Xóm ấy cùng tên với con rạch dài hơn 3 ngàn thước, nối vào Kinh xáng
Ngang, kinh Lacour và
kinh Kháng chiến, vàm rạch đổ ra kinh 12, nằm trọn trong xã Mỹ Phước Tây. Cái
tên Rạch Trắc không biết có tự bao giờ, song trước năm 1945, địa danh hành
chánh ấp Rạch Trắc đã có và hơn nửa thế kỷ qua chưa hề thay tên đổi họ.
Ấp Rạch Trắc bây giờ là trung tâm xã bởi khu vực hành chính xã đóng
trên địa bàn. Cách đây mươi năm, xóm này nổi tiếng với những chiếc cầu khỉ bắc
qua các con kinh nhỏ, bây giờ thay thế toàn bộ bằng bê tông. Các con đường vô xóm
cũng được lót bê tông, vài khúc quanh uốn lượn, mềm mại như những đường cong trên
cơ thể thiếu nữ tuổi dậy thì.
+
Ngược dòng lịch sử, cái
xóm nhỏ có cái tên khó truy nguồn gốc này xưa thuộc làng Mỹ Hạnh Tây, còn tại
sao gọi là Rạch Trắc thì đành chịu, bởi lẻ vùng Đồng Tháp Mười nước trủng phèn
chua quanh năm là gì có cây trắc, có lẻ là Trấp, lâu ngày bị nói trại đi chăng ?. Thảm thực vật đặc trưng còn sót lại với nhiều chủng
loại: cà na, tràm, bình bát, chòi mòi và cây mua tím. Đó đây trong xóm còn vài liếp
sậy mọc hoang. Nước lũ chưa về mà sậy đã ra bông, nhớ câu ca dao “gió đưa bông
sậy”, hoài niệm thuở hoang vu.
Theo thư tịch,
thôn Mỹ Hạnh Tây, vào năm 1808 thuộc tổng Kiến Lợi, đến năm 1836 lại thuộc
tổng Lợi Trinh. Ngày 13-12-1913, thôn Mỹ
Hạnh Tây nhập với thôn Long Phước thành Mỹ Phước Tây, thuộc tổng Lợi Trinh, quận Cai Lậy. Thôn Long Phước
nguyên thủy là thôn đồn điền, một dạng nông trường khai hoang, có tính chất bán
quân sự thời nhà Nguyễn do Cai đội Phạm
Văn Huy lập. Ngày 29 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) thành lập tổng Lợi
Thạnh ở phía bắc gồm các thôn Giai Thạnh, Phú Lợi, Giai Thành, Phú Đa, Long
Phước. Địa bạ Minh mạng ghi “Long Phước có diện tích khai thác 300 mẫu toàn
công điền, bổn thôn đồng canh”. Khi Pháp
chiếm Định Tường, toàn bộ dân đồn điền tham gia kháng chiến, các thôn tan rã,
chỉ còn duy nhất một thôn Long Phước nhập vào
làng Mỹ Hạnh Tây. Các thôn đồn điền mới lập, chưa xây dựng đầy đủ các thiết
chế văn hóa, cho nên vùng này duy nhất chỉ có ngôi đình làng Mỹ Hạnh Tây được
sắc phong. Đình nằm trên xóm Rạch Trắc, dân gian quen gọi là đình Rạch Trắc.
Hồi năm khoảng 1915, rạch Trắc rất cong queo. Năm 1910 chùa Khánh Long khai
sơn. Đất lở đe dọa cả đình Rạch Trắc. Có người chỉ vẽ phải dựng tấm bia “Thái
sơn thạch cẩm đương” để ngăn “bà Thuỷ”. Các sư trụ trì bèn nhờ một người Hoa
tìm tấm đá khắc bia. Nhận tiền cọc xong, không biết có ai mách bảo làm tấm bia
đó thì sẽ bị “bà Thủy” bắt. Ông ta hoảng hốt trả lại tiền, từ chối việc khắc
bia.
Bấy giờ trong xóm có một vị kinh sư tên
Trọng nhận lời khắc tấm bia ấy. Ông mua một miếng đá dùng để làm bia mộ viết 5 chữ
“Thái sơn thạch cảm đương” lên đó rồi chạm khắc. Tấm bia được dựng trước mé
sông, trước khúc vịnh thường xuyên bị lở. Vài năm sau, người Pháp cải tạo rạch
Ba Rài và đào kinh Lacour,
rạch Trắc cũng được nắn lại, dòng chảy thay đổi. Chỗ bị lở triền miền trước kia
nay trở thành khúc sông bồi. Thiên hạ bắt đầu tin sự linh nghiệm của tấm bia
trấn thuỷ. Về phần thầy Trọng, ít lâu sau, có người mời ông lên Cái Bè làm đám
tuần thất. Xuồng ông bơi đến đoạn sông Hòa Khánh, gần miễu Cậu thì bị gió thổi
bay cái kho. Vì tiếc của, ông nhào ra vớt chiếc kho lên, xuồng lật, hai người
chết chìm. Riêng ông thì trôi mất xác. Cái chết của thầy Trọng khiến cho lời
đồn về sự linh nghiệm của “bà Thủy” càng thêm giá trị.
Tấm bia “thái sơn
thạch cảm đương” đứng vững mãi đến sau năm 1975, rồi sau đó các công trình thuỷ
lợi để xả phèn phía sông Cũ - Ba Rài làm
dòng chảy mạnh hơn, nước xoáy, đất lở, bia sụp đổ, rớt xuống lòng rạch. Niềm
tin về sự linh nghiệm của bùa trấn thủy lung lay rồi đi vào dĩ vãng. Số phận
ngôi đình làng cũng chẳng hay ho gì. Giai
đoạn đầu chín năm kháng chiến, đình phải dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến, không
cho giặc đóng bót. Riêng nền đình cũ, sau năm 1976, được trưng dụng làm xí
nghiệp gỗ. Người dân
đem đạo sắc thần Thành hoàng về nhà cất giữ. Đồ tự khí giữ được từ hồi tiêu thổ
kháng chiến dần dần bị thất lạc, duy chỉ có tấm bảng gỗ viết chữ Thần còn giữ
nhưng cũng mối mọt gậm nhấm. Người dân địa phương vẫn
theo tập quán tín ngưỡng tổ chức cúng bái hàng năm tại ngôi chùa. Tuy nhiên tổ
chức khi cúng đình phải cúng mặn nên nảy sinh nhiều điều bất cập.
Mươi năm sau, lỗ lã triền miên, xưởng cưa
bị giải tán còn trơ lại nền đất đìu hiu. Một ông già xóm rạch Trắc khác thấy mủi
lòng bèn đệ đơn lên tới tỉnh xin cất lại ngôi đình. Đã mấy mùa sậy ra bông, mà
chuyện cất đình vẫn chưa được chấp thuận. Dân Rạch Trắc nghe theo ông lặng lẽ
gom góp tiền xây cất, đem sắc Thần về thờ cúng. Chính quyền địa phương mặc nhận,
bởi lẻ dù gì ông cũng là cách mạng tiền bối, bậc “khai quốc công thần”, đã từng
ra tay đốt đình để tiêu thổ kháng chiến.
Tấm bia “thái sơn thạch cảm đương” được Ban
khánh tiết đình vớt lên, dù chẳng còn linh nghiệm. Nó đã đi qua một vòng quay lịch
sử, lặp đi lặp lại như con nước lớn ròng hai lượt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét