐÉC

Đọc Nam kỳ tuần báo (số 29-1e Arril 1943), thấy có bài của ông Khuông Việt viết về ông Quan Lớn Sen Nguyễn Văn Nhơn ở Sa Đéc. Ngày 8-1-2013, quyết định quay lại Sa Đéc, nhân tiện bon thẳng lên Long Xuyên, Châu Đốc.

Bài của ông Khuông Việt mô tả “Muốn viếng mộ quan lớn Sen, chúng tôi phải thuê xe ngựa vì mộ ngài ở về ấp Khánh Thuận làng Tân Đông (trước là Tân Khánh) cách tỉnh lỵ Sa Đéc hơn tám cây số. Trước kia mộ ở cận bờ Tiền Giang, vì sau đất lở mới dời vào phía bên kia đường Sa Đéc-Cao Lãnh”. Điện hỏi anh Hiếu, anh cho biết, Sa Đéc có đền thờ, theo lộ 80, từ Cao Lãnh sang, hỏi người dân sẽ biết.
Đến xã Tân Khánh Đông, ghé một quán nước ven đường gặp một bà cụ, may mắn bà có biết vài chuyện ở đình Tân Khánh. Đình này có thờ Ông Quan Lớn, linh lắm. Trước năm 1975, có một viên đại uý quân đội VNCH vô khuôn viên đình, đến mộ quan lớn xôm tìm hầm bí mật của cán bộ cách mạng. Tìm mãi không gặp, hắn ta bèn bày rượu thịt trước mộ ông cúng. Hắn rót rượu vái “Ông làm quan, tôi cũng làm quan, nhưng chắc tôi quan lớn hơn ông, nên tôi uống trước”. Nói xong hắn cắm đầu xuống nền mộ, không ngóc dậy được. Bà con xung quanh thấy vậy, nhắn gia đình hắn tới, vái cúng 1 con heo hắn lới tỉnh vậy được. Rồi sau đó, hắn đem lại ngôi mộ cúng một cặp hạc bằng xi măng, nay vẫn còn.
Quẹo về phía tây, men theo con đường nhỏ, qua cầu, độ khoảng hơn hai cây số thì tới đình Tân Khánh. Tìm mãi mới gặp người quản lý. Té ra từ giữ đình lại là một phụ nữ. Vòng vo một lúc thì vỡ lẻ, quan lớn được thờ ở đình không phải là Quan Lớn Sen. Hỏi trong xã còn có khu mộ cổ nào không. Bà cho biết bên ấp Đông Quới Tân Đông có khu mộ gọi là mộ Quan lớn. Muốn biết thì ghé đình Tân Đông mà hỏi.
Thì ra  xã Tân Khánh Đông có hai ngôi đình Tân Khánh và Tân Đông. Người thủ từ cho biết đình chỉ có một lá sắc phong Bổn cảnh thành hoàng. Còn quan lớn được phối tự ở bàn Hội Đồng. Ngoài bài vị xưa chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng, còn có thêm tấm bảng ghi bằng chữ quốc ngữ “Nguyễn Văn Nhơn/Kinh môn quận công/Quan đại thần của triều Nguyễn…”.
Việc cúng tế quan lớn cũng tổ chức trong lễ Kỳ yên tháng chạp, còn lễ giỗ ông được tổ chức vào tiết Thanh minh. Cũng theo người thủ từ thì hậu duệ của quan Kinh Môn quận công hầu hết đã định cư ở nước ngoài, nhưng hằng năm họ đều về quê lo sửa sang phần mộ. Gần đây họ có về tài trợ cất cho đình ngôi nhà khói/nhà trù làm nơi nấu nướng. Phần mộ của quận công và phu nhân tọa lạc ở ấp Đông Huề cùng xã, hiện nay cũng được con cháu trùng tu lại khang trang hơn bằng các loại nguyên vật liệu hiện đại nên không còn giữ được nét cổ kính như xưa.

Nhớ lại, trong tờ Nam Kỳ tuần báo, nhà báo Khuông Việt đã chép lại câu chuyện dân gian được lưu truyền: “Chúa Nguyễn Ánh trong lúc bôn đào rày đây mai đó, phó thác việc hầu hạ mẹ cho tùy tướng Nguyễn Văn Nhơn. Những khi quốc mẫu mệt nhọc, thường dùng chè hột sen của Nhơn dưng lên. Lâu ngày quen miệng nên mỗi lúc cần đến món ăn bổ khỏe ấy, bà chỉ cần gọi “sen” là tự khắc có Nhơn đến. Vì thế mới có ba tiếng “quan lớn Sen” của người tặng riêng cho Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhơn”.

Người thủ từ đình Tân Đông xác nhận chuyện này và không có dị bản nào khác. Có điều còn tiếc vì khu mộ xưa ở ấp Đông Huề đã trùng tu bằng vật liệu hiện đại nên quyết định không sang đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét