Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013


ĐẤT GIỒNG

Ký 


Đặc điểm dể nhận ra của đất giồng là cát, dĩ nhiên, nhưng đi trên đất giồng mới cảm nhận nó là vùng đất cổ. Đường rất hẹp, quanh co, có những ngỏ sâu hun hút. Đường Cái Giữa tức đường Thiên Lý được đắp hồi thế kỷ 18, nay đã mở rộng, trải nhựa đi suốt theo chiều dài đông tây của xã. Dấu tích của đường Thiên Lý còn sót lại ở một dài đoạn còn nnhững đám tre, bụi rậm như truông - một dạng địa hình chỉ còn lại trong ca dao “Ai về Giồng Dứa qua truông”.

Nhà anh Hiếu ở ấp Quý Chánh, phía nam triền giồng, đất pha cát có màu xỉn hơn. Ở đây có những gò Xoài, gò Lức, gò Dầu... nghe ấn tượng nhưng rất khó hình dung, bởi mọi ngỏ ngách đang dần bê tông hóa và những cây lức, cây dầu, xoài rừng đã đi vào dĩ vãng từ lâu. Nhớ hồi giáp Tết năm ngoái, đi với đoàn làm phim VTV tìm lại thời oanh liệt của giống nhãn da bò, mới biết câu giọng cổ làm lay động lòng người “Về Nhị Quí thơm mùi nhãn chín” đã trở thành văn hóa phi vật thể, nói theo kiểu của các nhà Folklore học, bởi trong rừng nhãn bạt ngàn chỉ thấy toàn giống mới, nhãn da bò chỉ còn sót lại ba cây: hai ở nhà ông Nguyễn Thanh Tám và một ở đình Mỹ Quí. Một thoáng ngậm ngùi nhưng vẫn phải chấp nhận, ăn theo thuở ở theo thời cũng là đặc tính của dân miệt vườn.

Anh Hiếu là mẫu người tiêu biểu của cách “ăn theo thuở ở theo thời” ở đất giồng Nhị Quí. Nhà khá rộng, bên ngoài nhìn vào có cảm giác như là ngôi nhà năm căn hiếm thấy vùng đồng bằng, nhưng thực ra chỉ có ba căn rộng, xây tường lợp ngói và bố trí đến năm cửa chính. Tuy là nông dân nhưng trong nhà đầy đủ tiện nghi không thua hạng khá giả ở thị thành. Phòng khách được ngăn ra, gắn máy lạnh, ti vi màn hình phẳng kỹ thuật số, thêm dàn nghe nhạc âm thanh HI-FI hiện đại nhất. Bộ sa - lông thời thượng bện bằng mây... Ngồi ở phòng khách nhà anh khó có thể hình dung đang ngồi giữa ngôi nhà ở vùng nông thôn. Tò mò một chút mới cảm nhận được sự tách biệt rõ nét giữa cái mới và cái cũ. Phòng khách là vậy, nhưng căn trên là nơi thờ tự, giống như một từ đường, mọi kỉ niệm người xưa đều được bố trí ở đây, vài bức tranh kiếng vẽ theo lối sơn thuỷ bình dân, một cái vỏ bình tiện bằng gỗ quí hình trái bần, lên nước đen bóng, chứng tỏ chủ nhân còn trân trọng, mặc dù hiện tại không ai dùng tới cách ủ ấm bình trà theo kiểu nầy.

Hiếu là một nông dân ít học nhưng giàu kinh nghiệm và vốn sống. Anh là chủ tịch hội Nông dân của xã, còn chị thì công tác hội Phụ nữ xã. Cả hai đều làm công tác hội, một dạng cán bộ bán chuyên trách không lương và tất nhiên không thể sống được bằng vài trăm ngàn phụ cấp. Cho nên cơ ngơi và mọi tiện nghi hiện đại nhất trong nhà có được là từ nguồn ngoại viện. Xài điện 4 – 5 trăm ngàn đồng/ tháng mà không ngán. Hai đứa con lớn  làm ở ngành Công nghệ thông tin trên Sài Gòn có thu nhập cao, đứa nhỏ cho xuống tỉnh học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Anh chị em trong nhà hầu hết ở Sài Gòn làm ăn, kinh doanh mua bán, cuối tuần tập trung về thăm nhà, hưởng không khí đồng quê, xả hơi đôi chút. Kết luận đây là phương thức sống theo kiểu mới thì có vẻ hơi sớm, song nó đã manh nha hình thành khi vùng đất nầy không còn là đắc địa của kinh tế vườn thời phồn thịnh của cây nhãn da bò. Chuyện cũ nhắc lại, những năm 1970, nhãn bán chục 14 trái, một trăm nhãn có giá từ 60 đến 70 đồng, tiền Sài Gòn...Nhà nào có chừng vài trăm gốc nhãn thì thuộc hàng khá giả.

+

Nhị Quí là vùng đất cổ, nằm trong Tam phụ/Ba giồng với câu phương ngôn nổi tiếng “văn Cai Lậy võ Ba Giồng”. Cách đây chừng ba thế kỷ, những người di dân từ miền Trung vào có ba nhóm: Nhóm ông Nguyễn Đức Chiêm lập ấp Mỹ Thới, nhóm ông Trần Văn Sĩ, Ngô Duy Dã....lập ấp Mỹ Hoà, nhóm họ Đặng, họ Võ...lập ấp Mỹ Phú. Đến cuối thế kỷ thứ 18 thì dân số đông, đất đai nhiều nên ba ấp họp bàn, làm đơn xin lập làng Mỹ Quí, thuộc huyện Kiến An, trấn Định Tường.

Tục lệ xưa, khi lập làng thì phải xây dựng một ngôi đình. Bài văn tế hiện nay còn giữ cho biết đầu tiên làng Mỹ Quí thờ Bạch Hạc Đại vương, tức vị thần vùng ngã ba sông Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ. Rất xa...nên phải tìm nhiều cứ liệu để chứng minh. Mở sách Việt Điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái thì vào thời nhà Đường cai trị nước ta, Đô Đốc Phong Châu là Lý Thường Minh lập điện thờ Tam Thanh. Đêm ấy ông nằm mộng thấy hai vị thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh đến xin thi nhảy qua sông Bạch Hạc, cuối cùng thần Thổ Lệnh thắng. Hôm sau Lý Thường Minh cho xây miếu, đắp tượng Bạch Hạc Đại vương. Đến đời Trần, Bạch Hạc Đại vương được nhiều nơi tôn thờ, nên được phong Trung Dực Vũ phụ uy Linh Vương. Khi nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý, theo lệnh của Lý Chiêu Hoàng có một số hoàng thân lên vùng Bạch Hạc lập nghiệp, và để tránh sự “truy xét lý lịch” của  chính trị gia Trần Thủ Độ, nhóm họ Lý nầy chuyển thành họ Nguyễn Đức. Sau đó có một số người xuống vùng Hải Dương lập nghiệp, họ thỉnh Bạch Hạc Đại Vương theo đoàn “tị nạn chính trị”, rồi sau đó di dần vào miền Trung.  Đoàn người của ông Nguyễn Đức Chiêm từ Quảng Nam vào khai hoang lập làng Mỹ Quí nhớ cội nguồn nên mới đem Bạch Hạc đại vương vào thờ ở đình Mỹ Quí. Người mở cõi, Thần cũng đi mở cõi...Vết tích của ngàn năm Thăng Long hiện diện ở phương Nam.

Người sưu tập tài liệu và ghi lại là hậu duệ của ông Nguyễn Đức Chiêm. Dòng họ Nguyễn Đức đã rân rác khắp nơi, có người đổi chữ lót Nguyễn Thanh, Nguyễn Văn, Nguyễn Ngọc....và ít ai nhớ đến tiền nhân. Nhớ năm xưa, ông Nguyễn Đức Điện còn cúng việc lề, có nhắc lại một vài sự tích. Nghe nói lúc Trần Xuân Hòa đắp đồn Mỹ Quí chống Tây, nhiều người trong họ Nguyễn Đức tham gia khởi nghĩa, bị giặc Tây đàn áp, từ đó có sự thay đổi chữ lót, đi xứ khác làm ăn. Cũng có người nói, do thế hệ sau, con cái càng nhiều, đất đai không đủ chia chác nên xảy ra tranh chấp giành ăn trong dòng họ, vì vậy có nhiều người bỏ làng đi lập nghiệp. Việc tranh chấp có thời rất gay gắt. Ngày nào làng cũng phải họp để xử kiện, dạng “khiếu kiện đông người” mà là những người trong họ. Cho nên có câu phương ngôn mà người đời sau đọc nghe rất tự ái “Hữu Đạo điền, Mỹ Quí điên, Bình Trưng tửu, Nhị Bình yên”. Câu phương ngôn hiện chỉ còn sót lại tên địa danh đó là Cầu Xóm rượu, người nay gọi tắt là Cầu Rượu trên quốc lộ Một, là đất của làng Bình Trưng/tửu thuở xưa. Còn đất Hữu Đạo hiện thời tất nhiên không còn là vùng công thổ độc tôn phì nhiêu của thời vua Minh Mạng lập địa bạ.

+

Đồn Tân Thành ở đâu ? Khuất lấp đâu đó ở xóm Vườn Xoài, ấp Quí Chánh, bây giờ không còn dấu vết chỉ có ngôi chùa Tân Thành nay đổi thành chùa Long Thành làm chứng nhân lịch sử. Nghe nói xưa nơi đây là đại bản doanh của Phủ Cậu Trần Xuân Hòa.

Tháng 4 năm 1861, chiếm thành Định Tường xong, quân viễn chinh Pháp chia lực lượng đóng đồn ở Kỳ Hôn, Rạch Gầm và Ba Rài. Một pháo hạm đến xứ Bang Lãnh, bắn phá đồn Mỹ Trang, chiếm huyện lỵ Kiến Đăng, tức Cai Lậy ngày nay. Triều đình nhà Nguyễn cử Biện lý Binh bộ Đỗ Thúc Tịnh làm Tuần phủ Định Tường, Nguyễn Túc Trưng làm Khâm phái quân vụ, bổ sung thêm các quan Trịnh Minh  Lượng, Phan Trung, Võ Duy Dương...Họ tập hợp dân quân tại Mỹ Quí, đắp đồn Tân Thành tích trữ lương thực khí giới, huấn luyện quân sĩ. Song Đỗ Thúc Tịnh lại hy sinh khi trên đường nhận nhiệm vụ. Các nghĩa sĩ cử Trần Xuân Hòa tức Phủ Cậu làm Tri phủ thay thế. Nghĩa quân từ căn cứ Tân Thành liên tục tấn công các đồn Trung Lương, Rạch Gầm, Cai Lậy...gây cho địch nhiều thiệt hại đáng kể. Ngày 14 – 9 – 1861, Trung tá hải quân Desvaux chỉ huy quân viễn chinh ở tại Mỹ Tho cho hai đội thuỷ quân dùng pháo hạm từ Rạch Gầm tiến vô phá cản hàn, lập đồn tại Thuộc Nhiêu, nả đại bác tấn công vào Tân Thành. Một cánh quân nữa từ Cai Lậy đánh xuống. Tân Thành - Mỹ Quí bị vỡ ngày 25 – 9 – 1861. Đến ngày 7 – 1 – 1862, Phủ Cậu Trần Xuân Hòa bị giặc bắt đem về Thuộc Nhiêu nhưng ông đã cắn lưỡi tuẩn tiết. Giặc tức giận đem bêu đầu ông cùng sáu nghĩa sĩ trong nhiều ngày. Số quân tướng còn lại ly tán khắp nơi.

Chép sử theo kiểu biên niên như vậy thì thật là khô khan, khó gây ấn tượng cho người đời sau. Thế hệ thời @ không thích học sử và chẳng thuộc sử có lẻ cũng vì vậy. Cũng may trong dân gian còn lưu truyền nhiều huyền thoại. Đình Hữu Đạo có một cây trính bằng gỗ giá tị, in một vết lõm y hệt dấu chân người. Huyền thoại kể rằng, sau khi căn cứ Tân Thành thất thủ, Phủ Cậu tuẫn tiết, có một vị Lãnh binh họ Trần tên Từ sau thời gian lánh nạn, mười mấy năm mới trở lại cố hương. Ngày ông về cũng là ngày đình Hữu Đạo đang xây dựng lại. Đứng ở bên nầy nhìn sang phía Tân Thành cảm khái thời oanh liệt xưa, lòng căm thù giặc trỗi dậy, ông tức tối dậm chân lên cây trính. Vết hằn ấy nay vẫn còn lưu truyền như một bản hùng ca của Đất giồng.

+

Gà nhảy ổ cục tác, con gà trống phụ họa theo nghe như tiếng giủa cưa của anh thợ mộc...Trưa cuối năm ở Đất giồng tiếng gà cục tác giống như bản nhạc được hòa âm phối khí một cách ngẫu hứng pha trộn giữa niềm vui và sự thảng thốt. Có lẻ tương lai khó tìm những bản nhạc đồng quê như vậy vì tới đây mọi giống gà đều phải vào chuồng nuôi theo lối công nghiệp. Đất của thương hiệu nhãn  giồng Nhị Quí bây giờ có hơn ba chục lò sấy nhãn, bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 100 - 200 lao động, góp phần giải quyết nguồn lao động ở nông thôn. Hai năm trở lại đây do giá nhãn ổn định các cơ sở sản xuất luôn ổn định và có lợi nhuận khá. Anh Hiếu bảo, lò sấy mở nhiều nên nhãn nguyên liệu phải tìm mua nơi khác, chuyện cây nhãn da bò bị tuyệt chủng cũng là điều dể hiểu. Đất đai ngày càng hẹp, người ta ngày càng đông, không nghĩ ra cách làm ăn mới thì khó có thể làm giàu.

Đất giồng đang trăn trở. Chuyện xưa tích cũ nhắc lại ngỏ hầu thêm chút hành trang cho người thời nay tìm cho mình một phương thức sống kiểu mới, bên dàn âm thanh hiện đại có cả buổi trưa xao xác tiếng gà.
Mùa Noel – 2009
(Đã in trong “Trăm năm dâu bể”)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét