Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

KÝ ỨC MỘT DÒNG SÔNG




Bút ký

Đối với những ai mới đến lần đầu mới cảm nhận cái không khí cuối năm ở vùng nầy thật lạ. Một chút se lạnh đủ để người già khoác thêm chiếc áo ngoài, để nhận biết năm cũ sắp qua. Nắng đã lên nhưng sương mù vẫn còn bàng bạc, lơ lửng trên dòng nước đục lờ - cái thứ nước bùn được chắt từ trên ruộng xuống. Bây giờ người ta sạ dề, nguyên cánh đồng được bơm cùng lúc, ào ạt nên nó có vẻ đặc quánh và tanh tưởi mùi cá chết. Đó là cái rất đặc trưng mùi, quen thuộc, không có nó sẽ thiếu đi sinh khí của ruộng đồng.
Đường vào xóm Cống Huế được trải bê tông phẳng phiu, nó lượn lờ uốn theo con rạch dù nhiều lần cải tạo vẫn không xóa hết dấu vết do thiên nhiên tạo tác. Nghe nói đó là con rạch do voi đi mà hình thành, nối từ sông Cũ chảy về cánh đồng phía nam đến xã Tân Hội – nơi có những xóm dân cư có những cái tên rất hình khối: xóm Vuông, xóm Dĩa, xóm Dài…Khó có thể hình dung thuở hoang sơ, cảnh vật đôi bờ như thế nào, chứ bây giờ thì nhà cửa san sát, nhiều nhà tường mái ngói. Hai bên đường nhiều quán cóc, biểu hiện sự chuyển đổi lao động nông nhàn, trước đây sau vụ mùa người ta thường tập trung đươn đệm nhiều hơn là làm nghề khác; “Về Mỹ Hạnh Đông nghe tiếng giã bàng” bây giờ chỉ còn trong ký ức.
 Nhà bác Sáu Lê Quang Hanh nằm trên bờ rạch. Ngôi nhà do con cháu Việt kiều về cất nên khá khang trang, đầy đủ tiện nghi. Một cái sân kiểng rộng đằng sau cửa ngỏ với hàng kiểng uốn theo lối xưa tam cang ngũ thường đủ để thấy chủ nhân của nó là một người mực thước.
 Bác Hanh năm nay đã ngoại tám mươi, thuộc hàng điệt lão thượng thọ nhưng còn rất minh mẫn. Cho nên sẽ không ngoa khi nói rằng ông là cây cổ thụ cn sót lại của xóm Cống Huế, và hơn ai hết, sông Cũ trong ông vẫn đầy ắp bao điều trăn trở. Ông nói, vị tiền hiền khai khẩn làng Mỹ Hạnh Đông là ông Lê Quang Hiền, tức ông tổ của ông, người sống cách ông đến 4 đời. Nghe ông nội kể lại, ông vốn là người ở miền ngoài vào vùng Tân Hội định cư. Năm ông vào đây khẩn đất cũng chỉ khẩn được có 300 mẫu. Đất nầy thuộc cơi ba, là đất bưng phèn nên rất xấu, vả lại không có nhơn công nên không dám khẩn nhiều. Nhưng người xưa bảo “nhứt ruộng sâu, nhì trâu nái” nên cố gắng trụ lại. Nhờ vậy mà mới có cơ ngơi ngày nay. Từ miệt đất giồng Tân Hội vốn là nơi cư trú lý tưởng thời trước, muốn vào vùng Đồng Tháp Mười nầy phải bơi xuồng len lỏi qua những con rạch ngoằn nghèo, hai bên cây cối rậm rạp, đồng rộng mênh mông chỉ có năn lác, vài cụm tràm và cây cà na, có khi cả ngày mới đến được chỗ đất được chọn, cắm bông tiêu mà khai phá. Đội quân tiên phong khai phá vùng nầy có khi không phải định cư, chỉ cất tạm những căn chòi nhỏ, tránh nắng, đụt mưa, xong mùa vụ thì rút quân về. Cái tên Xóm Chòi nổi tiếng ở Mỹ Hạnh Trung còn lưu lại đến ngày nay. Từ Tân Hội vô xóm Huế hiện nay chỉ mất vài mươi phút phóng xe gắn máy trên đường trải bê tông nên khó có thể hình dung cái gian nan thuở trước.

Tại sao gọi là cống Huế ? Ông Hanh kể, sau nhóm người khai phá đầu tiên thì có mươi gia đình người Huế đến sinh sống ở vàm rạch nên mới gọi nơi đây là cống xóm Huế. Hiện tại thì vàm cống Huế đổ ra sông Cũ, nhưng ngày xưa chỗ nầy là một cái bưng rộng, không rõ tên, là nơi bắt nguồn của con rạch. Người đi khai hoang phải “trở đầu” dòng nước bằng cách đào một cái cống ăn thông với sông Cũ rồi dẫn nước ngược về phía nam ra các xã Mỹ Hạnh Trung, Tân Hội. Và nhờ đó người ta vô xóm, vô ruộng dể dàng nhanh chóng hơn bằng con đường Ba Rài –Sông Cũ.
Ba trăm năm qua, thật khó mà hình dung vùng đất nằm ở lòng chảo Đồng Tháp Mười nầy xưa có bộ dạng như thế nào. Lần giở thư tịch, sách Gia Định thành thông chí có nói đến đoạn sông đào này, gọi là Tranh Giang tân kinh - con kinh mới của sông Tranh hay còn gọi là rạch Chanh, còn kêu là sông Cũ vì lẻ nó được đào trước khi người mới đến ở. Hổng lẻ dân làng nầy đã có một lần xiêu tán. Nghe Hanh nhắc đến tục cúng xiêu mồ lạc mả mà nổi băn khoăn được giải tỏa phần nào nhưng để khẳng định thì phải tìm thêm tư liệu chứng minh.
Sông Cũ dài gần 25 cây số tính từ vàm La-cua đến ngọn rạch Chanh. Theo thư tịch, con sông này do Đô uý Đặng Văn Trấn (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép là Nguyễn Trấn) chỉ huy đào vào khoảng năm 1785. Ba trăm năm là khoảng thời gian không ngắn. Chuyện lịch sử nếu không có tư liệu thành văn thì cũng khó mà khẳng định được điều gì, nên chăng nhắc lại vài sự kiện: năm 1776, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh quân chúa Nguyễn ở Gia Định, Duệ tông Phước Thuần sai Tống Phước Hiệp từ Bình Khang vào cứu viện, lại sai Đỗ Thanh Nhơn mộ quân cần vương. Đỗ Thanh Nhơn chiêu mộ được Huỳnh Đức, Trần Búa, Đỗ Hoành, Đỗ Ky, Võ Nhàn, Đỗ Bảng và 3.000 người từ Ba Giồng, tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân kéo về Sài Gòn đánh Nguyễn Lữ. Lữ chạy về Quy Nhơn. Năm sau, năm 1777 khi Nguyễn Huệ vào Gia Định, Duệ tông Phước Thuần thua trận, chạy tới rạch Chanh thì Ánh đã đem 4.000 quân Đông Sơn tới ứng viện. Rạch Chanh bấy giờ chưa có sông Cũ nối qua, nhưng có lẻ lớp người đi trước phải bỏ làng xiêu tán vì trận đánh nầy. Nơi phát tích của Đông Sơn là Gò Lũy (Nhị Bình), chỉ cách vùng sông Cũ chừng hơn chục cây số theo đường chim bay.  
Năm 1781, sau khi Nguyễn Ánh giết Đỗ Thanh Nhơn thì thuộc tướng Đông Sơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng trở về chiếm giữ Ba Giồng làm phản. Đầu năm 1785 Nguyễn Huệ đem quân vào phá tan quân Xiêm ở Rạch Gầm, Nguyễn Ánh lại chạy qua Xiêm. Nguyễn Huệ rút quân về, để Đô úy Đặng Trấn ở lại giữ Gia Định,  Ngài Đô uý nầy đã lo xa cho đào sông bao chặn phía bắc vùng Nhị Bình, Gò Luỹ tạo thế bao vây đám tàn quân Đông Sơn đang đóng tại Gò Lũy thời bấy giờ, mặc dù Đông Sơn sau cái chết của Đỗ Thanh Nhơn thì chỉ còn là nhóm võ biền phiến loạn. Nhưng dù sao đây cũng là công trình hiếm hoi và duy nhất mà nhà Tây Sơn để lại ở đất Nam bộ nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng trong lịch sử.
Lan man đôi điều trong sách vở để đi tới giả định rằng, có sông Cũ làng xã ở khu vực này mới định hình. Làng xã miền Nam là thường tập trung ở ven rạch, ven sông, nơi có điều kiện sản xuất và lưu thông. Cho nên các xã xung quanh Sông Cũ chỉ mới hình thành sau năm 1785 đến đầu thế kỷ 19. Ông Lê Quang Hiền có lẻ là người tiên phong, nhưng ít nhất cũng đến khi cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh ngã ngũ. Có ai đó quan tâm tới công lao mở đất và thành quả khai thác Đồng Tháp Mười của tiền nhân cũng nên lập một tấm bia hay cái gì đó ghi công ngài Đặng Trấn.
+
Đình làng Mỹ Hạnh Đông nằm ở vàm Cống Huế. Người xưa đặt tên ấp là Bình -Lương - Phú - Hội, thì ngôi đình đặt trên ấp Mỹ Phú với ước vọng giàu có. Năm 1945, khi giặc Tây tái chiếm, ngôi đình phải dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến. Nền đình bây giờ được sử dụng làm chợ, một cái chợ điều hiu không phát triển vì dân làng còn kiêng sợ nền đất thiêng, không dám vào mua bán. Ông Hanh đem 6 đạo sắc phong của làng Mỹ Hạnh về nhà cất kỹ, hàng đêm đốt nhang cúng vái, trong lòng đau đáu ước mong xin được cất lại đình để bảo tồn di sản tiền nhân:
“Sắc Mỹ Hạnh Bảo An Thành hoàng chi thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh tổ Nhân hoàng đế Ngũ tuần đại Khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu Đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng Cảnh mạng miễn niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chánh trực chi thần. Nhưng chuẩn Kiến Đăng huyện Mỹ Hạnh Đông thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai !
Thiệu Trị ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập thất nhật.
Đây là nguyên văn của một trong 6 đạo sắc nhà Nguyễn ban cho làng Mỹ Hạnh, nó nhắc lại, trước khi dân làng chia ra ba làng Đông – Trung – Tây, làng Mỹ Hạnh Đông là một làng lớn chi phối. Đạo sắc nầy được phong tặng vào ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ năm (tức 25-12-1845), sau khi làng xã đã chia, riêng làng Mỹ Hạnh Đông thì nhận đến 6 lá, Mỹ Hạnh Tây, Mỹ Hạnh Trung mỗi làng nhận 2 lá.  Phân tích đôi điều về lịch sử thông qua đạo sắc, ông Hanh rưng rưng nước mắt, bây giờ tôi đã khá giả hơn trước nhiều, lại có con cháu làm việc ở nước ngoài cứ gởi tiền về luôn, bỏ ra vài trăm triệu để cất lại ngôi đình không khó. Nhưng mà...khó xin phép quá !
Thiệt là cái cảnh người giàu cũng khóc. Giàu mà làm gì khi ôm đống vàng mà nửa đêm cứ giật mình thảng thốt: ta là ai, ta từ đâu đến ? Tiếc là những người như ông Hanh bây giờ không còn nhiều.
Hồi năm 1915, khi mới đào đoạn kinh nối từ eo Mỹ Hạnh Trung với kinh Tổng Đốc Lộc (tức kinh Nguyễn văn Tiếp ngày nay) mà Tây gọi là La-Cua thì đất đai sông Cũ còn đậm màu sắc, phong thổ của vùng Đồng Tháp Mười. Những cái tên Láng Biển, bưng Bồn bồn, bưng năn, đìa Rái, đìa Cần Bẩy…còn lưu lại đến nay không phải không phản ánh cái hiện trạng đất đai thời bấy giờ. Láng Biển là tên gọi của một lòng chảo khoảng vài ba chục mẫu tây còn sót lại do quá trình bồi đắp không đồng đều của phù sa mà chưa có bàn tay con người tác động vào. Thuở đó, mùa khô, láng Biển như một “phồn” trâu lớn toàn sình là sình. Đến mùa mưa, nước đọng lại mênh mông, các loại sen, súng, năn, lác phát lên điểm tô mặt nước. Chim trời về tụ hội, nhiều nhất là con gà đãy, một giống chim đã biệt dạng ở vùng nầy từ hơn năm mươi năm trước.  
Bưng bồn bồn  hẹp hơn, xưa mọc đầy rau bồn bồn. Loại cây họ rái, sống trên đầm lầy, hái về làm dưa chua, nấu canh hoặc ăn sống với mắm kho, bây giờ trở thành món ăn đặc sản của các nhà hàng sang trọng.  Những kẻ thừa đạm dư mỡ tìm đến món dân dã nầy, có khi để vỗ ngực xưng tên rằng ta không quên bản sắc quê hương, rồi mị rằng đi đâu vẫn nhớ mùi bông súng mắm kho. Họ không biết rằng bưng Bồn Bồn hiện tại chỉ còn lại cái tên, cũng như sông Cũ nằm trong ký ức ông Hanh chỉ là cái nền đình và vài cây cà na còn sót lại.
Lịch sử giống như dòng sông miên man chảy, mang trên mình chuyện dâu bể trăm năm. Sông không nhớ mà con người thì quá nhiều cái sự vô tình và bất nghĩa. Sông không trách nhưng ghét con người hay mị, mượn danh nầy nọ mà tô son trát phấn cái nhân cách đã hao mòn, huỷ hoại.

---o0o---









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét