Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Bạo lực là bằng chứng về sự hèn nhát và thiểu năng

Mở mạng ra thấy đầy rẩy những cái tin không muốn đọc: Đòi “chồng” trả tiền “hao mòn thân thể” của bà Xem ở xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, vụ con trai kiện đòi tiền phụng dưỡng mẹ ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, vụ con kiện cha, đòi bồi thường... 18 quả trứng gà của anh Q. (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu), vụ con 60 tuổi kiện mẹ 90 tuổi đòi… bộ ghế salon  ở xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang)…Và những băng nhóm xã hội đen từ thành thị đến nông thôn đều có, đâm chém, thanh toán nhau bằng mã tấu, những vụ giết người vô cớ, lãnh xẹt.
Đạo đức xã hội dường như đã rệu rã, băng hoại. Vì sao vậy ?

Sau đây là một góc nhìn của CD, xin trích để mọi người tham khảo:

Bạo lực là bằng chứng về sự hèn nhát và thiểu năng

…Không phải đến hiện tại, mà nhiều năm qua đã có nhiều người ưa sử dụng bạo lực. Thanh thiếu niên thiếu khả năng tự kiềm chế hay những người ít học cạn nghĩ dùng bạo lực để giải quyết xung đột theo kiểu bản năng, côn đồ lưu manh dùng bạo lực để đạt những mục đích bất chính… đã đành, nhưng hiện nay thì mức độ dùng bạo lực đã cao hơn, trên phạm vi rộng rãi hơn và với hậu quả nặng nề hơn, trong đó nổi bật là việc nhiều nhóm xã hội đã tập nhiễm thói quen sử dụng bạo lực, tức thói bạo lực kiểu côn đồ đã lan tới cả nhiều nhóm xã hội vốn không phải côn đồ. Ở một số người thì đó là vấn đề kỹ năng sống, trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật, nhưng chủ mỏ thiếc chủ trại tôm thì không thể thiếu kỹ năng sống, học sinh sinh viên thì không thể thiếu học vấn, nữ chánh án và thiếu úy cảnh sát thì không thể thiếu hiểu biết về pháp luật – thậm chí không ít người bình thường sau khi nóng giận lỡ tay gây án cũng tới trình diện với cơ quan pháp luật để tự thú, tức họ biết rõ hành vi của mình là phạm pháp. Dĩ nhiên các nhà Tội phạm học, Di truyền học cũng từng nêu ra những cá thể hung hãn bẩm sinh, tàn nhẫn thiên phú, nhưng dù sao hạng người ấy cũng là loại hàng độc khó đụng. Cũng đã có nhiều ý kiến giải thích hiện tượng bạo lực phổ biến hiện nay như kết quả vận hành không thông suốt của bộ máy pháp luật từ công an cảnh sát tới tòa án, nhưng tòa án vốn chỉ có chức năng giải quyết hậu quả tức sau khi các vụ bạo hành đã xảy ra, còn công an cảnh sát thì căn bản không thể tò tò đi theo để giám sát tất cả những người có năng lực bạo hành suốt 24 giờ mỗi ngày… Cho nên nhìn trên bình diện xã hội và từ góc độ xã hội thì việc nảy sinh nhiều hiện tượng bạo lực, nhiều hình thức bạo hành ở Việt Nam hiện nay chính bắt nguồn từ sự méo mó về nhân cách, sự khủng hoảng về tâm lý, sự lệch lạc về thị hiếu và bao trùm lên tất cả là sự buông thả về hành vi. Nếu chẻ tư sợi tóc tìm tới những nguyên nhân của những nguyên nhân ấy thì có thể thấy sự méo mó về nhân cách chủ yếu do khuyết tật của hệ thống giáo dục, sự khủng hoảng về tâm lý chủ yếu do khuyết tật của hệ thống kinh tế, sự lệch lạc về thị hiếu chủ yếu do khuyết tật của các hệ thống khoa học nghệ thuật và đặc biệt là thông tin, sự buông thả về hành vi chủ yếu do khuyết tật của hệ thống chuẩn mực xã hội. Nhưng ở đây chỉ đề cập tới yếu tố sau cùng, vì trong thực tế thì kiểu sai lệch chuẩn mực xã hội này luôn đóng vai trò trực tiếp nếu không nói là chủ yếu trong việc dẫn tới nhiều hiện tượng bạo lực và hành vi bạo hành đáng tiếc.

Nói theo ngôn ngữ của các nhà xã hội học, thì chuẩn mực xã hội là yếu tố cơ bản của hoạt động quản lý xã hội, là một trong những phương tiện định hướng hành vi của cá nhân và các nhóm xã hội trong những điều kiện nhất định đồng thời là phương tiện để xã hội kiểm tra hành vi của họ. Dĩ nhiên trong hoạt động quản lý xã hội thì chính quyền chỉ là bộ phận chủ yếu, nên ngoài hệ thống pháp luật còn phải kể tới các hệ thống chuẩn mực xã hội khác như đạo đức, phong tục mặc dù chúng ít có sức mạnh chế định hơn. Nhưng trong nhiều năm sau 1975 và cả sau 1985, các hệ thống đạo đức, phong tục ở Việt Nam cũng không phát triển một cách tự nhiên mà luôn luôn chịu sự tác động trực tiếp của chính quyền từ các phong trào vận động xây dựng lối sống nếp sống tới các đợt học tập phấn đấu rèn luyện theo gương này gương khác. Các chuẩn mực đạo đức, phong tục tốt đẹp về hành vi do đó cũng ít nhiều bị hành chính hóa, mất đi tính tự giác vì không xuất phát từ nhu cầu bên trong của chủ thể hành vi. Theo chiều hướng này, có thể thấy hệ thống chuẩn mực xã hội ở Việt Nam hiện nay chưa phản ảnh được thực tế và do đó cũng chưa đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và cấp thiết của sự phát triển bền vững về cả kinh tế lẫn xã hội. Trên các giao lộ của hoạt động giao tiếp xã hội, nơi mà các chuẩn mực pháp luật và hành chính ít có cơ hội trở thành tấm biển chỉ đường thì tình trạng thiếu vắng hay bất lực của các chuẩn mực đạo đức và phong tục tốt đẹp chính là tiền đề xã hội cho sự buông thả về hành vi, nên không lạ gì mà thói quen sử dụng bạo lực trong ý nghĩa là một hình thức sai lệch chuẩn mực xã hội với những đặc trưng như tính phổ biến, tính ổn định và khả năng lan truyền lại có thể trở thành phổ biến, thường xuyên và không ngừng được mở rộng như hiện tại.

Tuy nhiên, ở đây không thể quy hết toàn bộ trách nhiệm cho xã hội hay chính quyền, vì lối sống và hành vi là những cái mà mỗi cá nhân có thể lựa chọn một cách toàn quyền và chủ động. Một người bình thường về trí tuệ và thần kinh cho dù ít học nghèo hèn cũng có thể tự kiểm soát và điều chỉnh hành vi để giải quyết rất nhiều mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thường ngày một cách khôn ngoan, tự tin và độc lập. Những người động một tí là gọi bè bạn người thân mang dao vác gậy đi tìm đối phương thật ra chỉ là những kẻ hèn nhát phải cậy vào cơ bắp và bầy đàn mới có được dũng khí để đối diện với những khó khăn trong đời sống, còn những người động một tí đã la ó quát thét, hăm đâm dọa đánh thật ra chỉ là những kẻ thiểu năng không biết cách thích nghi với cuộc sống ở đó cái một cá nhân cần có nhất luôn luôn là sự no ấm an toàn của mình và sự mến thương tôn trọng của những người chung quanh. Cho nên sở dĩ những kẻ đọc sách quan tâm tới hạng người ấy chủ yếu chỉ vì lo ngại về tương lai đất nước. Một quốc gia ngày càng có nhiều người trẻ tuổi hèn nhát và thiểu năng thì khó có được sức mạnh để giải quyết những vấn đề trật tự trị an cũng như an ninh quốc phòng cần thiết. Tư Mã Thiên trong Sử ký, Thương quân liệt truyện có chép việc Thương Ưởng làm tướng nước Tần ban hành pháp lệnh trị nước khá toàn diện giúp nước Tần vươn lên địa vị nước hùng mạnh nhất thời Chiến quốc rồi tiến tới thống nhất Trung Quốc về sau, trong đó một trong những kết quả là “dân dũng cảm lúc ra trận nhưng nhút nhát trong chuyện đánh nhau riêng”. Bạo lực ở đây là một vấn đề xã hội nhưng cũng là một vấn đề chính trị, nên bài học trị nước ấy thật cũng đáng cho những người cầm quyền hiện nay suy ngẫm, bởi vì như nhiều người đã thấy, từ 1975 đến nay Việt Nam đã không ít lần bị đặt vào tình thế Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng.

Tháng 5. 2011
Posted by: CD:

http://hocsinhmiennam.com/bao-luc-la-bang-chung-ve-su-hen-nhat-va-thieu-nang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét