Kiểm chứng dùm !
Đọc VNTG số 55, một
tác giả có học vị thuộc hàng cao nhất về mặt sử học ở tỉnh, viết về Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài
Mút, giải thích rằng, Rạch Gầm
là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + Động vật (Ca Răm: Con Cọp). Rạch
Rau Răm là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + Thực vật (Rau
Răm).
Cái công thức “sang trọng” này dường
như được Giáo sư Lê Trung Hoa đưa ra và được một số nhà nghiên cứu áp dụng khi
giải thích địa danh một cách máy móc và thiếu thực tế. Thật ra địa danh ở Tiền
Giang nói chung và đồng bằng sông Cửu Long có những biến đổi khó lường do nhiều
lý do khác nhau, có khi do nói trại, do cử tên, do phát âm, do nói tắt...và nhiếu
yếu tố ngẫu nhiên khác. Tổ tiên ta ngày xưa khi đặt tên cũng không hề có công
thức hay theo nguyên tắc bất biến nào như hậu bối thường nghĩ. Ví dụ, ở xã Phú
An (Cai Lậy) có rạch Ông Xây. Đố các tác giả rạch + với cái gì ra Ông Xây ?
Chắc ai cũng nghĩ theo công thức rạch + với tên người. Thật ra, rạch Ông Xây là
kiểu gọi trại đi của một con rạch rất ngoằn ngoèo, xoay/xây vòng vòng chẳng biết
lối ra, chứ chẳng có “ông/ bà Xây” nào ở đây cả.
Bên cạnh sách vỡ xưa ghi chép
địa danh thường “Hán hóa” như rạch Thị Hiệp (ở Cái Bè) hỏi lại thì hóa ra đó là
rạch Bà Hợp. Còn Dong mục cương ghi trong GĐTTC thì ra là giồng Cây Dong ( cũng
ở xã Phú An-Cai Lậy) hay Mai giang là rạch Mù u…
Do vậy, muốn tìm hiểu địa danh
tốt nhất là xuống kiểm chứng thực tế.
Do thiếu đi thực tế nên vị Tiến
sĩ này giải thích, rạch Rau Răm là rạch có nhiều rau răm. (Công thức rạch + thực
vật (Rau Răm). Chỗ này có phần đúng, nhưng cái món rau răm rất sách vỡ
mà tác giả căn cứ trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, đem ăn với hột vịt lộn
là...chết liền. Bởi nó là loại rau răm rừng, thân và lá rất to gần giống cây nghể, thường mọc ở mép nước
hai bên bờ kinh rạch. Giá trị của nó là giữ đất bãi bồi. Mấy năm gần đây, do môi
trường ô nhiễm, do sử dụng xáng múc cải tạo nên cây rau răm đã gần như tuyệt chủng
ở chính con rạch mang tên nó. Hổng tin tác giả xuống kiểm chứng ? A ha...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét