Ký
Anh
Ba Thâu nói sông rạch ở xã Phú An nhiều ông hơn bà: Ông Cối, ông Xây, ông
Trung, rạch Ông Lẩm...nhưng chỉ có rạch Bà Phò, rạch Bà Bốn. Quả vậy, vốn là cuộc
đất ven sông Tiền, Phú An có một mạng kinh rạch chằng chịt, ngoằn ngoèo, rạch
Ông Xây là một điển hình - con rạch nhỏ, xoay vòng vòng nên gọi “ông” Xây/xoay,
làm rối trí những người muốn đi tìm lai lịch những địa danh.
1. Con
rạch lớn có nhiều chi lưu nhất là rạch Cái Bè nhánh phía Đông, hiện nay các văn
bản ghi theo cách gọi dân gian là sông Phú An, còn thư tịch thì chép là Cái Lá,
trùng tên với con rạch bên xã Hiệp Đức, nên địa danh lẫn lộn rồi mai một dần.
Chợ
Cái Lá nằm trên bờ rạch qua cuộc bể dâu cũng không còn ai nhớ, mặc dù nền chợ vẫn
còn đó với tên chợ Phú An với nhà lồng xây mới, thêm một lớp kiến trúc nhà lầu,
nhà tường kiên cố chồng lên dấu vết xưa với dăm miếng đá ong vương vãi, khuất
lấp trong những góc nhà. Dấu vết thực địa lưu lại hai bên bờ rạch Cái Lá là
những hàng dừa nước, nhiều bụi chơ vơ mấy cọng lá, đưa bắp tay chống chọi với
sự tàn phá không thương tiếc của con người. Vào sâu trong các chi lưu Ông Cối,
Ông Xây, Bà Phò dừa nước mọc dày, dường như được người dân trong xóm bảo vệ kỹ
hơn, để chống lở đất. Liên tưởng đến chuyện rừng lá ở Gò Công, nơi anh hùng
Trương Định làm căn cứ chống Tây chỉ còn tồn tại với cái tên “đám lá tối trời”
mà xót xa cho những chuyện huỷ hoại môi trường song hành với sự tàn phá di tích.
Đầu
thế kỷ 20, làng xã ở Nam
kỳ bị người Pháp xáo trộn khá nhiều. Phú An cũng nằm chung số phận khi làng Phú
Sơn bị tách khỏi hệ thống ngũ nhạc gồm: Hội Sơn, Xuân Sơn, Cẩm Sơn, Hòa Sơn,
Phú Sơn để nhập vào làng An Mỹ. Rồi chiến tranh kéo dài, địa giới hành chánh
tiếp tục thay đổi để phục vụ cho nhu cầu chiến đấu, cho nên xã Phú An sau ngày
độc lập có đến ba ngôi đình: An Mỹ, Phú Sơn và đình An Thành vốn dĩ của xã Mỹ
Thành, tức
thôn Lợi An xưa thuộc xứ Lợi Tồn hay xóm
Bà Tồn, đã ghi trong Địa bạ Minh Mạng. Làng mất đình còn, từ sau năm 1975,
người dân Mỹ Thành Nam phía bên kia quốc lộ 1 vẫn nhớ ngày Kỳ yên kéo sang
cúng bái. Một cách để nhớ về truyền thống
cũ, không khác mấy trăm năm trước tổ tiên cư dân các làng ngũ nhạc hoài niệm
quê nhà ở vùng đồi núi xứ Quảng nên dùng chữ “sơn” đặt tên làng làm kỷ niệm.
Nói
chuyện ba làng, chợt nhớ đến bưng Cây Gáo Ba làng ở xóm giáp ranh thôn An Mỹ,
hiện còn dăm thửa ruộng biền trủng. Gọi “Cây Gáo ba làng” vì cây gáo nằm giáp
ranh các làng Cẩm Sơn, Bình Phú và An Mỹ từng được vài tài liệu thư tịch nhắc
đến.
Ngày
xưa bưng Cây Gáo Ba làng có diện tích khoảng hơn 10 mẫu tây, sen mọc đầy, nhiều
loại chim chóc đến trú ngụ. Cách nay hơn 100 năm, khu vực này còn rất hoang vu.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, heo rừng còn xuất hiện. Theo Đối cổ kỳ quan của
ông Đặng Lễ Nghi thì lúc Trần Bá Lộc làm Đốc phủ ở quận Cái Bè, khoảng năm
1872, ở Cây gáo Ba làng xuất hiện một con heo rừng rất to, dân làng gọi là ông
Chảng. Tác giả mô tả, ông Chảng không biết từ đâu đến cư ngụ vùng nầy, phá
vườn, phá rẩy, uy hiếp dân lành. Dân trong xóm sợ quá khấn vái mãi mà ông chẳng
buông tha. Sự việc đến tai đốc Phủ Lộc. Ông cho dời phường săn đến lo việc trừ
khử con heo rừng nầy. Hai chục thợ săn được mời đến, trong đó có một người tên
là Quản Năng rất giỏi võ nghệ. Họ trang bị giáo mác gậy gộc và đem theo 15 chó
săn thiện nghệ đến bao vây khu vườn. Chó săn lùng sùng đánh nhau tơi bời với
ông Chảng. Nhắm đương cự không nổi, ông Chảng lẻn khỏi vòng vây chạy thục mạng
tới nhà chị Hai Trong. Bấy giờ có hai thanh niên tên là Đinh và Vàng vốn là hai
anh em ruột. Họ bàn, heo rừng đã bị săn đuổi mệt, vậy anh em mình đâm chết nó
rồi giấu đi để được ăn trọn phần.Vàng cầm cây, Đinh xách giáo tre nhảy vô đánh.
Trong nháy mắt, Đinh bị ông Chảng tát văng giáo tre rồi dùng răng nanh xé
xác.Vàng thấy anh mình bị ông Chảng cắn chết, bèn quăng vũ khí vừa chạy, vừa la
làng kêu cứu. Anh ta trèo lên cây, con heo rừng vẫn ngoan cố đứng canh chừng
dưới gốc. Một lúc sau, Quản Năng tới. Ông cầm giáo đánh vùi với ông Chảng nửa
canh giờ mới giết được. Con heo rừng nặng đến tám người khiêng mới nổi.”. Người
chép chuyện không bình luận nhưng đã gởi thông điệp rõ ràng, hoàn cảnh nào cũng
vậy “tham thì thâm”.
Tản
mạn chuyện xưa nhờ câu nói của một người bạn “khi hiện tại im lặng thì quá khứ
ồn ào”. Khuấy động vào dĩ vãng đôi khi tìm thấy sự gợi mở thú vị cho hiện tại.
Đất
Phú An trong lịch sử hành chánh thuộc về quận Cái Bè lâu hơn là Cai Lậy. Thời
thực dân đô hộ, dân gian có câu:
Cái Bè có bốn anh hào
Thục ngang, Cang đởm, Sang giàu, Tú khôn.
Trong
bốn “anh hào” ấy ở Phú An có hai vị: Lê Ngọc Thục và Hương quản Tú. Họ Lê nổi
tiếng ngày trước hiện vẫn còn truyền tử lưu tôn. Hồi đầu thế kỷ 20, ông Lê Ngọc
Thục bất chấp qui định của nhà cầm quyền thực dân, khai ruộng, tậu điền mở thêm
một ấp, lấy tên là Phú Hiệp thuộc thôn Phú Sơn ở tận ngọn rạch Bà Hợp, thuộc làng Hòa Khánh. Danh nghĩa là một ấp của làng
Phú Sơn, tá điền làm ruộng ở đây phải đóng thuế cho làng Phú Sơn, không đóng
cho tổng Phong Hòa, còn bảo tổng nghèo hơn thôn. Vì vậy, mà nhà chức trách liệt
ông vào hàng ngang ngược số một.
Hương
quản Tú lập bến đò ở cuối giồng Cây Vông mà thư tịch cũ ghi là Dong Mục Cương, ở
đây là đoạn cuối đường Thiên Lý trên đất Mỹ Tho, qua đò mới sang bên Thủ Triệu
làng Hội Cư. Chưa rõ thời điểm ông lập, nhưng nghe nói nhờ huê lợi từ cái bến
đò này mà ông trở nên giàu có. Không biết giàu cỡ nào nhưng cái sự khôn của ông
đã để lại địa danh bến đò Quản Tú, lưu truyền đến nay.
Đừng
tưởng câu ca dao hay phương ngữ và giai thoại không chứa đựng giá trị thực lục.
2. Anh
Ba Thâu là người địa phương, làm bí thư xã Phú An có hơn 10 năm, bây giờ đã hưu
trí nên có nhiều thời gian rảnh, cất công đi tìm chứng tích tư liệu, phục vụ
cho việc biên soạn lịch sử địa phương. Những địa danh xóm Đất Làng trong Nam kỳ
khởi nghĩa, Gò Da, Thủ Ngữ, Đìa Dứa, Cầu Kinh...trong giai đoạn kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những nơi từng ghi dấu những chiến công
oanh liệt của quân và dân xã Phú An trong suốt gần nửa thế kỷ đấu tranh giành
độc lập. Anh xác quyết, nhiều trận đánh diễn ra ở xóm Gò Da xứng đáng để lập hồ
sơ xin công nhận di tích lịch sử, tiến tới việc dựng bia kỷ niệm, bia chiến
thắng...
Nghe
anh liệt kê những chiến công, tôi chợt nhớ đến chị Hai Biếc ở xóm rạch Ông Cối.
Một người phụ nữ nay sắp sửa bước vào tuổi cổ lai hy, đáng lý ra phải sống
trong sự đuề huề chăm sóc của con cháu, lại thui thủi một mình trong căn nhà mà
bằng, giấy khen và những kỷ vật thời chiến tranh nhiều hơn gạo thóc. Gia đình
chị có bốn thế hệ làm cách mạng, chị thuộc thế hệ thứ ba. Ông nội là vị bí thư
đầu tiên của chi bộ xã Phú An hồi năm 1930, đến Nam kỳ khởi nghĩa 1940, ông bị quận
Tâm bắt, đánh chết rồi quăng xuống sông mất xác. Ba chị rồi người chú ruột tham
gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh. Bà nội nén nổi đau mất chồng, mất con,
thời kỳ “tố cộng” đen tối nhất, vẫn đùm bọc nuôi giấu cán bộ Huyện uỷ trong nhà
để chuẩn bị cho đồng khởi. Hai mươi năm sau kể từ ngày rời bỏ trần gian đi tìm
chồng và các con, bà được nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chỉ
riêng gia đình chị Hai Biếc đã là một pho sử sống động, đủ sức để giáo dục lòng
yêu nước.
Nhưng Phú An nào đâu chỉ có gia đình chị Biếc.
Có những chiến công thầm lặng mà cũng là nổi đau được giấu kín, nói theo cách
nói đời thường là “sống để bụng chết mang theo”. Năm 1970, giặc đóng đồn Phú
Hiệp, án ngữ ba xã Phú An, Cẩm Sơn, Hiệp Đức. Ta đánh hoài nhưng không bứng nổi
đồn. Binh vận xã Phú An bèn tổ chức đưa một nữ cán bộ vô bót tìm cách tiếp cận,
móc nối với đồn trưởng, nhưng bọn lính đồn nghi ngờ bắt giữ chị, nhốt lại bót
qua đêm thay nhau hãm hiếp. Lãnh đạo huyện nghi ngờ khí tiết của chị, sợ lộ
đường dây tổ chức, nên chỉ đạo thủ tiêu chị để bịt đầu mối. May thay, người
lãnh nhiệm vụ thi hành bản án đã “nhân từ mở ải thả oan gia”, tìm gặp chị,
khuyên chị bỏ trốn, tìm nơi khác làm ăn. Sau ngày độc lập, chị ấy trở về quê
sinh sống trong sự nghèo túng, và càng cô độc hơn vì ai dám sẻ chia, đồng
cảm...
Câu
chuyện tôi được nghe người phụ trách công tác binh vận năm xưa kể lại với một
thái độ dè chừng, giấu luôn tên tuổi chị, sợ khơi gợi lại nổi đau của chị hay
đụng chạm vấn đề gì khác?
Ký ức chiến tranh có những chuyện tưởng chừng
như giai thoại.
3. Tổng
kết của người xưa “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, làng quê Phú An xưa nay vẫn
trung thành với nghề nông nhưng vẫn không khá lên được. Xưa ruộng ở đây đa phần
là ruộng gò, canh tác theo kiểu ruộng lúa muộn, gieo mạ tháng 5, tháng 6, cấy
tháng 7 tháng 8 đến tháng chạp, tháng giêng gặt. Ở những xóm đất giồng, gò thì trồng
thêm các loại hoa màu như khoai, bắp, mía hoặc trồng dâu nuôi tằm...Do ở gần
sông Tiền lại gần ngôi chợ đầu mối khá nổi tiếng: chợ Cái Bè, nên thương nghiệp
ở vùng này phát triển khá sớm. Chợ Cái Lá có từ thế kỷ XIX, thuộc làng Phú Sơn
tồn tại đến 1945, nay đổi thành chợ Phú An. Nơi đây xưa có nghề thủ công khá
nổi tiếng là dệt vải với nguồn dâu tằm tại chỗ và nghề làm cau khô, trầu rang bán cho
giới thương hồ đường dài. Song lợi thế ấy không còn giữ được khi mà giao thông
đường bộ chiếm thế thượng phong so với đường thủy. Chợ Phú An không còn cảnh
trên bến dưới thuyền thời phồn thịnh, đã biến thành ngôi chợ làng và thêm chiến
tranh tàn phá đã không gượng dậy được.
Qua
hai cuộc chiến tranh khốc liệt, sau ngày thống nhất đất nước, xã Phú An vẫn là
một địa phương nông nghiệp. Tuy nhiên tính chất thuần nông trong thời gian gần
đây đã không còn, nhất là trong giai đoạn xã đang nổ lực chuyển dịch cơ cấu
kinh tế. Hiện nay, diện tích trồng lúa đã giảm hơn phân nửa để nhường chỗ cho
diện tích vườn cây ăn trái, nhưng lợi nhuận đem lại từ cây trái vùng này chưa
bằng phân nửa so với đất vườn ở vùng Tam Bình, Ngũ Hiệp. Theo báo cáo của xã
thì bình quân diện tích sản xuất chia cho đầu người chỉ nhỉnh hơn 700 m2
đất. Đây là nói việc chia bình quân, còn trên thực tế nhiều người không còn
hoặc còn rất ít ruộng đất để canh tác. Không có cái tư liệu sản xuất cơ bản này
thì toàn bộ kinh nghiệm sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp của cha ông họ
truyền lại trở thành vô nghĩa. Buộc họ phải đổ về các đô thị lớn làm công nhân,
hoặc các nghề khác có thể kiếm tiền hoặc tìm kiếm cơ hội làm giàu. Đây là vấn
nạn ở Phú An trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu khả quan nào để nói
rằng số người ấy đang không tiếp tục gia tăng. Và nó sẽ kéo theo hệ lụy về mặt
văn hóa, có vẻ nghiêm trọng hơn trong tương lai, ly nông rồi ly hương, lớp trẻ
xa rời truyền thống.
Mấy
năm trở lại đây, xã Phú An đã hình thành những nhóm cư dân đa ngành nghề từ
chăn nuôi, dịch vụ mua bán đến tiểu thủ công như sấy nhãn...và chú ý đến thương
mại dịch vụ. Song nhiều năm qua vẫn loanh hoanh theo kiểu tự túc tự cấp, khó có
thể bức phá với những khu chợ chồm hổm và dăm quán cóc ven đường. Việc khai
thác các lợi thế địa dư hiện tại như dựa vào khu phố Bà Tồn, ngả tư Văn
Cang...dường như chưa phải là thế mạnh bởi bản thân những nơi này không chứa
đựng tiềm năng và yếu tố phát triển trong tương lai gần. Muốn phát triển lĩnh
vực thương mại và dịch vụ không thể không tính đến việc nối dài sự phát triển
của thị trấn Cái Bè. Điều này bản thân Phú An không thể đơn phương nỗ lực mà đòi
hỏi sự hỗ trợ định hướng qui hoạch từ các nhà hoạch định chính sách cấp trên.
Một
vài ý nghĩ tản mạn bên bờ Cái Lá, không dám lạm bàn đến chuyện đại sự quốc kế
dân sinh, chỉ ghi chép những điều tai nghe mắt, mượn chuyện quá khứ để gợi mở
những vấn đề hiện tại.
Tháng 9-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét