Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

CÂY ĐA BẾN NGỰ VÀ HUYỀN TÍCH ÔNG BÕ

Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: “Hồi luân tam kỳ, tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long, chỗ này nước chảy xoáy quanh, là đường thông suốt bốn hướng từ nơi giao hiệp của sông Tiền, sông Hậu. Năm Đinh Mùi (1787), lúc mới Trung hưng, Thế Tổ tạm đồn trú ở đây để hiệu lịnh binh tướng các lộ, giữ lấy thế chính giữa chặn lấy nơi hiểm yếu, thu được nhiều công lớn ấy là một vùng đất có hình thắng vậy...”.

1. Chợ Nước Xoáy nằm trên địa bàn ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Men dọc bờ sông Nước Xoáy ngược về hướng bắc độ hơn vài trăm thước có một ngôi miếu gọi là Cao hoàng miếu. Trước miếu có một cây đa lớn độ 5-6 người ôm, tương truyền là “cây đa bến ngự”, nơi chúa Nguyễn Ánh trong thời gian bôn đào và trú ngụ lại đây, thường ngồi câu cá.
Với diện tích khoảng 20 mét vuông, ngôi miếu dường như mới được xây lại trong thời gian gần đây và tấm bài vị ghi tên họ, năm sinh, năm mất của ngài bằng chữ quốc ngữ. Một bà cụ sống ở cạnh ngôi miếu cho biết, trước đây chỗ này có ngôi miếu cũ đã sụp đổ, mấy năm trước người dân hùn tiền cất lại để có nơi thờ tự. Trước cửa miếu hiện vẫn còn cặp lân sư bằng đá hoa cương khắc tên người hiến cúng vào năm 1922 của thế kỷ 20. Căn cứ vào cặp lân sư và mấy tấm đá trên nền cũ còn sót lại có lẽ ngôi miếu xưa cũng không quy mô lắm.
Bàn thờ Thế tổ Cao hoàng đế (vua Gia Long)
Vào ngày 18, 19 tháng chạp âm lịch hằng năm, lễ cúng vua được tổ chức khá trang trọng, được xem như ngày “kỳ yên” ở ấp Hưng Mỹ Tây. Vài năm gần đây, bà con từ vùng Lai Vung, Cao Lãnh, Sa Đéc... cũng đến dự.
 2. Cũng ở ấp Hưng Mỹ Tây, cặp bờ sông Nước Xoáy đi về hướng bắc độ hơn cây số là đến khu mộ của ông Bõ. Khu mộ nằm ngoài mé ruộng, trên khu đất gia đình ông Ba Vinh. Mộ được xây bằng đá ong, trên gò đất đắp cao, gồm hai phần, với vòng thành có bốn trụ cao gắn búp sen, bức bình phong và phần mộ chính. Chếch về bên phải khoảng 10 m là mộ con gái ông Bõ, dân gian gọi là mộ bà Hoàng Cô, cũng được xây bằng đá ong, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Câu chuyện dân gian được ông Nguyễn Hữu Hiếu (Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp) sưu tầm kể rằng, ông Bõ tên là Nguyễn Văn Mậu, có tên tự là Hậu, là một phú hào trong làng, nhận chức Tri thâu, làm nhiệm vụ thu thuế, được dân làng tín nhiệm, nên được kiêm luôn chức Trùm cả. Trong thời gian chúa Nguyễn Ánh đóng quân ở đây, gia đình ông Mậu đã hết lòng phò trợ. Ông mở cả lẫm lúa của gia đình nuôi quân của Nguyễn Ánh ròng rã ba tháng trời. Cảm nhận nghĩa cử hào hiệp, chí tình của Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Ánh gọi ông là “ông Bõ”, tức là cha nuôi. Từ đó, dân làng đều gọi ông là Bõ Hậu. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Năm 1809, Nguyễn Văn Hậu mất, nhớ công lao thuở trước, Gia Long phong cho ông tước Hầu và lịnh cho bộ Công đưa người và vật tư từ kinh đô vào xây mộ cho ông.
Khu mộ ông Bõ Hậu


Dân gian lưu truyền rằng, ông Nguyễn Văn Mậu có người con gái út tên là Nguyễn Thị Ngọc Mai, có nhan sắc lại đoan trang thùy mị nết na, dù là con nhà giàu có, song cô sống hòa hợp với mọi người, nên được bà con dân làng mến chuộng. Nguyễn Ánh say mê sắc đẹp của cô, có ý muốn lấy cô làm thứ phi. Nhưng cô từ chối với lý do Nguyễn Phúc Ánh đã là con nuôi của cha cô, thì cô với Nguyễn Phúc Ánh có quan hệ anh em, không thể kết hôn được. Trước lý lẽ vững chắc đó, Nguyễn Ánh đành rút lui.
Tuy vậy, cô vẫn phập phồng lo sợ sắc đẹp của mình sẽ xúi giục Nguyễn Phúc Ánh làm điều càn rỡ, rồi để lại tiếng xấu cho cả hai người. Vì vậy, cô quyết định hủy hoại nhan sắc bằng cách lấy lá tẩm chất độc, un khói hơ lên mặt hủy hoại nhan sắc (dị bản do người cháu trong gia đình kể rằng cô lấy lá mía cào lên mặt rồi hơ lửa cho vết thương làm độc). Sau đó, cô lâm bệnh và qua đời trong sự thương tiếc của gia đình, xóm làng và cả Nguyễn Phúc Ánh. Cảm kích tấm lòng tiết liệt của cô gái chốn quê mùa, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng mộ cô cùng lúc với mộ Bõ Hậu.
Ngoài ra, câu chuyện trên cũng có vài dị bản khá thú vị ở phần kết, như: Để từ chối cuộc hôn nhân này, người con gái ông Bõ Hậu đã phải giả điên, rồi điên thật cho đến chết. Một dị bản khác: Không phải cô con gái ông Bõ Hậu giả điên, mà là khi đoàn thuyền đi rước cô ra chốn hành cung của Nguyễn Phúc Ánh; thuyền đi đến giữa đường thì đêm tối. Cô gái đã nhảy xuống dòng sông trầm mình mất tích! Cũng có chuyện kể rằng, ai đó đã tổ chức cuộc đánh tráo, đem theo hòn đá trên thuyền, thừa đêm tối ném hòn đá xuống sông rồi báo rằng người con gái ấy đã từ chối cuộc hôn nhân bằng cái chết.
Hiện ngôi mộ ông Bõ đã hư hỏng phần nấm, còn mộ của Hoàng Cô cũng đã xuống cấp, sụt lún nhiều chỗ. Hoa văn, họa tiết trên các ngôi mộ theo thời gian hầu hết đã bị bào mòn, sứt mẻ.
Căn cứ tài liệu lịch sử thì vào năm Đinh Mùi (1787), chúa Nguyễn Phúc Ánh sau một thời gian lưu vong bên Xiêm, trở về đóng đặt làm bản doanh đồn trú ở Hồi Oa, tức Nước Xoáy, và từ đây với nguồn hậu cần dồi dào, lại thu phục được nhân tâm, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã củng cố lại lực lượng rồi tung quân đánh chiếm các nơi. Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca xuất bản năm 1909, Nguyễn Liên Phong cũng đã nhắc:
“...Chỗ sông Nước Xoáy tác quanh chảy dồn
Hồi Luân chữ đặt lưu tồn
Cao hoàng thuở trước ngự đồn đóng binh”.
Di tích Cao hoàng miếu và câu chuyện ông Bõ một lần nữa xác nhận sự kiện lịch sử này.


Ngọc Phan-Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét