Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

LỜI CHÚC NGÀY 8-3

Hôm qua cơ quan họp mặt chị em phụ nữ mừng 8-3. Lãnh đạo đơn vị không ai tới dự. Ngày của chị em diễn ra như không khí của hội nghị công chức, cử tọa ngồi nghiêm trang nghe đại diện Công đoàn đọc diễn văn. Nghe tới đoạn những ông chủ của các nước tư bản trên thế giới bóc lột chị em phụ nữ, trả lương rẻ mạt, hắn liền rời phòng họp ra ngoài hút thuốc.
Hắn nghĩ đến em, cháu hắn và nhiều cô gái bỏ quê lên thành phố làm công nhân cho các xí nghiệp, công ty này nọ. Lương tháng chỉ đủ đóng tiền thuê nhà và sống qua ngày với mì gói cơm rau. Không biết các ông chủ ở VN có phải là bọn tư bản xấu xa như bài diễn văn đã nêu ?
Hoa...lạ cho ngảy 8-3
Trở vô phòng họp với tâm trạng không thoải mái mà hắn lại được mời phát biểu. Hắn kể lại câu chuyện mình đã nghe lõm được trên xe buýt.
+
Câu chuyện như sau:
...
- Năm 13 tuổi chị đi làm cách mạng. Hồi đó đi vì ham vui, ham lắm. Má la rầy cỡ nào cũng hổng thèm nghe. Năm 18 tuổi chị bị giặc bắt, bỏ tù ở trại giam Cây Khế Mỹ Tho. Chúng tra tấn chị, đổ nước xà bông rồi buộc dây điện vào hai bàn tay chị bắt chị khai. Chị sợ điện giựt lắm nên khai đại là ở Sài Gòn về, mấy ổng cho tiền biểu tui đi đắp mô thì tui đi, chớ hổng biết gì hết. Giặc giam chị 29 ngày rồi thả. Trở về chị tiếp tục hoạt động ở đơn vị quân báo quận Châu Thành Nam. Rồi chị bị thương trong một trận càn sau hiệp định Paris. Vết thương ở đầu, ở chân, ở mông...Không kịp vô trạm xá ở địa hình được, nên phải móc nối người quen ra bệnh viện thành điều trị...
Sau hòa bình thống nhất, vết thương trên đầu hành hạ chị hoài, nhất là khi trời trở gió...Nhức quá chịu hổng nổi, nay phải đi xuống Mỹ Tho khám bệnh.
- Chị khám ở bệnh viện đa khoa Tiền Giang à ?
- Không, chị khám ở phòng mạch tư.
- Ủa chị hổng có bảo hiểm y tế sao ?
- Có, nhưng mà vô mấy chỗ đó phải hầu hạ, chờ chực thấy ghét lắm ! Hồi chị làm hồ sơ xin hưởng chính sách cũng vậy. Bọn nhỏ đâu biết chiến tranh ra làm sao. Tụi nó hỏi, sao mới 13 tuổi mà chị khai đã đi làm cách mạng. Mình giải thích tuổi nhỏ theo Việt cộng tụi lính nó không để ý. Nó cũng hổng thèm nghe. Nằm viện trong vùng địch sợ lộ gần chết mà bây giờ nó hỏi bị thương trong trường hợp nào ? Có giấy ra viện hôn? Thiệt là tức. 
May cũng nhờ còn mấy anh biết chuyện xác nhận cho chị được hưởng theo chế độ 290, lãnh trợ cấp 1 lần rồi nghỉ. Chị cũng hổng thèm khiếu nại. Giờ chị chỉ cầu mong đừng có chiến tranh nữa...
- Tui cũng như chị, có hơn gì, hồi 16 tuổi cũng ham vui theo Đoàn văn công giải phóng, năm sau thì bị bắt...Chị ơi xe tới giếng nước rồi kìa !
- Cho xuống bác tài ơi. Thôi mai mốt mình có gặp nói chuyện nhiều hơn nhen, bây giờ chị xuống xe...
Câu chuyện của hai người đàn bà tuổi độ ngoài 60 đã bị đứt đoạn ở đây. Xin chép lại nguyên văn
+
Kể xong, hắn chúc cho chị em phụ nữ cơ quan một chữ NHẪN (hàm ý nhẫn nhục và nhẫn nại).
Một anh đề xuất cả nhóm nam hùn tiền lại đãi cho chị em nhậu một bữa, được mọi người nhiệt liệt ủng hộ. Có vẻ cái chuyện nhậu còn hay ho hơn nhiều !

Ngày quốc tế Phụ nữ ở cơ quan hắn chỉ có vậy !

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Chuyện xưa...chuyện nay

Đọc lại lịch sử.
Thời nhà Nguyễn có hai vụ án lớn liên quan đến các bậc khai quốc công thần.
Tả quân Lê Văn Duyệt là một nhà chính trị, quân sự của nhà Nguyễn. Đời sau nhiều người nhận định việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển đất Nam Bộ, khiến cho vùng bình yên và giàu có. Nhưng khi làm Tổng trấn Gia Định thành ông  phạm phải nhiều tội mà triều đình cấm kỵ.
Năm 1832 Tả quân qua đời. Lê Văn Khôi nổi loạn bị vua Minh Mạng dẹp năm 1835. Tội của Tả quân mới được đem ra “hồi tố”. Vua phán “Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Phiên An (Gia Định) đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: “Đây chỗ tên lại cái lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước”.
Kinh Vĩnh Tế ngày nay

Các ngôi mộ song thân ông tại làng Long Hưng nhà vua (Minh Mạng) cũng đã lấy lại những gì triều đình ban tặng, đục bỏ những chữ liên quan đến tước vị.
Vụ án thứ hai cũng liên quan đến bậc khai quốc công thần: Nguyễn Văn Thoại, người có công đào kinh Vĩnh tế và Thoại Hà, phát triển vùng đất cực Tây Nam bộ. Nhưng đến đời Minh Mạng thì ông bị truy tố về tội “không nghĩ  đến việc biên phòng, chăm mưu việc riêng, bỏ hoang ruộng đất. Năm 1832, Minh Mệnh thứ 13,  vua lại truy luận tội. Lần này có thêm việc đắp đường từ Châu Đốc đến núi Sam mà theo điều tra của vua là để đưa đám chôn cất vợ, nhưng xét công lao, vua chỉ truy giáng xuống hàm chánh ngũ phẩm và đoạt lại chức tập ấm của con trai, cho tịch thu tang vật mà ông đã lấy của dân.
Chuyện “lấy công làm tư” kia chắc hẳn không làm lu mờ công nghiệp của một vị quan khai sơn phá thạch vùng biên. Song sử quan nhà Nguyễn lại ghi rất rõ ràng, trong đó người ta thấy tuy Minh Mạng có khắc khe, song “công thưởng tội trừng” rõ nét, không nhập nhằng. 
Suy gẫm chuyện nay. Có một ông tướng công trạng cũng không lấy gì to tát. Nhưng có người tố cáo ông tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước. Vụ án chưa rõ trắng đen thì ông qua đời. Và “sẽ đình chỉ theo điều 107 của Bộ Luật Hình sự”.

Thấy luật nay rõ ràng nhân đạo hơn luật xưa.  Truy cứu làm gì với người đã mất ! Có điều cũng nên làm cho minh bạch, xem ông có tội hay không, nếu không thì phải bồi hoàn danh dự cho ông (và con cháu của ông) chứ !

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Theo dấu… ngựa, ngày xưa.

Ngày xưa, đường bộ ở vùng đất Nam kỳ chưa phát triển, việc vận chuyển đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng. Năm 1792, chúa Nguyễn đắp đường Thiên Lý từ Gia Định về Cái Thia, lập các trạm mục, cấp ngựa cho trạm phu để thực hiện các công việc hỏa tốc vào mùa khô, nhưng mùa mưa họ vẫn sử dụng ghe thuyền để chuyển công văn giấy tờ. Đến khi người Pháp chiếm đất Nam kỳ, thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, mở mang giao thông đường bộ, cùng với các phương tiện cơ giới khác như tàu chạy bằng máy hơi nước, xe lửa...việc dùng ngựa dần dần phổ biến nhưng chỉ trong giới thượng lưu và quan chức, còn người bình dân vẫn thích dùng xe trâu, xe bò.
Bến Tắm Ngựa - Sài Gòn 1909.
1. Sau khi chiếm Định Tường, chính quyền thực dân Pháp bắt dân đắp hai con đường ở phía tây thành Định Tường sử dụng vào việc tuần tra, đề phòng nghĩa quân tập kích. Sau đó hai con đường được mở rộng trải đá, hai bên trồng dừa. Theo mô tả dân gian, chiều chúa nhật các “thầy chú” thường cỡi xe đạp dạo quanh con đường nầy, đặc biệt những ngày lễ lớn, quan Tham biện Chủ tỉnh thường tổ chức đua ngựa. Đường đua thứ nhất dân gian đặt tên là đường Vòng nhỏ (người Pháp ghi là Petit tour d’Inspection – Vòng nhỏ của quan Tham biện). Đường thứ hai là đường Vòng lớn (Grande tour d’Inspection - Vòng lớn của quan Tham biện). Tấm ảnh của nhà chụp hình Nadal ở Sài Gòn chụp khoảng năm 1925 cho thấy hai bên đường Vòng nhỏ đã có hai hàng dừa cao, ước tính trên vài chục năm. Từ đó có thể giả định, con đường nầy được đắp trễ nhất cũng vào khoảng năm 1900.
Lúc bấy giờ, đường Vòng lớn và Vòng nhỏ đều ở ngoài đồng trống. Về sau dân cư phát triển mới trở nên đông đúc. Đường Vòng nhỏ chạy từ đầu đường Địa hạt số 6 (Route local No 6), nay là đường Ấp Bắc, vô ngã tư Hòa Phong  rồi ra tận bờ sông Tiền. Vùng nầy xưa kia thuộc làng Bình Tạo, nhưng trước năm 1945 thuộc ấp Hòa Phong xã Điều Hòa. Khi bắt đầu chỉnh trang đô thị, các làng thuộc TP. Mỹ Tho hiện nay đã bi xáo trộn rất lớn,  đường Vòng nhỏ trở thành ranh giới ba làng Điều Hòa – Bình Đức và Đạo  Thạnh từ ngày 1-1-1933. Đường Vòng nhỏ hiện nay là đường Trần Hưng Đạo, trước năm 1975 mang tên là đường Pasteur. Cung đường còn sót lại ngôi chợ cùng tên: chợ Vòng nhỏ, được lập từ lúc chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dồn dân lập ấp. Hiện nay chợ Vòng nhỏ là một trong những ngôi chợ khá sầm uất của TP.Mỹ Tho.
Đường Vòng lớn cũng chạy từ đường Địa hạt số 6 ra tận tỉnh lộ 25, sát bờ sông Tiền. Đầu đường Vòng lớn có cầu Cống, có lẻ được xây từ lúc mới đắp con đường nầy, hiện nay chỉ còn tên gọi. Địa điểm nầy thuộc làng Trung Lương, nay là xã Trung An. Đường Vòng lớn dài trên hai cây số, cuối đường có kinh Xáng cụt do thực dân Pháp đào từ năm 1935; đến năm 1965, chính quyền Sài Gòn tiếp tục đào để lấy đất xây dựng căn cứ pháo binh, khu gia binh và khu gom dân. Con kinh xuyên qua lộ nên phải bắc cầu sắt, gọi là cầu sắt Bình Tạo. Đường Vòng Lớn hiện nay là quốc lộ 60 đi qua cầu Rạch Miễu sang Bến Tre.
Ở Gò Công cũng có một nơi dành để đua ngựa. Khi chính quyền thực Pháp bắt đầu sửa sang kiến thiết tỉnh thành thì họ cho đào một cái ao lớn hơn 1 ha, bề sâu khoảng 3 mét, vừa để lấy đất làm nền cho các công sở dinh thự, vừa chứa nước cho người dân sử dụng. Mấy năm sau đó, họ đắp một con đường quanh bờ ao, chu vi gần 3 cây số. Lộ này dùng làm đường đua ngựa, gần bên ao có xây khán đài rất cao. Mỗi khi có cuộc lễ hay ngày tết Nguyên đán thì tổ chức mở cuộc đua ngựa chạy quanh đường này. Sau đó thêm các cuộc đua xe đạp để giúp vui, cho nên người dân gọi là ao Trường Đua. Hiện nay khu vực này trở thành công viên ở trung tâm thị xã.
Khi việc sử dụng xe ngựa phổ biến ở vùng Gò Công hơn các địa phương phía tây. Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên trong tập thơ Gò Me đã ghi lại hình ảnh chiếc xe ngựa (có lẻ là xe thổ mộ) ở quê mình:
“Con đê cát đỏ cỏ viền
          Leng keng nhạc ngựa, đường lên chợ Gò
2. Khi xe ngựa phát triển thì có thêm dịch vụ đóng xe ngựa, xén lông, đóng móng...và một vài địa phương đắp đường đi ngựa, hay có những chỗ dành cho ngựa tắm nay còn sót lại địa danh như Bờ Ngựa ở xã Nhị Quí,  Bến Tắm ngựa ở TP. Mỹ Tho.  
Bến Tắm Ngựa nằm ở phường 2 - TP.Mỹ Tho cuối đường Nguyễn Huỳnh Đức, nơi ngày xưa từng là bãi đậu ghe thuyền của giới thương hồ. Chưa biết bến Tắm này hình thành bao giờ, nhưng có lẻ sớm nhất cũng vào khoảng thời gian sau khi Tây chiếm Định Tường, lập trại ngựa, kho chứa cỏ và sử dụng ngựa làm phương tiện đi lại, tuần tra. Cuối thế kỷ 19 ở đây có một bến đò sang Rạch Miễu (Bến Tre), sau đó dời lên đặt tại đầu đường De Castelneau (nay là đường Nam kỳ Khởi nghĩa) trở thành bến bắc Mỹ Tho, nay đã đi vào quá khứ.
 Hồi thực dân Pháp trở lại tái chiếm, rồi Nam bộ kháng chiến, bến Tắm Ngựa có lúc trở thành pháp trường. Bọn lính Tây ruồng bố, bắt được những người tình nghi là Việt Minh thì đem ra bến Tắm Ngựa xử bắn rồi đạp xác xuống sông. Ở khu phố này đã chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của một chiến sĩ Việt Minh tên là Biếu, hy sinh vào năm 1946. Sự kiện được nhà thơ Lương Giang ghi lại trong bài thơ “Cái chết của anh Biếu”: Nó đem lên xe kéo/ Kéo ra bến Tắm Ngựa/ Treo trước ngực đính bài/ Đọc bản án rồi xử/ Bắn anh tôi ngả gục/ Nó xô xuống mé sông/ Chiều về trên Cửu Long/Một buổi chiều vắng lặng...

Bến Tắm Ngựa dừng hoạt động khi Mỹ Tho...không còn xe ngựa. Sau năm 1954, có lúc nơi đây là sào huyệt của các tay anh chị. Du đảng bến Tắm Ngựa đã từng bao vây đánh đoàn hát Thanh Minh tại rạp Viễn Trường và chuốc lấy thất bại vì trong đoàn hát có các diễn viên rất giỏi võ như Văn Ngà, Ba Xây, Ba Nghĩa ...trấn giữ cửa trước cửa rạp.

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Công dân thị xã

Sáng có tin nhắn của người bạn chúc mừng thị trấn Cai Lậy được quyết định công nhận là thị xã. Tin chưa chính thức, lòng còn ngờ ngợ. Tự dưng sau một đêm ngủ dậy trở thành “công dân thị xã”…he…he…Bèn đi tập thể dục thư giãn cho cái sự nửa mừng, nửa lo.
Ra chợ Cai Lậy,  nơi  gọi là khu trung tâm thương mại của huyện, đi một vòng, chợt phát hiện có một tay đi xe tay ga đến đậu bên bờ kinh, thản nhiên ngồi ị. Chợt nghĩ, thị dân mà hành xử như nông dân “ nhứt tắm sông, nhì ị đồng”. Mịa. Chắc hắn cũng không nghĩ và cũng chưa biết mình là công dân thị xã.
Nhưng mà đâu chỉ mình hắn. Còn nhiều thị dân khác vô tư xả rác trên đường, có xe lấy rác nhưng không thèm gom, cứ quét bừa xuống cống cho mưa xuống ngập lụt chơi. Còn nữa, có những công dân ở nhà lầu, ỷ mình trên cao nên vô tư xả rác xuống nóc nhà hàng xóm, có khi ném cả băng vệ sinh phụ nữ…Rồi chửi nhau cho cả xóm cùng nghe, cho thiên hạ biết mình giàu thì muốn làm gì thì làm…Mịa. Thị dân kiểu này thì còn lâu mới mơ tới văn minh đô thị, bởi lẻ không gian đô thị mở rộng nhưng ngược lại văn hóa cư trú lại ngày càng xuống cấp.
Do đó, thay vì người ta chú tâm đến việc chia tách, nâng chỗ này chỗ kia thành thị xã, thành phố thì nên tính đến việc có “Quy chế về chuẩn mực trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt và quản lý ở đô thị“ cho tất cả mọi cá nhân và tổ chức ở thành phố hay thị xã đó.

Ý thức “phi thị dân”  đang chiếm số đông, không làm được việc này thì công dân thị xã chỉ khác nông dân ở chỗ không làm vườn, làm ruộng mà thôi.