Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Văn chương và Vé số

Truyện ngắn


1. Chiều cuối năm. Con đường nhỏ vòng quanh ngoại ô thị trấn trở nên nhộn nhịp. Từ ngày hình thành khu thương mại mới, có lẻ đây là một chiều cuối năm rộn rã nhất của một nơi nửa làng quê nửa phố chợ này. Những chiếc xe ba bánh đạp cũ kỹ chất đầy hoa cúc, hoa vạn thọ hối hả nối đuôi nhau về phía trung tâm chợ. Ở đây cách chợ hoa Tết không xa lắm, người ta nghe rất rõ tiếng những người phụ nữ đang kỳ kèo ngả giá.
Ngôi nhà gần cuối đường. Hình như nó được cất từ rất lâu, trước khi khu dân cư này nâng lên thành khu thương mại. Ngôi nhà trông có vẻ cũ kỹ, mái tôn đã gỉ sét, tọa lạc trên mảnh vườn ẩm thấp nhưng tuyệt nhiên không có một bụi cỏ hay một chiếc lá khô, chứng tỏ chủ nhân của nó bỏ nhiều thời gian chăm chút, nhưng có lẻ không đem lại huê lợi, vài cây bưởi, ít cây mận, loại giống cũ cho trái con nít không thèm ăn.
Trước sân nhà, dưới tàn cây mận đã già cỗi là một bộ ghế mây cũ mèm, vá víu nhiều chỗ, có chỗ bị ẩm thâm đen, kê xung quanh chiếc bàn gỗ hình bầu dục, có vẻ lạc lỏng không cân xứng. Người đàn ông tóc hoa râm, dài phủ ót hơi dợn trông có vẻ phong lưu tài tử. Cặp kính cận dày cộm khuất lấp những nếp nhăn trên đuôi mắt, nhưng không thể che giấu vết hằn bên  khoé miệng. Trông ông có vẻ già trước tuổi, phỏng đoán trạc ngoại ngũ tuần.
Ông ngồi bắt chân chữ ngũ, hướng mắt về phía bên kia đường. Trước mặt ông là một chai nhựa đựng thứ nước màu vàng sẩm, hình như là rượu thuốc, cạnh đó là một dĩa cóc ngâm muối, xắt từng miếng mỏng.
Chợt có chiếc xe gắn máy trờ tới phía bên kia đường, người lái xe dòm xung quanh rồi tắt máy, tập tểnh dẫn xe vào ngôi nhà đối diện.  
Một lúc sau, gã lái xe ấy cầm một túi nhựa nhỏ, đôi chân tập tểnh bước như phóng về phía sân nhà có bộ ghế mây và ông hàng xóm. Chủ nhà chìa bắt tay nhưng mắt lại nhìn hướng khác. Sau cái bắt tay có vẻ khách sáo và một chút tư cách bề trên, ông quày quả bước vào trong. Còn người khách thì xé cái bọc nhựa, bày lên bàn gỗ một mớ ốc luộc bốc khói nghi ngút và mấy cây tăm nhọn để lể ốc.
Độ vài phút sau, người ta thấy ông chủ nhà trở ra sân. Lần này có thêm một cái ly nhỏ và một quyển sổ bìa đen đã sờn gáy. Ông nhẹ nhàng đặt quyển sổ lên bàn, cạnh chai rượu. Họ ngồi đối diện nhau. Hình như không phải là một bữa thù tạc của đôi bạn tri âm tri kỷ mà giống một cuộc phỏng vấn.

2. Ông muốn hỏi về nghề nghiệp của tôi à ? Thật ra trước đây tôi cũng từng mơ mộng, đeo đuổi nghề văn chương như ông. Vào năm 1975  tôi rớt tú tài, chưa kịp bị động viên vào trường hạ sĩ quan thì giải phóng. Cách mạng đem lại cho tôi cái may mắn là không vào quân ngũ Sài Gòn làm bia đỡ đạn. Nhưng sau giải phóng tôi lại bị tai nạn khác, đó là lúc về quê dọn vườn, tôi chém phải trái M.97 còn sót lại và nó lấy đi của tôi một bàn chân và nó cũng lấy đi cái ước mơ được tiếp tục lên giảng đường đại học của tôi. Nhiều người thấy tôi cà thọt cứ cho tôi là thương binh chế độ cũ, chắc ông cũng tưởng như vậy.
Từ đó đến nay là một quãng thời gian khá dài, xin nói vắn tắt lại là tôi đã làm đủ nghề kiếm sống, trước khi chọn nghề bán vé số.
Ông đừng tưởng tôi lợi dụng cái thân xác không lành lặn để đánh vào tâm lý thương hại của mọi người. Không đúng đâu, dù bán vé số nhưng cũng phải sỉ diện chứ, mời họ không mua thì đi chỗ khác bán, tôi chưa hề cầm tờ vé số đi nài nỉ từng người.
Tôi ngờ ngợ ông cũng nghĩ về tôi như vậy và đang có ý định viết về tôi bằng sự thương hại lầm lẫn thường tình của người đời. Nói ông đừng giận. Ông cũng lầm. Ngược lại, tôi thương hại ông thì có.
3. Không đợi mời, gã bán vé số chộp chai rượu rót đầy ly rồi ực một cái:
- Xin lỗi, từ hồi theo nghiệp bán vé số tới giờ tôi ăn nói có phần bổ bã, ông đừng để ý và cũng đừng mở sổ tay ghi chép làm gì. Lời nói tôi không giúp gì cho ông đâu, và phải biết quên nó, kẻo mất ngủ.
Ông nhà văn nhón một miếng cóc ngâm muối chìa cho gã đưa cay, bàn tay kia vẫn tỳ lên cái bìa sổ tay.
Gã bán vé số vừa nhai vừa nói:
- Không có nghề nào không cực nhọc, tôi dầm mưa dãi nắng, đi bán. Cực, nhưng tối về ngủ thẳng cẳng, không suy nghĩ, âu lo. Còn ông, tôi thấy có đêm ông chong đèn tới sáng bên chồng sách trang giấy mà không biết có viết được chữ nào, rõ ràng ông cực hơn tôi. Hồi thời trai trẻ mơ mộng, tôi cũng đã từng trải qua những đêm như vậy, nên thấy thương ông.
Hồi đó tôi viết vì nhu cầu giải tỏa tâm lý, trong đó có sự tự huyển hoặc mình sẽ trở thành nhà văn. Còn ông đã trở thành nhà văn, có lẻ viết để kiếm tiền là chính.
Nếu đúng như vậy thì ông thêm một lần nữa mắc phải sai lầm. Bởi về thu nhập, người bán vé số -  tôi hơn người - nhà văn ông là cái chắc. Mỗi ngày tôi chỉ cần bán vài ba trăm tờ, kiếm chừng vài trăm ngàn đồng, tính bình quân hàng năm tôi cũng có trên 60 triệu đồng, biết gói ghém thì đủ sống và dành dụm nuôi con ăn học. Căn nhà của tôi, dù không to đẹp hoành tráng nhưng vẫn hơn nhà của ông, ít nhất về mặt tiện nghi. Còn ông, cặm cụi mãi một năm, ông kiếm được bao nhiêu. Sách ông in ra người ta trả ông bao nhiêu tiền nhuận bút. Tính bình quân mỗi ngày ông được bao nhiều tiền ? Ở đây ba năm rồi, tôi thấy ông chưa ra nổi quyển sách.
Xin ông đừng mủi lòng. Tết này ông chưa sắm nổi bộ đồ cho ông đúng hôn ? Còn mấy đứa trẻ ? Tôi nghĩ nếu ông không có bà vợ bán cháo lòng ngoài vỉa hè kia, không biết ông sống bằng gì.
Đó là tôi chưa nói tới, nếu một ngày nào đó, bà vợ ông sẽ nảy sinh ý nghĩa thực dụng hơn, thấy thằng chồng không làm ra tiền, bả bỏ ông như chơi. Nói ra thì giống như xúc phạm, chứ thời buổi này, đàn bà họ ghê gớm lắm. Ông có nghe vụ án vợ một nhà báo đốt chồng hôn ? Có lẻ, đối với ông có thể đó là chuyện cá biệt. Nhưng chuyện cá biệt ấy lại biểu thị của sự tha hóa đạo đức một cáh cùng cực, nó bôi nhọ truyền thống và hình ảnh đẹp đẽ của những người vợ “gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” trong câu thơ của Tú Xương, chắc ông rất thuộc và hy vọng bà vợ ông cũng biết. Thôi không nói chuyện đàn bà nữa. Tôi xin quành lại về cái nghề của ông đây.
- Tất nhiên về địa vị xã hội không ai đề cao và không ai lại đi so sánh giữa một văn sĩ dù chưa nổi tiếng với một gã què bán vé số.
Tôi hiểu trách nhiệm cao cả của nhà văn là bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Nhưng tôi không quan tâm cái trách nhiệm có vẻ phù phiếm ấy đâu. Trách nhiệm của tôi là “bán vé số nuôi con học để có thể thành tài”. Còn ông ? Những trang viết liệu có đem lại điều ấy không khi mà cuộc đời đã ngoảnh mặt với loại văn chương dù có phù phiếm hay không. Còn chuyện góp phần xây dựng bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người thì ông đừng mơ. Họ không đọc thì họ học được gì ở các trang viết nhạt còn hơn nước ốc của các nhà văn ông chứ. Thiên hạ ngày nay đang chúi mũi kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ, họ không rảnh đâu !
Ông thấy thằng cha làm nghề hốt rác ở thị trấn này hôn ? Hắn ăn lương nhà nước hẵn hoi, nhưng xử sự như thế nào với công việc. Tới cửa nhà giàu hắn quét rất nhiệt tình, rất sạch, còn đi ngang nhà nghèo, hắn cứ lờ đi, bỏ những bọc ni lông vương vãi cho chủ nhà tự xử. Ông biết vì sao hôn ? Một chân lý đơn giản là hốt rác của nhà giàu thì có thêm tiền boa... Nói về sự tha hóa của con người đâu cần phải đao to búa lớn làm gì, chỉ một chi tiết như vậy đủ để các nhà văn như ông thấy.
Còn nữa, nhà văn mang một sứ mệnh cao cả  là chia sẻ nổi đau và đem lại nguồn hạnh phúc cho mọi người, nhưng những trang viết của ông, xin lỗi tôi so sánh hơn khập khiểng giữa trang văn và những tờ vé số, nhưng tôi thấy rõ ràng, tờ vé số của tôi đem lại niềm vui cho mọi người nhiều hơn. Tôi không nói việc họ trúng số đâu. Chơi vé số như mò kim đáy biển, cò ỉa miệng ve. Nhưng mỗi ngày người ta bỏ ra mươi ngàn đồng để mua lấy niềm hy vọng sự vào may mắn đổi đời. Niềm hy vọng ấy dù xa vời nhưng có thật.  

4. Chỉ có một điều tôi hơi buồn là trong các bản thống kê đời sống xã hội, người ta không xếp bán vé số là một nghề, lại không xếp vào loại thất nghiệp. Trong khi đó về trách nhiệm công dân, tôi là người góp phần kiến thiết đất nước nhiều hơn ông. Ông thấy mỗi tờ vé số đều in như vậy mà, có tỉnh người ta thu ngân sách rất cao từ vé số.
Tóm lại, nghề nào cũng cao quí cả, đúng hôn ? Nhưng thời buổi này sự cao quí được cân đong đo đếm cụ thể bằng việc làm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội, đem lên bàn cân so sánh, tôi vẫn nhiều hơn ông về lượng.
Như vậy ông hơn tôi cái gì nào ?
Nếu không hơn thì xin ông một điều cuộc gặp hôm nay là để tôi chia sẻ với ông chứ không phải để ông tìm hiểu gia cảnh của tôi mà cố viết nên những dòng cảm thông, thương hại. Mọi người đọc, họ cười cho.
Lời thật mất lòng. Ông đừng nổi nóng, tôi nghe có người nói nhà văn chỉ được phép buồn, không được phép nổi giận.
Năm sắp hết, tết sắp đến, tôi mượn hoa kính phật mời ông ly rượu này. Và khuyên ông tranh thủ viết cái gì nhanh lên, xào nấu kiểu mì ăn liền như nhiều người đã làm ấy, để có tiền mà mua chút rượu thịt vui xuân. 

Tiết lập Đông, năm 2012

 Nguyễn Ngọc Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét