NHỚ ÔNG
GIÀ NAM
BỘ
Tháng 5 năm
1984, chi hội Văn nghệ Cai lậy thành lập, qui tụ một số cây bút của địa phương
rồi nhà nước cho tiền in tập san mỗi năm vài ba số, rất vui. Nhưng vui nhất là
giới làm văn nghệ không chuyên ở huyện lại được nhiều nhà văn tên tuổi như Đoàn
Giỏi, Sơn Nam
đến thăm. Nhà văn Sơn Nam có mối quan hệ thân tình từ trước như anh Trương Ngọc
Tường hay chú Văn trước 1975 lái xe cho tòa báo Tin Sáng... nên tới Cai Lậy
thường xuyên hơn.
Tết Đoan Ngọ năm 1986, chúng tôi đi cùng nhà văn tới cù lao Tân Phong. Tết Đoan Ngọ cũng là mùa ốc gạo, ông muốn đi cho biết “ốc gạo Cồn Tre, hai người đè, một người lể” là như thế nào. Đây cũng là lần đầu tiên tôi có dịp đi thực tế cùng ông và học hỏi được nhiều điều thú vị.
Nhà văn Sơn Nam không ghi chép như nhiều người
thường làm trong những chuyến đi, có lẻ vì bộ nhớ của ông rất tốt, đặc biệt là
khả năng quan sát của ông rất tinh tế. Đi xuồng dạo quanh Cồn Tre, ông bảo Cồn
Tre không có tre, chỉ có bần. Cán bộ địa phương giải thích, đặt tên Cồn Tre vì
cách đây khá lâu, vài bụi tre từ đâu trôi đến, châm rễ vào bãi bùn. Nhà văn nhận
xét “Sứ mạng của cây bần ở đất bồi, sông cái hoặc bờ biển giống như cây đước.
Bần mọc trơ trọi, nhưng sanh nhiều rễ ăn ngầm dưới bùn, giữ phù sa, phần chót
của đám rễ lớn nhỏ này lại nhô lên mặt nước để thở. Nước chảy, những chót rễ
này rung rinh, chịu sóng gió, không bao giờ tróc. Rồi ông liên hệ “Người chịu
đựng bao nhiêu thăng trầm cuộc đời, rốt cuộc vẫn đứng vững dưới ánh nắng mặt
trời”.
Ở cù lao Tân Phong, anh Sáu Hiệm, tổ phó tổ
tự túc huyện ủy Cai Lậy, dẫn chúng tôi đi bộ trên bờ bao rộng ven cù lao. Nhà
văn bảo “Mình đang đi bộ trên mặt nước sông Tiền”. Quả thật, nếu không đắp bờ bao
lấn ra, thì dưới chân chúng tôi sẽ là bùn, là nước chảy cuồn cuộn. Ở Ủy ban xã
hôm đó, tôi tranh thủ hỏi chuyện “ Bác thấy bà con ở đây ra sao”. Ông nheo mắt
cười, tới nơi nào mà thấy tụi nhỏ đi học
quần áo tươm tất, mặt mày hớn hở, tươi rói là ở đó đời sống bà con sung túc. Ông
nói thêm, ở đây mọi người vui vẻ, ít lo âu, nhưng thỉnh thoảng cũng hơi buồn vì
cách xa đất liền. Người dân làm thì làm cật lực, chơi thì chơi hết mình, không
có cái thói ngồi dụm năm dụm ba nói chuyện “tiếu lâm đen” chỉ trích chính
quyền. Ông tiếc rẻ, hồi viết Văn minh
miệt vườn không có dịp tới vùng nầy, một số chuyện nghe kể rồi hình dung
ra, giờ thấy thiếu nhiều như những chuyện tháp nhánh cây, chuyện làm cống tự động
dẫn nước thoát nước mương vườn, hay nhứt là kỹ thuật trồng đu đủ phải đạp cho nó
nghiêng, trái mới lớn. Rồi nhà văn liên hệ chuyện khác, ở phía dưới kia là cù
lao Năm Thôn nhiều chuyện hay, mấy bồ
(ông hay dùng chữ nầy khi nói chuyện với chúng tôi) nên viết. Có chuyện thằng Tây
Taillefer
chúa đảo lập nhà máy xay, chuyện Jack
Đức con trai Phủ Mầu đem cây dương cầm về Việt Nam đầu tiên rồi lập ban nhạc Hoàng
Đức hội ở đó, hình như đánh nhạc cho nhà thờ. Cuốn hồi ký của Francini - Con,
cháu ngoại Phủ Mầu nhiều chuyện hay, tui kiếm cho...
Buổi trưa trên cù lao yên ả, nghe văng vẳng
bài vọng cổ phát ra từ chiếc máy cassette. Ở Sài Gòn lâu, nhưng nhà văn thích
nghe vọng cổ hơn tân nhạc. Ông nói, vọng cổ hát không bị trại, bị đớt, không có
kiểu bẻ miệng, bẻ mồm như tân nhạc như kiểu
trôi hát thành chôi, rồi hát thành dzồi...Nghe
ông phân tích mà nhớ mấy vần thơ viết trong lời đầu của tập Hương rừng Cà Mau:
“Hơi
vọng cổ nương bờ tre cao vút
Điệu
hò... ơ theo nước chảy chan hòa
...
Phong
sương mấy độ qua đường phố
Hạt
bụi nghiêng mình nhớ đất quê”
Chiều hôm ấy, rời cù lao, mấy anh cán bộ xã
Tân Phong tặng cho đoàn vài trái mít làm quà. Sơn Nam lại nheo mắt cười bảo, nè hồi
xưa không ai tặng nhau trái mít, sợ mích lòng, cũng không tặng trái sầu riêng
vì sầu thảm, phải tặng một thúng cam, cam là ngọt. Nhắc lại cho vui, bây giờ
thì những lệ ấy đã thay đổi... Rồi cùng nhau cười xòa.
Cuối năm 1986, chi hội Văn nghệ Cai lậy
chuẩn bị ra mắt tập san chào mừng xuân Đinh Mão. Một anh bạn viết bài ký về
việc khai thác than bùn ở xã Phú Cường nhờ ông đọc góp ý. Ông nói bài nầy được
nhưng phải tả than bùn là cái giống gì, bà con đọc sẽ không hiểu ba cái chất
hóa học. Phải nói than bùn là các thứ cây cỏ mục chôn lâu năm trong bùn, nó
nhão nhão, đen, phơi khô làm chất đốt được nhưng nhiều khói, đại thể là như
vậy... Góp ý ngắn gọn nhưng là kinh nghiệm viết quí báu. Giờ thấy nhiều người
sính chữ nghĩa, sử dụng câu từ có vẻ cao siêu, đôi lúc tối nghĩa mà nhớ và gẫm
lại vì sao độc giả yêu mến Sơn Nam .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét