Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Tản mạn bên bờ Cái Lá

Ký 

Anh Ba Thâu nói sông rạch ở xã Phú An nhiều ông hơn bà: Ông Cối, ông Xây, ông Trung, rạch Ông Lẩm...nhưng chỉ có rạch Bà Phò, rạch Bà Bốn. Quả vậy, vốn là cuộc đất ven sông Tiền, Phú An có một mạng kinh rạch chằng chịt, ngoằn ngoèo, rạch Ông Xây là một điển hình - con rạch nhỏ, xoay vòng vòng nên gọi “ông” Xây/xoay, làm rối trí những người muốn đi tìm lai lịch những địa danh.

1. Con rạch lớn có nhiều chi lưu nhất là rạch Cái Bè nhánh phía Đông, hiện nay các văn bản ghi theo cách gọi dân gian là sông Phú An, còn thư tịch thì chép là Cái Lá, trùng tên với con rạch bên xã Hiệp Đức, nên địa danh lẫn lộn rồi mai một dần.
Chợ Cái Lá nằm trên bờ rạch qua cuộc bể dâu cũng không còn ai nhớ, mặc dù nền chợ vẫn còn đó với tên chợ Phú An với nhà lồng xây mới, thêm một lớp kiến trúc nhà lầu, nhà tường kiên cố chồng lên dấu vết xưa với dăm miếng đá ong vương vãi, khuất lấp trong những góc nhà. Dấu vết thực địa lưu lại hai bên bờ rạch Cái Lá là những hàng dừa nước, nhiều bụi chơ vơ mấy cọng lá, đưa bắp tay chống chọi với sự tàn phá không thương tiếc của con người. Vào sâu trong các chi lưu Ông Cối, Ông Xây, Bà Phò dừa nước mọc dày, dường như được người dân trong xóm bảo vệ kỹ hơn, để chống lở đất. Liên tưởng đến chuyện rừng lá ở Gò Công, nơi anh hùng Trương Định làm căn cứ chống Tây chỉ còn tồn tại với cái tên “đám lá tối trời” mà xót xa cho những chuyện huỷ hoại môi trường song hành với  sự tàn phá di tích.
Đầu thế kỷ 20, làng xã ở Nam kỳ bị người Pháp xáo trộn khá nhiều. Phú An cũng nằm chung số phận khi làng Phú Sơn bị tách khỏi hệ thống ngũ nhạc gồm: Hội Sơn, Xuân Sơn, Cẩm Sơn, Hòa Sơn, Phú Sơn để nhập vào làng An Mỹ. Rồi chiến tranh kéo dài, địa giới hành chánh tiếp tục thay đổi để phục vụ cho nhu cầu chiến đấu, cho nên xã Phú An sau ngày độc lập có đến ba ngôi đình: An Mỹ, Phú Sơn và đình An Thành vốn dĩ của xã Mỹ Thành, tức thôn Lợi An xưa thuộc xứ Lợi Tồn hay xóm Bà Tồn, đã ghi trong Địa bạ Minh Mạng. Làng mất đình còn, từ sau năm 1975, người dân Mỹ Thành Nam phía bên kia quốc lộ 1 vẫn nhớ ngày Kỳ yên kéo sang cúng bái. Một cách để nhớ về truyền thống cũ, không khác mấy trăm năm trước tổ tiên cư dân các làng ngũ nhạc hoài niệm quê nhà ở vùng đồi núi xứ Quảng nên dùng chữ “sơn” đặt tên làng làm kỷ niệm.
Nói chuyện ba làng, chợt nhớ đến bưng Cây Gáo Ba làng ở xóm giáp ranh thôn An Mỹ, hiện còn dăm thửa ruộng biền trủng. Gọi “Cây Gáo ba làng” vì cây gáo nằm giáp ranh các làng Cẩm Sơn, Bình Phú và An Mỹ từng được vài tài liệu thư tịch nhắc đến.
Ngày xưa bưng Cây Gáo Ba làng có diện tích khoảng hơn 10 mẫu tây, sen mọc đầy, nhiều loại chim chóc đến trú ngụ. Cách nay hơn 100 năm, khu vực này còn rất hoang vu. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, heo rừng còn xuất hiện. Theo Đối cổ kỳ quan của ông Đặng Lễ Nghi thì lúc Trần Bá Lộc làm Đốc phủ ở quận Cái Bè, khoảng năm 1872, ở Cây gáo Ba làng xuất hiện một con heo rừng rất to, dân làng gọi là ông Chảng. Tác giả mô tả, ông Chảng không biết từ đâu đến cư ngụ vùng nầy, phá vườn, phá rẩy, uy hiếp dân lành. Dân trong xóm sợ quá khấn vái mãi mà ông chẳng buông tha. Sự việc đến tai đốc Phủ Lộc. Ông cho dời phường săn đến lo việc trừ khử con heo rừng nầy. Hai chục thợ săn được mời đến, trong đó có một người tên là Quản Năng rất giỏi võ nghệ. Họ trang bị giáo mác gậy gộc và đem theo 15 chó săn thiện nghệ đến bao vây khu vườn. Chó săn lùng sùng đánh nhau tơi bời với ông Chảng. Nhắm đương cự không nổi, ông Chảng lẻn khỏi vòng vây chạy thục mạng tới nhà chị Hai Trong. Bấy giờ có hai thanh niên tên là Đinh và Vàng vốn là hai anh em ruột. Họ bàn, heo rừng đã bị săn đuổi mệt, vậy anh em mình đâm chết nó rồi giấu đi để được ăn trọn phần.Vàng cầm cây, Đinh xách giáo tre nhảy vô đánh. Trong nháy mắt, Đinh bị ông Chảng tát văng giáo tre rồi dùng răng nanh xé xác.Vàng thấy anh mình bị ông Chảng cắn chết, bèn quăng vũ khí vừa chạy, vừa la làng kêu cứu. Anh ta trèo lên cây, con heo rừng vẫn ngoan cố đứng canh chừng dưới gốc. Một lúc sau, Quản Năng tới. Ông cầm giáo đánh vùi với ông Chảng nửa canh giờ mới giết được. Con heo rừng nặng đến tám người khiêng mới nổi.”. Người chép chuyện không bình luận nhưng đã gởi thông điệp rõ ràng, hoàn cảnh nào cũng vậy “tham thì thâm”.
Tản mạn chuyện xưa nhờ câu nói của một người bạn “khi hiện tại im lặng thì quá khứ ồn ào”. Khuấy động vào dĩ vãng đôi khi tìm thấy sự gợi mở thú vị cho hiện tại.
Đất Phú An trong lịch sử hành chánh thuộc về quận Cái Bè lâu hơn là Cai Lậy. Thời thực dân đô hộ, dân gian có câu:
Cái Bè có bốn anh hào
Thục ngang, Cang đởm, Sang giàu, Tú khôn.
Trong bốn “anh hào” ấy ở Phú An có hai vị: Lê Ngọc Thục và Hương quản Tú. Họ Lê nổi tiếng ngày trước hiện vẫn còn truyền tử lưu tôn. Hồi đầu thế kỷ 20, ông Lê Ngọc Thục bất chấp qui định của nhà cầm quyền thực dân, khai ruộng, tậu điền mở thêm một ấp, lấy tên là Phú Hiệp thuộc thôn Phú Sơn ở tận ngọn rạch Bà Hợp, thuộc làng Hòa Khánh. Danh nghĩa là một ấp của làng Phú Sơn, tá điền làm ruộng ở đây phải đóng thuế cho làng Phú Sơn, không đóng cho tổng Phong Hòa, còn bảo tổng nghèo hơn thôn. Vì vậy, mà nhà chức trách liệt ông vào hàng ngang ngược số một.
Hương quản Tú lập bến đò ở cuối giồng Cây Vông mà thư tịch cũ ghi là Dong Mục Cương, ở đây là đoạn cuối đường Thiên Lý trên đất Mỹ Tho, qua đò mới sang bên Thủ Triệu làng Hội Cư. Chưa rõ thời điểm ông lập, nhưng nghe nói nhờ huê lợi từ cái bến đò này mà ông trở nên giàu có. Không biết giàu cỡ nào nhưng cái sự khôn của ông đã để lại địa danh bến đò Quản Tú, lưu truyền đến nay.
Đừng tưởng câu ca dao hay phương ngữ và giai thoại không chứa đựng giá trị thực lục.
2. Anh Ba Thâu là người địa phương, làm bí thư xã Phú An có hơn 10 năm, bây giờ đã hưu trí nên có nhiều thời gian rảnh, cất công đi tìm chứng tích tư liệu, phục vụ cho việc biên soạn lịch sử địa phương. Những địa danh xóm Đất Làng trong Nam kỳ khởi nghĩa, Gò Da, Thủ Ngữ, Đìa Dứa, Cầu Kinh...trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những nơi từng ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân xã Phú An trong suốt gần nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập. Anh xác quyết, nhiều trận đánh diễn ra ở xóm Gò Da xứng đáng để lập hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử, tiến tới việc dựng bia kỷ niệm, bia chiến thắng...
Nghe anh liệt kê những chiến công, tôi chợt nhớ đến chị Hai Biếc ở xóm rạch Ông Cối. Một người phụ nữ nay sắp sửa bước vào tuổi cổ lai hy, đáng lý ra phải sống trong sự đuề huề chăm sóc của con cháu, lại thui thủi một mình trong căn nhà mà bằng, giấy khen và những kỷ vật thời chiến tranh nhiều hơn gạo thóc. Gia đình chị có bốn thế hệ làm cách mạng, chị thuộc thế hệ thứ ba. Ông nội là vị bí thư đầu tiên của chi bộ xã Phú An hồi năm 1930, đến Nam kỳ khởi nghĩa 1940, ông bị quận Tâm bắt, đánh chết rồi quăng xuống sông mất xác. Ba chị rồi người chú ruột tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh. Bà nội nén nổi đau mất chồng, mất con, thời kỳ “tố cộng” đen tối nhất, vẫn đùm bọc nuôi giấu cán bộ Huyện uỷ trong nhà để chuẩn bị cho đồng khởi. Hai mươi năm sau kể từ ngày rời bỏ trần gian đi tìm chồng và các con, bà được nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chỉ riêng gia đình chị Hai Biếc đã là một pho sử sống động, đủ sức để giáo dục lòng yêu nước.
 Nhưng Phú An nào đâu chỉ có gia đình chị Biếc. Có những chiến công thầm lặng mà cũng là nổi đau được giấu kín, nói theo cách nói đời thường là “sống để bụng chết mang theo”. Năm 1970, giặc đóng đồn Phú Hiệp, án ngữ ba xã Phú An, Cẩm Sơn, Hiệp Đức. Ta đánh hoài nhưng không bứng nổi đồn. Binh vận xã Phú An bèn tổ chức đưa một nữ cán bộ vô bót tìm cách tiếp cận, móc nối với đồn trưởng, nhưng bọn lính đồn nghi ngờ bắt giữ chị, nhốt lại bót qua đêm thay nhau hãm hiếp. Lãnh đạo huyện nghi ngờ khí tiết của chị, sợ lộ đường dây tổ chức, nên chỉ đạo thủ tiêu chị để bịt đầu mối. May thay, người lãnh nhiệm vụ thi hành bản án đã “nhân từ mở ải thả oan gia”, tìm gặp chị, khuyên chị bỏ trốn, tìm nơi khác làm ăn. Sau ngày độc lập, chị ấy trở về quê sinh sống trong sự nghèo túng, và càng cô độc hơn vì ai dám sẻ chia, đồng cảm...
Câu chuyện tôi được nghe người phụ trách công tác binh vận năm xưa kể lại với một thái độ dè chừng, giấu luôn tên tuổi chị, sợ khơi gợi lại nổi đau của chị hay đụng chạm vấn đề gì khác?
 Ký ức chiến tranh có những chuyện tưởng chừng như giai thoại.
3. Tổng kết của người xưa “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, làng quê Phú An xưa nay vẫn trung thành với nghề nông nhưng vẫn không khá lên được. Xưa ruộng ở đây đa phần là ruộng gò, canh tác theo kiểu ruộng lúa muộn, gieo mạ tháng 5, tháng 6, cấy tháng 7 tháng 8 đến tháng chạp, tháng giêng gặt. Ở những xóm đất giồng, gò thì trồng thêm các loại hoa màu như khoai, bắp, mía hoặc trồng dâu nuôi tằm...Do ở gần sông Tiền lại gần ngôi chợ đầu mối khá nổi tiếng: chợ Cái Bè, nên thương nghiệp ở vùng này phát triển khá sớm. Chợ Cái Lá có từ thế kỷ XIX, thuộc làng Phú Sơn tồn tại đến 1945, nay đổi thành chợ Phú An. Nơi đây xưa có nghề thủ công khá nổi tiếng là dệt vải với nguồn dâu tằm tại chỗ và nghề làm cau khô, trầu rang bán cho giới thương hồ đường dài. Song lợi thế ấy không còn giữ được khi mà giao thông đường bộ chiếm thế thượng phong so với đường thủy. Chợ Phú An không còn cảnh trên bến dưới thuyền thời phồn thịnh, đã biến thành ngôi chợ làng và thêm chiến tranh tàn phá đã không gượng dậy được.
Qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, sau ngày thống nhất đất nước, xã Phú An vẫn là một địa phương nông nghiệp. Tuy nhiên tính chất thuần nông trong thời gian gần đây đã không còn, nhất là trong giai đoạn xã đang nổ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, diện tích trồng lúa đã giảm hơn phân nửa để nhường chỗ cho diện tích vườn cây ăn trái, nhưng lợi nhuận đem lại từ cây trái vùng này chưa bằng phân nửa so với đất vườn ở vùng Tam Bình, Ngũ Hiệp. Theo báo cáo của xã thì bình quân diện tích sản xuất chia cho đầu người chỉ nhỉnh hơn 700 m2 đất. Đây là nói việc chia bình quân, còn trên thực tế nhiều người không còn hoặc còn rất ít ruộng đất để canh tác. Không có cái tư liệu sản xuất cơ bản này thì toàn bộ kinh nghiệm sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp của cha ông họ truyền lại trở thành vô nghĩa. Buộc họ phải đổ về các đô thị lớn làm công nhân, hoặc các nghề khác có thể kiếm tiền hoặc tìm kiếm cơ hội làm giàu. Đây là vấn nạn ở Phú An trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu khả quan nào để nói rằng số người ấy đang không tiếp tục gia tăng. Và nó sẽ kéo theo hệ lụy về mặt văn hóa, có vẻ nghiêm trọng hơn trong tương lai, ly nông rồi ly hương, lớp trẻ xa rời truyền thống.
Mấy năm trở lại đây, xã Phú An đã hình thành những nhóm cư dân đa ngành nghề từ chăn nuôi, dịch vụ mua bán đến tiểu thủ công như sấy nhãn...và chú ý đến thương mại dịch vụ. Song nhiều năm qua vẫn loanh hoanh theo kiểu tự túc tự cấp, khó có thể bức phá với những khu chợ chồm hổm và dăm quán cóc ven đường. Việc khai thác các lợi thế địa dư hiện tại như dựa vào khu phố Bà Tồn, ngả tư Văn Cang...dường như chưa phải là thế mạnh bởi bản thân những nơi này không chứa đựng tiềm năng và yếu tố phát triển trong tương lai gần. Muốn phát triển lĩnh vực thương mại và dịch vụ không thể không tính đến việc nối dài sự phát triển của thị trấn Cái Bè. Điều này bản thân Phú An không thể đơn phương nỗ lực mà đòi hỏi sự hỗ trợ định hướng qui hoạch từ các nhà hoạch định chính sách cấp trên.
Một vài ý nghĩ tản mạn bên bờ Cái Lá, không dám lạm bàn đến chuyện đại sự quốc kế dân sinh, chỉ ghi chép những điều tai nghe mắt, mượn chuyện quá khứ để gợi mở những vấn đề hiện tại.

Tháng 9-2013

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Văn chương và Vé số

Truyện ngắn


1. Chiều cuối năm. Con đường nhỏ vòng quanh ngoại ô thị trấn trở nên nhộn nhịp. Từ ngày hình thành khu thương mại mới, có lẻ đây là một chiều cuối năm rộn rã nhất của một nơi nửa làng quê nửa phố chợ này. Những chiếc xe ba bánh đạp cũ kỹ chất đầy hoa cúc, hoa vạn thọ hối hả nối đuôi nhau về phía trung tâm chợ. Ở đây cách chợ hoa Tết không xa lắm, người ta nghe rất rõ tiếng những người phụ nữ đang kỳ kèo ngả giá.
Ngôi nhà gần cuối đường. Hình như nó được cất từ rất lâu, trước khi khu dân cư này nâng lên thành khu thương mại. Ngôi nhà trông có vẻ cũ kỹ, mái tôn đã gỉ sét, tọa lạc trên mảnh vườn ẩm thấp nhưng tuyệt nhiên không có một bụi cỏ hay một chiếc lá khô, chứng tỏ chủ nhân của nó bỏ nhiều thời gian chăm chút, nhưng có lẻ không đem lại huê lợi, vài cây bưởi, ít cây mận, loại giống cũ cho trái con nít không thèm ăn.
Trước sân nhà, dưới tàn cây mận đã già cỗi là một bộ ghế mây cũ mèm, vá víu nhiều chỗ, có chỗ bị ẩm thâm đen, kê xung quanh chiếc bàn gỗ hình bầu dục, có vẻ lạc lỏng không cân xứng. Người đàn ông tóc hoa râm, dài phủ ót hơi dợn trông có vẻ phong lưu tài tử. Cặp kính cận dày cộm khuất lấp những nếp nhăn trên đuôi mắt, nhưng không thể che giấu vết hằn bên  khoé miệng. Trông ông có vẻ già trước tuổi, phỏng đoán trạc ngoại ngũ tuần.
Ông ngồi bắt chân chữ ngũ, hướng mắt về phía bên kia đường. Trước mặt ông là một chai nhựa đựng thứ nước màu vàng sẩm, hình như là rượu thuốc, cạnh đó là một dĩa cóc ngâm muối, xắt từng miếng mỏng.
Chợt có chiếc xe gắn máy trờ tới phía bên kia đường, người lái xe dòm xung quanh rồi tắt máy, tập tểnh dẫn xe vào ngôi nhà đối diện.  
Một lúc sau, gã lái xe ấy cầm một túi nhựa nhỏ, đôi chân tập tểnh bước như phóng về phía sân nhà có bộ ghế mây và ông hàng xóm. Chủ nhà chìa bắt tay nhưng mắt lại nhìn hướng khác. Sau cái bắt tay có vẻ khách sáo và một chút tư cách bề trên, ông quày quả bước vào trong. Còn người khách thì xé cái bọc nhựa, bày lên bàn gỗ một mớ ốc luộc bốc khói nghi ngút và mấy cây tăm nhọn để lể ốc.
Độ vài phút sau, người ta thấy ông chủ nhà trở ra sân. Lần này có thêm một cái ly nhỏ và một quyển sổ bìa đen đã sờn gáy. Ông nhẹ nhàng đặt quyển sổ lên bàn, cạnh chai rượu. Họ ngồi đối diện nhau. Hình như không phải là một bữa thù tạc của đôi bạn tri âm tri kỷ mà giống một cuộc phỏng vấn.

2. Ông muốn hỏi về nghề nghiệp của tôi à ? Thật ra trước đây tôi cũng từng mơ mộng, đeo đuổi nghề văn chương như ông. Vào năm 1975  tôi rớt tú tài, chưa kịp bị động viên vào trường hạ sĩ quan thì giải phóng. Cách mạng đem lại cho tôi cái may mắn là không vào quân ngũ Sài Gòn làm bia đỡ đạn. Nhưng sau giải phóng tôi lại bị tai nạn khác, đó là lúc về quê dọn vườn, tôi chém phải trái M.97 còn sót lại và nó lấy đi của tôi một bàn chân và nó cũng lấy đi cái ước mơ được tiếp tục lên giảng đường đại học của tôi. Nhiều người thấy tôi cà thọt cứ cho tôi là thương binh chế độ cũ, chắc ông cũng tưởng như vậy.
Từ đó đến nay là một quãng thời gian khá dài, xin nói vắn tắt lại là tôi đã làm đủ nghề kiếm sống, trước khi chọn nghề bán vé số.
Ông đừng tưởng tôi lợi dụng cái thân xác không lành lặn để đánh vào tâm lý thương hại của mọi người. Không đúng đâu, dù bán vé số nhưng cũng phải sỉ diện chứ, mời họ không mua thì đi chỗ khác bán, tôi chưa hề cầm tờ vé số đi nài nỉ từng người.
Tôi ngờ ngợ ông cũng nghĩ về tôi như vậy và đang có ý định viết về tôi bằng sự thương hại lầm lẫn thường tình của người đời. Nói ông đừng giận. Ông cũng lầm. Ngược lại, tôi thương hại ông thì có.
3. Không đợi mời, gã bán vé số chộp chai rượu rót đầy ly rồi ực một cái:
- Xin lỗi, từ hồi theo nghiệp bán vé số tới giờ tôi ăn nói có phần bổ bã, ông đừng để ý và cũng đừng mở sổ tay ghi chép làm gì. Lời nói tôi không giúp gì cho ông đâu, và phải biết quên nó, kẻo mất ngủ.
Ông nhà văn nhón một miếng cóc ngâm muối chìa cho gã đưa cay, bàn tay kia vẫn tỳ lên cái bìa sổ tay.
Gã bán vé số vừa nhai vừa nói:
- Không có nghề nào không cực nhọc, tôi dầm mưa dãi nắng, đi bán. Cực, nhưng tối về ngủ thẳng cẳng, không suy nghĩ, âu lo. Còn ông, tôi thấy có đêm ông chong đèn tới sáng bên chồng sách trang giấy mà không biết có viết được chữ nào, rõ ràng ông cực hơn tôi. Hồi thời trai trẻ mơ mộng, tôi cũng đã từng trải qua những đêm như vậy, nên thấy thương ông.
Hồi đó tôi viết vì nhu cầu giải tỏa tâm lý, trong đó có sự tự huyển hoặc mình sẽ trở thành nhà văn. Còn ông đã trở thành nhà văn, có lẻ viết để kiếm tiền là chính.
Nếu đúng như vậy thì ông thêm một lần nữa mắc phải sai lầm. Bởi về thu nhập, người bán vé số -  tôi hơn người - nhà văn ông là cái chắc. Mỗi ngày tôi chỉ cần bán vài ba trăm tờ, kiếm chừng vài trăm ngàn đồng, tính bình quân hàng năm tôi cũng có trên 60 triệu đồng, biết gói ghém thì đủ sống và dành dụm nuôi con ăn học. Căn nhà của tôi, dù không to đẹp hoành tráng nhưng vẫn hơn nhà của ông, ít nhất về mặt tiện nghi. Còn ông, cặm cụi mãi một năm, ông kiếm được bao nhiêu. Sách ông in ra người ta trả ông bao nhiêu tiền nhuận bút. Tính bình quân mỗi ngày ông được bao nhiều tiền ? Ở đây ba năm rồi, tôi thấy ông chưa ra nổi quyển sách.
Xin ông đừng mủi lòng. Tết này ông chưa sắm nổi bộ đồ cho ông đúng hôn ? Còn mấy đứa trẻ ? Tôi nghĩ nếu ông không có bà vợ bán cháo lòng ngoài vỉa hè kia, không biết ông sống bằng gì.
Đó là tôi chưa nói tới, nếu một ngày nào đó, bà vợ ông sẽ nảy sinh ý nghĩa thực dụng hơn, thấy thằng chồng không làm ra tiền, bả bỏ ông như chơi. Nói ra thì giống như xúc phạm, chứ thời buổi này, đàn bà họ ghê gớm lắm. Ông có nghe vụ án vợ một nhà báo đốt chồng hôn ? Có lẻ, đối với ông có thể đó là chuyện cá biệt. Nhưng chuyện cá biệt ấy lại biểu thị của sự tha hóa đạo đức một cáh cùng cực, nó bôi nhọ truyền thống và hình ảnh đẹp đẽ của những người vợ “gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” trong câu thơ của Tú Xương, chắc ông rất thuộc và hy vọng bà vợ ông cũng biết. Thôi không nói chuyện đàn bà nữa. Tôi xin quành lại về cái nghề của ông đây.
- Tất nhiên về địa vị xã hội không ai đề cao và không ai lại đi so sánh giữa một văn sĩ dù chưa nổi tiếng với một gã què bán vé số.
Tôi hiểu trách nhiệm cao cả của nhà văn là bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Nhưng tôi không quan tâm cái trách nhiệm có vẻ phù phiếm ấy đâu. Trách nhiệm của tôi là “bán vé số nuôi con học để có thể thành tài”. Còn ông ? Những trang viết liệu có đem lại điều ấy không khi mà cuộc đời đã ngoảnh mặt với loại văn chương dù có phù phiếm hay không. Còn chuyện góp phần xây dựng bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người thì ông đừng mơ. Họ không đọc thì họ học được gì ở các trang viết nhạt còn hơn nước ốc của các nhà văn ông chứ. Thiên hạ ngày nay đang chúi mũi kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ, họ không rảnh đâu !
Ông thấy thằng cha làm nghề hốt rác ở thị trấn này hôn ? Hắn ăn lương nhà nước hẵn hoi, nhưng xử sự như thế nào với công việc. Tới cửa nhà giàu hắn quét rất nhiệt tình, rất sạch, còn đi ngang nhà nghèo, hắn cứ lờ đi, bỏ những bọc ni lông vương vãi cho chủ nhà tự xử. Ông biết vì sao hôn ? Một chân lý đơn giản là hốt rác của nhà giàu thì có thêm tiền boa... Nói về sự tha hóa của con người đâu cần phải đao to búa lớn làm gì, chỉ một chi tiết như vậy đủ để các nhà văn như ông thấy.
Còn nữa, nhà văn mang một sứ mệnh cao cả  là chia sẻ nổi đau và đem lại nguồn hạnh phúc cho mọi người, nhưng những trang viết của ông, xin lỗi tôi so sánh hơn khập khiểng giữa trang văn và những tờ vé số, nhưng tôi thấy rõ ràng, tờ vé số của tôi đem lại niềm vui cho mọi người nhiều hơn. Tôi không nói việc họ trúng số đâu. Chơi vé số như mò kim đáy biển, cò ỉa miệng ve. Nhưng mỗi ngày người ta bỏ ra mươi ngàn đồng để mua lấy niềm hy vọng sự vào may mắn đổi đời. Niềm hy vọng ấy dù xa vời nhưng có thật.  

4. Chỉ có một điều tôi hơi buồn là trong các bản thống kê đời sống xã hội, người ta không xếp bán vé số là một nghề, lại không xếp vào loại thất nghiệp. Trong khi đó về trách nhiệm công dân, tôi là người góp phần kiến thiết đất nước nhiều hơn ông. Ông thấy mỗi tờ vé số đều in như vậy mà, có tỉnh người ta thu ngân sách rất cao từ vé số.
Tóm lại, nghề nào cũng cao quí cả, đúng hôn ? Nhưng thời buổi này sự cao quí được cân đong đo đếm cụ thể bằng việc làm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội, đem lên bàn cân so sánh, tôi vẫn nhiều hơn ông về lượng.
Như vậy ông hơn tôi cái gì nào ?
Nếu không hơn thì xin ông một điều cuộc gặp hôm nay là để tôi chia sẻ với ông chứ không phải để ông tìm hiểu gia cảnh của tôi mà cố viết nên những dòng cảm thông, thương hại. Mọi người đọc, họ cười cho.
Lời thật mất lòng. Ông đừng nổi nóng, tôi nghe có người nói nhà văn chỉ được phép buồn, không được phép nổi giận.
Năm sắp hết, tết sắp đến, tôi mượn hoa kính phật mời ông ly rượu này. Và khuyên ông tranh thủ viết cái gì nhanh lên, xào nấu kiểu mì ăn liền như nhiều người đã làm ấy, để có tiền mà mua chút rượu thịt vui xuân. 

Tiết lập Đông, năm 2012

 Nguyễn Ngọc Phan

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Vàng giả phủ lên vàng thiệt

Đó là thực trạng của đình Long Trung nằm cạnh ngã ba rạch Trà Tân và rạch Ông Bảo thuộc ấp 17, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang, do dân làng Mỹ Đông Trung lập vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. 

Mỹ Đông Trung đình xưa

Theo tài liệu còn lưu giữ ở địa phương thì ban đầu chỉ là ngôi đình gỗ lá đơn sơ, gọi là Mỹ Đông Trung đình. Đến năm 1932, khi hai làng Hưng Long và Mỹ Đông Trung sáp nhập lại với tên gọi mới Long Trung, từ đó đình cũng lấy tên theo.

Thời Pháp thuộc, đình Mỹ Đông Trung được trùng tu nhiều lần. Căn cứ dòng lạc khoản ghi trên 2 bức hoành xưa còn giữ lại được thì có lẽ năm Đinh Dậu (1897) là đợt trùng tu quy mô nhất. Các cụ cao niên kể lại rằng bấy giờ có một nhà nho đến làng Mỹ Đông Trung mở trường dạy học và kêu gọi dân trong vùng góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm và phú hộ tiếp tục hiến cúng các tác phẩm nghệ thuật như hoành phi, câu đối... Các bức chạm xưa hầu hết do ông thợ Sửu - một nghệ nhân nổi tiếng trong vùng thực hiện.

Qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi đình được xem là đẹp nhất vùng. Đình Long Trung được xây dựng theo mô hình nhà rường kiểu Huế gồm 3 dãy: chánh điện, võ ca và nhà hậu với diện tích hơn 500 m2, bằng các loại gỗ quý. Kèo, xiên, trính được chạm trổ và kết cấu bằng hệ thống mộng, chốt rất tinh vi, chắc chắn. Nền đình lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương. Nóc đình trang trí lưỡng long tranh châu, lân, cá hóa long... đều là những tác phẩm của lò gốm Cây Mai vào đầu thế kỷ 20.

Chánh tẩm được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, cột gỗ tròn có đường kính hơn 3 tấc, kê trên các tảng đá vuông, các đôi long trụ có gắn liễn đối chạm rời, ốp vào. Đây là khu vực tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật được tạo hình rất sinh động. Khu vực võ ca là nơi tổ chức xây chầu hát xướng trong dịp lễ Kỳ Yên nên có diện tích lớn hơn. Ông Võ Thanh Hùng, Phó ban Quản lý đình, cho biết hồi xưa hai bên sân khấu võ ca có thiết kế các bậc gỗ dành cho khán giả ngồi xem hát. Nhưng đến những năm 1980, do không ai quản lý và được trưng dụng làm kho phân bón nên bị người ta cắt lấy gỗ. Một số bài vị tiền hiền, hậu hiền sơn son thếp vàng cũng bị mất. 4 tượng gỗ bố trí ở 4 góc cột chánh điện cũng bị chẻ làm củi chụm, còn gạch nền mục hết, mái ngói dột nhiều chỗ. Rất may những bức hoành treo ở võ ca trước chánh tẩm do cao quá nên không bị phá.

Ngày xưa đường thủy thuận tiện hơn nên cổng chính của ngôi đình được xây hướng ra phía ngã ba sông. Mỗi dịp Kỳ Yên dân làng đóng bè thủy lục rước sắc thần. Năm 1936 ông Hồ Đắc Thăng cúng tiền xây dựng cổng đình theo mô típ trụ biểu như đình miền Bắc, không có mái gác ngang, đồng thời ông nhờ cụ Đặng Thúc Liêng viết câu đối hai bên cổng. Đến sau năm 1975, cổng này vẫn còn.

Trùng tu không đúng nguyên bản

Năm 1999, đình Long Trung được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và sau đó không lâu thì đình được trùng tu. Ngoài việc sơn phết lại nội thất, kiến trúc ngôi đình được giữ nguyên, chỉ lót lại gạch mới và thay mái ngói, nhất là giữ lại bộ giàn trò ở chánh điện và võ ca. Riêng cổng đình thì được sửa lại quay ra hướng chợ Ba Dừa để thuận đường bộ, vì vậy mặt tiền ngôi đình xưa được bít ngang làm hàng rào. Nhưng cái cổng cũ không được di dời hay phục chế lại mà xây mới theo lối kiến trúc thường thấy ở các công trình được trùng tu gần đây: cổng tam quan, mái cong.

Sau mười năm trùng tu, sửa chữa, các tác phẩm mỹ thuật đình Long Trung hiện thời đã xuống cấp thê thảm. Ông Võ Thanh Hùng bức xúc: “Các bộ biển liễn, hoành phi, câu đối xưa rực rỡ lắm, còn bây giờ vàng không ra vàng, trắng không ra trắng. Các bức chạm con nạ gắn trên đầu cột hay bộ long, lân, quy, phụng trên bộ long trụ cũng bị sơn lại nay xỉn màu hết. Hai cây cột phía trong chánh tẩm xưa được sơn then (chất liệu chế từ nhựa cây sơn) rất bóng, khi trưng bày bông hoa, trái cây sẽ tương phản, làm nổi bật bàn thờ thần. Khi trùng tu đáng lẽ giữ nguyên và chỉ cần chùi rửa lại, họ sơn màu đen tối thui, mất hết giá trị. Toàn bộ các tác phẩm thếp vàng xưa thì bị lấy vàng giả (nhũ vàng) phủ lên vàng thiệt”.



Khi được hỏi vì sao lúc thi công hội đình không có ý kiến, ông Hùng bảo: “Họ đâu có cho mình tham gia. Không được giám sát, không góp ý gì hết. Làm xong thì họ bàn giao cho tỉnh, huyện, người trong hội cũng không được chứng kiến buổi bàn giao”. Hiện nay mái đình đã xuất hiện vài chỗ dột, bên trong có 3 khánh thờ và bàn hội đồng bằng gỗ đã mục. Còn bức hoành phi đẹp nhất khắc bốn chữ Mỹ Đông Trung đình lại rớt mất chữ “đình”.

Tấm hoành rớt mất chữ "đình"
Cách đây không lâu, Bộ VH-TT-DL có cử cán bộ vào xem xét tính toán việc trùng tu tiếp như thay lại ngói, táng đá… và gợi ý thay cửa chánh tẩm. Nhưng hội đình không đồng ý vì cửa còn tốt, trám cửa chạm tùng, cúc, trúc, mai, bao lam trên cửa chạm phụng còn y nguyên, nếu gỡ xuống sẽ hư. “Đình xưa có hai lớp cửa, gài song hồng, nhưng sau khi trùng tu đã tháo bỏ lớp phía trong. Nay sợ mấy ổng thay bằng cửa sắt thì hỏng hết. Còn các tấm táng cột đình xưa bằng đá, khi trùng tu lại thay bằng táng xi măng. Số táng cũ thì chôn vùi xuống nền, số còn lại tứ tán đâu hết, giờ lại muốn thay bằng táng đá, không thể hiểu nổi”, ông Hùng lắc đầu nói.

Thời Pháp thuộc, trước làn sóng văn hóa Tây phương tràn vào, nhiều địa phương với mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc đã trùng tu nhiều ngôi đình quy mô đồ sộ, ngày nay xứng tầm là di tích cấp quốc gia như đình Long Trung. Thế nhưng, sau khi được xếp hạng, trùng tu, di tích mau xuống cấp và không còn giữ lại được nét đẹp thuở xưa. 


Ngọc Phan - Hoàng Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Trùng tu tiền tỉ, cửa vẫn tạm bợ

Đó là chuyện xảy ra ở đình Đồng Thạnh (tọa lạc tại ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, H.Gò Công Tây, Tiền Giang), một công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009.  

Ngôi đình độc đáo
Đồng Sơn đình trung (tức đình Đồng Thạnh hiện nay)
Ảnh tư liệu năm 1925
Theo người dân địa phương thì vùng Đồng Sơn ngày xưa có hai ngôi đình, gồm Đồng Sơn đình thị và Đồng Sơn đình trung. Trong đó Đồng Sơn đình thị (còn gọi là đình Rạch Lá) có niên đại xưa nhất. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì vào năm 1864, khi Pháp đánh Gò Công, Đồng Sơn đình thị bị sập, mấy lá sắc phong thời vua Tự Đức đã mất hoặc bị cháy. Sau đó, quân viễn chinh Pháp chiếm ngôi đình làm tháp canh. Khoảng đầu thế kỷ 20, ông Huỳnh Ngọc Khiêm cắt một phần đất lập làng Trường Xuân, rồi mấy năm sau họ Huỳnh cất một đình cho làng này. Nhưng đến năm 1915 thì làng Trường Xuân và làng Bình Sơn bị chính quyền thực dân nhập vào Đồng Sơn. Vì vậy đình vừa cất xong thì phải đổi tên là Đồng Sơn đình trung để phân biệt với Đồng Sơn đình thị cũ. Năm 1979, xã Đồng Thạnh được thành lập từ một phần xã Đồng Sơn và một phần xã Thạnh Trị và tên đình cũng được đổi thành đình Đồng Thạnh.

Đình Đồng Thạnh sau khi trùng tu
Đình Đồng Thạnh được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp đông tây, nền cao gần một mét, có bậc tam cấp, nền lót gạch Tàu, vách tường, cột làm bằng gỗ căm xe và gạch, mái lợp ngói ống và ngói âm dương. Nóc đình được trang trí lưỡng long tranh châu, cá hóa long bằng gốm sứ. Vì được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp nên ngoài cửa chính còn có nhiều ô cửa thiết kế theo kiểu hình vòm, trang trí nhiều hoa văn Tây, cửa sắt tương tự những ngôi nhà phú hộ ở vùng này hồi đầu thế kỷ 20. Ngoài khu vực chính tẩm và võ ca còn có nhà việc làng cũng nằm trong quần thể kiến trúc ngôi đình. Nét đặc sắc nhất của ngôi đình này là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn trên hệ thống kèo, xuyên, trính và nhiều bức tranh đắp nổi trên tường, cùng các loại tượng gốm trang trí bên trong và bên ngoài đình như: tứ linh, tứ quý, bát tiên, cá hóa long...
“Không có ký lô nào so với thời xưa”
Sau khi đình Đồng Thạnh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, Sở VH-TT-DL Tiền Giang lập dự toán trùng tu lại đình với tổng kinh phí hơn 16 tỉ đồng, từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Công trình được trùng tu gồm 4 hạng mục: chính điện - võ ca, nhà việc hội đồng làng, nhà khói và sân - đường - cổng... do  Công ty CP xây dựng và phục chế công trình văn hóa và Công ty CP xây dựng công trình văn hóa (Hà Nội) thi công. Giám sát là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Đại Việt (Tiền Giang). Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao, công trình đã để lại niềm vui không trọn vẹn cho người dân.
Theo ông Phạm Văn Huệ (người bảo vệ đình) thì: “Việc thi công trùng tu lại ngôi đình được ngoài bộ cử người vô thực hiện. Gỗ lim thay dàn cột cũng chở từ miền ngoài vào... Còn bộ xuyên, trính, vĩ kèo cái nào có hoa văn xưa thì xẻ lớp ngoài lấy hoa văn lại, rồi dùng keo dán vô gỗ mới, làm như vậy không biết ngày nào nó bung ra”. Trong khi đó, những bức tranh đắp nổi ở vách võ ca đã bị vẽ lại và sơn phết, màu sắc nhòe nhoẹt không còn đường nét cũ. “Trước khi trùng tu thấy có quay phim, chụp ảnh đàng hoàng. Không hiểu sao họ vẽ lại quá xấu, không có ký lô nào so với thời xưa”, ông Huệ bức xúc.
Khi được hỏi vì sao trong lúc trùng tu người địa phương không góp ý, ông Huệ cho biết: “Trong ban xây dựng không có người địa phương. Bên công trình cũng không làm theo ý kiến đóng góp của dân sở tại. Ví dụ như nền cũ gạch phủ trên táng, lót xéo theo hình mắt cáo, nhưng khi trùng tu lại lót vuông, táng thì lộ trên nền gạch. Thực ra lớp cát đổ thêm chừng một tấc để phủ táng có bao nhiêu tiền đâu. Nhưng các cụ góp ý thì những người thi công nói bản vẽ sao thì họ làm y vậy”. Cũng theo ông Huệ thì trước khi trùng tu, tỉnh có đem bản vẽ ra trình bày, nhưng ban quản lý đình không có ý kiến vì không nắm được.
Tuy nhiên, vấn đề mà người dân rất bức xúc là kinh phí đầu tư cho ngôi đình này quá lớn so với các công trình tương tự ở địa phương nhưng nhiều hạng mục lại bị bỏ dở dang. Ví dụ như cửa chính tẩm nhiều ô trám rớt mất cũng không được chạm gắn vào, cả 2 cổng chính và phụ đều được đóng tạm bợ bằng nẹp tre, rất phản cảm. Một vị trong ban bảo vệ đình nói: “Hồi dỡ đình ra làm lại còn rất nhiều gỗ cũ xài được, chúng tôi định xin lại để làm cổng nhưng không được, mấy ổng đem thanh lý hết. Riêng các hạng mục còn dang dở thì tỉnh hứa sẽ làm, Sở VH-TT- DL tỉnh cũng đã cử cán bộ xuống đo đạc, tính toán, nhưng đến nay vẫn bặt tăm”. 


Hoàng Phương - Ngọc Phan

Còn đâu chiến lũy Pháo Đài xưa

Chiến lũy Pháo Đài nằm ngay cửa Tiểu, thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, H.Tân Phú Đông, Tiền Giang. Đây là một di tích đồn lũy biên phòng hiếm hoi còn sót lại từ thời triều Nguyễn.

Sai lệch lịch sử.

Theo nội dung ghi lại trên tấm bia tóm tắt lịch sử di tích thì: “Để bảo vệ cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một bảng bằng đất, gọi là đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378 m), cao 5 thước 5 tấc (2,57 m), mở 2 cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 và thứ 7 (1843 và 1847) được sửa chữa lại.
Sau khi thành Định Tường thất thủ (tháng 4.1861), Trương Định trở về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp, đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là lũy Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn. Suốt cả quá trình tồn tại, chiến lũy Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ một cửa biển quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng ở đây có chỗ viết sai chữ “bảo” thành chữ “bảng”. Theo ông Tường thì: “Bảo là đồn nhỏ đắp bằng đất, hoặc là bờ lũy trong làng đắp để ngăn chặn giặc cướp. Nhưng không hiểu sao đã mười mấy năm nay không ai sửa lại cho đúng nghĩa”.
Căn cứ Đại Nam thực lục thì tháng 7 năm Minh Mạng thứ 15, Khâm phái Đốc biện Dương Văn Phong đã cùng quan tỉnh Định Tường đứng tên vào một tờ tấu, nói: “Trong tỉnh có thôn Từ Linh thuộc cửa Tiểu hải và thôn Minh Đức thuộc cửa Đại hải đều ở bãi biển, dân cư khá đông đúc, mà hai thủ sở cũ, số lính còn ít, không đủ canh phòng. Vậy xin lập ở mỗi thôn một thủ sở để coi giữ, lấy 100 hương dõng ở gần quanh, dồn làm 2 đội, lựa cử suất đội chia ra cai quản và làm công việc phòng thủ...”. Thủ sở này tồn tại đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) thì quan tỉnh Định Tường tâu xin đặt pháo đài để phòng bị phía biển.
Đầu năm 1859, vua lại sai Trương Văn Uyển về Định Tường cùng với Tuần phủ Nguyễn Tường Vĩnh phòng giữ cửa Tiểu đắp thành đất, làm lỗ bắn súng và sắm sửa những khí cụ phòng bị đánh giặc. Sau khi thành Gia Định thất thủ, các đồn lũy ở cửa Tiểu tỉnh Định Tường đều đặt súng lớn và khí giới, phái lính đóng giữ, nhưng nhà vua cũng chưa yên tâm nên sai Nguyễn Duy cùng quan tỉnh Định Tường xem xét hình thế, sửa sang cho bền chặt chu đáo, tăng cường thêm quân trấn giữ.
Lúc này, đồn cửa Tiểu do Bố chính Đỗ Đệ trấn giữ, đã có cấp báo cho triều đình biết ngoài khơi có tàu của Tây dương đậu: Cửa Tiểu 1 chiếc tàu máy, cửa Đại 2 chiếc tàu máy. Vua nghe tin liền ra lệnh “những chỗ lính Tây dương có thể đi qua được, đường thủy thì lấp bằng đá gỗ, lập đồn đặt súng; đường bộ thì cấm hết đò ngang, chia quan phục để ngăn chặn”. Vì vậy các quan quân mới đắp thêm cản hàn cửa Tiểu gần đồn Từ Linh, dân gian gọi là Đập Đá hàn.
Gần đây có nhiều bài viết dựa theo tư liệu ghi chép ở tấm bia nói trên, cho rằng đồn Từ Linh được nghĩa quân Trương Định sử dụng làm chiến lũy nên gọi là chiến lũy Pháo Đài. Sai sót này dường như khởi nguồn từ những ghi chép về Ông súng Cà Lăm của tác giả Việt Cúc trong tập Gò Công cảnh cũ người xưa in năm 1969 - bản in có cả ảnh chụp vị trí khẩu súng. Theo mô tả của tác giả Việt Cúc, vào tháng 8.1968, ông có đến đây và phát hiện một khẩu súng thần công khuất lấp trong cây cỏ rậm rạp. Trước đó mấy mươi năm, ở đây có ngôi miếu nhỏ, một ông từ tên Chọn lo việc sửa sang ngôi miếu, làm cỏ đốn cây, dọn chỗ trống cho “Ông Súng nằm sạch sẽ”.
Căn cứ vào nội dung mô tả ở quyển sách trên mà di tích chiến lũy Pháo Đài được thêm vào đoạn lịch sử tưởng tượng để khẳng định “Đây là một trong những di tích gắn liền với sự nghiệp của anh hùng Trương Định”. Thế nhưng, ghi chép của các sĩ quan quân đội viễn chinh Pháp cho thấy, khi tiến đánh Định Tường họ đã chia nhiều mũi để giương đông kích tây. Trong lúc mũi quân khác còn ì ạch vất vả trong kênh Nhà Dây Thép thì ngày 10.4.1861, thiếu tướng hải quân Page với 3 chiếc tàu Fusée, Lily và Shamrock hiệp với chiếc Dragonne đã đến đậu ở cửa Tiểu. Trong đêm giặc phá được một lỗ hổng ở cản hàn và vượt qua tầm đạn của đồn Từ Linh bắn ra. Sau đó, họ tiếp tục phá cản hàn tại vàm Kỳ Hôn để đánh chiếm Định Tường từ hướng sông Tiền vào trưa 12.4.1861.
Sau khi thành Định Tường bị chiếm, ngày 23.6.1861 Trương Định khởi nghĩa tại đất Gò Công. Ngoài các căn cứ ở Sơn Quy, Rừng Lá Gia Thuận, Lý Nhơn..., chưa có tài liệu nào đề cập đến căn cứ ở đồn Từ Linh. Mặt khác, Bình Tây đại tướng quân là một thủ lĩnh giỏi quân sự, lẽ nào ông lại chọn đất ở mũi cù lao - nơi không đắc địa, không nguồn hậu cần và dễ dàng bị hải quân Pháp bao vây cô lập như vị trí đồn Từ Linh để xây chiến lũy!
Tôn tạo sơ sài
Ngày nay, muốn đến chiến lũy Pháo Đài, một di tích được xếp hạng cấp quốc gia, du khách phải đi qua một con đường hẹp chừng 80 cm trải đá dăm, ngoằn ngoèo, hai bên cỏ dại mọc đầy trông hoang vu tiêu điều, mặc dù cách đó chừng 500 m là con lộ lớn được trải nhựa. Nằm ở nơi hẻo lánh, đường đi không tiện, lại thêm cảnh quan di tích còn sơ sài, đơn điệu nên rất ít người đến tham quan, chỉ khi tới ngày lễ giỗ anh hùng Trương Định hằng năm mới có vài phái đoàn đến viếng.
Vào năm 2000, Sở VH-TT-DL Tiền Giang tiến hành tôn tạo di tích Pháo Đài. Nhưng thay vì đắp lại cái bảo xưa theo tài liệu mô tả và theo dấu tích còn lưu lại như bờ thành, hệ thống hào, ụ súng… thì người ta lại cho lát bê tông xung quanh bờ thành lục giác, rồi xây ở giữa một nhà bia, thêm một cái giếng nông… không có dấu ấn gì của đồn bảo thuở xưa. Riêng hào xung quanh giờ đã lấp cạn, dừa nước và các loại cây dại mọc đầy. Nhà bia xây dựng cũng với cột bê tông, nền tôn cao gần 2 m, mái ngói cong trang trí lưỡng long tranh châu, tương tự như mô hình nhà bia ghi danh liệt sĩ thường thấy ở các xã thuộc Tiền Giang.


Ngọc Phan- Hoàng Phương 

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa

Với lịch sử hơn 150 năm và được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia, nhưng sau những lần trùng tu, chùa Vĩnh Tràng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng gây ra nhiều ý kiến đáng lưu ý.

Chùa cổ đẹp nhất vùng.

Là ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo nhất Nam bộ, điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng là cổng tam quan với nghệ thuật ghép mảnh sành, sứ. Từ màu sắc của các loại sành sứ, những nghệ nhân xưa đã khéo léo xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ. Các bức thủ quyển mềm mại ghi những câu Phật hiệu bằng nét chữ điêu luyện: Trấn tịnh sơn môn, Quảng đại nguyện môn, Tịnh độ huyền môn…


Bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Trung, Nam, Bắc. Chẳng hạn như giữa lòng cột cái là bộ bao lam bát tiên kỵ thú. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1907 - 1908 do những nghệ nhân tại địa phương thực hiện. So với các bộ bao lam xung quanh, bộ này có niên đại sớm hơn, nhưng đạt trình độ mỹ thuật cao hơn. Đây là một bức phù điêu hiếm có của những năm đầu thế kỷ 20, chứng tỏ nghệ thuật tạo hình ở Nam bộ phát triển khá sớm. Bốn cột cái của chùa Vĩnh Tràng đều treo long trụ. Đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Có thể nói toàn bộ cái đẹp của chùa Vĩnh Tràng đều tập trung vào nghệ thuật tạo hình, trong đó phần tượng chiếm đa số.
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng vào năm 1849, từ đó đến nay đã qua nhiều đợt trùng tu, mỗi đợt đều có bổ sung những tác phẩm mỹ thuật từ hoành phi, long trụ, tượng thờ... Các di sản văn hóa ấy chứng minh rằng đất Mỹ Tho xưa sớm phát triển nghệ thuật tạo hình. Điển hình là nhiều bộ tượng bằng gỗ, bằng đồng, thậm chí bằng đất sét, sơn son thếp vàng như bộ tượng Thập điện đều đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đặc biệt là bức chân dung hòa thượng Trà Chánh Hậu tại nhà tổ. Nhiều cụ cao niên kể lại rằng đương thời hòa thượng Trà Chánh Hậu không thích chụp ảnh, vì vậy nhà điêu khắc phải tiếp xúc thường xuyên với ông để thực hiện công trình này. Tượng rất sống động giống như người thật.
Cổng chùa Vĩnh Tràng hiện nay (Ảnh HP)
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường xác định những pho tượng đẹp nhất của chùa này là nhóm tượng bằng gỗ do thầy trò nghệ nhân Tài Công Nguyên thực hiện khoảng đầu thế kỷ 20. To nhất là tượng Di Đà do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng. Ngoài ra còn có tượng Hộ Pháp khuyến thiện trừng ác… đều là những tác phẩm rất độc đáo. “Bộ La Hán chùa Vĩnh Tràng cũng không kém về mặt nghệ thuật so với các vị La Hán chùa Tây Phương. Nét khác biệt là nó được tạc bằng gỗ. Các vị La Hán đều cưỡi thú, tay cầm bửu bối. Lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam bộ, nhưng lại thành công trong việc mô tả cảm xúc đặc trưng của từng vị La Hán, chứng tỏ ngoài tay nghề, tác giả còn khá am tường giáo lý nhà Phật”, ông Tường nhận định.

Vẽ râu, thêm tóc cho tượng 

Có thể nói chùa Vĩnh Tràng là bản tổng kết lịch sử mỹ thuật của đồng bằng sông Cửu Long. Tiếc rằng do cách làm thiếu ý thức của người thời nay đã làm mất đi giá trị các tác phẩm tiền nhân. Ngoài việc xáo trộn, sơn phết các tượng Phật, trong đó có bộ La Hán kỵ thú nêu trên, thậm chí người ta còn làm chuyện khôi hài như vẽ râu tượng ông Huỳnh Trí Phú thay vì chỉ đắp lại sống mũi bị gãy. Ngoài ra, hai bức tượng kiệt tác hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn còn bị dán giấy trang kim xanh đỏ và vẽ thêm tóc… Trong khi đó thì ở phía sau chánh điện lại dán thông báo của Ban quản lý: “Cấm mọi hình thức di chuyển, thay đổi hình dạng các di vật, cạo gỡ các hoa văn, vẽ bậy, bôi bẩn...”.
Một số người kể lại rằng, ngày xưa ở 2 cổng chùa Vĩnh Tràng có đặt 2 pho tượng của hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn. Lúc bấy giờ hòa thượng Trà Chánh Hậu đã viên tịch, hòa thượng Minh Đàn còn sống nên có người đặt ca dao châm biếm khiến hòa thượng hổ thẹn nên đã đem hai pho tượng này xuống. Mấy năm sau khi hòa thượng Minh Đàn qua đời, tín đồ nhớ ơn công đức hai vị nên đã đem tượng đặt lại chỗ cũ. Qua thời gian, 2 cổng chùa bị lún và nghiêng, vì vậy năm 2003 ban trị sự chùa đã mời “thần đèn” Cẩm Lũy đến chỉnh sửa. Nhưng sau đó, người ta thấy sân chùa được tôn tạo lại, hàng cây sao cổ thụ dẫn vào chùa bị đốn bỏ rồi xây dựng những bức tượng Phật cao đến hàng chục mét khiến cảnh chùa giống như một công viên tượng Phật.
Theo ông Trương Ngọc Tường thì: “Việc thay thế 2 pho tượng hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn bằng tượng Phật Di Đà ở 2 cổng là việc làm cẩu thả, bởi vì câu đối khoán thủ hai bên cổng có nội dung ca ngợi 2 vị tổ Chánh Hậu và Minh Đàn”. Đó là chưa nói tượng Phật Di Đà cao 18 m, đặt trên bệ 6 m, có sự trái ngược là Phật Di Đà phóng quang lại giơ tay trái lên, tay phải chỉ xuống đất. Điều này, theo hòa thượng Thích Thanh Từ thì tượng Di Đà phóng quang là tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng dậy chập chùng, mắt nhìn xuống, tay mặt đưa lên ngang vai, tay trái duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu những người đang trầm mịch” (Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ tát, bản in 1967). 
“Những kiểu làm cẩu thả, đánh đố như vậy cần phải xem lại, bởi vì trong số khách du lịch đến viếng chùa có nhiều người nước ngoài và có cả bậc thức giả am hiểu chữ nghĩa, điển tích nhà Phật”, ông Tường nhấn mạnh.  


Ngọc Phan - Hoàng Phương

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Chùa Hội Tôn - Cổ tự thành tân tự

Chùa Hội Tôn ở xã Quới Sơn, quận Châu Thành, được xem là ngôi chùa cổ nhất Bến Tre. Hơn 200 năm qua, chùa Hội Tôn đã có hàng chục đời trụ trì và nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn còn lưu khá nhiều những cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa. Tuy nhiên do bị chi phối bởi những thị hiếu tầm thường, truyền thống không được kế thừa phát huy đúng mực, khiến chùa Hội Tôn không còn dáng vấp là ngôi cổ tự.

Theo quyển Kiến Hòa- Bến Tre xưa của tác giả Huỳnh Minh chùa  Hội Tôn được xây dựng từ đời Cảnh Hưng (1740), nguyên thủy  là một cái am tu của Hòa thượng Long Thiền, thế danh Đạt, người Quảng Ngãi vào khai sáng.  
Còn theo quyển Lịch sử những ngôi chùa Phật do Ban Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành (Bến Tre) biên soạn, Hội Tôn cổ tự do bà Cù Thị Báo và con gái Trần Thị Mỗi ở ấp Quới Hòa Đông tạo lập, ban đầu chỉ là thảo am, rồi những người mộ đạo quanh vùng thỉnh Hòa thượng Long Thiền về trụ trì hoằng dương Phật pháp. Nhờ sự ủng hộ của bá tánh, Hòa thượng xây dựng chùa khang trang hơn và vận động đắp con đường dài 500m từ chùa qua cánh đồng lầy, dân gian gọi là Lộ Chùa. Di vật của Hòa thượng còn để lại là bức hoành bằng gỗ chạm rồng, khắc tên chùa.
Khoảng năm 1799, Hòa thượng Long Thiền theo ghe bầu trở về nguyên quán và viên tịch ở Quảng Ngãi, chùa Hội Tôn do Hòa thượng Khánh Hưng (đời thứ 36 thiền phái Lâm tế chánh tông) kế thế trụ trì. Hòa thượng Khánh Hưng là người có công lớn trong việc trùng tu Hội Tôn tự. Nhờ huê lợi từ 27 mẫu đất giao cho bổn đạo canh tác trích nộp làm kinh phí, nhưng công trình đã phải nhiều lần đình chỉ do thời cuộc và kéo dài mãi đến 1805 mới hoàn thành. Trong đợt trùng tu lần thứ hai, chùa Hội Tôn từ kiểu dáng hình tứ trụ (dạng stupa) chuyển thành kiến trúc chữ đinh trên diện tích gần 600 m2. Phía trước là gian tiền đường và chánh điện, phía sau là hậu tổ, gian nhà khách, giám trai...tất cả đều làm bằng gỗ, nóc lợp ngói âm dương, nền đất trộn vôi, là một ngôi chùa trang nghiêm, to đẹp nhất vùng. Trong thời gian này, bổn đạo đã góp tiền vàng cử người ra Huế đúc 1 cái đại hồng chung cao 1,5 mét.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chùa Hội Tôn đã qua hàng chục đời trụ trì và nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Đến năm 1947, do chiến tranh tàn phá, chùa Hội Tôn được xây dựng lại, cột gỗ, vách tường, mái lợp ngói cũng theo kiến trúc dạng chữ đinh. Năm 1973, Hội Tôn tự thêm một lần đại trùng tu, thay đổi kiểu dáng kiến trúc, bố cục song vẫn giữ được những nét cơ bản của một ngôi chùa Nam bộ.
Đến năm 2008, lấy lý do chùa Hội Tôn xuống cấp nên trụ trì chùa là Đại đức Thích Hoằng Đạt cũng là trưởng ban Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành đã làm đơn xin sửa lại chùa và được UBND tỉnh Bến Tre chấp thuận bằng công văn số 3272/UBND-VHXH.
Chúng tôi đến thăm chùa hôm trước ngày giỗ Sư Tổ (mồng 9 tháng 7 âm lịch). Khuôn viên chùa rất đông bổn đạo đến phụ quét dọn, trang hoàng chuẩn bị đón khách. Theo mô tả của một bổn đạo lớn tuổi thì trước khi xây lại, chùa Hội Tôn có lối kiến trúc hình chữ tam rất khang trang cổ kính. Tiền đường bố trí theo lối thượng lầu hạ hiên 3 mái, bên ngoài nhìn vào tương tự như cổng tam quan, chính giữa có đặt bộ tượng Tam thế Phật, hai bên có gắn hai tấm phù điêu nhắc tích Phật bằng xi măng. (Các tấm phù điêu hiện còn để ngổn ngang bên mé cổng). Ngoài khu chánh điện, giữa gian hậu tổ và nhà khách có sân thiên tĩnh trồng nhiều cây kiểng. Nền chùa được lót gạch bông.
Còn ngôi chùa hiện thời thì khu chánh điện và nhiều công trình đã được xây mới hoàn toàn. Chánh điện theo mô hình tháp 3 tầng, mái cong, nền cao xung quanh được bao bọc bởi 49 cánh sen và 49 hình tượng kim qui, sơn nhủ vàng. Kiến trúc liên đài chuông, liên đài trống dựng hai bên là cành sen cách điệu nhưng trông rất thô kệch. Khu chánh điện có cầu vồng nối nhà tổ, chạm hoa sen, trổ rồng phụng...tất cả đều đồ sộ, sáng rực.
Lý giải cho mô hình kiến trúc mới xây dựng, sư trụ trì Thích Minh Hải đem ra tấm một bảng khắc gỗ, giải thích: Đây là bảng gỗ thiết kế chùa gần 150 năm trước. Các cụ tổ đã phác họa mô hình chánh điện có 7 tầng trên nền bông sen. Lối kiến trúc chùa Hội Tôn hiện nay trùng ý tưởng với người xưa, nhưng chỉ làm 3 tầng. Sư trụ trì còn tỏ làm tiếc vì “cái duyên chưa tới”, phải chi hồi xưa các cụ xây dựng theo kiểu này thì chùa Hội Tôn trở thành một công trình độc nhất vô nhị, có thể sánh với chùa một cột ở Hà Nội.
Chùa Hội Tôn ngày nay. Ảnh HP
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì bản khắc này chỉ là mộc bản dùng để in tranh “niệm Phật công cứ”. Khi niệm xong một chuỗi hạt người ta đánh dấu vào một ô, được nhiều ô tức là được nhiều công đức.  Ông Tường còn cho biết thêm, đây là loại tháp La Hán 7 tầng dùng cho người niệm hướng về cõi lành, dứt tham – sân – si. Và khi qua đời, tấm “niệm phật công cứ” này được đem bỏ vào hòm tẩn liệm theo người chết. Còn theo truyền thống Phật giáo Việt Nam thì Phật không thể thờ trong tháp được. Kiến trúc tháp chỉ dành cho mộ của các Hòa thượng.
2. Hội tôn cổ tự là ngôi chùa lưu giữ khá nhiều cổ vật như: Bức hoành khắc chữ Hội Tôn tự (có từ năm 1782), xung quanh chạm rồng, đại hồng chung được tạo tác từ 1805, dăm trống và chum bằng đất nung, bộ tượng Thập điện bằng đồng, mộc bản in kinh Phật
Ngoài ra, chùa còn có nhiều tượng phật cổ khác bằng chất liệu đồng, gỗ…là những di vật của tiền nhân để lại. Song hiện thời hệ thống tượng phật được bố trí trong khu chánh điện đã được thay mới hoàn toàn bằng các loại tượng đá đúc sẳn từ bột cẩm thạch và bố trí rất lộn xộn. Tượng Nam Tào Bắc Đẩu lý ra phải hầu Ngọc hoàng thì lại đứng chung với Di Lặc và ông Địa, còn hai vị Hộ pháp thì lại hầu Địa Tạng. Bộ Tam bảo cũ (Thích ca, Di đà, Di lặc) phân ra ba chỗ khác nhau. Các bộ tượng cổ này được bố trí trên 4 góc cao chánh điện phía sau là những bức tranh phật vẽ lên tường màu sắc rực rỡ cầu kỳ. Theo sư trụ trì Thích Minh Hải việc đưa tượng phật lên đó là để bảo quản tốt hơn và cho được tôn nghiêm hơn. Song những bổn đạo biết chuyện thì cho rằng chùa Hội Tôn giống như nơi trưng bày một bộ sưu tập tượng Phật mới cũ lẫn lộn, không theo qui chuẩn thờ phượng.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết tượng đồng, tượng gỗ xưa đều bị sơn vẽ lại, màu sắc loè loẹt như đồ hàng mả, có tượng còn được sơn móng tay rất tỉ mỉ. Trao đổi về việc này sư Thích Minh Hải nói, hai năm trước, khi ông về đây trụ trì thì các bộ tượng cổ đã được sơn lại. Còn việc bộ Thập điện vương phải đem cất giấu vì giữa năm 2012, chùa bị mất 1 tượng Quan âm bằng đồng và kẻ trộm cũng đã nhấc tượng Thập điện vương lên thử, cho nên chùa phải đem cất bộ tượng này, sắp tới sẽ kêu thợ hàn đem hàn dính lại mới dám đem ra trưng bày.
Dân gian quan niệm, sửa chùa tô tượng là được phước, song việc làm quá đáng này đã hủy hoại giá trị mỹ thuật các tác phẩm mà người xưa để lại. Cho nên ngoài xây dựng mới thay đổi kiến trúc, việc sơn phết, bố trí tượng Phật, nơi thờ phượng đã khiến Hội Tôn không còn là cổ tự.

Hoàng Phương - Ngọc Phan

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Bạo lực là bằng chứng về sự hèn nhát và thiểu năng

Mở mạng ra thấy đầy rẩy những cái tin không muốn đọc: Đòi “chồng” trả tiền “hao mòn thân thể” của bà Xem ở xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, vụ con trai kiện đòi tiền phụng dưỡng mẹ ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, vụ con kiện cha, đòi bồi thường... 18 quả trứng gà của anh Q. (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu), vụ con 60 tuổi kiện mẹ 90 tuổi đòi… bộ ghế salon  ở xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang)…Và những băng nhóm xã hội đen từ thành thị đến nông thôn đều có, đâm chém, thanh toán nhau bằng mã tấu, những vụ giết người vô cớ, lãnh xẹt.
Đạo đức xã hội dường như đã rệu rã, băng hoại. Vì sao vậy ?

Sau đây là một góc nhìn của CD, xin trích để mọi người tham khảo:

Bạo lực là bằng chứng về sự hèn nhát và thiểu năng

…Không phải đến hiện tại, mà nhiều năm qua đã có nhiều người ưa sử dụng bạo lực. Thanh thiếu niên thiếu khả năng tự kiềm chế hay những người ít học cạn nghĩ dùng bạo lực để giải quyết xung đột theo kiểu bản năng, côn đồ lưu manh dùng bạo lực để đạt những mục đích bất chính… đã đành, nhưng hiện nay thì mức độ dùng bạo lực đã cao hơn, trên phạm vi rộng rãi hơn và với hậu quả nặng nề hơn, trong đó nổi bật là việc nhiều nhóm xã hội đã tập nhiễm thói quen sử dụng bạo lực, tức thói bạo lực kiểu côn đồ đã lan tới cả nhiều nhóm xã hội vốn không phải côn đồ. Ở một số người thì đó là vấn đề kỹ năng sống, trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật, nhưng chủ mỏ thiếc chủ trại tôm thì không thể thiếu kỹ năng sống, học sinh sinh viên thì không thể thiếu học vấn, nữ chánh án và thiếu úy cảnh sát thì không thể thiếu hiểu biết về pháp luật – thậm chí không ít người bình thường sau khi nóng giận lỡ tay gây án cũng tới trình diện với cơ quan pháp luật để tự thú, tức họ biết rõ hành vi của mình là phạm pháp. Dĩ nhiên các nhà Tội phạm học, Di truyền học cũng từng nêu ra những cá thể hung hãn bẩm sinh, tàn nhẫn thiên phú, nhưng dù sao hạng người ấy cũng là loại hàng độc khó đụng. Cũng đã có nhiều ý kiến giải thích hiện tượng bạo lực phổ biến hiện nay như kết quả vận hành không thông suốt của bộ máy pháp luật từ công an cảnh sát tới tòa án, nhưng tòa án vốn chỉ có chức năng giải quyết hậu quả tức sau khi các vụ bạo hành đã xảy ra, còn công an cảnh sát thì căn bản không thể tò tò đi theo để giám sát tất cả những người có năng lực bạo hành suốt 24 giờ mỗi ngày… Cho nên nhìn trên bình diện xã hội và từ góc độ xã hội thì việc nảy sinh nhiều hiện tượng bạo lực, nhiều hình thức bạo hành ở Việt Nam hiện nay chính bắt nguồn từ sự méo mó về nhân cách, sự khủng hoảng về tâm lý, sự lệch lạc về thị hiếu và bao trùm lên tất cả là sự buông thả về hành vi. Nếu chẻ tư sợi tóc tìm tới những nguyên nhân của những nguyên nhân ấy thì có thể thấy sự méo mó về nhân cách chủ yếu do khuyết tật của hệ thống giáo dục, sự khủng hoảng về tâm lý chủ yếu do khuyết tật của hệ thống kinh tế, sự lệch lạc về thị hiếu chủ yếu do khuyết tật của các hệ thống khoa học nghệ thuật và đặc biệt là thông tin, sự buông thả về hành vi chủ yếu do khuyết tật của hệ thống chuẩn mực xã hội. Nhưng ở đây chỉ đề cập tới yếu tố sau cùng, vì trong thực tế thì kiểu sai lệch chuẩn mực xã hội này luôn đóng vai trò trực tiếp nếu không nói là chủ yếu trong việc dẫn tới nhiều hiện tượng bạo lực và hành vi bạo hành đáng tiếc.

Nói theo ngôn ngữ của các nhà xã hội học, thì chuẩn mực xã hội là yếu tố cơ bản của hoạt động quản lý xã hội, là một trong những phương tiện định hướng hành vi của cá nhân và các nhóm xã hội trong những điều kiện nhất định đồng thời là phương tiện để xã hội kiểm tra hành vi của họ. Dĩ nhiên trong hoạt động quản lý xã hội thì chính quyền chỉ là bộ phận chủ yếu, nên ngoài hệ thống pháp luật còn phải kể tới các hệ thống chuẩn mực xã hội khác như đạo đức, phong tục mặc dù chúng ít có sức mạnh chế định hơn. Nhưng trong nhiều năm sau 1975 và cả sau 1985, các hệ thống đạo đức, phong tục ở Việt Nam cũng không phát triển một cách tự nhiên mà luôn luôn chịu sự tác động trực tiếp của chính quyền từ các phong trào vận động xây dựng lối sống nếp sống tới các đợt học tập phấn đấu rèn luyện theo gương này gương khác. Các chuẩn mực đạo đức, phong tục tốt đẹp về hành vi do đó cũng ít nhiều bị hành chính hóa, mất đi tính tự giác vì không xuất phát từ nhu cầu bên trong của chủ thể hành vi. Theo chiều hướng này, có thể thấy hệ thống chuẩn mực xã hội ở Việt Nam hiện nay chưa phản ảnh được thực tế và do đó cũng chưa đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và cấp thiết của sự phát triển bền vững về cả kinh tế lẫn xã hội. Trên các giao lộ của hoạt động giao tiếp xã hội, nơi mà các chuẩn mực pháp luật và hành chính ít có cơ hội trở thành tấm biển chỉ đường thì tình trạng thiếu vắng hay bất lực của các chuẩn mực đạo đức và phong tục tốt đẹp chính là tiền đề xã hội cho sự buông thả về hành vi, nên không lạ gì mà thói quen sử dụng bạo lực trong ý nghĩa là một hình thức sai lệch chuẩn mực xã hội với những đặc trưng như tính phổ biến, tính ổn định và khả năng lan truyền lại có thể trở thành phổ biến, thường xuyên và không ngừng được mở rộng như hiện tại.

Tuy nhiên, ở đây không thể quy hết toàn bộ trách nhiệm cho xã hội hay chính quyền, vì lối sống và hành vi là những cái mà mỗi cá nhân có thể lựa chọn một cách toàn quyền và chủ động. Một người bình thường về trí tuệ và thần kinh cho dù ít học nghèo hèn cũng có thể tự kiểm soát và điều chỉnh hành vi để giải quyết rất nhiều mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thường ngày một cách khôn ngoan, tự tin và độc lập. Những người động một tí là gọi bè bạn người thân mang dao vác gậy đi tìm đối phương thật ra chỉ là những kẻ hèn nhát phải cậy vào cơ bắp và bầy đàn mới có được dũng khí để đối diện với những khó khăn trong đời sống, còn những người động một tí đã la ó quát thét, hăm đâm dọa đánh thật ra chỉ là những kẻ thiểu năng không biết cách thích nghi với cuộc sống ở đó cái một cá nhân cần có nhất luôn luôn là sự no ấm an toàn của mình và sự mến thương tôn trọng của những người chung quanh. Cho nên sở dĩ những kẻ đọc sách quan tâm tới hạng người ấy chủ yếu chỉ vì lo ngại về tương lai đất nước. Một quốc gia ngày càng có nhiều người trẻ tuổi hèn nhát và thiểu năng thì khó có được sức mạnh để giải quyết những vấn đề trật tự trị an cũng như an ninh quốc phòng cần thiết. Tư Mã Thiên trong Sử ký, Thương quân liệt truyện có chép việc Thương Ưởng làm tướng nước Tần ban hành pháp lệnh trị nước khá toàn diện giúp nước Tần vươn lên địa vị nước hùng mạnh nhất thời Chiến quốc rồi tiến tới thống nhất Trung Quốc về sau, trong đó một trong những kết quả là “dân dũng cảm lúc ra trận nhưng nhút nhát trong chuyện đánh nhau riêng”. Bạo lực ở đây là một vấn đề xã hội nhưng cũng là một vấn đề chính trị, nên bài học trị nước ấy thật cũng đáng cho những người cầm quyền hiện nay suy ngẫm, bởi vì như nhiều người đã thấy, từ 1975 đến nay Việt Nam đã không ít lần bị đặt vào tình thế Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng.

Tháng 5. 2011
Posted by: CD:

http://hocsinhmiennam.com/bao-luc-la-bang-chung-ve-su-hen-nhat-va-thieu-nang