Bên bờ
sông Đốc Vàng Thượng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, H.Thanh Bình, Đồng Tháp,
có một ngôi đền gọi là Dinh ông Đốc Vàng, hằng năm đến ngày 15, 16 tháng 2 âm
lịch, đồng bào đến lễ bái tấp nập. Dinh hiện
nay được trùng tu khá quy mô, cổng chính hướng về phía quốc lộ 30, biển ghi:
“Đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng”, hai bên có câu đối viết bằng
chữ quốc ngữ chân phương: “Trần Ngọc trung trinh thiên cổ tại/Thượng tướng oai
linh vạn thế tồn”.
1.
Người địa phương lưu truyền rằng: Khoảng hơn trăm năm trước, khi phá hoang vùng
ven vàm rạch Đốc Vàng, người dân phát hiện một ngôi miếu cổ đổ nát,
trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”. Ngôi miếu được
xác tín là thờ ông Đốc binh Vàng, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ,
Vàm Nao dưới triều Minh Mạng. Khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, ông đã đốt
thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương
tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ. Từ đó, vàm rạch nơi ông
qua đời được gọi là Đốc Vàng. Về sau dân trong vùng rủ nhau xây lại miếu.
Truyền
thuyết dân gian cũng kể, do ở chỗ khúc cong, nước xoáy mạnh đất lở dần, ngôi
miếu có nguy cơ sụp xuống dòng sông. Người dân bàn nhau định dời ngôi miếu. Bấy
giờ trong ban tế tự có người nằm mộng thấy ông hiện về bảo dân làng cứ để yên
miếu ở chỗ cũ. Lạ thay, thời gian sau, dòng chảy sông Đốc Vàng bỗng đổi hướng,
chỗ ngôi miếu chẳng những không còn lở nữa mà mỗi năm cứ bồi thêm ra. Từ sự
hiển linh đó, người dân trong vùng tôn ngôi miếu với danh xưng trang trọng hơn
là Dinh ông Đốc Vàng.
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu (Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp) cho biết, căn cứ
vào bài vị nêu trên thì chính xác ngôi miếu cổ xưa (sau được gọi là Dinh ông
Đốc Vàng) là nơi thờ Lương tài hầu Trần Văn Năng. Còn Đốc Vàng hay Đốc binh
Vàng là một nhân vật gắn liền với huyền tích khác.
2.
Theo sách Đại Nam liệt truyện, Trần Văn Năng người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh
Hòa, có sức vóc, giỏi võ nghệ, quy thuận chúa Nguyễn rất sớm và lập nhiều công
to, được thăng chức Vệ úy, rồi đến chức Đô thống chế... Công trạng của ông được
Đại Nam thực lục ghi chép tỉ mỉ. Trong đó, có việc xây dựng Từ Thọ cung dưới
triều Minh Mạng năm 1822 và cùng Thoại Ngọc Hầu tổ chức, mộ dân đào kinh Vĩnh
Tế... Năm 1833, ông được thăng Tiền quân đô thống phủ chưởng phủ sự, năm sau
được tấn phong Lương tài hầu. Ông là một trong những vị quan nhiều lần được vua
ban thưởng.
Năm
Minh Mệnh thứ 13 (Nhâm Thìn 1832), vào lúc tiết đông giá rét, vua làm lễ Đông
hưởng. Tế xong, vua thưởng bạc, lụa và một đồng kim tiền Phi long nhỏ cho Trần
Văn Năng và các quan đã 70 tuổi. Riêng quan Lương tài hầu Trần Văn Năng còn
được vua ban một áo cẩm bào màu tía và bảo: “Gặp tiết đông giá rét, nghĩ khanh
tuổi già, ta đặc cách ban cho áo này, để chống rét dữ”. Tháng 6.1833, quân Lê
Văn Khôi từ Phiên An đánh lấn ra các tỉnh Nam kỳ và chiếm được Định Tường. Mặc
dù tuối đã cao, nhưng Trần Văn Năng vẫn được vua Minh Mạng phong làm Bình khấu
Tướng quân cùng Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh và Vũ lâm dinh Tả dực Thống
chế Nguyễn Văn Trọng làm Tham tán đại thần... dẫn binh đi dẹp loạn. Dịp này vua
còn ban mỗi người một thanh gươm vàng.
Do
Lê Văn Khôi cầu viện, tháng 11 năm Quý Tỵ (1833), quân Xiêm kéo đại binh chia
làm 2 đường vào lấn cướp nước ta. An Giang Hà Tiên bị thất thủ. Đồn Châu Đốc bị
giặc uy hiếp. Sau nhiều trận giằng co, Bình Khấu tướng quân cùng các tham tán
Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê... đã thống lĩnh quân giáng cho
giặc một đòn nặng ở Cổ Hủ và Thuận Cảng (Vàm Nao). Biết trước quân Xiêm sẽ dùng
hỏa công, quân ta liền thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông. “Giặc
ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ
sông, phóng hỏa đốt thuyền của ta, rồi đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh”.
Quản
vệ Phạm Hữu Tâm đốc quân đánh bắn, từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều.
Thủy quân ta thuyền chiến nối nhau, lửa ở giữa sông không cháy lan lên được hai
bên bờ. Khi bè lửa trôi qua rồi, quân ta thủy bộ đánh giáp lá cà. Quân Xiêm
thua to. Trận đánh này có thể sánh ngang với trận Rạch Gầm - Xoài Mút trên đất
Mỹ Tho năm 1785. Từ chiến thắng Cổ Hủ, Bình Khấu, tướng quân Trần Văn Năng cùng
các quan quân truy kích chiếm lại Hà Tiên và Châu Đốc. Đẩy lui quân Xiêm về đất
Chân Lạp, quân ta đuổi theo tới Nam Vang. Đến đây Bình khấu Tướng quân lâm
trọng bệnh, bèn giao binh quyền lại cho Trương Minh Giảng, rồi theo đường thủy
về nước. Nhưng thuyền đến Bến Siêu thì ông qua đời, thọ 72 tuổi.
Bấy
giờ, vua Minh Mạng hay tin tiếc thương vô hạn, bèn dụ truyền tổ chức tang lễ
trọng thể. Ông Nguyễn Hữu Hiếu, người có công đi tìm lai lịch ngôi đền cho
biết, mộ Lương Thành hầu hiện tọa lạc trên triền núi Hoàng Long thuộc thôn
Thượng II, xã Thượng Xuân, TP.Huế. Tuy nhiên, không hiểu sao lại không
được chôn cất theo điển lệ dành cho quan đại thần mà chỉ là một ngôi mộ đất
bình Thường.
Ngọc Phan – Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét