Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013


ĐẤT GIỒNG

Ký 


Đặc điểm dể nhận ra của đất giồng là cát, dĩ nhiên, nhưng đi trên đất giồng mới cảm nhận nó là vùng đất cổ. Đường rất hẹp, quanh co, có những ngỏ sâu hun hút. Đường Cái Giữa tức đường Thiên Lý được đắp hồi thế kỷ 18, nay đã mở rộng, trải nhựa đi suốt theo chiều dài đông tây của xã. Dấu tích của đường Thiên Lý còn sót lại ở một dài đoạn còn nnhững đám tre, bụi rậm như truông - một dạng địa hình chỉ còn lại trong ca dao “Ai về Giồng Dứa qua truông”.

Nhà anh Hiếu ở ấp Quý Chánh, phía nam triền giồng, đất pha cát có màu xỉn hơn. Ở đây có những gò Xoài, gò Lức, gò Dầu... nghe ấn tượng nhưng rất khó hình dung, bởi mọi ngỏ ngách đang dần bê tông hóa và những cây lức, cây dầu, xoài rừng đã đi vào dĩ vãng từ lâu. Nhớ hồi giáp Tết năm ngoái, đi với đoàn làm phim VTV tìm lại thời oanh liệt của giống nhãn da bò, mới biết câu giọng cổ làm lay động lòng người “Về Nhị Quí thơm mùi nhãn chín” đã trở thành văn hóa phi vật thể, nói theo kiểu của các nhà Folklore học, bởi trong rừng nhãn bạt ngàn chỉ thấy toàn giống mới, nhãn da bò chỉ còn sót lại ba cây: hai ở nhà ông Nguyễn Thanh Tám và một ở đình Mỹ Quí. Một thoáng ngậm ngùi nhưng vẫn phải chấp nhận, ăn theo thuở ở theo thời cũng là đặc tính của dân miệt vườn.

Anh Hiếu là mẫu người tiêu biểu của cách “ăn theo thuở ở theo thời” ở đất giồng Nhị Quí. Nhà khá rộng, bên ngoài nhìn vào có cảm giác như là ngôi nhà năm căn hiếm thấy vùng đồng bằng, nhưng thực ra chỉ có ba căn rộng, xây tường lợp ngói và bố trí đến năm cửa chính. Tuy là nông dân nhưng trong nhà đầy đủ tiện nghi không thua hạng khá giả ở thị thành. Phòng khách được ngăn ra, gắn máy lạnh, ti vi màn hình phẳng kỹ thuật số, thêm dàn nghe nhạc âm thanh HI-FI hiện đại nhất. Bộ sa - lông thời thượng bện bằng mây... Ngồi ở phòng khách nhà anh khó có thể hình dung đang ngồi giữa ngôi nhà ở vùng nông thôn. Tò mò một chút mới cảm nhận được sự tách biệt rõ nét giữa cái mới và cái cũ. Phòng khách là vậy, nhưng căn trên là nơi thờ tự, giống như một từ đường, mọi kỉ niệm người xưa đều được bố trí ở đây, vài bức tranh kiếng vẽ theo lối sơn thuỷ bình dân, một cái vỏ bình tiện bằng gỗ quí hình trái bần, lên nước đen bóng, chứng tỏ chủ nhân còn trân trọng, mặc dù hiện tại không ai dùng tới cách ủ ấm bình trà theo kiểu nầy.

Hiếu là một nông dân ít học nhưng giàu kinh nghiệm và vốn sống. Anh là chủ tịch hội Nông dân của xã, còn chị thì công tác hội Phụ nữ xã. Cả hai đều làm công tác hội, một dạng cán bộ bán chuyên trách không lương và tất nhiên không thể sống được bằng vài trăm ngàn phụ cấp. Cho nên cơ ngơi và mọi tiện nghi hiện đại nhất trong nhà có được là từ nguồn ngoại viện. Xài điện 4 – 5 trăm ngàn đồng/ tháng mà không ngán. Hai đứa con lớn  làm ở ngành Công nghệ thông tin trên Sài Gòn có thu nhập cao, đứa nhỏ cho xuống tỉnh học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Anh chị em trong nhà hầu hết ở Sài Gòn làm ăn, kinh doanh mua bán, cuối tuần tập trung về thăm nhà, hưởng không khí đồng quê, xả hơi đôi chút. Kết luận đây là phương thức sống theo kiểu mới thì có vẻ hơi sớm, song nó đã manh nha hình thành khi vùng đất nầy không còn là đắc địa của kinh tế vườn thời phồn thịnh của cây nhãn da bò. Chuyện cũ nhắc lại, những năm 1970, nhãn bán chục 14 trái, một trăm nhãn có giá từ 60 đến 70 đồng, tiền Sài Gòn...Nhà nào có chừng vài trăm gốc nhãn thì thuộc hàng khá giả.

+

Nhị Quí là vùng đất cổ, nằm trong Tam phụ/Ba giồng với câu phương ngôn nổi tiếng “văn Cai Lậy võ Ba Giồng”. Cách đây chừng ba thế kỷ, những người di dân từ miền Trung vào có ba nhóm: Nhóm ông Nguyễn Đức Chiêm lập ấp Mỹ Thới, nhóm ông Trần Văn Sĩ, Ngô Duy Dã....lập ấp Mỹ Hoà, nhóm họ Đặng, họ Võ...lập ấp Mỹ Phú. Đến cuối thế kỷ thứ 18 thì dân số đông, đất đai nhiều nên ba ấp họp bàn, làm đơn xin lập làng Mỹ Quí, thuộc huyện Kiến An, trấn Định Tường.

Tục lệ xưa, khi lập làng thì phải xây dựng một ngôi đình. Bài văn tế hiện nay còn giữ cho biết đầu tiên làng Mỹ Quí thờ Bạch Hạc Đại vương, tức vị thần vùng ngã ba sông Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ. Rất xa...nên phải tìm nhiều cứ liệu để chứng minh. Mở sách Việt Điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái thì vào thời nhà Đường cai trị nước ta, Đô Đốc Phong Châu là Lý Thường Minh lập điện thờ Tam Thanh. Đêm ấy ông nằm mộng thấy hai vị thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh đến xin thi nhảy qua sông Bạch Hạc, cuối cùng thần Thổ Lệnh thắng. Hôm sau Lý Thường Minh cho xây miếu, đắp tượng Bạch Hạc Đại vương. Đến đời Trần, Bạch Hạc Đại vương được nhiều nơi tôn thờ, nên được phong Trung Dực Vũ phụ uy Linh Vương. Khi nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý, theo lệnh của Lý Chiêu Hoàng có một số hoàng thân lên vùng Bạch Hạc lập nghiệp, và để tránh sự “truy xét lý lịch” của  chính trị gia Trần Thủ Độ, nhóm họ Lý nầy chuyển thành họ Nguyễn Đức. Sau đó có một số người xuống vùng Hải Dương lập nghiệp, họ thỉnh Bạch Hạc Đại Vương theo đoàn “tị nạn chính trị”, rồi sau đó di dần vào miền Trung.  Đoàn người của ông Nguyễn Đức Chiêm từ Quảng Nam vào khai hoang lập làng Mỹ Quí nhớ cội nguồn nên mới đem Bạch Hạc đại vương vào thờ ở đình Mỹ Quí. Người mở cõi, Thần cũng đi mở cõi...Vết tích của ngàn năm Thăng Long hiện diện ở phương Nam.

Người sưu tập tài liệu và ghi lại là hậu duệ của ông Nguyễn Đức Chiêm. Dòng họ Nguyễn Đức đã rân rác khắp nơi, có người đổi chữ lót Nguyễn Thanh, Nguyễn Văn, Nguyễn Ngọc....và ít ai nhớ đến tiền nhân. Nhớ năm xưa, ông Nguyễn Đức Điện còn cúng việc lề, có nhắc lại một vài sự tích. Nghe nói lúc Trần Xuân Hòa đắp đồn Mỹ Quí chống Tây, nhiều người trong họ Nguyễn Đức tham gia khởi nghĩa, bị giặc Tây đàn áp, từ đó có sự thay đổi chữ lót, đi xứ khác làm ăn. Cũng có người nói, do thế hệ sau, con cái càng nhiều, đất đai không đủ chia chác nên xảy ra tranh chấp giành ăn trong dòng họ, vì vậy có nhiều người bỏ làng đi lập nghiệp. Việc tranh chấp có thời rất gay gắt. Ngày nào làng cũng phải họp để xử kiện, dạng “khiếu kiện đông người” mà là những người trong họ. Cho nên có câu phương ngôn mà người đời sau đọc nghe rất tự ái “Hữu Đạo điền, Mỹ Quí điên, Bình Trưng tửu, Nhị Bình yên”. Câu phương ngôn hiện chỉ còn sót lại tên địa danh đó là Cầu Xóm rượu, người nay gọi tắt là Cầu Rượu trên quốc lộ Một, là đất của làng Bình Trưng/tửu thuở xưa. Còn đất Hữu Đạo hiện thời tất nhiên không còn là vùng công thổ độc tôn phì nhiêu của thời vua Minh Mạng lập địa bạ.

+

Đồn Tân Thành ở đâu ? Khuất lấp đâu đó ở xóm Vườn Xoài, ấp Quí Chánh, bây giờ không còn dấu vết chỉ có ngôi chùa Tân Thành nay đổi thành chùa Long Thành làm chứng nhân lịch sử. Nghe nói xưa nơi đây là đại bản doanh của Phủ Cậu Trần Xuân Hòa.

Tháng 4 năm 1861, chiếm thành Định Tường xong, quân viễn chinh Pháp chia lực lượng đóng đồn ở Kỳ Hôn, Rạch Gầm và Ba Rài. Một pháo hạm đến xứ Bang Lãnh, bắn phá đồn Mỹ Trang, chiếm huyện lỵ Kiến Đăng, tức Cai Lậy ngày nay. Triều đình nhà Nguyễn cử Biện lý Binh bộ Đỗ Thúc Tịnh làm Tuần phủ Định Tường, Nguyễn Túc Trưng làm Khâm phái quân vụ, bổ sung thêm các quan Trịnh Minh  Lượng, Phan Trung, Võ Duy Dương...Họ tập hợp dân quân tại Mỹ Quí, đắp đồn Tân Thành tích trữ lương thực khí giới, huấn luyện quân sĩ. Song Đỗ Thúc Tịnh lại hy sinh khi trên đường nhận nhiệm vụ. Các nghĩa sĩ cử Trần Xuân Hòa tức Phủ Cậu làm Tri phủ thay thế. Nghĩa quân từ căn cứ Tân Thành liên tục tấn công các đồn Trung Lương, Rạch Gầm, Cai Lậy...gây cho địch nhiều thiệt hại đáng kể. Ngày 14 – 9 – 1861, Trung tá hải quân Desvaux chỉ huy quân viễn chinh ở tại Mỹ Tho cho hai đội thuỷ quân dùng pháo hạm từ Rạch Gầm tiến vô phá cản hàn, lập đồn tại Thuộc Nhiêu, nả đại bác tấn công vào Tân Thành. Một cánh quân nữa từ Cai Lậy đánh xuống. Tân Thành - Mỹ Quí bị vỡ ngày 25 – 9 – 1861. Đến ngày 7 – 1 – 1862, Phủ Cậu Trần Xuân Hòa bị giặc bắt đem về Thuộc Nhiêu nhưng ông đã cắn lưỡi tuẩn tiết. Giặc tức giận đem bêu đầu ông cùng sáu nghĩa sĩ trong nhiều ngày. Số quân tướng còn lại ly tán khắp nơi.

Chép sử theo kiểu biên niên như vậy thì thật là khô khan, khó gây ấn tượng cho người đời sau. Thế hệ thời @ không thích học sử và chẳng thuộc sử có lẻ cũng vì vậy. Cũng may trong dân gian còn lưu truyền nhiều huyền thoại. Đình Hữu Đạo có một cây trính bằng gỗ giá tị, in một vết lõm y hệt dấu chân người. Huyền thoại kể rằng, sau khi căn cứ Tân Thành thất thủ, Phủ Cậu tuẫn tiết, có một vị Lãnh binh họ Trần tên Từ sau thời gian lánh nạn, mười mấy năm mới trở lại cố hương. Ngày ông về cũng là ngày đình Hữu Đạo đang xây dựng lại. Đứng ở bên nầy nhìn sang phía Tân Thành cảm khái thời oanh liệt xưa, lòng căm thù giặc trỗi dậy, ông tức tối dậm chân lên cây trính. Vết hằn ấy nay vẫn còn lưu truyền như một bản hùng ca của Đất giồng.

+

Gà nhảy ổ cục tác, con gà trống phụ họa theo nghe như tiếng giủa cưa của anh thợ mộc...Trưa cuối năm ở Đất giồng tiếng gà cục tác giống như bản nhạc được hòa âm phối khí một cách ngẫu hứng pha trộn giữa niềm vui và sự thảng thốt. Có lẻ tương lai khó tìm những bản nhạc đồng quê như vậy vì tới đây mọi giống gà đều phải vào chuồng nuôi theo lối công nghiệp. Đất của thương hiệu nhãn  giồng Nhị Quí bây giờ có hơn ba chục lò sấy nhãn, bình quân mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 100 - 200 lao động, góp phần giải quyết nguồn lao động ở nông thôn. Hai năm trở lại đây do giá nhãn ổn định các cơ sở sản xuất luôn ổn định và có lợi nhuận khá. Anh Hiếu bảo, lò sấy mở nhiều nên nhãn nguyên liệu phải tìm mua nơi khác, chuyện cây nhãn da bò bị tuyệt chủng cũng là điều dể hiểu. Đất đai ngày càng hẹp, người ta ngày càng đông, không nghĩ ra cách làm ăn mới thì khó có thể làm giàu.

Đất giồng đang trăn trở. Chuyện xưa tích cũ nhắc lại ngỏ hầu thêm chút hành trang cho người thời nay tìm cho mình một phương thức sống kiểu mới, bên dàn âm thanh hiện đại có cả buổi trưa xao xác tiếng gà.
Mùa Noel – 2009
(Đã in trong “Trăm năm dâu bể”)



Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

NHỮNG TẬP TỤC CƯỚI  HỎI NGÀY XƯA

Theo lệ cổ, việc cưới hỏi phải có sáu lễ (tục gọi là lục lễ) và một số lễ phụ khác. Tuy nhiên, tại một số vùng ở Nam bộ, xưa kia chỉ có hai lễ chính và ba lễ phụ, gồm:
+ Lễ chính: gồm lễ hỏi, kết hợp lễ Nạp cátNạp trưng; Lễ cưới, tức lễ Thân nghinh.
+ Lễ phụ: lễ coi mắt, kết hợp lễ Nạp tháiVấn danh; Lễ Sỉ lời, gốc là Thỉnh kỳ; Lễ Phản bái, còn gọi là Nhị hỉ, hay nôm na là giở mâm trầu.
Lễ vật chính của hôn lễ gồm: nhà trai đem đến nhà gái trầu cau, rượu, trà, bánh trái...Nghi thức chính trong lễ cưới tương tự như lễ hỏi là cô dâu, chú rể phải làm lễ tổ tiên, ra mắt bà con thân tộc. Hai lễ vật không thể thiếu là nhà trai phải đem một đôi đèn sáp dâng cúng tổ tiên nhà gái để chú rể làm lễ tổ tiên và phải tặng cô dâu một đôi hoa tai, vật chứng tỏ đây là cô gái đã có chồng để cho cô ra chào bà con hai họ. Khi cô dâu về nhà chồng  phải đem theo một đôi đèn sáp và một quả bánh cho chính tay cô làm, gọi là lễ vật “tống hôn”, đem về cúng tổ tiên nhà chồng. Tục nầy về sau biến đổi và mất hẳn.

Xưa kia, trong hai lễ cưới, hỏi, nhà trai phải đem đến nhà gái hai con lợn nhốt trong cũi, tục gọi là heo đứng. Về sau thấy bất tiện, người ta thay thế bằng tiền, tục gọi là heo nằm. Tục lệ xưa qui định lễ vật ngày cưới, nhà gái phải “lại quả” cho nhà trai phân nửa. Riêng lễ vật ăn hỏi là lễ vật đầu nên nhà gái phải nhận hết để ngày hôm sau chia thành nhiều phần đem biếu bà con, bạn bè, báo tin con gái có chồng. Việc thách cưới khá phổ biến, nhưng ngoài trầu cau ra, nhà gái không đòi hỏi gì khác.
Sau lễ ăn hỏi, chú rể được hợp thức hóa bằng quyền gọi cha mẹ, ông bà bên vợ. Cũng trong khoảng thời gian từ lễ hỏi đến ngày cưới, chú rể phải thực hiện “nghĩa vụ làm rể” vào các ngày rằm, mồng một, ngày Tết, giỗ chạp...Nghĩa vụ nầy không khắt khe lắm, tuy cũng có nhiều trường hợp chú rể phải lo phụ một số công việc lao động sản xuất giúp nhà vợ. Ngày nay tục làm rể vẫn còn nhưng nội dung đã thay đổi khá nhiều. Bên cạnh, trước ngày cưới khoảng tám hoặc mười ngày, đại diện nhà trai và nhà gái phải đến chính quyền sở tại bên nhà gái đăng ký kết hôn, gọi là “khai bát nhật”, hay“khai thập nhật” nhằm mục đích thông báo, đề phòng đến ngày cưới có người ngăn cản.
Lễ cưới thường kéo dài khoảng hai ngày: ngày hôm trước gọi là ngày nhóm họ, đãi đằng bà con thân tộc, bạn bè. Ngày hôm sau là ngày đón dâu, nhà trai chỉ chiêu đãi nhà gái. Về sau, lễ cưới tại nhà trai đơn giản hơn, chỉ có một ngày đón dâu kết hợp với đãi họ và chiêu đãi nhà gái.
Việc trang hoàng trong ngày cưới là một hoạt động mang tính văn hóa ở địa phương. Nhà trai, nhà gái đều phải dựng trại trước sân nhà để đãi khách. Trại tiệc được trang hoàng, chưng kết bằng hoa lá tươi có sẳn như lá dừa, bẹ chuối, lá đủng đỉnh, dây bòng bong...Bảng chữ Tân Hôn hay Vu Qui cũng được thanh niên trong xóm kết bằng hoa lá. Về trang phục, chú rể đầu chít khăn đen, mặc áo thụng, đi giày hàm ếch, hai tay bưng quả đựng nếp và xâu tiền. Cô dâu cũng mặc áo thụng hai lớp, đầu đội nón cụ, quai tơ, chân đi hài hoặc dép thêu...Ngoài ra, tất cả các thành viên hai họ đều phải mặc quốc phục. Riêng hai ông sui và hai người đại diện cho hai họ phải mặc lễ phục...Tất cả đều do thanh niên nam nữ trong xóm tự nguyện đến phụ giúp.
Ngày rước dâu, họ nhà trai phải đến sớm khoảng 10 phút để xin vào làm lễ đón dâu. Khách đón dâu gồm bà mai, chú rể, cha mẹ chú rể và bà con thân thuộc, bạn bè...Qui ước bất thành văn là đoàn người đi rước dâu phải là con số lẻ để khi trở về có thêm cô dâu cho đủ đôi, đủ cặp. Tục lệ Nam bộ, lễ vật rước dâu đặt trên mâm còn đối với người Hoa thì đặt trong quả. Xưa kia, quan niệm giờ tốt rất quan trọng nên phải đến đúng giờ. Nhà trai cử người bưng khay trầu rượu vào trình và phải chờ đại diện nhà gái ra ngỏ rước. Pháo được đốt lên để đón nhà trai.
Nghi lễ chính diễn ra sau khi tiếp nhận lễ vật. Bắt đầu là nghi thức chú rể cáo yết tổ tiên và ra mắt nhà gái, tiếp theo nhà gái cử một người đại diện làm lễ lên đèn, hai họ chúng kiến cho chú rể lạy bốn lạy. Sau khi ra mắt tổ tiên xong, chú rể đến làm lễ ra mắt cha mẹ, ông bà, thân tộc bên vợ. Các nghi thức nầy ngày nay đã cải tiến nhiều, chú rể chỉ xá thay cho lạy, kể cả tại bàn thờ tổ tiên. Cuối cùng, cô dâu được người mẹ ruột đeo nữ trang, bước ra lạy từ giã tổ tiên, vái chào cha mẹ, ông bà, thân tộc để xuất giá về nhà chồng.
Khi rước dâu về đến nhà trai, pháo được đốt lên chào mừng. Chương trình lễ tiến hành tương tự như ở nhà gái, chỉ có thêm lễ tế tơ hồng. Xưa, lễ tế tơ hồng tổ chức trong phòng hoa chúc. Nghi thức gồm có dâng hương, rượu, trà...và các lễ vật lên bàn thần Tình duyên. Thêm nghi thức mời rượu giao bôi và nghi thức hợp cẩn. Nhưng về sau nầy, người ta thấy lễ nầy rườm rà bất tiện nên bày tục tế tơ hồng trước sân nhà trai với nghi thức đơn giản hơn. Những năm gần đây, nghi thức tế tơ hồng đã bỏ hẳn.
Sau ba ngày, đôi tân hôn và một số bà con bên nhà trai mang một cặp vịt – tương trưng cặp uyên ương (tượng trưng cho sự chung thuỷ) sang nhà gái thực hiện nghi lễ giở mâm trầu, ngụ ý hôn lễ kết thúc tốt đẹp. Cặp vịt được nấu cháo cùng tổ tiên và các vị gia thần để cô dâu lạy từ giả một lần nữa, nên có tên là lễ phản bái.

Nhìn chung, việc hôn nhân theo nghi lễ truyền thống ở Nam bộ có phần nào được bảo lưu. Nhưng theo tiến trình lịch sử, nó cũng đã có những biến đổi. Sau năm 1945 đã có sự đơn giản hóa, chỉ có một ít người giữ theo nếp cũ. Trong hai thời kỳ kháng chiến, ở vùng giải phóng, hôn nhân tiến hành phổ biến theo kiểu “lễ tuyên bố” và bắt đầu từ năm 1970 đến nay, hôn lễ bắt đầu ngả sang khuynh hướng tây phương: trai gái tự do kết hôn, tiệc tùng diễn ra linh đình, chụp ảnh, quay phim trở thành nếp. Cô dâu được đi thẩm mỹ viện để phục, hóa trang. Người tham dự lễ thì đa số mặc Âu phục. Tục xưa mai một dần và nhiều khi lệch chuẩn, do hiểu sai ý nghĩa của lễ thức.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

NHỚ  ÔNG GIÀ NAM BỘ



Tháng 5 năm 1984, chi hội Văn nghệ Cai lậy thành lập, qui tụ một số cây bút của địa phương rồi nhà nước cho tiền in tập san mỗi năm vài ba số, rất vui. Nhưng vui nhất là giới làm văn nghệ không chuyên ở huyện lại được nhiều nhà văn tên tuổi như Đoàn Giỏi, Sơn Nam đến thăm. Nhà văn Sơn Nam có mối quan hệ thân tình từ trước như anh Trương Ngọc Tường hay chú Văn trước 1975 lái xe cho tòa báo Tin Sáng... nên tới Cai Lậy thường xuyên hơn.

Tết Đoan Ngọ năm 1986, chúng tôi đi cùng nhà văn tới cù lao Tân Phong. Tết Đoan Ngọ cũng là mùa ốc gạo, ông muốn đi cho biết “ốc gạo Cồn Tre, hai người đè, một người lể” là như thế nào. Đây cũng là lần đầu tiên tôi có dịp đi thực tế cùng ông và học hỏi được nhiều điều thú vị.

Nhà văn Sơn Nam không ghi chép như nhiều người thường làm trong những chuyến đi, có lẻ vì bộ nhớ của ông rất tốt, đặc biệt là khả năng quan sát của ông rất tinh tế. Đi xuồng dạo quanh Cồn Tre, ông bảo Cồn Tre không có tre, chỉ có bần. Cán bộ địa phương giải thích, đặt tên Cồn Tre vì cách đây khá lâu, vài bụi tre từ đâu trôi đến, châm rễ vào bãi bùn. Nhà văn nhận xét “Sứ mạng của cây bần ở đất bồi, sông cái hoặc bờ biển giống như cây đước. Bần mọc trơ trọi, nhưng sanh nhiều rễ ăn ngầm dưới bùn, giữ phù sa, phần chót của đám rễ lớn nhỏ này lại nhô lên mặt nước để thở. Nước chảy, những chót rễ này rung rinh, chịu sóng gió, không bao giờ tróc. Rồi ông liên hệ “Người chịu đựng bao nhiêu thăng trầm cuộc đời, rốt cuộc vẫn đứng vững dưới ánh nắng mặt trời”.
Ở cù lao Tân Phong, anh Sáu Hiệm, tổ phó tổ tự túc huyện ủy Cai Lậy, dẫn chúng tôi đi bộ trên bờ bao rộng ven cù lao. Nhà văn bảo “Mình đang đi bộ trên mặt nước sông Tiền”. Quả thật, nếu không đắp bờ bao lấn ra, thì dưới chân chúng tôi sẽ là bùn, là nước chảy cuồn cuộn. Ở Ủy ban xã hôm đó, tôi tranh thủ hỏi chuyện “ Bác thấy bà con ở đây ra sao”. Ông nheo mắt cười,  tới nơi nào mà thấy tụi nhỏ đi học quần áo tươm tất, mặt mày hớn hở, tươi rói là ở đó đời sống bà con sung túc. Ông nói thêm, ở đây mọi người vui vẻ, ít lo âu, nhưng thỉnh thoảng cũng hơi buồn vì cách xa đất liền. Người dân làm thì làm cật lực, chơi thì chơi hết mình, không có cái thói ngồi dụm năm dụm ba nói chuyện “tiếu lâm đen” chỉ trích chính quyền. Ông tiếc rẻ, hồi viết Văn minh miệt vườn không có dịp tới vùng nầy, một số chuyện nghe kể rồi hình dung ra, giờ thấy thiếu nhiều như những chuyện tháp nhánh cây, chuyện làm cống tự động dẫn nước thoát nước mương vườn, hay nhứt là kỹ thuật trồng đu đủ phải đạp cho nó nghiêng, trái mới lớn. Rồi nhà văn liên hệ chuyện khác, ở phía dưới kia là cù lao Năm Thôn nhiều chuyện hay, mấy bồ (ông hay dùng chữ nầy khi nói chuyện với chúng tôi) nên viết. Có chuyện thằng Tây Taillefer chúa đảo lập nhà máy xay, chuyện Jack Đức con trai Phủ Mầu đem cây dương cầm về Việt Nam đầu tiên rồi lập ban nhạc Hoàng Đức hội ở đó, hình như đánh nhạc cho nhà thờ. Cuốn hồi ký của Francini - Con, cháu ngoại Phủ Mầu nhiều chuyện hay, tui kiếm cho...
Buổi trưa trên cù lao yên ả, nghe văng vẳng bài vọng cổ phát ra từ chiếc máy cassette. Ở Sài Gòn lâu, nhưng nhà văn thích nghe vọng cổ hơn tân nhạc. Ông nói, vọng cổ hát không bị trại, bị đớt, không có kiểu bẻ miệng, bẻ mồm như tân nhạc như kiểu  trôi hát thành chôi, rồi hát thành dzồi...Nghe ông phân tích mà nhớ mấy vần thơ viết trong lời đầu của tập Hương rừng Cà Mau:
“Hơi vọng cổ nương bờ tre cao vút
Điệu hò... ơ theo nước chảy chan hòa
...
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”
Chiều hôm ấy, rời cù lao, mấy anh cán bộ xã Tân Phong tặng cho đoàn vài trái mít làm quà. Sơn Nam lại nheo mắt cười bảo, nè hồi xưa không ai tặng nhau trái mít, sợ mích lòng, cũng không tặng trái sầu riêng vì sầu thảm, phải tặng một thúng cam, cam là ngọt. Nhắc lại cho vui, bây giờ thì những lệ ấy đã thay đổi... Rồi cùng nhau cười xòa.

Cuối năm 1986, chi hội Văn nghệ Cai lậy chuẩn bị ra mắt tập san chào mừng xuân Đinh Mão. Một anh bạn viết bài ký về việc khai thác than bùn ở xã Phú Cường nhờ ông đọc góp ý. Ông nói bài nầy được nhưng phải tả than bùn là cái giống gì, bà con đọc sẽ không hiểu ba cái chất hóa học. Phải nói than bùn là các thứ cây cỏ mục chôn lâu năm trong bùn, nó nhão nhão, đen, phơi khô làm chất đốt được nhưng nhiều khói, đại thể là như vậy... Góp ý ngắn gọn nhưng là kinh nghiệm viết quí báu. Giờ thấy nhiều người sính chữ nghĩa, sử dụng câu từ có vẻ cao siêu, đôi lúc tối nghĩa mà nhớ và gẫm lại vì sao độc giả yêu mến Sơn Nam.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CỐ HƯƠNG CỦA NHÀ VĂN  ĐOÀN GIỎI.  

Thói thường ở đời thì duyên nào nghiệp đó, song cũng có khi nghiệp nọ duyên kia vô chừng. Đối với nhà văn Đoàn Giỏi, đọc lại tiểu sử của ông, hình như cũng không thoát khỏi qui luật này. Một thanh niên lớn lên ở vùng quê Tân Hiệp, xuất thân từ gia đình họ Đoàn nổi tiếng, trong thân tộc có người từng được hàm Đốc Phủ sứ. Nghe nói thời niên thiếu ông đã từng theo học ở trường Mỹ thuật Gia Định. Khi Cách mạng tháng Tám thành công và rồi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính quyền Việt Minh, còn ông thì tham gia kháng chiến, làm trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc ở quận Châu Thành. Năm đó ông vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ để có thể làm lãnh đạo ngành công an vốn dĩ rất phức tạp trong những ngày đầu lập chính quyền.Đoàn Giỏi đi theo kháng chiến vì lòng yêu nước, không làm chánh trị, chức vụ cao nhất của ông thời chín năm kháng chiến là Phó trưởng Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá, chưa đầy một năm rồi cũng chuyển sang làm văn nghệ ở tạp chí Lá Lúa thuộc Chi hội Văn nghệ Nam Bộ. Kể cả cái duyên của mấy năm học trường mỹ thuật cũng không đưa ông đến nghệ thuật tạo hình để có một ông họa sĩ hay nhà điêu khắc Đoàn Giỏi. Cái nghiệp văn chương của ông đã được báo trước từ cái duyên gặp gỡ nhà văn Hồ Biểu Chánh hồi năm 17 tuổi.
Còn cái duyên đưa tôi gặp và được hầu chuyện với ông là nhờ biết ...uống rượu.
Trong số những nhà văn tập kết ra Bắc, dường như Đoàn Giỏi về Nam hơi muộn. Sống ở Sài Gòn một thời gian, những ngày sau Tết Đinh Mão, năm 1987, Đoàn Giỏi về Mỹ Tho cùng sinh hoạt với anh em văn nghệ sĩ Tiền Giang. Cũng trong cái Tết năm đó, nhà thơ Lê Hà dẫn ông về  thăm Cai Lậy. Lúc này nhà văn Đoàn Giỏi dường như có tâm sự, uống rượu nhiều. Tôi, như đã nói ở trên, nhờ biết uống rượu nên được phân công tiếp. Ông bảo bọn hậu bối chúng tôi gọi bằng chú Năm cho thân mật.
Đối với Cai Lậy, dấu ấn in đậm trong ký ức nhà văn Đoàn Giỏi là đình Mỹ Trang, nơi những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã từng ở đây cùng ông Hai Phấn và các đồng chí mở lớp huấn luyện quân sự cho lực lượng võ trang địa phương. Sáng ngày 23 tháng 12 năm 1945, mặt trận Kinh Xáng - Xoài Hột thất thủ, ta hối hả thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến. Đến trưa, giặc Pháp hành quân tiến đánh chợ Cai Lậy. Trên đường hành quân, chúng phát hiện lớp huấn luyện quân sự ở đây nên đã đốt ngôi đình, hiện người dân vẫn còn gọi tên Miễu Cháy.
Nếu tính theo tuổi tác khai trên giấy tờ thì sau bốn mươi năm về thăm chốn cũ, Đoàn Giỏi đã bước vào tuổi lục tuần. Tóc bạc phơ, thỉnh thoảng miệng hơi méo vì bị chứng tổn thương dây thần kinh số 7. Thời bao cấp, về  tỉnh được đi xe hơi nhưng túi không có tiền, nên mâm rượu thường là đạm bạc, có khi chỉ có đậu phộng rang, cũng có thể do thói quen nhấm rượu với lạc rang hồi còn trên đất Bắc.Ghé thăm xí nghiệp Chăn nuôi 30 - 4 đóng ở xã Hội Cư, giám đốc là người khoái nhà văn nhà báo, nghe báo hôm trước, hôm sau đã chuẩn bị sẵn, cho làm thịt vài con heo sữa quá lứa không thể xuất chuồng, đem quay đãi khách. Bữa tiệc thịnh soạn là thế, nhưng bác Năm Đoàn Giỏi chỉ gắp được vài miếng, nhấm với rượu, rồi chống đủa đăm chiêu. Tâm trạng dường như bị chế độ tem phiếu chi phối. Loại nhà văn hưởng lương nhà nước như ông cùng lắm trong dịp Tết được phân phối vài ký thịt là cùng, còn thịt heo sữa quay gần như là món hàng xa xỉ. Tiệc tàn ông không khách khí, gợi ý chủ nhà gói vài miếng đem theo lên xe nhắm rượu. Ông giám đốc sai người chặt hơn ký thịt quay gói trong giấy báo, đổ đầy bình toong rượu. Trên xe, chúng tôi bốc thịt quay, nốc rượu, kể đủ thứ chuyện trên đời.
+
Trở lại cái duyên của ông và nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trong lúc trà dư tửu hậu nhắc chuyện cố hương, tôi bảo tạp chí Nam kỳ Tuần báo số xuân Quý Mùi năm 1943 có đăng truyện ngắn Nhớ Cố hương. Ông rất mừng, cho biết đây là truyện ngắn đầu tay của ông, tất nhiên bản thảo đã thất lạc từ lâu.  
Nhớ cố hương là câu chuyện kể về cậu bé tên Kính, nhà nghèo, sớm mồ côi cha, phải đi ở đợ để trừ món nợ sáu đồng cha nó còn thiếu lại. Chiều cuối năm, trong không khí rộn ràng mua sắm tết, tiếng cu kêu, cậu bé nhớ nhà nên quyết  định bỏ trốn về quê mặc dù trong túi không có tiền lại không nhớ đường về. “Đêm đã sang canh ba, trời còn đầy bóng tối, gió tháng chạp thổi từng hồi lạnh lắm, nhưng nó cũng cố trốn đi”. Hai ngày liền, Kính đói khát rồi ngã gục bên đường, trong mơ nó nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ anh trai và những người thân: “Nó sung sướng quá kêu to: Cố hương! Cố hương!. Kính bỗng giật mình vì lạnh lắm, sương xuống thấm ướt áo quần. Nó nóng lắm, miệng khô và lưỡi cứng đờ ra. Tuy thế, nhưng nó cũng cố nằm lỳ, mắt mờ lệ, nức nở: “Lạy trời cho tôi lại thấy cố hương lần nữa”. Và nó nhắm mắt lại, cố níu lấy giấc mộng vừa tan”...Câu chuyện kết thúc có hậu theo kiểu “tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”. Một phụ nữ xinh đẹp giàu có đi chiếc xe hơi lộng lẫy chạy ngang, thấy tội nghiệp bèn dừng xe, chở nó về kiếm thuốc cho nó uống, dự định đưa nó về quê ăn tết “làm phước không mất đâu mà sợ”. “Xe hơi chở Kính mà chạy vùn vụt trên đường cái”. Và trong khung cảnh ấy, tác giả kết “Một đàn chim kêu vui vẻ trong cảnh chiều xuân”...
Ít có người nhớ dai, nhất là khi người ta đã phải trải qua quá nhiều thăng trầm thời cuộc như nhà văn Đoàn Giỏi. Cái “kết thúc có hậu” trong truyện ngắn đầu tay theo trí nhớ của ông đó là do nhà văn Hồ Biểu Chánh, tức Hồ Văn Trung - Chủ nhiệm Nam Kỳ Tuần Báo, sửa bản thảo cho phù hợp với không khí ngày xuân. Nhà văn kể, sau khi báo phát hành, ông đến tòa soạn ở số 5, Rue de Reims – Sài Gòn (nay là đường Lê Công Kiều, Quận 1, TP. HCM) nhận nhuận bút thì mới gặp được nhà văn Hồ Biểu Chánh và chính nhà văn đã trao đổi với ông về cái sự chỉnh sửa bản thảo ấy.Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ trở lại Cai Lậy và cũng là lần cuối cùng, bởi sau đó một năm thì sức khoẻ ông càng ngày càng yếu. Song tôi cũng đã kịp thực hiện lời hứa với ông, chụp lại bản thảo truyện ngắn Nhớ cố hương gởi cho ông làm kỉ niệm. Hai năm sau, ăn xong cái Tết con rắn 1989, ông Năm Đoàn Giỏi qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, mang theo nhiều ấp ủ dự định chưa thành.
Tháng 11-2012.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Kiểm chứng dùm !

Đọc VNTG số 55, một tác giả có học vị thuộc hàng cao nhất về mặt sử học ở tỉnh, viết về Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, giải thích rằng,  Rạch Gầm là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + Động vật (Ca Răm: Con Cọp). Rạch Rau Răm là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Rạch + Thực vật (Rau Răm).  

Cái công thức “sang trọng” này dường như được Giáo sư Lê Trung Hoa đưa ra và được một số nhà nghiên cứu áp dụng khi giải thích địa danh một cách máy móc và thiếu thực tế. Thật ra địa danh ở Tiền Giang nói chung và đồng bằng sông Cửu Long có những biến đổi khó lường do nhiều lý do khác nhau, có khi do nói trại, do cử tên, do phát âm, do nói tắt...và nhiếu yếu tố ngẫu nhiên khác. Tổ tiên ta ngày xưa khi đặt tên cũng không hề có công thức hay theo nguyên tắc bất biến nào như hậu bối thường nghĩ. Ví dụ, ở xã Phú An (Cai Lậy) có rạch Ông Xây. Đố các tác giả rạch + với cái gì ra Ông Xây ? Chắc ai cũng nghĩ theo công thức rạch + với tên người. Thật ra, rạch Ông Xây là kiểu gọi trại đi của một con rạch rất ngoằn ngoèo, xoay/xây vòng vòng chẳng biết lối ra, chứ chẳng có “ông/ bà Xây” nào ở đây cả.  
Bên cạnh sách vỡ xưa ghi chép địa danh thường “Hán hóa” như rạch Thị Hiệp (ở Cái Bè) hỏi lại thì hóa ra đó là rạch Bà Hợp. Còn Dong mục cương ghi trong GĐTTC thì ra là giồng Cây Dong ( cũng ở xã Phú An-Cai Lậy) hay Mai giang là rạch Mù u…
Do vậy, muốn tìm hiểu địa danh tốt nhất là xuống kiểm chứng thực tế.

Do thiếu đi thực tế nên vị Tiến sĩ này giải thích, rạch Rau Răm là rạch có nhiều rau răm. (Công thức rạch + thực vật (Rau Răm). Chỗ này có phần đúng, nhưng cái món rau răm rất sách vỡ mà tác giả căn cứ trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, đem ăn với hột vịt lộn là...chết liền. Bởi nó là loại rau răm rừng, thân và lá  rất to gần giống cây nghể, thường mọc ở mép nước hai bên bờ kinh rạch. Giá trị của nó là giữ đất bãi bồi. Mấy năm gần đây, do môi trường ô nhiễm, do sử dụng xáng múc cải tạo nên cây rau răm đã gần như tuyệt chủng ở chính con rạch mang tên nó. Hổng tin tác giả xuống kiểm chứng ? A ha...
Tư liệu:
Đảo Hoàng Sa qua Đại Nam thực lục.


Kỷ sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], mùa thu tháng 8, Thuyền của bọn A Sinh là người nước Chà Và đậu ở đảo Côn Lôn trấn Phiên An, lính giữ đảo bắt đưa đến thành Gia Định. Bọn Sinh nói là : “ở Ba La Sa (tên đất của nước Chà Và) được Quốc trưởng phái đến đảo Câu Mạch để nhặt lấy sào yến bị bão trôi dạt”. Thành thần tâu lên. Vua sai cấp gạo rồi cho về.
(Đệ nhị kỷ - Quyển LXI)
Giáp Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 15 [1834], mùa xuân, tháng ba.  Sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Sĩ tâu : “Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ, chỉ có người đi lại đánh cá bắt chim mà thôi”. Nhân đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy.
Vua vời thị thần đến xem và thưởng những người đi về, tiền, bạc có khác nhau.
(Đệ nhị kỷ - quyển CXXII)
Ất Mùi, Minh Mệnh năm thứ 16 [1835], mùa hạ, tháng 6. Dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi.
Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ “Vạn lý ba bình”(1) (cồn Bạch Sa [cát trắng] chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch). Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai Cai đội Thuỷ quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong, rồi về.
(Đệ nhị kỷ - quyển CLIV)   
Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17 [1836]. Bộ Công tâu nói: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ ([1]) Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ Giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”.
Vua y lời tâu. Sai Suất đội Thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính thân, Thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”
Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17 [1836], mùa đông, tháng 12. Thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu, vua nói: “Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hoá, đổi được tục man di. Thật rất đáng khen. Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tuỳ tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Sắc sai phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bến tàu Hạ Châu, cho về nước.
(Đệ nhị kỷ - quyển CLXV)
Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 [1839], mùa thu, tháng 7. Phái viên đi Hoàng Sa là bọn Suất đội Thuỷ sư Phạm Văn Biện trước đây bị bão sóng làm tản mát, đến nay lục tục về tới Kinh. Hỏi, chúng nói nhờ có thuỷ thần cứu giúp. Vua sai bộ Lễ chọn địa điểm ở đồn cửa biển Thuận An đặt đàn dùng lễ Tam sinh hướng ra biển lễ tạ. Thưởng tiền cho Phạm Văn Biện và viên biền binh, dân đi theo phái đoàn có thứ bậc khác nhau.
(Đệ nhị kỷ - quyển CCIV)




(1) Vạn lý ba bình : muôn dặm sóng êm.
(1) Nguyên văn chép là Hoàng Sa xứ, thực tế đáng phải chép là đảo Hoàng Sa.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Chim đốt tổ bay vào nơi gió loạn
Rừng xanh xưa hoài vọng lối đi về
Trời lữ thứ phong ba mù chân thể
Diện mục ố vàng từ buổi ly quê