Kinh Vĩnh Tế nằm tại địa phận hai tỉnh An
Giang và Kiên
Giang. Đây là một kinh đào dài nhất mang ý nghĩa chiến lược do triều đình phong kiến nhà Nguyễn thực hiện. Hiện tại so với các con kinh đào khác trong vùng, ta thấy
nó không sâu rộng lắm, song việc đào được một con kinh đi qua Thất Sơn hiểm trở
và những vùng đất trủng phèn mặn thuở xưa là một kỳ công của tiền nhân thuở ban
đầu mở cõi.
Ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, nơi bắt đầu kinh
Vĩnh Tế tại ngả ba nối vào sông Châu Đốc, thuộc ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Nguơn. Từ đây kinh Vĩnh Tế chạy song
song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Điểm nối giáp với sông Giang Thành, thị xã Hà Tiên. Đoạn từ Tịnh Biên đến
Hà Tiên dài hơn 60 km, có nhiều chỗ khá hẹp, nhưng cũng có nhiều chỗ đang sạt
lở.
Tại ngả ba bờ
tây sông Châu Đốc có một ngôi đình xưa, sát đường Tây Xuyên, một con đường nhỏ
qua biên giới, gọi là đình Vĩnh Nguơn được trùng tu năm 1929. Theo một bô lão ở
địa phương ngày cúng Kỳ Yên 15, 16 tháng chạp hàng năm đều có tế quan Thoại
Ngọc hầu. Căn cứ vào ghi chép trong Thực lục, địa điểm này chắc chắn là nơi
khởi công, là đầu nguồn của kinh Vĩnh Tế.
Đình Vĩnh Ngươn |
1. Đại Nam thực lục chép, tháng 9, Gia Long năm thứ 18 (1819), vét đào đường
sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên; Cho tên là sông Vĩnh Tế. Mục đích ban đầu của
việc đào kinh là “Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc
công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào
cho thông suốt”. Vua Gia Long xuống dụ cho thành thần Gia Định tiến hành đo đạc
tính từ phía Tây đồn Châu Đốc, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và
Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu và binh dân đồn Oai Viễn 5.500 người,
Đồng Phù (quan nước Chân Lạp) quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, tháng 12 năm
1819 khởi công đào. Dân phu đào kinh bất kể người Việt hay người Chân Lạp cùng
với binh lính đồn Oai Viễn mỗi người được cấp 6 quan tiền và 1 phương gạo mỗi
tháng.
Tên kinh được đặt bao giờ? Căn cứ Thực lục, việc đặt tên là sông Vĩnh Tế” được vua đặt
Gia Long ngay từ lúc ra lịnh khởi công, chứ không phải mãi đến khi công trình
hoàn thành mới được đặt tên. Có lẻ việc đặt tên kinh
Vĩnh Tế là một phần khích lệ tinh thần mà vua Gia Long dành cho Thoại Ngọc
hầu sau khi hoàn thành kinh Đông Xuyên (tức Thoại Hà) và trước khi bắt tay vào
một công trình quan trọng trong vùng.
Từ lúc khởi công kinh Vĩnh Tế có nhiều lần phải tạm ngưng thi
công.
Núi Thâm Đưng-bên kia bờ Vĩnh Tế |
Lần tạm ngưng lần thứ nhất vào năm Canh Thìn (1820). Lần này vua Minh
Mạng mới lên ngôi, thấy việc đào kinh đã tròn năm, người người khó nhọc, nên ra
dụ tạm hoãn và cấp tiền, vải cho người chết, cấp thuốc men cho người ốm. Bấy
giờ con kinh đã hoàn thành được 3.224 trượng, còn lại 9.992 trượng. Đến tháng
giêng năm sau, (1821) vua Minh Mạng lại hoãn việc đào kinh. Bấy giờ vùng Hà
Tiên-Châu Đốc vừa xảy ra nạn dịch lớn, vua muốn “để cho dân nghỉ ngơi”. Kinh
Vĩnh Tế lúc này tuy chưa đào xong, nhưng đường nước nhỏ cũng đã thông.
Tháng 10 năm Nhâm ngọ (1822) vua Minh Mạng thấy công việc đào kinh cần
phải khẩn trương hơn, nên ban dụ nhắc nhỡ. Lúc này kinh Vĩnh Tế đã hoàn thành hơn 10.500
trượng chỉ còn hơn 1.700 trượng. Đến tháng 2 năm Giáp thân (1824), kinh Vĩnh Tế
được lệnh đào tiếp. Bấy giờ Phó Tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại quân dân hai
trấn Phiên An, Biên Hoà để đào đá xây thành. Vua Minh Mạng không đồng ý và ra
chỉ dụ: “Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng,
so với việc xây thành đằng nào cần hơn ?” Với quyết tâm cao độ của nhà vua, đến
tháng 5 năm Giáp Thân (1824), thì kinh Vĩnh Tế hoàn thành. Vua Minh Mạng nói
rằng, đào con sông ấy thực là lợi ích muôn năm vô cùng về sau, bèn sai Hữu ty lo
việc dựng bia ghi dấu đồng thời ra lịnh ban thưởng cho Thoại Ngọc hầu cùng các
quan có công và quốc vương Chân Lạp.
2. Không chỉ có công trong việc đào kinh Vĩnh Tế, công lao của Thoại
Ngọc hầu trong giai đoạn này rất lớn.
Thoại
Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761 là con ông Nguyễn Văn Lượng và bà
Nguyễn Thị Tiết. Ông Nguyễn Văn Lượng người thôn An Hải, huyện Diên Phước, tỉnh
Quảng Nam, làm chức Tư thừa, mồ mả còn tại đất Quảng. Còn bà Nguyễn Thị Tiết là
con của ông Nguyễn Khắc Tuân và bà Phạm Thị Thấy ở cù lao Dài (Vĩnh Long). Giả
thuyết, Nguyễn Văn Thoại có thể được sinh ra tại Quảng Nam , cha mất lúc ông còn nhỏ. Sau
khi cha mất, ông theo mẹ vào Nam
lập nghiệp. Cũng có thể Nguyễn Văn Lượng vào Nam
cưới vợ lập nghiệp và sinh ông ra tại cù lao Dài, nhưng sau đó về Quảng Nam và
mất ở đó. Theo tư liệu của ông Trương Ngọc Tường thì bà Châu thị Vĩnh Tế là cháu
gái ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán, vào cuối thế kỷ XVIII đã đến lập
nghiệp tại thôn Thái Bình (nay thuộc xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm). Ông Châu
Vĩnh Huy là người có công xây dựng đình chùa, được tôn Hậu hiền. Còn họ Nguyễn
của Thoại Ngọc hầu đến làng này muộn hơn.
Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại về
làm Trấn thủ trấn
Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, nên ông đã tâu với triều đình cho tiến hành
đào kinh Đông Xuyên, khởi công vào đầu năm 1818, nối rạch Đông
Xuyên ở
Tam Khê (Ba
Rạch) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Công trình này hoàn thành chỉ
trong một tháng. Kinh đào xong, ông được vua Gia Long khen
ngợi và cho phép lấy ông lấy tên mình để đặt tên cho con kinh mới đào là Thoại
Hà. Ngoài ra, ông còn huy động hơn 3.000 dân binh đắp con đường từ Châu Đốc đến
núi Sam, khởi công từ ngày 20 tháng chạp năm Bính Tuất,1827) và hoàn thành ngày
15-5 năm Đinh Hợi, 1828. (theo An giang xưa và nay của Tân Việt Điểu - Văn hóa
nguyệt san số 39-1959).
3. Bia Vĩnh Tế dựng tại núi Sam vào mùa thu năm Mậu Tý (1828), chép
việc lập làng, mở ruộng di dân, việc vua (Gia Long) lấy tên Thoại Ngọc hầu phu
nhân (tức bà Châu thị Vĩnh Tế) đặt tên cho kinh đào.
Bên cạnh, vua còn lịnh tổ chức lễ tế các binh lính và sưu dân đã bỏ mình trong việc đào
kinh và soạn “Tế nghĩa trủng văn” đọc trong buổi lễ. Tế nghĩa trủng văn còn
gọi là bài “Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh”. Bài văn tế có 38 dòng,
Nguyễn Văn Hầu cho biết ông tìm được bài văn này hồi năm 1960 do miêu duệ của
cụ Nguyễn Văn Khuê (Huấn đạo Khuê) cung cấp, nhưng tác giả vẫn hồ nghi không biết
có đúng nguyên văn, vì chưa tìm được bài văn tế xưa nào khác để kiểm chứng.
Mở đầu bài văn tế bằng lời văn mô tả đầy âm khí “Thiên nhai lạc lạc,
khách trủng luy luy/Vân phong cổ mộ, nguyệt điếu tàn bi”. Nội dung bài văn tế
đã xác nhận: Việc đào kinh đã làm nhiều người bỏ mạng và trong số ấy có cả phụ
nữ “Vi nam vi nữ, tánh thậm danh thùy”
Dịp tế lễ, thừa lệnh vua, Thoại Ngọc hầu đã làm một cuộc cải táng tập
thể, có lẻ rất qui mô, nhưng chưa biết địa điểm hành lễ. Tác giả Nguyễn Văn Hầu
căn cứ vào câu cuối bài văn tế “Sam sơn chi tây hề khả dĩ toại khu trì” và đoán
rằng địa điểm hành lễ có lẻ là bên triền phía tây núi Sam, chỗ có cắm bia “Đặc
tứ Vĩnh Sơn bia ký” và cũng là nơi có nhiều nấm mộ. Cho đến nay, việc tế lễ các
vong hồn bỏ mạng trong cuộc đào kinh vẫn còn được duy trì ở địa phương này,
người dân gọi là lễ “Tống gió”.
Men theo con lộ nhựa dọc bờ kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên mới
thấy còn kinh vẫn còn giá trị lớn về các mặt thủy lợi, giao thông và quốc
phòng, thể hiện sức lao động xây dựng đất nước của dân Việt và cho thấy tầm
nhìn chiến lược quốc phòng của triều Nguyễn.
Ngọc Phan - Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét