Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

"Dĩ bất biến ứng vạn biến"

Có đứa em đang học lớp đại học văn hóa tại chức, thầy bà từ Hà Nội bay vô dạy. Dùng hai chữ thầy bà có vẻ như xúc phạm chứ thật ra là vậy. Em kể, mỗi lần thầy đi máy bay vô phải coi ngày, chỗ thầy tạm nghỉ cũng phải có cái bàn thờ khói hương nghi ngút. Thầy dạy thì ít mà đòi đi chùa, đi miếu thì nhiều. Bài nào thầy cũng nói đến yếu tố tâm linh và phong thủy. Mới đây, thầy ôn thi cho  học viên 72 đề bài để nghiên cứu trước. Câu nào câu nấy đọc lên tá hỏa. Báo hại học viên phải hùn tiền phong bao cho thầy để thầy chốt lại gọn một chút.
Nghe than phiền bèn an ủi đương sự một câu thầy ấy chỉ là đối tượng hành sự ở tầm “vi mô” thôi. Còn vĩ mô thì em thấy đó…tràn lan.
Hàng năm, tới mùa lễ hội, nhiều đoàn người tấp nập đi lễ Đền Trần, Bà Chúa Kho, Bà Chúa Xứ… khấn vái để xin thăng quan tiến chức, tiền tài danh vọng. Mới đây người ta phát hiện nhiều nhà ngoại cảm dỏm giả đủ kiểu, gạt người tìm mộ liệt sĩ lấy tiền.
Lại có nhiều người thuộc một câu kinh câu kệ vẫn rước Phật to đùng về đặt giữa nhà đốt nhang cúng vái hàng ngày để cầu mua may bán đắt, cầu đừng bị bể hụi giựt nợ và cầu cả việc không bị phát hiện những cách làm ăn gian dối, phi pháp…
Nè em. Đời sống tâm linh lành mạnh sẽ hướng con người tới điều Thiện. Nhưng hiện nay, trong nhận thức tâm linh của một bộ phận người trong xã hội đang có điều bất ổn mà hầu hết là lợi dụng để che giấu tính tham lam, ích kỷ, tức cái Ác.

Thói thường gần mực thì đen, khuyên em cần có bản lĩnh không thôi sẽ nhiễm thói hư tật xấu ở đời. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trước mắt ráng mà cúng vái không thôi sẽ thi rớt đấy!

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Chết mày rồi !

Mới sáng thằng nhỏ bảo ký tên dùm vào bảng kiểm điểm của chính hắn. Hỏi tại sao mày làm kiểm điểm. Đương sự bảo, hôm 20-11, không đến dự lễ ở trường nên bị cô giáo bắt làm kiểm điểm
Bèn ký tên thừa nhận hành vi vô kỷ luật của hắn, rồi lên lớp: Chết mày rồi, hồi xưa tới ngày mồng ba Tết hay ngày Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5)  học trò phải tới nhà thầy chúc Tết, có gà đem gà, có gạo đem gạo. Bây giờ mày đi học có ngày 20-11 hẳn hòi mà cũng hổng nhớ, để bị phạt. Đương sự bảo, trong lớp có 25 bạn,  (nghĩa là hơn 2/3 lớp) phải làm kiểm điểm chứ đâu phải….
Con số hắn đưa ra bất chợt giật mình. 
Ờ há ! Hồi xưa việc học hành đâu cho chuyện dạy thêm thu phí, bán điểm buôn bằng, mở sổ vàng quyên góp… thậm chí còn gài nhậu gạ tình. Trên không ngay thì dưới ắt loạn. Hai phần ba lớp của đương sự chỉ bị tội vô kỷ luật (nếu có thông báo bắt buộc) chứ không thể gán vào tội phi đạo đức được.
Ký tên xong mở mạng xem lại không khí ngày Hiến chương nhà giáo các nơi thế nào thì thấy báo đăng vụ sách giáo khoa ra đề toán rùng mình “Em có 5 ngón tay. Em chặt bớt 2 ngón. Hỏi còn mấy ngón?”.
Đây không phải là rùng mình là mà rùng rợn. Mà thôi, chuyện sách giáo khoa viết bá láp cũng không phải sự gì mới mẻ. Xin mạn phép dẫn lời của một ông anh về cái giáo dục 5 chữ R “Có lẽ trên khắp thế giới không có nước nào có ngành giáo dục kỳ quái như Việt Nam hiện nay, một ngành giáo dục liên tiếp xảy ra các vụ cải cách mà càng cải cách thì chất lượng càng rớt, thầy cô càng rối, học sinh càng rên, phụ huynh càng run, xã hội càng rầu.

Chết mày rồi ! mày (và các bạn của mày) sinh ra không gặp thời, con ạ !

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Nghĩ về phận người trong chiến cuộc

Trong bài Vì sao Phạm Xuân Ẩn không bị lộ ? Nhà văn Nguyên Ngọc kể “Tôi có một người bạn từng là bí thư tỉnh ủy một tỉnh nổi tiếng ác liệt trong chiến tranh. Sau 1975 có hôm anh băn khoăn bảo tôi: Chúng ta tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng từng có nhiều con hy sinh trong chiến tranh, là đúng thôi. Nhưng có lẽ cũng đừng làm quá. Còn có hàng triệu bà mẹ khác, có con đi lính cho chính quyền miền Nam và đã ngã xuống. Mình làm quá, các bà mẹ ấy sẽ tủi thân. Mà cũng là những bà mẹ Việt Nam, các mẹ cũng đau khổ, theo cách nào đó thậm chí con đau khổ hơn. Mà các mẹ có tội tình gì đâu ...”http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/150348/vi-sao-pham-xuan-an-khong-bi-lo.html),
Năm ngoái làm quyển sử cho xã Phú An/Cai Lậy nghe một cán bộ binh vận kể câu chuyện như sau: Năm 1970, giặc đóng đồn Phú Hiệp, án ngữ ba xã Phú An, Cẩm Sơn, Hiệp Đức. Ta đánh hoài nhưng không bứng nổi đồn. Binh vận xã Phú An bèn tổ chức đưa một nữ cán bộ vô bót tìm cách tiếp cận, móc nối với đồn trưởng, nhưng bọn lính đồn đã biết chị là Việt cộng nên đã bắt giữ chị, nhốt lại bót qua đêm thay nhau hãm hiếp. Lãnh đạo huyện nghi ngờ khí tiết của chị, sợ lộ đường dây tổ chức, nên chỉ đạo thủ tiêu chị để bịt đầu mối. May thay, người lãnh nhiệm vụ thi hành bản án đã “nhân từ mở ải thả oan gia”, tìm gặp chị, khuyên chị bỏ trốn, tìm nơi khác làm ăn. Sau ngày nước nhà hoà bình thống nhất, chị ấy trở về quê sinh sống trong sự cô đơn và nghèo túng.
Người phụ trách công tác binh vận năm xưa kể lại với một thái độ dè chừng, giấu luôn tên tuổi chị, sợ khơi gợi lại nổi đau của chị hay đụng chạm vấn đề gì khác ?.
Ký ức thời chiến tranh có những chuyện tưởng chừng như giai thoại. Xin mạn phép dẫn lại lời của nhà văn Nguyên Ngọc “Chiến tranh, muốn nói gì thì nói, vẫn là thứ tàn bạo nhất, dã thú nhất, mà cho đến ngày nay loài người, đáng buồn thay, vẫn chưa thoát ra được để hoàn toàn là người”


Và những câu chuyện lịch sử ấy “là để giúp cho con người người hơn, nhân văn hơn, khoan dung, bình tĩnh hơn, minh triết hơn, qua những bài học hay ho hay đắng cay của số phận làm người”.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

TẢN MẠN TÌNH THẦY- TRÒ

Ngày 20-11, định dành một chỗ trang trọng nhất vinh danh các thầy cô giáo mà sao vẫn thấy băn khoăn.
Mấy hôm nay, báo mạng lên tiếng nhiều về vụ bảo mẫu đạp chết bé mới 18 tháng tuổi. Rồi chuyện Công an tỉnh Sóc Trăng ra lệnh tạm giam Hoàng Thị Lệ Hằng về hành vi chứa mại dâm. Bị can 41 tuổi này là giáo viên tiểu học ở TP Sóc Trăng (Ngày 8/11)
Nhớ cách đây 3 năm có vụ học sinh ghi âm lời cô giáo chửi mắng và nhiều người tham gia diễn đàn bình luận phê phán trái chiều, bên này đổ thừa bên kia...
Xem chừng những chuyện tiêu cực liên quan đến thầy cô giáo còn dài dài…Nghe mà nhức đầu.
+
Nhứt quỉ nhì ma thứ ba học trò.
Hồi xưa tụi này vẫn thế. Nhớ hôm họp mặt bạn bè của những 30 trước, có đứa cũng ôn lại những kỉ niệm quỉ quái thuở học trò. Hồi đó ở trường trung học tỉnh hạt Bình Phú có thầy Hồng dạy toán, luôn sử dụng điệp từ “dứt khoát và quan niệm”, và nó cũng là đề tài để lũ học trò nghịch ngợm chế giễu, tất nhiên không dám nói trước mặt thầy. Còn thầy cứ vô tư mà bày tỏ “quan niệm” của mình một cách “dứt khoát”.
Bấy giờ đời sống khó khăn, những lo toan thường ngày cũng len vào tận lớp học. Những câu chuyện của thầy trước khi vào bài học là những chuyện đại loại như mua nhằm xà bông dỏm, định mức cho giáo viên vài thước vải mùng không biết để may quần hay may mùng...thầy không hút thuốc người ta vẫn phân phối cho mấy gói “Hoa mai, Đà lạt”- loại thuốc lá thịnh hành lúc bấy giờ. Có khi thầy khoe vừa mới may cho bà xã được cái áo vải “Tân gia ba” – hàng lậu...Cả lớp nghe, đôi lúc rộ cười vì cách nói của thầy.
Nhớ năm thầy cưới vợ, trong nhóm có thằng “rắn mắt” nói nhỏ “ Á ngộ rồi già mà có vợ”. Thầy nghe được và “quan niệm”: Có sao đâu em, chồng già vợ trẻ là tiên mà ! Tất nhiên cũng không trách phạt đứa học trò câu nào. Vui nhất là lúc cả trường đi lao động: Đào kinh, đắp đập. Nghe thì nặng nhọc nhưng học trò vừa làm vừa chơi, chất lượng chẳng ra sao, nhưng đó là khoảng thời gian thầy trò gắn bó như ruột thịt, lo cho nhau từng ngụm nước.
Bây giờ thiên hạ đổ lỗi cho những tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục là “ Đồng lương không đủ cho giáo viên sống và học tập trau dồi nghề nghiệp, thì họ sẽ phải làm những chuyện mà lương tâm giáo chức không cho phép. Đây cũng là lý do khiến cái “chợ chữ” ở Việt Nam nhiều năm qua xem ra ngày càng bát nháo, bệ rạc và nhiều người bán cũng trở nên thực dụng, tồi tệ một cách đáng thương”.
Tại sao hồi bao cấp đời sống thầy cô giáo (và cả học trò) khó khăn hơn bây giờ nhiều mà quan hệ thầy trò vẫn đẹp ? Có lẻ cần thêm những câu trả lời khác, ngoài việc ra sức Nói Không Với... rất nhiều cái.
Dẫu sao ngày 20-11 vẫn là ngày đẹp, một ngày cần phải vinh danh để nhớ ơn các thầy cô giáo.
Phải không mọi người ?


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Buồn vui... chuyện viết lách

Đã viết, gởi xong 3 bài báo Xuân cho Tết Giáp Ngọ. Tất nhiên có được đăng hay không là quyền ở Tòa soạn, chỉ biết gần Tết mà không viết báo Xuân thì hơn buồn. Vả lại có vài bài báo dịp Tết sẽ có thêm vài hộp bia cho thịnh soạn, còn không thì nhấm rượu đế cũng qua Xuân.
Năm ngoái, viết cho AB 2 bài theo đơn đặt hàng. Nghe nói cả 2 bài đều đã lên khuôn nhưng đến giờ chót tay Phó tổng gỡ xuống với lý do có viết bài cho báo TN. Nghe thấy cũng hơi lạ, nhưng nghĩ lại có lẻ hắn nhỏ nhen với ai đó của tờ báo kia; nên thôi không thèm nhắc, cũng chẳng thèm buồn. Năm nay vẫn cứ gởi, không phải vì tay Phó tổng kia đã điều chuyển sang ngành khác mà vì “nghĩa vụ tình” không viết bài báo cho tỉnh nhà cảm thấy ái náy. Thế thôi !
Lại cũng chuyện viết lách. Có một tay Tiến sĩ quê ở Nhị Qui xưa làm cùng cơ quan có chút tình thân gợi ý giúp cho xã quyển lịch sử. Bèn bảo, Nhị Quí là quê nội của mình, rất sẳn sàng. Thế là đương sự tổ chức buổi gặp mặt giới thiệu với các vị lãnh đạo xã. Đem hết tâm huyết và tư liệu có sẳn ra làm đề cương dài hơn 30 trang gởi xuống theo lời hứa hẹn. Nay gần 3 tháng chẳng nghe phản hồi gì về công trình, cũng có hơn buồn. Nghe đâu còn phải đợi xin ý kiến của ai đó. Nghe xong cười ruồi.
Ghé M.Chung hỏi thăm về vụ tuyển dụng giáo viên. Hắn chơi một hơi mấy câu thơ dạng vỉa hè rồi thổ lộ, có vị lãnh đạo bảo mầy viết nhanh quá. Quyển sách dày mấy trăm trang viết có 6 tháng, nên ngại không dám duyệt cho mày viết tiếp. Lại cười ruồi, nghĩ thầm học trò phổ thông cũng biết giá trị quyển sách nằm ở chỗ hay hay dở, chứ đâu phải ở chỗ tác giả viết nhanh hay chậm. M. Chung biết ý bèn vĩ thanh, tao nói mầy tích cóp tư liệu mấy chục năm mà viết tới 6 tháng e còn hơi chậm.
Không biết có thật hay không nhưng trong lòng thầm cảm ơn rồi chào lui, nói thầm, chuyện viết lách thấy buồn nhiều hơn vui.
Ra khỏi công cơ quan vẫn còn buồn, thôi thì đi nhậu vậy, dẫu biết rằng rượu không có lợi cho sức khỏe!

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Nhớ Chị Năm...


Chị Năm con thứ tư của cô Năm. Cô Năm không có con trai thứ hai. Anh Ba là anh lớn nhất, rồi tới chị Tư tên Lùn (trong giấy tờ ghi là Loan), còn chị Năm có tên cúng cơm là Còng, tên giấy là Phan thị Kim Thu. Chị không đẹp nhưng rất có duyên, cái duyên của người con gái vào thời chín mùi của tuổi dậy thì. Chị hay cười nhưng đôi mắt lúc nào cũng phảng phất nét buồn buồn, chứa đụng một tiền định không hay: má hồng bạc phận. Ai cũng bảo con nhỏ này mai mốt lấy chồng sẽ khổ. Thương chị, có lần tôi bảo mai mốt chị đừng lấy chồng.
Giải phóng được 2 năm, tháng 7 năm 1977, chị mất. 


Nhà của cô Năm bấy giờ làm ở triền viên, cách lộ bốn chừng 2 cây số, có bót 28 do nghĩa quân đóng. Bộ đội và du kích thường ra đó đánh bót hoặc tổ chức phục kích đánh xe. Hướng Cai Lậy, cách khu vườn của cô chừng một cây số có con lộ Chùa (chùa Âm Nhơn) xa hơn một chút có lộ Hòa thượng, vốn là hai con đường bộ đội thường xuyên qua lộ bốn. Mỗi lần qua lộ, họ thường trải ni lông để che dấu chân nên lính nguỵ Sài Gòn khó phát hiện.
Không rõ lúc nào bộ đội ra gài mìn chống tăng ở cánh đồng này. Có lẻ là hồi khoảng năm 1973, lúc hai bên giành dân cắm cờ, lấn đất.
Sau ngày 30-4-1975, mãi mê với chiến thắng, người ta quên mất những quả mìn sót lại.
Chị Năm đi nhổ cỏ mướn cùng em Thao, con bác Ba Sơ, vốn là suôi gia với cô tôi. Họ đạp phải nút khai hỏa nên quả mìn phát nổ. Tiếng nổ cách mấy cây số còn nghe. Dân trong xóm chạy ra, một cái hố bằng miệng đìa. Chị Năm tôi chỉ còn là đống thịt bầy nhầy. Một chân của chị văng xa mấy trăm thước. Cô tôi ôm cái phần đùi lẫn máu và bùn của chị rồi ngất xỉu. Còn em Thao chỉ có gương mặt nám đen vì khói đạn thi thể cũng khôn còn nguyên vẹn. Người ta xúm nhau lượm từng miếng thịt vương vãi trên ruộng lúa, nhưng không rõ của người nào, gom lại để tẩn liệm.
Chính quyền hay tin cử công an huyện xuống điều tra xem có phần tử phản động nào đã gài mìn hại dân. Nhưng người dân trong xóm biết là không phải mìn của kẻ xấu là là mìn chống tăng của bộ đội để sót, họ hè nhau chửi rủa... Hai anh công an sợ quá trốn về huyện.
Tội nghiệp chị tôi, mới hưởng được hai năm hòa bình, không phải đùm túm đi tản cư, chưa kịp có người yêu thì chị đã ra đi với thân thể nát vụn.
Mỗi lần xem TV thấy người ta nói đến việc rà phá bom mìn, tôi lại bùi ngùi nhớ chị.

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Cõi người...

Lâu rồi không đọc thơ, khuya nay vô trang mạng của nhà thơ Lê Minh Quốc thấy ông than thở “một khoảnh khắc trong ngày’ với sự than van bất lực “tìm một bàn tay vỗ về” mà “chỉ gặp bóng trăng khuya… trên vũng lầy đô thị”.
Cái vũng lầy dư dã sự ồn ào của nhân gian nhưng thiếu vắng hai chữ “tình người” , cho nên nhà thơ “chỉ gặp gương mặt đóng hộp/ manequin trên sàn diễn ngoại tình/ những hội nghị hội hè hội diễn thời trang…
Này ông nhà thơ ! Mấy hôm nay thiên hạ đang ồn ào chuyện bác sĩ giết người ném xác xuống sông. Ồn ào vì thi thể nạn nhân chưa tìm được. Nhưng người ta lại im lặng đến tàn nhẫn đối với 6 thi thể trôi sông vô tình gặp được trong lúc đi tìm xác nạn nhân kia.
Những thi thể ấy là người nhưng như đó không phải là…người.
Chia sẻ cùng ông “một kiếp người quạnh quẽ lặng lờ trôi” rồi buông một câu lạnh lùng phải sống cho trọn kiếp người:
“Vòng đời như một chiếc đồng hồ
phải lên giây để bắt đầu sự sống”.
Có lẻ thế gian này có nhiều người phải sống như thế. Cái sự sống mỏi mòn như phận bèo dạt mây trôi tựa như hai câu thơ (không rõ của Phùng Cung hay Phùng Quán):
Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh.