Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

NHỮNG TẬP TỤC CƯỚI  HỎI NGÀY XƯA

Theo lệ cổ, việc cưới hỏi phải có sáu lễ (tục gọi là lục lễ) và một số lễ phụ khác. Tuy nhiên, tại một số vùng ở Nam bộ, xưa kia chỉ có hai lễ chính và ba lễ phụ, gồm:
+ Lễ chính: gồm lễ hỏi, kết hợp lễ Nạp cátNạp trưng; Lễ cưới, tức lễ Thân nghinh.
+ Lễ phụ: lễ coi mắt, kết hợp lễ Nạp tháiVấn danh; Lễ Sỉ lời, gốc là Thỉnh kỳ; Lễ Phản bái, còn gọi là Nhị hỉ, hay nôm na là giở mâm trầu.
Lễ vật chính của hôn lễ gồm: nhà trai đem đến nhà gái trầu cau, rượu, trà, bánh trái...Nghi thức chính trong lễ cưới tương tự như lễ hỏi là cô dâu, chú rể phải làm lễ tổ tiên, ra mắt bà con thân tộc. Hai lễ vật không thể thiếu là nhà trai phải đem một đôi đèn sáp dâng cúng tổ tiên nhà gái để chú rể làm lễ tổ tiên và phải tặng cô dâu một đôi hoa tai, vật chứng tỏ đây là cô gái đã có chồng để cho cô ra chào bà con hai họ. Khi cô dâu về nhà chồng  phải đem theo một đôi đèn sáp và một quả bánh cho chính tay cô làm, gọi là lễ vật “tống hôn”, đem về cúng tổ tiên nhà chồng. Tục nầy về sau biến đổi và mất hẳn.

Xưa kia, trong hai lễ cưới, hỏi, nhà trai phải đem đến nhà gái hai con lợn nhốt trong cũi, tục gọi là heo đứng. Về sau thấy bất tiện, người ta thay thế bằng tiền, tục gọi là heo nằm. Tục lệ xưa qui định lễ vật ngày cưới, nhà gái phải “lại quả” cho nhà trai phân nửa. Riêng lễ vật ăn hỏi là lễ vật đầu nên nhà gái phải nhận hết để ngày hôm sau chia thành nhiều phần đem biếu bà con, bạn bè, báo tin con gái có chồng. Việc thách cưới khá phổ biến, nhưng ngoài trầu cau ra, nhà gái không đòi hỏi gì khác.
Sau lễ ăn hỏi, chú rể được hợp thức hóa bằng quyền gọi cha mẹ, ông bà bên vợ. Cũng trong khoảng thời gian từ lễ hỏi đến ngày cưới, chú rể phải thực hiện “nghĩa vụ làm rể” vào các ngày rằm, mồng một, ngày Tết, giỗ chạp...Nghĩa vụ nầy không khắt khe lắm, tuy cũng có nhiều trường hợp chú rể phải lo phụ một số công việc lao động sản xuất giúp nhà vợ. Ngày nay tục làm rể vẫn còn nhưng nội dung đã thay đổi khá nhiều. Bên cạnh, trước ngày cưới khoảng tám hoặc mười ngày, đại diện nhà trai và nhà gái phải đến chính quyền sở tại bên nhà gái đăng ký kết hôn, gọi là “khai bát nhật”, hay“khai thập nhật” nhằm mục đích thông báo, đề phòng đến ngày cưới có người ngăn cản.
Lễ cưới thường kéo dài khoảng hai ngày: ngày hôm trước gọi là ngày nhóm họ, đãi đằng bà con thân tộc, bạn bè. Ngày hôm sau là ngày đón dâu, nhà trai chỉ chiêu đãi nhà gái. Về sau, lễ cưới tại nhà trai đơn giản hơn, chỉ có một ngày đón dâu kết hợp với đãi họ và chiêu đãi nhà gái.
Việc trang hoàng trong ngày cưới là một hoạt động mang tính văn hóa ở địa phương. Nhà trai, nhà gái đều phải dựng trại trước sân nhà để đãi khách. Trại tiệc được trang hoàng, chưng kết bằng hoa lá tươi có sẳn như lá dừa, bẹ chuối, lá đủng đỉnh, dây bòng bong...Bảng chữ Tân Hôn hay Vu Qui cũng được thanh niên trong xóm kết bằng hoa lá. Về trang phục, chú rể đầu chít khăn đen, mặc áo thụng, đi giày hàm ếch, hai tay bưng quả đựng nếp và xâu tiền. Cô dâu cũng mặc áo thụng hai lớp, đầu đội nón cụ, quai tơ, chân đi hài hoặc dép thêu...Ngoài ra, tất cả các thành viên hai họ đều phải mặc quốc phục. Riêng hai ông sui và hai người đại diện cho hai họ phải mặc lễ phục...Tất cả đều do thanh niên nam nữ trong xóm tự nguyện đến phụ giúp.
Ngày rước dâu, họ nhà trai phải đến sớm khoảng 10 phút để xin vào làm lễ đón dâu. Khách đón dâu gồm bà mai, chú rể, cha mẹ chú rể và bà con thân thuộc, bạn bè...Qui ước bất thành văn là đoàn người đi rước dâu phải là con số lẻ để khi trở về có thêm cô dâu cho đủ đôi, đủ cặp. Tục lệ Nam bộ, lễ vật rước dâu đặt trên mâm còn đối với người Hoa thì đặt trong quả. Xưa kia, quan niệm giờ tốt rất quan trọng nên phải đến đúng giờ. Nhà trai cử người bưng khay trầu rượu vào trình và phải chờ đại diện nhà gái ra ngỏ rước. Pháo được đốt lên để đón nhà trai.
Nghi lễ chính diễn ra sau khi tiếp nhận lễ vật. Bắt đầu là nghi thức chú rể cáo yết tổ tiên và ra mắt nhà gái, tiếp theo nhà gái cử một người đại diện làm lễ lên đèn, hai họ chúng kiến cho chú rể lạy bốn lạy. Sau khi ra mắt tổ tiên xong, chú rể đến làm lễ ra mắt cha mẹ, ông bà, thân tộc bên vợ. Các nghi thức nầy ngày nay đã cải tiến nhiều, chú rể chỉ xá thay cho lạy, kể cả tại bàn thờ tổ tiên. Cuối cùng, cô dâu được người mẹ ruột đeo nữ trang, bước ra lạy từ giã tổ tiên, vái chào cha mẹ, ông bà, thân tộc để xuất giá về nhà chồng.
Khi rước dâu về đến nhà trai, pháo được đốt lên chào mừng. Chương trình lễ tiến hành tương tự như ở nhà gái, chỉ có thêm lễ tế tơ hồng. Xưa, lễ tế tơ hồng tổ chức trong phòng hoa chúc. Nghi thức gồm có dâng hương, rượu, trà...và các lễ vật lên bàn thần Tình duyên. Thêm nghi thức mời rượu giao bôi và nghi thức hợp cẩn. Nhưng về sau nầy, người ta thấy lễ nầy rườm rà bất tiện nên bày tục tế tơ hồng trước sân nhà trai với nghi thức đơn giản hơn. Những năm gần đây, nghi thức tế tơ hồng đã bỏ hẳn.
Sau ba ngày, đôi tân hôn và một số bà con bên nhà trai mang một cặp vịt – tương trưng cặp uyên ương (tượng trưng cho sự chung thuỷ) sang nhà gái thực hiện nghi lễ giở mâm trầu, ngụ ý hôn lễ kết thúc tốt đẹp. Cặp vịt được nấu cháo cùng tổ tiên và các vị gia thần để cô dâu lạy từ giả một lần nữa, nên có tên là lễ phản bái.

Nhìn chung, việc hôn nhân theo nghi lễ truyền thống ở Nam bộ có phần nào được bảo lưu. Nhưng theo tiến trình lịch sử, nó cũng đã có những biến đổi. Sau năm 1945 đã có sự đơn giản hóa, chỉ có một ít người giữ theo nếp cũ. Trong hai thời kỳ kháng chiến, ở vùng giải phóng, hôn nhân tiến hành phổ biến theo kiểu “lễ tuyên bố” và bắt đầu từ năm 1970 đến nay, hôn lễ bắt đầu ngả sang khuynh hướng tây phương: trai gái tự do kết hôn, tiệc tùng diễn ra linh đình, chụp ảnh, quay phim trở thành nếp. Cô dâu được đi thẩm mỹ viện để phục, hóa trang. Người tham dự lễ thì đa số mặc Âu phục. Tục xưa mai một dần và nhiều khi lệch chuẩn, do hiểu sai ý nghĩa của lễ thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét