Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

CÂY ĐA BẾN NGỰ VÀ HUYỀN TÍCH ÔNG BÕ

Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: “Hồi luân tam kỳ, tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long, chỗ này nước chảy xoáy quanh, là đường thông suốt bốn hướng từ nơi giao hiệp của sông Tiền, sông Hậu. Năm Đinh Mùi (1787), lúc mới Trung hưng, Thế Tổ tạm đồn trú ở đây để hiệu lịnh binh tướng các lộ, giữ lấy thế chính giữa chặn lấy nơi hiểm yếu, thu được nhiều công lớn ấy là một vùng đất có hình thắng vậy...”.

1. Chợ Nước Xoáy nằm trên địa bàn ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Men dọc bờ sông Nước Xoáy ngược về hướng bắc độ hơn vài trăm thước có một ngôi miếu gọi là Cao hoàng miếu. Trước miếu có một cây đa lớn độ 5-6 người ôm, tương truyền là “cây đa bến ngự”, nơi chúa Nguyễn Ánh trong thời gian bôn đào và trú ngụ lại đây, thường ngồi câu cá.
Với diện tích khoảng 20 mét vuông, ngôi miếu dường như mới được xây lại trong thời gian gần đây và tấm bài vị ghi tên họ, năm sinh, năm mất của ngài bằng chữ quốc ngữ. Một bà cụ sống ở cạnh ngôi miếu cho biết, trước đây chỗ này có ngôi miếu cũ đã sụp đổ, mấy năm trước người dân hùn tiền cất lại để có nơi thờ tự. Trước cửa miếu hiện vẫn còn cặp lân sư bằng đá hoa cương khắc tên người hiến cúng vào năm 1922 của thế kỷ 20. Căn cứ vào cặp lân sư và mấy tấm đá trên nền cũ còn sót lại có lẽ ngôi miếu xưa cũng không quy mô lắm.
Bàn thờ Thế tổ Cao hoàng đế (vua Gia Long)
Vào ngày 18, 19 tháng chạp âm lịch hằng năm, lễ cúng vua được tổ chức khá trang trọng, được xem như ngày “kỳ yên” ở ấp Hưng Mỹ Tây. Vài năm gần đây, bà con từ vùng Lai Vung, Cao Lãnh, Sa Đéc... cũng đến dự.
 2. Cũng ở ấp Hưng Mỹ Tây, cặp bờ sông Nước Xoáy đi về hướng bắc độ hơn cây số là đến khu mộ của ông Bõ. Khu mộ nằm ngoài mé ruộng, trên khu đất gia đình ông Ba Vinh. Mộ được xây bằng đá ong, trên gò đất đắp cao, gồm hai phần, với vòng thành có bốn trụ cao gắn búp sen, bức bình phong và phần mộ chính. Chếch về bên phải khoảng 10 m là mộ con gái ông Bõ, dân gian gọi là mộ bà Hoàng Cô, cũng được xây bằng đá ong, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Câu chuyện dân gian được ông Nguyễn Hữu Hiếu (Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp) sưu tầm kể rằng, ông Bõ tên là Nguyễn Văn Mậu, có tên tự là Hậu, là một phú hào trong làng, nhận chức Tri thâu, làm nhiệm vụ thu thuế, được dân làng tín nhiệm, nên được kiêm luôn chức Trùm cả. Trong thời gian chúa Nguyễn Ánh đóng quân ở đây, gia đình ông Mậu đã hết lòng phò trợ. Ông mở cả lẫm lúa của gia đình nuôi quân của Nguyễn Ánh ròng rã ba tháng trời. Cảm nhận nghĩa cử hào hiệp, chí tình của Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Ánh gọi ông là “ông Bõ”, tức là cha nuôi. Từ đó, dân làng đều gọi ông là Bõ Hậu. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Năm 1809, Nguyễn Văn Hậu mất, nhớ công lao thuở trước, Gia Long phong cho ông tước Hầu và lịnh cho bộ Công đưa người và vật tư từ kinh đô vào xây mộ cho ông.
Khu mộ ông Bõ Hậu


Dân gian lưu truyền rằng, ông Nguyễn Văn Mậu có người con gái út tên là Nguyễn Thị Ngọc Mai, có nhan sắc lại đoan trang thùy mị nết na, dù là con nhà giàu có, song cô sống hòa hợp với mọi người, nên được bà con dân làng mến chuộng. Nguyễn Ánh say mê sắc đẹp của cô, có ý muốn lấy cô làm thứ phi. Nhưng cô từ chối với lý do Nguyễn Phúc Ánh đã là con nuôi của cha cô, thì cô với Nguyễn Phúc Ánh có quan hệ anh em, không thể kết hôn được. Trước lý lẽ vững chắc đó, Nguyễn Ánh đành rút lui.
Tuy vậy, cô vẫn phập phồng lo sợ sắc đẹp của mình sẽ xúi giục Nguyễn Phúc Ánh làm điều càn rỡ, rồi để lại tiếng xấu cho cả hai người. Vì vậy, cô quyết định hủy hoại nhan sắc bằng cách lấy lá tẩm chất độc, un khói hơ lên mặt hủy hoại nhan sắc (dị bản do người cháu trong gia đình kể rằng cô lấy lá mía cào lên mặt rồi hơ lửa cho vết thương làm độc). Sau đó, cô lâm bệnh và qua đời trong sự thương tiếc của gia đình, xóm làng và cả Nguyễn Phúc Ánh. Cảm kích tấm lòng tiết liệt của cô gái chốn quê mùa, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho xây dựng mộ cô cùng lúc với mộ Bõ Hậu.
Ngoài ra, câu chuyện trên cũng có vài dị bản khá thú vị ở phần kết, như: Để từ chối cuộc hôn nhân này, người con gái ông Bõ Hậu đã phải giả điên, rồi điên thật cho đến chết. Một dị bản khác: Không phải cô con gái ông Bõ Hậu giả điên, mà là khi đoàn thuyền đi rước cô ra chốn hành cung của Nguyễn Phúc Ánh; thuyền đi đến giữa đường thì đêm tối. Cô gái đã nhảy xuống dòng sông trầm mình mất tích! Cũng có chuyện kể rằng, ai đó đã tổ chức cuộc đánh tráo, đem theo hòn đá trên thuyền, thừa đêm tối ném hòn đá xuống sông rồi báo rằng người con gái ấy đã từ chối cuộc hôn nhân bằng cái chết.
Hiện ngôi mộ ông Bõ đã hư hỏng phần nấm, còn mộ của Hoàng Cô cũng đã xuống cấp, sụt lún nhiều chỗ. Hoa văn, họa tiết trên các ngôi mộ theo thời gian hầu hết đã bị bào mòn, sứt mẻ.
Căn cứ tài liệu lịch sử thì vào năm Đinh Mùi (1787), chúa Nguyễn Phúc Ánh sau một thời gian lưu vong bên Xiêm, trở về đóng đặt làm bản doanh đồn trú ở Hồi Oa, tức Nước Xoáy, và từ đây với nguồn hậu cần dồi dào, lại thu phục được nhân tâm, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã củng cố lại lực lượng rồi tung quân đánh chiếm các nơi. Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca xuất bản năm 1909, Nguyễn Liên Phong cũng đã nhắc:
“...Chỗ sông Nước Xoáy tác quanh chảy dồn
Hồi Luân chữ đặt lưu tồn
Cao hoàng thuở trước ngự đồn đóng binh”.
Di tích Cao hoàng miếu và câu chuyện ông Bõ một lần nữa xác nhận sự kiện lịch sử này.


Ngọc Phan-Hoàng Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Thăm các di tích ở Hồi Oa.

Sáng ngày 6 tháng 1 năm 2013. Từ Cao Lãnh đi phà sang Sa Đéc, quẹo trái về hướng Lấp Vò. Đường hẹp, nhưng tốt. Hỏi thăm dân địa phương đường vào xã Long Hưng A.

Chợ Nước Xoáy
Chợ Nước Xoáy nằm trên địa bàn ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Theo sông Nước Xoáy ngược về hướng bắc độ vài trăm thước có ngôi một miếu gọi là Cao Hoàng miếu.  Trước miếu có một cây da lớn độ bốn người ôm, tương truyền là “cây da bến Ngự” nơi chúa Nguyễn Ánh thường ngồi câu cá. 




Diện tích ngôi miếu khoảng 20 mét vuông, dường như được xây lại trong thời gian gần đây, trong miếu bày trí khá đơn giản với bức chân dung của vua Gia Long và tấm bài vị ghi tên họ ngài bằng chữ quốc ngữ. Một cụ bà gần đó cho biết, trước đây chỗ này có ngôi miếu cũ đã sụp đổ, mấy năm nay người dân hùn tiền cất lại để có nơi thờ tự. Trước cửa miếu còn cặp lân sư bằng đá hoa cương khắc tên người hiến cúng vào năm 1922.

Cây đa Bến ngự
Phía trái ngôi miếu còn có một ngôi nhà xây dang dỡ. Theo dân địa phương đó là công trình của một nhà thầu xây dựng. Mấy năm trước ông đến địa phương làm cầu, thường ngủ ở dưới gốc cây da. Một đêm nọ ông thấy ánh hào quang từ trong miếu bay ra bèn đốt nhang vái cúng, rồi xuất tiền xây ngôi nhà cạnh miếu, mục đích làm chỗ nghỉ cho bà con phương xa đến viếng. Ngôi nhà đang xây dỡ dang, không biết lý do gì bị ngưng, rồi ông rời khỏi địa phương không thấy trở lại. (Theo mình nghĩ có lẻ do chính quyền địa phương cấm xây dựng, bởi giai đoạn này, tư tưởng bài bác vua Gia Long vẫn còn nặng nề, nhiều ông cán bộ gọi vua Gia Long bằng “thằng”)

Hàng năm vào ngày 18, 19 tháng chạp âm lịch, lễ cúng vua được tổ chức khá trang trọng, được xem như ngày “kỳ yên” ở ấp Hưng  Mỹ Tây, vài năm gần đây, dân từ vùng Lai Vung, Sa Đéc...cũng đến dự.

Cao hoàng miếu
Cũng trong ấp Hưng Mỹ Tây, cặp bờ sông Nước Xoáy đi về hướng bắc độ hơn cây số là đến khu mộ của Ông Bõ. Khu mộ nằm mé ruộng, trong đất gia đình ông Ba Vinh. Mộ  được xây bằng đá ong, trên gò đất đắp cao, gồm hai phần, với vòng thành có bốn trụ cao gắn búp sen, bức bình phong và phần mộ chính. Chếch về bên phải khoảng 10 mét là mộ con gái ông Bõ, dân gian gọi là mộ bà Hoàng cô), cũng được xây bằng đá ong với qui mô nhỏ hơn, không có phần tiền mộ. 

Huyền tích về ba Hoàng cô đã có ghi chép trong tài liệu Văn hóa Dân gian Miệt Sa Đéc (do Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên, không nhắc lại). Câu chuyện cũng có vài dị bản khá thú vị ở phần kết.

Anh Nguyễn Hữu Út – cháu trực hệ của ông Bõ cho biết, hồi khoảng năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm có cử người đến bàn với gia đình để tài trợ trùng tu khu mộ, nhưng bấy giờ vùng này đã là vùng giải phóng nên cha anh đã khéo léo từ chối. Hiện ngôi mộ ông Bõ đã hư hỏng phần nấm còn mộ của Hoàng cô cũng  đã xuống cấp, sụt lún nhiều chỗ.


Di tích Cao hoàng miếu và câu chuyện ông Bõ còn rất nhiều điều thú vị, sẽ kể tiếp ở hồi sau.

LÀNG BA CHÚC BÊN NÚI TƯỢNG

Miếu Vạn Ban nằm sát chân núi Tượng thuộc ấp An Định, thị trấn Ba Chúc, huyện Tịnh Biên-An Giang là một trong những cơ sở tín ngưỡng của Tứ ân Hiếu nghĩa - một dạng tôn giáo cứu thế,  nhánh phát triển của Bửu sơn Kỳ hương. Thị trấn Ba Chúc ngày nay được hình thành từ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp hồi cuối thế kỷ 19 ở một số tỉnh Nam kỳ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa do Đức bổn sư Ngô Lợi lãnh đạo.

1. Ngô Lợi có thể tên là Ngô Văn Lợi, chữ Hán viết trang trọng là Ngô tự Lợi. Theo tài liệu của nhà văn Sơn Nam, quê Ngô Lợi ở làng Trà Tân (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy - Tiền Giang), nhưng cũng có người nói quê ông ở Trà Lọt (Cái Bè), Mõ Cày (Bến Tre) hay cù lao Ba Vĩnh Long.
Miếu Vạn Ban
Tương truyền ông có biệt tài đi thiếp, tự làm mình như chết rồi sống lại, rồi thuật nhiều chuyện lạ lùng, nên còn gọi là ông Năm Thiếp, tín đồ tôn ông là Đức Bổn sư.  Năm 1870 Đức Bổn Sư chính thức phát phái cho những người quy y theo đạo. Hai năm sau, ngài tập hợp tín đồ đến vùng Thất Sơn để khai phá, trồng tỉa, lập thêm thôn xóm như thôn An Định tại núi Tượng thôn An Hòa, An Thành.  Để có chỗ dựa tinh thần, ngài cất một số cơ sở chùa chiền để chúng dân có chỗ tu hành.
Vào khoảng năm 1877,  Bổn sư  Ngô Lợi thường đến vùng Cai Lậy (Mỹ Tho) phát thuốc chữa trị cho nhân dân. Lúc đó tại địa phương này có một trận dịch lớn. Ông nói đời Hạ Nguơn đã hết nên giặc Lang sa đánh chiếm nước ta, lại thêm dịch bệnh lan tràn, người chết không kịp chôn. Minh vương đã xuống trần cứu đời, bà con ráng tu nhơn học Phật.  
Năm sau, ông về chùa Hiếu Nghĩa ở xã Hòa Khánh, tổng Phong Hòa (Cái Bè) cùng với một đệ tử người địa phương tên là Nguyễn Văn Vi, thường gọi ông Đạo Tư, tổ chức một cuộc lễ làm chay có đến 2.000 người dự, thực tế đây là cuộc lễ cúng tế những nghĩa sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa hồi tháng 5 năm 1875 của nghĩa quân làng An Định. Lúc đăng đàn thuyết pháp, Bổn sư Ngô Lợi đã kêu gọi mọi người hưởng ứng nổi lên chống lại giặc Lang sa cướp nước. Đồng thời để xây dựng phong trào và phát triển lực lượng, ông cấp phát cho hai đệ tử thân tín của mình là Lê Văn Ong và Võ Văn Khả hai cấp bằng Lãnh binh và Phó Lãnh binh. Cả ba người Nguyễn Văn Vi, Lê Văn Ong và Võ Văn Khả nguyên là thuộc tướng của Thiên Hộ Dương.
Sau đó Lê Văn Ong và Võ Văn Khả về làng Tân Phú Đông, tổng Thuận Bình (Mỹ Tho) chiêu mộ nghĩa quân, tích trữ lương thực, mua sắm vũ khí, chờ thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa. Hai ông có tài thu phục nhân tâm nhờ các “phép lạ” như sái đậu thành binh, gánh nước bằng bội, cầm roi mây cỡi ngựa chuối... Hai ông xõa tóc cầm gươm, bắt ấn, đọc chú rồi vãi ra một nắm đậu, lập tức xuất hiện một đội qn diễu hành theo lối “Hàn Tín điểm binh” đi ngang đi dọc theo hiệu cờ, hiệu trống, có người cầm vũ khí, có người gánh nước bằng bội nhưng trong bội có để sẵn cái tĩn nước:
Sau thêm Ong Khả lẫy lừng
Roi mây ngựa chuối giăng giăng khởi cùng
Dối rằng phép lạ Năm Ông  
Bùa linh hiển hách súng không làm gì
Dân lành chẳng hiểu việc chi
Ngỡ là diệu pháp vậy thì rùng theo.
(Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca-Nguyễn Liên Phong-1909)
Thực tế đây là cuộc diễu binh vào ban đêm, bố trí cờ xí trống phách trợ oai trong không gian mờ mờ ảo ảo nhằm phát huy hiệu quả các xảo thuật. Bấy giờ có người theo dõi mật báo, Cai tổng Thuận Bình cho tay chân đến bắt được một số người nộp cho chính quyền cấp trên khai thác.
2. Trước nguy cơ bại lộ, Lãnh binh Ong và Phó Lãnh binh Khả quyết định khởi nghĩa. Chiều ngày 30-4-1878 nghĩa quân tập trung tại làng Tân Phú Đông chờ lệnh. Thực dân Pháp hay tin vội điều động binh lực tăng viện trợ cho đồn Thuộc Nhiêu và đồn Cai Lậy. Đích thân tên Chánh Tham biện Mỹ Tho chỉ huy một đội quân gồm 10 tên lính thuỷ và 38 lính mã tà đầy đủ các loại vũ khí dùng một tàu chiến theo sông Tiền tiến về Cai Lậy.
Ngày 2-5-1878, nghĩa quân làm lễ xuất quân ở bờ kinh Bà Bèo (vùng tiếp giáp Đồng Tháp Mười). Hàng trăm người vũ trang bằng gậy gộc giáo mác đánh trống reo hò, dùng kế nghi binh như sắp tấn công Cai Lậy. Nhưng thực tế đạo quân chủ lực lại tập trung ở làng Cửu Viễn, tổng Thuận Trị (nay là xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành-Tiền Giang) để theo lộ Đông Dương tấn công vào Mỹ Tho. Trên đường tiến quân, nghĩa quân được nhân dân đi theo ủng hộ, thanh thế rất cao.
Cùng lúc đó thì tín đồ đệ tử của Ngô Lợi ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) cũng sẵn sàng nổi lên hưởng ứng và phối hợp chiến đấu. Theo tờ châu bản ngày mồng 1 tháng 6 năm Tự Đức thứ 31, hai viện Cơ mật và viện Thương bạc đã dâng lên vua Tự Đức một tờ bẩm về cuộc nổi dậy của “bọn phỉ” ở các xứ Tháp Mười, Cai Lậy và Vũng Liêm. Tờ bẩm này nói rõ bọn nổi lên phần nhiều người trong đạo Thích, nhưng khi hành binh dùng nhiều ảo thuật, hoặc kết cỏ thành hình nộm, sai cầm cờ, cầm kiếm, đánh trống reo hò tiếng người...( Châu bản triều Nguyễn tháng 4, ngày mồng 7-Viện cơ mật (HTBC-No 2171) – Châu bản triều Nguyễn-Tư liệu Phật giáo-Lý Kim Hoa-NXB Văn hóa Thông tin 2003)
Tuy nhiên, nhờ có hệ thống “dây thép” nên thực dân Pháp đã được thông tin nhanh chóng và có sự chuẩn bị đối phó. Tham biện Mỹ Tho đã ra lệnh cho Đốc phủ Lộc dẫn quân đàn áp. Ông Lê Văn Ong rút về Tháp Mười tiếp tục chỉ huy kháng chiến. Ông Võ Văn Khả bị bệnh nặng phải lánh về quê nhà ở làng An Mỹ, tổng Lợi Thuận (nay là xã Phú An, huyện Cai Lậy) điều trị. Nhưng sau đó quân Pháp đã bắt được hai ông và đem ra xử chém tại đồn Thuộc Nhiêu:
Rủi ro Ong, Khả vận nghèo
Bắt đều chém tại Thuộc Nhiêu cựu đồn.
(Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca-Nguyễn Liên Phong-1909)
 Sau cuộc khởi nghĩa, Trần Bá Lộc tổ chức các cuộc đàn áp gắt gao. Nhiều hương chức đã đem quỹ công nho nộp cho nghĩa quân đều bị bắt tra tấn, tù đày. Làng Tân Phú Đông bị cắt chuyển về tổng Lợi Trinh, gần Cai Lậy dể kiểm soát hơn. Những tín đồ của Đức Bổn sư Ngô Lợi ở vùng Cai Lậy và Vũng Liêm phải rời địa phương tìm nơi khác lánh nạn. Theo nghiên cứu của nhà văn Sơn Nam, trong số này có 30 nghĩa quân lánh nạn ở núi Tượng (Châu Đốc). Ba chục người này đã khai phá lập một xóm nhỏ gọi là xóm Ba Chục, về sau phát triển thành làng xã, nói trại thành Ba Chúc, tức thị trấn Ba Chúc ngày nay. Do đó, ngày nay khi đến Ba Chúc hỏi thăm có nhiều người cho biết quê quán của mình ở vùng Cai Lậy hoặc Bến Tranh, tỉnh Tiền Giang.
 Theo ông Nguyễn Văn Thắm – ông từ quản lý chăm sóc miếu Vạn Ban bên chân núi Tượng, hiện nay, quanh núi Tượng khoảng  vài ngàn tín đồ Tứ ân hiếu nghĩa. Những người có trách nhiệm trong đạo đều để tóc để râu – biểu thị tâm huyết giữ gìn cổ tục của người xưa.


Ngọc Phan - Hoàng Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

ĐỀN THỜ THƯỢNG TƯỚNG QUẬN CÔNG

Bên bờ sông Đốc Vàng Thượng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, H.Thanh Bình,  Đồng Tháp, có một ngôi đền gọi là Dinh ông Đốc Vàng, hằng năm đến ngày 15, 16 tháng 2 âm lịch, đồng bào đến lễ bái tấp nập. Dinh hiện nay được trùng tu khá quy mô, cổng chính hướng về phía quốc lộ 30, biển ghi: “Đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng”, hai bên có câu đối viết bằng chữ quốc ngữ chân phương: “Trần Ngọc trung trinh thiên cổ tại/Thượng tướng oai linh vạn thế tồn”.

1. Người địa phương lưu truyền rằng: Khoảng hơn trăm năm trước, khi phá hoang vùng ven vàm rạch Đốc Vàng, người dân phát hiện một ngôi miếu cổ đổ nát, trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”.  Ngôi miếu được xác tín là thờ ông Đốc binh Vàng, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ, Vàm Nao dưới triều Minh Mạng. Khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, ông đã đốt thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ. Từ đó, vàm rạch nơi ông qua đời được gọi là Đốc Vàng. Về sau dân trong vùng rủ nhau xây lại miếu.


Truyền thuyết dân gian cũng kể, do ở chỗ khúc cong, nước xoáy mạnh đất lở dần, ngôi miếu có nguy cơ sụp xuống dòng sông. Người dân bàn nhau định dời ngôi miếu. Bấy giờ trong ban tế tự có người nằm mộng thấy ông hiện về bảo dân làng cứ để yên miếu ở chỗ cũ. Lạ thay, thời gian sau, dòng chảy sông Đốc Vàng bỗng đổi hướng, chỗ ngôi miếu chẳng những không còn lở nữa mà mỗi năm cứ bồi thêm ra. Từ sự hiển linh đó, người dân trong vùng tôn ngôi miếu với danh xưng trang trọng hơn là Dinh ông Đốc Vàng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu (Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp) cho biết, căn cứ vào bài vị nêu trên thì chính xác ngôi miếu cổ xưa (sau được gọi là Dinh ông Đốc Vàng) là nơi thờ Lương tài hầu Trần Văn Năng. Còn Đốc Vàng hay Đốc binh Vàng là một nhân vật gắn liền với huyền tích khác.

2. Theo sách Đại Nam liệt truyện, Trần Văn Năng người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, có sức vóc, giỏi võ nghệ, quy thuận chúa Nguyễn rất sớm và lập nhiều công to, được thăng chức Vệ úy, rồi đến chức Đô thống chế... Công trạng của ông được Đại Nam thực lục ghi chép tỉ mỉ. Trong đó, có việc xây dựng Từ Thọ cung dưới triều Minh Mạng năm 1822 và cùng Thoại Ngọc Hầu tổ chức, mộ dân đào kinh Vĩnh Tế... Năm 1833, ông được thăng Tiền quân đô thống phủ chưởng phủ sự, năm sau được tấn phong Lương tài hầu. Ông là một trong những vị quan nhiều lần được vua ban thưởng.
Năm Minh Mệnh thứ 13 (Nhâm Thìn 1832), vào lúc tiết đông giá rét, vua làm lễ Đông hưởng. Tế xong, vua thưởng bạc, lụa và một đồng kim tiền Phi long nhỏ cho Trần Văn Năng và các quan đã 70 tuổi. Riêng quan Lương tài hầu Trần Văn Năng còn được vua ban một áo cẩm bào màu tía và bảo: “Gặp tiết đông giá rét, nghĩ khanh tuổi già, ta đặc cách ban cho áo này, để chống rét dữ”. Tháng 6.1833, quân Lê Văn Khôi từ Phiên An đánh lấn ra các tỉnh Nam kỳ và chiếm được Định Tường. Mặc dù tuối đã cao, nhưng Trần Văn Năng vẫn được vua Minh Mạng phong làm Bình khấu Tướng quân cùng Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh và Vũ lâm dinh Tả dực Thống chế Nguyễn Văn Trọng làm Tham tán đại thần... dẫn binh đi dẹp loạn. Dịp này vua còn ban mỗi người một thanh gươm vàng.

Do Lê Văn Khôi cầu viện, tháng 11 năm Quý Tỵ (1833), quân Xiêm kéo đại binh chia làm 2 đường vào lấn cướp nước ta. An Giang Hà Tiên bị thất thủ. Đồn Châu Đốc bị giặc uy hiếp. Sau nhiều trận giằng co, Bình Khấu tướng quân cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê... đã thống lĩnh quân giáng cho giặc một đòn nặng ở Cổ Hủ và Thuận Cảng (Vàm Nao). Biết trước quân Xiêm sẽ dùng hỏa công, quân ta liền thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông. “Giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng hỏa đốt thuyền của ta, rồi đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh”.

Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc quân đánh bắn, từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều. Thủy quân ta thuyền chiến nối nhau, lửa ở giữa sông không cháy lan lên được hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua rồi, quân ta thủy bộ đánh giáp lá cà. Quân Xiêm thua to. Trận đánh này có thể sánh ngang với trận Rạch Gầm - Xoài Mút trên đất Mỹ Tho năm 1785. Từ chiến thắng Cổ Hủ, Bình Khấu, tướng quân Trần Văn Năng cùng các quan quân truy kích chiếm lại Hà Tiên và Châu Đốc. Đẩy lui quân Xiêm về đất Chân Lạp, quân ta đuổi theo tới Nam Vang. Đến đây Bình khấu Tướng quân lâm trọng bệnh, bèn giao binh quyền lại cho Trương Minh Giảng, rồi theo đường thủy về nước. Nhưng thuyền đến Bến Siêu thì ông qua đời, thọ 72 tuổi.
Bấy giờ, vua Minh Mạng hay tin tiếc thương vô hạn, bèn dụ truyền tổ chức tang lễ trọng thể. Ông Nguyễn Hữu Hiếu, người có công đi tìm lai lịch ngôi đền cho biết, mộ Lương Thành hầu hiện tọa lạc trên triền núi Hoàng Long thuộc thôn Thượng II, xã Thượng Xuân, TP.Huế.  Tuy nhiên, không hiểu sao lại không được chôn cất theo điển lệ dành cho quan đại thần mà chỉ là một ngôi mộ đất bình Thường.

Ngọc Phan – Hoàng Phương                                                         

Đi Thanh Bình thăm dinh ông Đốc Vàng.

Ngày 7-1-2013. Từ TX Cao Lãnh đến huyện Thanh Bình độ 22 km. Gặp họa sĩ Phước - người bạn cũ là trước đây làm ở Cai Lậy, chuyển công tác về nhà VH huyện Thanh Bình đã hơn chục năm qua. Nhờ bạn dẫn đường đến dinh ông Đốc Vàng.
Địa phương có hai rạch/sông Đốc Vàng: Đốc Vàng hạ phía bắc, Đốc Vàng Thượng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình. Trước đây có một ngôi đền gọi là  “Dinh ông-Đốc Vàng”. Dinh hiện nay được trùng tu khá qui mô, cổng chính day về phía quốc lộ 30, biển ghi “Đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng” hai bên có câu đối viết bằng chữ quốc ngữ chân phương. Trần Ngọc trinh trung thiên cổ tại/ Thượng tướng oai linh vạn thế tồn”. Còn dinh cũ thì cổng chính day mặt xuống sông Đốc Vàng Thượng, sát mé sông còn cái nhà chờ, được xây trước đây để đón khách đi bằng đò ghe tới. Cổng cũ vẫn còn tấm biển đề Dinh Ông Đốc Vàng.
Đền thờ Lương Tài hầu Trần Văn Năng vừa mới xây dựng lại
Người địa phương lưu truyền rằng: Khoảng hơn trăm năm trước, khi phá hoang vùng ven vàm rạch Đốc Vàng, người dân phát hiện một ngôi miếu cổ đổ nát, trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”.  Ngôi miếu được xác tín là thờ ông Đốc Binh Vàng, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ, Vàm Nao dưới triều Minh Mạng. Khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, ông đã đốt thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ; từ đó, vàm rạch nơi ông qua đời được gọi là Đốc Vàng. Về sau dân trong vùng rủ nhau xây lại miếu. Truyền thuyết dân gian cũng kể, do ở chỗ khúc cong, nước xoáy mạnh đất lở dần, ngôi miếu có nguy cơ sụp xuống dòng sông. Người dân bàn nhau định dời ngôi miếu. Trong Ban tế tự có người nằm mộng thấy ông hiện về bảo dân làng cứ để yên miếu ở chỗ cũ. Lạ thay, thời gian sau, dòng chảy sông Đốc vàng bổng đổi hướng, chỗ ngôi miếu không còn lở nữa mà mỗi năm cứ bồi thêm ra. Từ sự hiển linh đó, người dân trong vùng tôn ngôi miếu với danh xưng trang trọng hơn là Dinh ông Đốc Vàng.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho biết, căn cứ vào bài vị đã nêu trên thì chính xác ngôi miếu cổ xưa là nơi thờ Lương tài hầu Trần Văn Năng. Còn về Đốc Vàng hay Đốc Binh Vàng là một nhân vật gắn liền với huyền tích khác.
Lương tài hầu Trần Văn Năng người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa có sức vóc, giỏi võ nghệ, quy thuận chúa Nguyễn rất sớm lập nhiều công to, được thăng chức vệ úy, rồi đến là chức Đô thống chế.
Công trạng của ông được Đại nam thực lục ghi chép khá tỉ mỉ. 
 Tháng 6 năm 1833, ông Trần Văn Năng được vua Minh Mạng phong làm Bình khấu Tướng quân dẫn binh đi dẹp loạn Lê Văn Khôi.
Tháng 11 năm Quý Tỵ [1833], quân Xiêm kéo đại binh chia làm 2 đường vào lấn cướp nước ta, Ông đã cùng các quan Tống Phước Lương, Trần Văn Trí đánh chúng một trận tơi bời ở Cổ Hủ, rồi sau đó chia quân theo đường kênh Vĩnh Tế đến chiếm lại Hà Tiên và Châu Đốc. Quân Xiêm  lui quân về Chân Lạp. Quân ta truy kích sang Nam Vang. Ở đây ông lâm trọng bịnh, bèn giao binh quyền cho Trương Minh Giảng, rồi về nước dưỡng bịnh. Thuyền đến Bến Siêu, nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì ông qua đời. Nhân dân thương tiếc tài năng, đức độ của thượng tướng đã lập nên đền thờ và bài vị của Người tại nơi Người mất.
Chuyện về Lương tài hầu Trần Văn Năng đã rõ, chỉ tiếc chưa có điều kiện tìm hiểu thêm về nhân vật Đốc Binh Vàng mà theo anh Hiếu nói là câu chuyện khác.

Đã 4 giờ chiều, họa sĩ Phước rủ nhậu, nhưng phải quay về Cao Lãnh ngay vì có hẹn.  

TRĂM NĂM DÂU BỂ


Đêm giáng sinh gió bấc lùa qua con hẽm nhỏ. Không khí  se lạnh cuối năm đổ về từng đợt từng đợt nôn nao như những đứa trẻ ngoài đường tung tăng diện màu áo mới đón Tết. Cái Tết lần thứ mười của thế kỷ 21 mà thị trấn này đón nhận.
Bạn tôi mua một cành thông, nghe nói đem từ Đà Lạt vô, trang trí đèn màu rực rỡ. Tất nhiên nó chỉ là cây thông tượng trưng cho ngày lễ, mai đây những cọng lá hình kim kia sẽ lụi tàn trên cơ thể không gốc rễ, không nguồn nuôi sống. Đương sự không phải là người theo đạo, sắm một cây trang trí cho vui, cho nên vừa đặt cây thông xuống vừa phân bua, bây giờ người ta thích đồ giả hơn đồ thiệt, giả nhưng mà cả chục triệu đó, ít gì. Vừa tức vừa buồn cười bèn phán một câu “lộng giả thành chơn” rồi xổ luôn một hơi kẻo bạn giận, noel là ngày lễ của công giáo, nhưng trở thành ngày hội vui của thanh thiếu niên có đạo và ngoại đạo. Đổ xô ra đường để tìm sự hưng phấn, không ít đứa quá hưng phấn rủ nhau đua xe, gây tai nạn  đem phiền phức cho gia đình, xã hội.
Chuyện đua xe lan man kéo theo chuyện giao thông đường phố, chợ búa và những đổi thay thật giả lẫn lộn.
Thị trấn cuối năm với bao nhiêu bận rộn. Ăn Tết xong, ngày 30-4 sang năm, chợ Cai Lậy chính thức dời về điểm mới, ở phía đông bắc thị trấn, cách ngôi chợ cũ non một cây số đường chim bay với cái tên hoành tráng trung tâm thương mại Cai Lậy. Chuyện mua bán ở khu thương mại mới này dự báo sẽ nhộn nhịp hơn, còn điểm cũ sẽ có các công trình khác mọc lên, nhiều người hy vọng sẽ là những công trình văn hóa, phục vụ cho nhu cầu giải trí của nhân dân thị trấn. Công viên, tượng đài... còn phía trước, trong dự tính, song việc phải  rời ngôi chợ đã gắn bó với người dân hàng thế kỷ chắc hẳn cũng có chút ngậm ngùi hoài niệm...
+
Chợ Cai Lậy do vợ chồng ông Huỳnh Tấn Chiêu lập, bấy giờ gọi là  chợ Thanh Sơn. Ban đầu, chợ Cai Lậy chỉ là một ngôi nhà tre lá, xung quanh phố xá sơ sài, tọa lạc ở đầu giồng Cai Lễ - tên của một nhân vật về sau được biết là Cai cơ Ngô Tấn Lễ. Nguyên thủy ngôi chợ nằm giữa khu vực đình Bang Lãnh và miếu Bảy Bà. Đó là những cơ sở thờ thần thánh của người Minh hương lập xung quanh chợ, sau nầy đã Việt hóa. Theo dân gian thuật lại, cây đa trước miếu Bảy Bà hiện nay là chồi rễ của cây đa mà người đương thời trồng để tạo bóng mát nơi họp chợ. Chợ Cai Lậy bắt đầu sung túc khi có kinh Bà Bèo, tức vào khoảng năm 1785 và đường Thiên Lý, năm 1792. Từ Gia Định xuống miền Tây muốn đi đường thủy hoặc đường bộ đều phải qua chợ Cai Lậy. Thế nên khu chợ nầy lúc nào cũng “trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập như sách Gia Định thành thông chí mô tả.
Đến đời Minh Mạng, trước năm 1838, huyện Kiến Đăng cũ đóng tại chợ Cái Thia, thôn Mỹ Đức Đông (nay thuộc huyện Cái Bè). Nhưng từ khi có huyện Kiến Phong, chợ Cái Thia tuy vẫn còn nằm trong huyện Kiến Đăng mới nhưng mất vị trí trung tâm nên được dời về thôn Mỹ Trang, thuộc khu 4, thị trấn Cai Lậy ngày nay. Trước đó mấy mươi năm, tại thôn Mỹ Trang có đồn lũy khá qui mô do tiền quân Tôn Thất Hội. Phế tích nầy sau được trùng tu làm huyện lỵ Kiến Đăng, dân gian gọi là Bờ đồn. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả, đồn Mỹ Trang đắp bằng đất, chu vi 58 trượng, cao 4 thước, có 2 cửa. Bên ngoài có hào sâu 2 thước và có lũy tre bao bọc. Trước năm 1945, đồn Mỹ Trang còn nhiều vết tích. Thời gian sau nầy, người dân đã đào lấy hết cát nên di tích cổ nầy trở thành bình địa. Ngoài ra, khu vực sát chợ Cai Lậy, thuộc địa phận làng Hòa Sơn có một đồn nhỏ bảo vệ đồn Mỹ Trang, gọi là bảo Hòa Sơn. Thực dân Pháp phá hủy bảo Hòa Sơn ngay sau khi chúng vừa xâm chiếm, mấy chục năm trước đây còn là ao vũng lầy lội phía sau chùa Phật Bửu, thuộc khu 2, thị trấn Cai Lậy.
Sau khi Thực dân Pháp xâm chiếm bình định Nam kỳ, ngày 5 – 7 – 1867, họ xóa Nam kỳ lục tỉnh, các hạt Thanh tra (Inspection) chuyển thành các hạt Tham Biện (Arrondissement) trực tiếp điều khiển các địa phương. Trung tâm Cai Lậy do một viên phó Tham biện điều khiển. Ở đây họ dã cho cất một dinh Tham biện nhỏ. Chợ Cai Lậy trở thành trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa kể từ lúc đó. Năm sau, Bốn Ông (Long, Thận, Rộng, Đước) chiêu tập nghĩa dân khởi nghĩa chống Pháp. Đêm 24-12-1870 nghĩa quân Bốn Ông tấn công dinh Tham biện, đốt chợ Cai Lậy. Ngày 01-10-1871, thực dân Pháp bắt được Bốn ông. Ngày 14-02-1871 (25- Chạp- Canh Ngọ) Thực dân Pháp hành quyết Bốn ông bên bờ rạch Ba Rài, chỗ chợ Cá hiện thời.
Trong kế hoạch khai thác thuộc địa, thực dân Pháp xây dựng tại chợ Cai Lậy một trường học, một nhà thơ-dây thép (trạm bưu điện)... rồi đến năm 1911, họ lập trạm xá y tế và nhà Bảo sản Cai Lậy, cũng đặt gần chợ. Trong năm nầy chợ Cai Lậy xuất hiện tiệm cầm đồ đầu tiên. Năm 1921, lộ Đông Dương được trải đá, bốn năm sau, ngày 24-10-1925, cầu đúc được xây dựng. Vì việc bắc cầu đúc, chợ Cai Lậy phải dời  xa về phía bắc, đình Bang Lãnh dời về phía nam. Bấy giờ nhà cửa còn thưa thớt, hai bên đường trồng me, đến năm 1954 vẫn còn. Đa số nhà trong chợ là nhà lá, tối đốt đèn dầu. Ngoài đường cũng thắp đèn dầu, lồng đèn quản hạt. Mỗi tối có ông Cai Thị xách mõ vừa đi đốt đèn đường đi “tuyên truyền phòng cháy chữa cháy”, rao: “Đèn treo xa vách; Nước xách đầy ghè; Tiền để rương xe; Trước khi đi ngủ
Ấy vậy mà chợ cháy hoài nên bà con tiểu thương hàng năm phải bày ra lễ tiễn bà Hỏa vào dịp cúng Bốn Ông. Nổi ám ảnh cháy chợ không còn trong suốt hơn nửa thế kỷ. Song vào lúc nhân loại bước vào thế kỷ XXI thì chợ Cai Lậy lại cháy. Lần này hình như lỗi không phải ở bà Hỏa. Ngôi chợ bị cháy là khu vực được xây thêm vào năm 1985, sát cầu đúc Cai Lậy. Ngọn lửa bùng phát lúc 23 giờ đêm giao thừa thiên niên kỷ 31-12-2000, đến 6 giờ sáng 1-1-2001 mới dập tắt được. Toàn bộ khu chợ cùng hàng hóa đều bị thiêu hủy, tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Hình như cơn  hỏa hoạn nầy đã báo trước tương lai phải dời chợ để tránh nguy cơ cho cây cầu huyết mạch trên quốc lộ.
Trở lại chuyện chợ Cai lậy xưa. Năm 1935 tại chợ Cai Lậy có thêm một công trình nữa được xây dựng là nhà máy nước Cai Lậy. Nhà lồng chợ lúc nầy là một ngôi nhà vách ván, ở giữa hai dãy phố, đường vào có hàng me cao xanh rì, tỏa bóng mát. Về phía đông là trung tâm hành chính của chính quyền thực dân, gọi là Dinh quận. Gần khu vực nhà thương, nhà máy nước cũng còn khá vắng vẻ, năm 1931, ông Trần Hữu Tám trèo lên cây dương cạnh nhà thương Cai Lậy để treo lá cờ Đảng đầu tiên, sự kiện được dựng bia kỉ niệm.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhờ có quốc lộ đi ngang qua chợ, cùng với chính sách dồn dân lập ấp của chính quyền Sài Gòn, nhiều người dân ở vùng nông thôn tản cư ra chợ, rồi sau đó định cư hẳn, dần dà biến xã Thanh Sơn thành một thị trấn sầm uất và một chi khu quân sự. Phía nam là khu mua bán hàng hóa đủ loại, phía bắc là dãy vựa cá  đồng nổi tiếng... Chợ Cai Lậy bấy giờ trở thành nơi trung chuyển hàng hóa từ Sài Gòn-Chợ Lớn đến vùng Mộc Hóa. Nhiều công trình trường học xung quanh chợ mọc lên như trường trung học Đốc Binh Kiều, trường bán công Tứ Kiệt...
+
Lược các sự kiện lịch sử có vẻ khô khan song cần thiết. Trăm năm dâu bể, sự đổi thay khiến người đời nay khó có thể hình dung, huống hồ con cháu mai sau, như căn nhà bên con hẽm nhỏ mà chúng tôi đang ngồi đón năm mới mấy năm trước còn là con rạch nổi tiếng một thời: Rạch Ông Hiệu.
Hồi còn là chợ Thanh Sơn, sông Ba Rài mang trên mình hai con rạch nổi tiếng Ông Hiệu và Ông Tang. Hai vị tiền hiền khai khẩn lập nên làng Hòa Thuận và làng Mỹ Trang mà một phần lớn đất đai đã nhập vào thị trấn. Ông Lê Phước Tang bị vua Gia Long xiềng mả, trở nên nổi tiếng rồi bị thế hệ sau đào mả tìm cổ vật đem bán, còn ông Phan Văn Hiệu con cháu thời nay không còn đất để bán nên lấp rạch..., xây nhà. Thật ra họ không nghèo tiền nghèo bạc đến nổi xúc phạm tổ tiên mà họ chỉ nghèo kiến thức.
Cái chết của rạch ông Hiệu đã được báo trước từ mấy chục năm về trước. Hồi những năm 1960, nó còn là dòng nước rộng sâu, xuồng ghe qua lại dập dìu, ghe chài vô đến tận xóm Lò vôi ở Bến Cát, ven rạch còn mấy cái lẫm lúa của các nhà địa chủ. Hai bên rạch có hàng dừa thơ mộng chiều chiều mấy đứa trẻ ra đu tàu dừa nhảy xuống nước nô đùa. Hồi Mậu Thân, con rạch trở thành chiến hào tự nhiên để các cánh quân của ta tiến vào đánh chi khu Cai Lậy..., và máu cũng đã thấm vào cuộc đất ven bờ.
Ở xứ sở sông nước hiền hòa, không biết người ta học ở đâu kiểu đắp đập ngăn sông lập trạm bơm thủy lợi. Lợi đâu chẳng thấy, chỉ tội cho con rạch bị biến thành dòng nước chết, ao tù, thành nơi xả rác. Nhưng thay vì cải tạo phục hồi dòng nước năm xưa thì người ta lại suy tính tới chuyện lấp rạch làm đường. Đường giống như một con hẽm nhỏ, chẳng phục vụ việc đi lại và mở mang phố xá bao nhiêu, chỉ thỏa mãn lợi ích trước mắt của một nhóm người. Không biết về sau con cháu có ghi vào trong sử sách những người đã “bắn vào quá khứ bằng phát súng lục”.
+
Nhân nói chuyện lịch sử, bây giờ có phong trào nhà nhà làm sử, người người viết sử. Các địa phương phát động viết sử với mục đích và động cơ tốt đẹp là giáo dục truyền thống. Và rồi giống như các học trò học môn văn hiện nay phải có bài văn mẫu, nên lịch sử địa phương thường được diễn ra theo ý muốn các “sử quan”, chứ không phải như nó vốn có. Cho nên có nhiều chuyện bi hài ở địa phương khi những nhân chứng lịch sử cãi nhau giành công trong một trận đánh, rồi từ là những đồng chí đồng đội cùng nhau vào sanh ra tử lại mích lòng nhau vì chút danh dự hão huyền ở tuổi đã về hưu.
Chỉ có những hy sinh thầm lặng mà các nhà viết sử không để ý nên mới  không ai lên tiếng giành phần.
Trước cuộc Nam kỳ khởi nghĩa nổ ra, ở chợ Cai Lậy có nhóm Ngũ hùng, đó là ông Tư Đề làm đại lý báo Dân Chúng - tờ báo có tư tưởng Mác xít bị cấm lưu hành, ông Hai Hớt tóc, ông Ba Nam, Sáu Tuất và Phạm Văn Thử. Tên gọi Ngũ hùng không phải do họ tự xưng mà do người đời đặt để. Nhuốm một chút màu sắc Lương Sơn bạc, các hoạt động cách mạng của họ có vẻ ly kỳ như những tay anh chị. Họ lấy đình Bang Lãnh làm nơi tụ tập của nhóm. Năm 1937, lúc cao trào đòi dân sinh dân chủ, ngay ngày cúng đình đình Bang Lãnh, nhóm Ngũ hùng được lệnh tổ chức biểu tình. Lúc này cầu đúc Cai Lậy đang làm, chưa phá giàn giáo. Quận Tâm đang ngồi khán đài trên cầu xem đua xuồng. Dân chúng tụ tập xem đua khá đông mé bên bờ chùa Minh Sư. Trên lộ có một chiếc xe quảng cáo thuốc đang đậu. Nhân tiện, bà Kim Chi nhảy lên xe, dùng loa phóng thanh quảng cáo để tuyên truyền. Quận Tâm phản ứng ngay lập tức bằng cách huy động Mã tà giải tán đám đông. Nhân lúc lộn xộn, bà Kim Chi được nhóm Ngũ hùng bảo vệ thoát khỏi. Sau sự kiện đó, quận Tâm cũng học theo Thi Nại Am trong Thủy hử, mở võ đài nhằm chiêu dụ Ngũ hùng, song không thành, bèn sai Hương cả Khánh tung tay chân ra điều tra hành tung của nhóm. Khoảng tháng 9 năm 1940 nhóm Ngũ hùng được triệu tập họp tại đồng Mả Vôi để chuẩn bị cho cuộc Nam kỳ khởi nghĩa, phân công mỗi đêm hô loa kêu gọi đồng bào. Cơ mưu bại lộ, viên thơ ký của Cả Khánh vốn là người tốt nên đã báo cho nhóm Ngũ hùng biết, nhưng vì chủ quan nên cả năm vị đều bị bắt và bị tra tấn tàn nhẫn, hai người chết tại dinh quận, còn số khác giải về Mỹ Tho rồi tuyệt thực chết, quyết giữ bí mật cuộc khởi nghĩa.
Câu chuyện trên tôi được nghe cụ Trần Hữu Tám thuật lại, cụ cũng cho biết đêm cụ treo lá cờ Đảng trên ngọn cây dương là vào đêm lễ Chánh chung nước Pháp, nhân lúc làng lính ăn lễ, không cảnh giác. Về sau không hiểu các “sử gia” địa phương hiểu sao mà kéo thời gian về đúng ngày 3 tháng 2 cho hoành tráng. Nhưng bia đã lỡ dựng rồi, sự kiện đã khắc ghi vào đá, sau này con cháu nghiên cứu lịch sử có hỏi thì giải thích đó là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên vậy.
+
Trăm năm dâu dể, người đời phải chấp nhận sự đổi thay, để định hình cái mới nhưng cái mới định hình theo kiểu “lộng giả thành chơn” hay đồ giả mà phải tốn cả chục triệu để mua như cành thông của bạn tôi thì thiệt là buồn.
Noel 2009

***


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Vĩnh Tế - con kinh quốc phòng thời nhà Nguyễn.

Kinh Vĩnh Tế nằm tại địa phận hai tỉnh An Giang  Kiên Giang. Đây là một kinh đào dài nhất mang ý nghĩa chiến lược do triều đình phong kiến nhà Nguyễn thực hiện. Hiện tại so với các con kinh đào khác trong vùng, ta thấy nó không sâu rộng lắm, song việc đào được một con kinh đi qua Thất Sơn hiểm trở và những vùng đất trủng phèn mặn thuở xưa là một kỳ công của tiền nhân thuở ban đầu mở cõi.

Ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, nơi bắt đầu kinh Vĩnh Tế tại ngả ba nối vào sông Châu Đốc, thuộc ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Nguơn. Từ đây kinh Vĩnh Tế chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Điểm nối giáp với sông Giang Thành, thị xã Hà Tiên. Đoạn từ Tịnh Biên đến Hà Tiên dài hơn 60 km, có nhiều chỗ khá hẹp, nhưng cũng có nhiều chỗ đang sạt lở. 

 Tại ngả ba bờ tây sông Châu Đốc có một ngôi đình xưa, sát đường Tây Xuyên, một con đường nhỏ qua biên giới, gọi là đình Vĩnh Nguơn được trùng tu năm 1929. Theo một bô lão ở địa phương ngày cúng Kỳ Yên 15, 16 tháng chạp hàng năm đều có tế quan Thoại Ngọc hầu. Căn cứ vào ghi chép trong Thực lục, địa điểm này chắc chắn là nơi khởi công, là đầu nguồn của kinh Vĩnh Tế.
Đình Vĩnh Ngươn



1. Đại Nam thực lục chép, tháng 9, Gia Long năm thứ 18 (1819), vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên; Cho tên là sông Vĩnh Tế. Mục đích ban đầu của việc đào kinh là “Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt”. Vua Gia Long xuống dụ cho thành thần Gia Định tiến hành đo đạc tính từ phía Tây đồn Châu Đốc, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu và binh dân đồn Oai Viễn 5.500 người, Đồng Phù (quan nước Chân Lạp) quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, tháng 12 năm 1819 khởi công đào. Dân phu đào kinh bất kể người Việt hay người Chân Lạp cùng với binh lính đồn Oai Viễn mỗi người được cấp 6 quan tiền và 1 phương gạo mỗi tháng.  

Tên kinh được đặt bao giờ? Căn cứ Thực lục, việc đặt tên là sông Vĩnh Tế” được vua đặt Gia Long ngay từ lúc ra lịnh khởi công, chứ không phải mãi đến khi công trình hoàn thành mới được đặt tên. Có lẻ việc đặt tên kinh Vĩnh Tế là một phần khích lệ tinh thần mà vua Gia Long dành cho Thoại Ngọc hầu sau khi hoàn thành kinh Đông Xuyên (tức Thoại Hà) và trước khi bắt tay vào một công trình quan trọng trong vùng.

Từ lúc khởi công kinh Vĩnh Tế có nhiều lần phải tạm ngưng thi công.

Núi Thâm Đưng-bên kia bờ Vĩnh Tế
Lần tạm ngưng lần thứ nhất vào năm Canh Thìn (1820). Lần này vua Minh Mạng mới lên ngôi, thấy việc đào kinh đã tròn năm, người người khó nhọc, nên ra dụ tạm hoãn và cấp tiền, vải cho người chết, cấp thuốc men cho người ốm. Bấy giờ con kinh đã hoàn thành được 3.224 trượng, còn lại 9.992 trượng. Đến tháng giêng năm sau, (1821) vua Minh Mạng lại hoãn việc đào kinh. Bấy giờ vùng Hà Tiên-Châu Đốc vừa xảy ra nạn dịch lớn, vua muốn “để cho dân nghỉ ngơi”. Kinh Vĩnh Tế lúc này tuy chưa đào xong, nhưng đường nước nhỏ cũng đã thông.
Tháng 10 năm Nhâm ngọ (1822) vua Minh Mạng thấy công việc đào kinh cần phải khẩn trương hơn, nên ban d nhắc nhỡ.  Lúc này kinh Vĩnh Tế đã hoàn thành hơn 10.500 trượng chỉ còn hơn 1.700 trượng. Đến tháng 2 năm Giáp thân (1824), kinh Vĩnh Tế được lệnh đào tiếp. Bấy giờ Phó Tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại quân dân hai trấn Phiên An, Biên Hoà để đào đá xây thành. Vua Minh Mạng không đồng ý và ra chỉ dụ: “Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc xây thành đằng nào cần hơn ?” Với quyết tâm cao độ của nhà vua, đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824), thì kinh Vĩnh Tế hoàn thành. Vua Minh Mạng nói rằng, đào con sông ấy thực là lợi ích muôn năm vô cùng về sau, bèn sai Hữu ty lo việc dựng bia ghi dấu đồng thời ra lịnh ban thưởng cho Thoại Ngọc hầu cùng các quan có công và quốc vương Chân Lạp.  

2. Không chỉ có công trong việc đào kinh Vĩnh Tế, công lao của Thoại Ngọc hầu trong giai đoạn này rất lớn.

Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761 là con ông Nguyễn Văn Lượng và bà Nguyễn Thị Tiết. Ông Nguyễn Văn Lượng người thôn An Hải, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, làm chức Tư thừa, mồ mả còn tại đất Quảng. Còn bà Nguyễn Thị Tiết là con của ông Nguyễn Khắc Tuân và bà Phạm Thị Thấy ở cù lao Dài (Vĩnh Long). Giả thuyết, Nguyễn Văn Thoại có thể được sinh ra tại Quảng Nam, cha mất lúc ông còn nhỏ. Sau khi cha mất, ông theo mẹ vào Nam lập nghiệp. Cũng có thể Nguyễn Văn Lượng vào Nam cưới vợ lập nghiệp và sinh ông ra tại cù lao Dài, nhưng sau đó về Quảng Nam và mất ở đó. Theo tư liệu của ông Trương Ngọc Tường thì bà Châu thị Vĩnh Tế là cháu gái ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán, vào cuối thế kỷ XVIII đã đến lập nghiệp tại thôn Thái Bình (nay thuộc xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm). Ông Châu Vĩnh Huy là người có công xây dựng đình chùa, được tôn Hậu hiền. Còn họ Nguyễn của Thoại Ngọc hầu đến làng này muộn hơn.
Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại về làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, nên ông đã tâu với triều đình cho tiến hành đào kinh Đông Xuyên, khởi công vào đầu năm 1818, nối rạch Đông Xuyên ở Tam Khê (Ba Rạch) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Công trình này hoàn thành chỉ trong một tháng. Kinh đào xong, ông được vua Gia Long khen ngợi và cho phép lấy ông lấy tên mình để đặt tên cho con kinh mới đào là Thoại Hà. Ngoài ra, ông còn huy động hơn 3.000 dân binh đắp con đường từ Châu Đốc đến núi Sam, khởi công từ ngày 20 tháng chạp năm Bính Tuất,1827) và hoàn thành ngày 15-5 năm Đinh Hợi, 1828. (theo An giang xưa và nay của Tân Việt Điểu - Văn hóa nguyệt san số 39-1959).

3. Bia Vĩnh Tế dựng tại núi Sam vào mùa thu năm Mậu Tý (1828), chép việc lập làng, mở ruộng di dân, việc vua (Gia Long) lấy tên Thoại Ngọc hầu phu nhân (tức bà Châu thị Vĩnh Tế) đặt tên cho kinh đào.

Bên cạnh, vua còn lịnh tổ chức lễ tế các binh lính và sưu dân đã bỏ mình trong việc đào kinh và soạn “Tế nghĩa trủng văn” đọc trong buổi lễ. Tế nghĩa trủng văn còn gọi là bài “Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh”. Bài văn tế có 38 dòng, Nguyễn Văn Hầu cho biết ông tìm được bài văn này hồi năm 1960 do miêu duệ của cụ Nguyễn Văn Khuê (Huấn đạo Khuê) cung cấp, nhưng tác giả vẫn hồ nghi không biết có đúng nguyên văn, vì chưa tìm được bài văn tế xưa nào khác để kiểm chứng.

Mở đầu bài văn tế bằng lời văn mô tả đầy âm khí “Thiên nhai lạc lạc, khách trủng luy luy/Vân phong cổ mộ, nguyệt điếu tàn bi”. Nội dung bài văn tế đã xác nhận: Việc đào kinh đã làm nhiều người bỏ mạng và trong số ấy có cả phụ nữ “Vi nam vi nữ, tánh thậm danh thùy”

Dịp tế lễ, thừa lệnh vua, Thoại Ngọc hầu đã làm một cuộc cải táng tập thể, có lẻ rất qui mô, nhưng chưa biết địa điểm hành lễ. Tác giả Nguyễn Văn Hầu căn cứ vào câu cuối bài văn tế “Sam sơn chi tây hề khả dĩ toại khu trì” và đoán rằng địa điểm hành lễ có lẻ là bên triền phía tây núi Sam, chỗ có cắm bia “Đặc tứ Vĩnh Sơn bia ký” và cũng là nơi có nhiều nấm mộ. Cho đến nay, việc tế lễ các vong hồn bỏ mạng trong cuộc đào kinh vẫn còn được duy trì ở địa phương này, người dân gọi là lễ “Tống gió”.

Men theo con lộ nhựa dọc bờ kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên mới thấy còn kinh vẫn còn giá trị lớn về các mặt thủy lợi, giao thông và quốc phòng, thể hiện sức lao động xây dựng đất nước của dân Việt và cho thấy tầm nhìn chiến lược quốc phòng của triều Nguyễn. 

Ngọc Phan - Hoàng Phương

Một chiều ở Châu Đốc.

Ngày 8-1, từ Sa Đéc chạy thẳng lên bắc/phà An Hòa sang Long Xuyên. Thấy còn sớm, uống cà phê xong bon về Châu Đốc.
Xế chiều đến Châu Đốc, thuê khách sạn xong, lên thẳng Núi Sam thăm lăng Thoại Ngọc hầu và chùa Tây An.
Chưa kịp tìm chỗ gởi xe đã bị một đám người bu lại, chèo kéo bắt mua nhang đèn để cúng….bà. Thêm mấy người làm nghề xe ôm níu lại, giới thiệu đường đi, ngả giá…


Ghé lăng Thoại Ngọc hầu chụp mấy tấm ảnh rồi đón xe đến chùa Hang (Phước Điền tự), cách lăng khoảng 2 cây số. Bước lên hơn 90 bậc thang, gặp một sư đang quét dọn, định hỏi thăm sư trụ trì và nhờ chỉ dùm tháp bà Thợ - người sáng lập chùa. Sư trả lời cộc lốc, tự ái, định quay xuống, nhưng vì tiếc cảnh đẹp nên phải nán lại chụp vài kiểu.
Phước Điền tự (chùa Hang)
Trở lại chùa Tây An, trong bụng vẫn còn ấm ức, may gặp được Thượng tọa Thích Thiện Thống, là sư  trụ trì, vui vẻ, hiếu khách. Mặc dù ông đang bận tiếp khách Giáo hội từ tỉnh xuống, cơm đang dọn sẵn nhưng vẫn bỏ ra 15 phút dẫn ra khu mộ Phật Thầy Tây An và cung cấp vài tư liệu quí về hành trạng của người sáng lập Bửu Sơn kỳ hươngvà dự định của chùa về việc xây dựng nhà lưu niệm Tổng Đốc An Hà Doãn Uẩn, người khai sơn Tây An tự.
Về đến khách sạn 6 giờ chiều vẫn còn ấm ức chuyện ông sư ở chùa Phước Điền, đành phải gác bài này lại. Bao nhiêu huyền tích về sám vãng Bà thợ (Diệu Thiện) và chuyện đôi mãng xà nghe kinh… đành phải dành lại cho chuyến đi sau, nếu có dịp.
Lại nghe nói ở Núi Sam bây giờ có thêm các di tích mả cô Năm, mả cô Ba gì đó…linh lắm, ai hành hương tới đây cũng phải ghé lại cúng vái. Thêm một cơ sở tín ngưỡng đậm chất dị đoan, ăn theo Bà Chúa Xứ - mà thời gian gần đây bị “thương mại hóa” một cách thô thiển.

Nói gì thì nói Châu Đốc vẫn là một thị xã đẹp và đang phát triển. 

Theo bờ kinh Vĩnh Tế sang Hà Tiên.

Ngày 9-1. Sáng sớm, hỏi đường lên Vĩnh Ngươn, nơi khởi nguồn kinh Vĩnh Tế. Năm 1819, vua Gia Long ra lệnh bắt đầu từ đây đo phóng kinh về Hà Tiên.
Ngã ba Vĩnh Tế-sông Châu Đốc
Bên kia cầu Vĩnh Nguơn, còn khoảng 3 cây số là đến cửa khẩu biên giới.
Theo đường nhỏ có tên là Tây Xuyên, đi tới ngả ba độ 2 cây số. Đường này có tuyến lên biên giới, nghe nói buôn lậu nhiều, một người am hiểu địa phương lại ảnh báo, chụp hình cẩn thận, ở đây mới vừa phá một vụ buôn lậu lớn.
Gặp một cụ già trước đây làm từ giữ đình Vĩnh Nguơn. Ông chi mấy chiếc xe gắn máy chở đàng sau mấy thùng các-tông và nói nhỏ ‘đám buôn thuốc lá lậu”. Nghe qua cũng khá hồi hộp, nhưng cảnh ở ngả ba nối sông Châu Đốc và Vĩnh Tế đẹp quá, lôi máy ra bấm đại vài kiểu.
Bên bờ tây là đình Vĩnh Ngươn, ngôi đình được trùng tu năm 1929, khá đẹp, phía bên kia sông là một dãy nhà bè nuôi cá, thấp thoáng ẩn hiện trong sương…



Trở ra thị xã, lên Núi Sam rồi theo quốc lộ 90 qua Nhà Bàng, ghé chợ Tịnh Biên. Định lên biên giới nhưng sợ không kịp thời gian bèn cặp theo kinh Vĩnh Tế đi theo hướng Vĩnh Gia - Vĩnh Điều…Phía bên kia kinh Vĩnh Tế, qua một gian đồng là núi Thâm Đưng thuộc đất của Kampuchia. Kinh Vĩnh Tế đoạn này hẹp, có lẻ do bùn lấp. Bên phải Tỉnh lộ 955A nhà cửa có đoạn còn thưa thớt, không thể hình dung nổi công lao của tiền nhân ngày xưa đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và …máu để đào con kinh mang tính chiến lược này.
Đoạn cuối kinh Vĩnh Tế nối vào Giang Thành-Hà Tiên
9 giờ, vô thăm thị trấn Ba Chúc, ghé núi Tượng, vô miếu Vạn Ban hỏi vài chuyện về Tứ Ân hiếu nghĩa với người giữ miếu, thắp nhang xong quày quả trở ra.
Quẹo trở ra, hướng về Hà Tiên qua các địa danhVĩnh Gia, Vĩnh Lạc, An Nông, Ấp mới, Cống Cá, Đồng Cừ… Đường tuy hơi nhỏ, đã có tuyến xe buýt, nhưng có lẻ ít người đi nên rất vắng, mặc sức mà phi, không lo bắn tốc độ.   

11 giờ, đến ngả tư thuộc xã Thuận Yên, đứng trên cầu nhìn xuống nơi cuối cùng của kinh Vĩnh Tế nối vào sông Giang Thành-Hà Tiên. Từ đây đi tới biển về Tô Châu vào thị xã.

Dấu ấn Tây An cổ tự

Tây An cổ tự tọa lạc tại ngã ba, bên chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Một ngôi chùa có lối kiến trúc khá độc đáo, kết hợp hài hòa hai dòng văn hóa Việt -Chăm, được Bộ Văn Hóa xếp hạng là "di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1980.  Sự ra đời của ngôi chùa mang dấu ấn về chính sách văn hóa của triều Nguyễn “khai hoang lập chùa”. Đây cũng là nơi gắn với hành trạng của người sáng lập Bửu Sơn Kỳ hương, do đó dân gian thường gọi ông Đoàn Minh Huyên là Phật thầy Tây An.

Trong  kế hoạch khai hoang lập đồn điền và các chính sách an dân, các quan nhà Nguyễn như quan đại thần Nguyễn Tri Phương…đã có sự thỏa thuận với các hòa thượng các tông phái Phật giáo,  đồn điền lập đến đâu thì xây cất chùa chiền đến đó để lo đời sống tinh thần, giúp dân an cư lạc nghiệp. Dường như chùa Tây An ở núi Sam – Châu Đốc ra đời nhằm thực hiện nhất quán chủ trương này.

1. Lịch sử khai sơn Tây An tự bắt đầu từ quan Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn. Doãn Uẩn (1795-1850) là một danh thần thời Nguyễn, phụng sự ba đời vua liên tiếp: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Sinh thời, ông là một trong những trụ cột của triều đình, trấn giữ vùng biên cương tây nam, suốt những năm trị vì của vua Thiệu Trị. Ông từng được giữ chức Lang trung bộ Hộ, Tham tri bộ Hộ và Án sát Vĩnh Long. Tham gia trấn áp các cuộc nổi dậy và chống ngoại xâm cũng như các chính sách hòa hợp dân tộc.  Công trạng của ông được vua Tự Đức cho khắc bia ghi chiến tích, đặt tại Võ miếu.

Vào năm 1842, quân Xiêm lại đem quân xâm lấn biên cương nước ta. Triều đình sai Doãn Uẩn (1795-1850) cùng các quan Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hoàng… đem quân đánh dẹp. Năm 1845, quan quân triều đình đã chiếm lại được Hà Tiên và sau trận này Doãn Uẩn được phong làm Tổng đốc Mưu lược tướng, kiêm lý khu vực An Hà (An Giang và Hà Tiên). Trong thời gian kiêm lý An Hà từ 1845 đến 1848, ông đã chủ trì tu sửa và xây mới nhiều chùa chiền trong vùng, trong đó có chùa Tây An.

Ngày 21 tháng 11 âm lịch năm Kỷ Dậu (1850), ông bệnh mất tại An Giang và được truy tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Bài vị của ông được vua cho đặt ở đền Hiền Lương cùng với các danh thần nhà Nguyễn khác.

Ngôi chùa  xây dựng xong, Tổng Đốc Doãn Uẩn cho mời Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh thuộc đời thứ 37, Lâm tế chánh tông chi phái Thiên khai. Hòa thượng Tiên Giác-Hải Tịnh từng được triệu về làm Tăng cang chùa Thiên Mụ (Huế) được thưởng kim tiền được lễ bộ cấp giới đao độ điệp (Ý nghĩa cho phép thu nhận đệ tử). Mấy mươi năm học hỏi của các tự viện chốn thần kinh, về quê năm 1841, đời Thiệu Trị là vị cao tăng đầu tiên tổ chức an cư kiết hạ tại tổ đình Giác Lâm và nhiều khóa tại các chùa sắc tứ Từ Ân, Hội Phước (Sa Đéc), Phước Hưng (Sa Đéc).  Ngài cũng là thiết lập được các giới đàn. Mỗi giới đàn thường có 3 đàn truyền giới cho tăng, ni...Do đó ngài có rất nhiều đệ tử khắp các tỉnh Nam kỳ. Việc hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh trụ trì dù chỉ trên danh nghĩa (vì lúc này Hòa thượng đang trụ trì tổ đình Giác lâm) đã làm tăng thêm uy tín Tây An tự.

Nhằm tưởng nhớ công lao của người sáng lập Tây An tự, Thượng tọa Thích Thiện Thống trụ trì chùa cho biết Tây An tự  đang tiến hành thủ tục để xây nhà tưởng niệm Tổng Đốc An Hà Doãn Uẩn, và đã liên hệ trao đổi với gia đình cháu trực hệ của Tổng đốc thống nhất đưa một số di vật do gia đình còn lưu giữ về trưng bày ở nhà tưởng niệm. Việc làm này tuy có hơi muộn song sẽ góp phần tôn giá trị lịch sử văn hóa của ngôi chùa.

2. Lịch sử Tây An tự còn gắn liền với hành trạng của Đức Phật Thầy Tây An người sáng lập đạo Bửu sơn kỳ hương. Đức Phật Thầy tên thật là Đoàn Văn Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807), tức năm Gia-Long thứ sáu. Ngài quê ở làng Tòng-Sơn, tổng An-Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc.  Xung quanh hành trạng của Đức Phật Thầy có nhiều huyền thoại như việc bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ. Chuyện ông một mình kéo cây da bị trốc gốc che chắn lòng sông, thì chặt sậy, làm cỏ, đêm đến lại quét lá da để nấu nước uống, hay chuyện trừ bệnh dịch…


Thượng tọa Thích Thiện Thống giới thiệu ngôi mộ Phật Thầy
Duyên nghiệp của Đức Phật thầy với Tây An tự, theo Thượng tọa Thích Thiện Thống kể thì sau khi ông Đoàn Văn Huyên qui tập tín đồ thành lập Bửu Sơn Kỳ hương tại cốc Ông Kiến ở Chợ Mới, chính quyền sở tại nghi ngờ ông tập hợp lực lượng chống đối lại triều đình nên “mời ông về” giam ở  Châu Đốc ba tháng, sau đó  buộc ông “muốn tu thì  đến chùa Tây An mà tu hành” . Chùa Tây An giai đoạn này chùa Tây An do ngài Minh Khiêm Hoàng Ân  (thế hệ 38 dòng Lâm tế Chánh tông) – đệ tử của Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh trụ trì). Song do mối quan hệ mang tính nguyên tắc, ông Huyên chỉ đồng ý thỉnh Hòa thượng Tiên Giác đến chứng minh làm lễ xuất gia và đặt pháp danh là Minh Huyên, pháp hiệu là Pháp Tạng. Do xuất gia bất đắc dĩ nên dù ở chùa Tây An nhưng Đoàn Minh Huyên vẫn tìm cách trở về các trại ruộng, tiếp tục tập hợp tín đồ xiển dương Bửu Sơn kỳ Hương. Thời gian này ông đã xây các ngôi chùa Thới hưng, Thới Sơn…và mở mang thêm các trại ruộng cho tín đồ. Bảy năm sau ngài qua đời, nhưng vì “lý do an ninh” chính quyền sở tại đã không cho các đệ tử của ngài chôn cất ngài ở vùng trại ruộng mà buộc phải di về chùa Tây An an táng. Hiện ngôi mộ của Đức phật thầy tọa lạc bên phải phía sau ngôi cổ tự này, tín đồ Bửu Sơn Kỳ hương cũng đã xây dựng một long đình phía sau ngôi mộ để tăng thêm vẻ tôn nghiêm.

Tây An tự là một ngôi chùa có lối kiến trúc khá độc đáo. Tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, khuôn viên chùa có diện tích hơn 1,5 ha.  Điểm nhấn ấn tượng nhất của chùa là ba ngôi cổ lầu nóc tròn “củ hành” - một mô típ kiến trúc có dáng vấp Ấn Độ lại có bố cục hài hòa với lối kiến trúc chữ tam theo mô típ chùa Việt Nam bộ. Thượng tọa Thích Thiện Tống cho biết, khoảng năm 1861, chùa Tây An được trùng tu lại chính điện và hậu tổ. Đây là lần trùng tu xưa nhất, kiến trúc hiện còn lưu giữ. Về sau, người có công đại trùng tu Tây An cổ tự là Hòa thượng Bửu Thọ, thế danh Nguyễn Thế Mật. Phong cách mang dáng vấp Ấn Độ có lẻ là do ý tưởng của hòa thượng. Cuộc đại trùng tu nầy được thực hiện vào năm 1958.

Ngọc Phan-Hoàng Phương