Miếu Vạn Ban nằm sát
chân núi Tượng thuộc ấp An Định, thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên-An Giang là
một trong những cơ sở tín ngưỡng của Tứ ân Hiếu nghĩa - một dạng tôn giáo cứu thế, nhánh phát triển của Bửu sơn Kỳ hương. Thị
trấn Ba Chúc ngày nay được hình thành từ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp hồi
cuối thế kỷ 19 ở một số tỉnh Nam kỳ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa do Đức bổn sư
Ngô Lợi lãnh đạo.
1. Ngô Lợi có thể tên là Ngô Văn Lợi, chữ Hán viết trang
trọng là Ngô tự Lợi. Theo tài liệu của nhà văn Sơn
Nam, quê Ngô Lợi ở làng Trà Tân (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy - Tiền Giang), nhưng cũng có người nói quê ông ở Trà Lọt (Cái Bè), Mõ Cày (Bến Tre) hay cù lao Ba Vĩnh Long.
Miếu Vạn Ban |
Tương truyền ông có biệt tài “đi thiếp”, tự làm mình như chết rồi sống lại, rồi thuật nhiều
chuyện lạ lùng, nên còn gọi là ông Năm Thiếp, tín đồ tôn ông là
Đức Bổn sư. Năm 1870
Đức Bổn Sư chính thức “phát phái” cho những người quy y theo đạo. Hai năm sau, ngài tập hợp tín đồ đến vùng Thất Sơn để khai phá, trồng tỉa, lập thêm thôn xóm như thôn An Định tại núi Tượng thôn An Hòa, An Thành. Để có chỗ dựa tinh thần, ngài cất một số cơ sở chùa chiền để chúng dân có chỗ tu hành.
Vào khoảng năm 1877,
Bổn sư
Ngô Lợi thường
đến vùng Cai Lậy (Mỹ Tho) phát thuốc chữa trị cho nhân dân. Lúc đó tại địa phương này có một trận dịch lớn. Ông nói đời “Hạ Nguơn” đã hết nên giặc Lang sa đánh chiếm nước ta, lại
thêm dịch bệnh lan tràn, người chết không kịp chôn. Minh vương đã xuống trần cứu
đời, bà con ráng tu nhơn học Phật.
Năm sau, ông về chùa Hiếu Nghĩa ở xã Hòa Khánh, tổng Phong Hòa
(Cái Bè) cùng với một đệ tử người địa phương tên là Nguyễn Văn Vi, thường gọi ông
Đạo Tư, tổ chức một cuộc lễ làm chay có đến 2.000 người dự, thực tế đây là cuộc lễ cúng tế những nghĩa sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa hồi tháng 5 năm 1875 của
nghĩa quân làng An Định. Lúc đăng đàn thuyết pháp, Bổn sư Ngô Lợi đã kêu gọi mọi người hưởng
ứng nổi lên chống lại giặc Lang sa cướp nước. Đồng thời để xây dựng phong trào
và phát triển lực lượng, ông cấp phát cho hai đệ tử thân tín của mình là Lê Văn
Ong và Võ Văn Khả hai cấp bằng Lãnh binh và Phó Lãnh binh. Cả ba người Nguyễn
Văn Vi, Lê Văn Ong và Võ Văn Khả nguyên
là thuộc tướng của Thiên Hộ Dương.
Sau đó Lê Văn Ong và Võ Văn Khả về làng Tân Phú Đông, tổng Thuận
Bình (Mỹ Tho) chiêu mộ nghĩa quân, tích trữ lương thực, mua sắm vũ khí, chờ thời
cơ chuẩn bị khởi nghĩa. Hai ông có tài thu phục nhân tâm nhờ các “phép lạ” như
sái đậu thành binh, gánh nước bằng bội, cầm roi mây cỡi ngựa chuối... Hai ông xõa
tóc cầm gươm, bắt ấn, đọc chú rồi vãi ra một nắm đậu, lập tức xuất hiện một đội
quân diễu hành theo lối “Hàn
Tín điểm binh” đi ngang đi dọc theo hiệu cờ, hiệu trống, có người cầm vũ khí, có
người gánh nước bằng bội nhưng trong bội có để sẵn cái tĩn nước:
Sau thêm Ong Khả lẫy lừng
Roi mây ngựa chuối giăng giăng khởi cùng
Dối rằng phép lạ Năm Ông
Bùa linh hiển hách súng không làm gì
Dân lành chẳng hiểu việc chi
Ngỡ là diệu pháp vậy thì rùng theo.
(Nam Kỳ phong tục nhơn vật
diễn ca-Nguyễn Liên Phong-1909)
Thực tế đây là
cuộc diễu binh vào ban đêm, bố trí
cờ xí trống phách trợ oai trong
không gian mờ mờ ảo ảo nhằm phát huy hiệu quả các xảo thuật. Bấy giờ có người theo dõi mật báo, Cai tổng
Thuận Bình cho tay chân đến bắt
được một số người nộp cho chính
quyền cấp trên khai thác.
2. Trước nguy
cơ bại lộ, Lãnh binh Ong và Phó Lãnh binh Khả quyết định khởi nghĩa. Chiều ngày
30-4-1878 nghĩa quân tập trung tại làng Tân Phú Đông chờ lệnh. Thực dân Pháp
hay tin vội điều động binh lực tăng viện trợ cho đồn Thuộc Nhiêu và đồn Cai Lậy.
Đích thân tên Chánh Tham biện Mỹ Tho chỉ huy một đội quân gồm 10 tên lính thuỷ
và 38 lính mã tà đầy đủ các loại vũ khí dùng một tàu chiến theo sông Tiền tiến
về Cai Lậy.
Ngày 2-5-1878, nghĩa quân làm lễ xuất quân ở bờ kinh Bà Bèo (vùng tiếp giáp Đồng Tháp Mười).
Hàng trăm người vũ trang bằng gậy gộc giáo mác đánh trống reo hò, dùng kế nghi
binh như sắp tấn công Cai Lậy. Nhưng thực tế đạo quân chủ lực lại tập trung ở làng
Cửu Viễn, tổng Thuận Trị (nay là xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành-Tiền
Giang) để theo lộ Đông Dương tấn công vào Mỹ Tho. Trên đường tiến quân, nghĩa
quân được nhân dân đi theo ủng hộ, thanh thế rất cao.
Cùng lúc đó thì tín đồ đệ tử của Ngô Lợi ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) cũng sẵn sàng nổi lên hưởng ứng và phối hợp chiến
đấu. Theo tờ châu bản ngày mồng 1 tháng 6 năm Tự Đức thứ
31, hai viện Cơ mật và viện Thương bạc đã dâng lên vua Tự Đức một tờ bẩm về
cuộc nổi dậy của “bọn phỉ” ở các xứ Tháp Mười, Cai Lậy và Vũng Liêm. Tờ bẩm này
nói rõ bọn nổi lên phần nhiều người trong đạo Thích, nhưng khi hành binh dùng
nhiều ảo thuật, hoặc kết cỏ thành hình nộm, sai cầm cờ, cầm kiếm, đánh trống
reo hò tiếng người...( Châu bản triều Nguyễn tháng 4, ngày
mồng 7-Viện cơ mật (HTBC-No 2171) – Châu bản triều Nguyễn-Tư liệu Phật giáo-Lý
Kim Hoa-NXB Văn hóa Thông tin 2003)
Tuy nhiên, nhờ có hệ thống “dây thép” nên thực dân Pháp đã được thông tin nhanh chóng và có sự chuẩn bị đối phó. Tham biện Mỹ
Tho đã ra lệnh cho Đốc phủ Lộc dẫn quân đàn áp. Ông Lê Văn Ong rút về Tháp Mười
tiếp tục chỉ huy kháng chiến. Ông Võ Văn Khả bị bệnh nặng phải lánh về quê nhà ở
làng An Mỹ, tổng Lợi Thuận (nay là xã Phú An, huyện Cai Lậy) điều trị. Nhưng
sau đó quân Pháp đã bắt được hai ông và đem ra xử chém tại đồn Thuộc Nhiêu:
Rủi ro Ong, Khả vận nghèo
Bắt đều chém tại Thuộc Nhiêu cựu đồn.
(Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca-Nguyễn Liên Phong-1909)
Sau cuộc khởi nghĩa, Trần Bá Lộc tổ chức các cuộc đàn
áp gắt gao. Nhiều hương chức đã
đem quỹ công nho nộp cho nghĩa quân đều bị bắt tra tấn, tù đày. Làng Tân Phú Đông
bị cắt chuyển về tổng Lợi Trinh, gần Cai Lậy dể kiểm soát hơn. Những tín đồ của
Đức Bổn sư Ngô Lợi ở vùng Cai
Lậy và Vũng Liêm phải rời địa phương
tìm nơi khác lánh nạn. Theo nghiên cứu của nhà văn Sơn Nam, trong số này có 30 nghĩa
quân lánh nạn ở núi Tượng (Châu Đốc). Ba chục người này đã khai phá lập một xóm
nhỏ gọi là xóm Ba Chục, về sau phát triển thành làng xã, nói trại thành Ba
Chúc, tức thị trấn Ba Chúc ngày nay. Do đó, ngày nay khi đến Ba Chúc hỏi thăm
có nhiều người cho biết quê quán của mình ở vùng Cai Lậy hoặc Bến Tranh, tỉnh
Tiền Giang.
Theo ông Nguyễn Văn Thắm – ông từ quản lý chăm
sóc miếu Vạn Ban bên chân núi Tượng, hiện nay, quanh núi Tượng có
khoảng vài ngàn tín đồ Tứ ân hiếu nghĩa. Những người có
trách nhiệm trong đạo đều để tóc để râu – biểu thị tâm huyết giữ gìn cổ tục của người xưa.
Ngọc
Phan - Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét