Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

30 NĂM LÀNG QUÊ THẠNH PHÚ

Trở lại Mối Nhíp.

Mối Nhíp là nơi tiếp giáp với xã Mỹ Thành Bắc và xã Tân Hòa (thuộc tỉnh Long An), có người gọi là Mũi Nhíp, có lẻ do nơi tiếp giáp Hai Hạt là một mũi nhọn. Ấp Một xã Thạnh Lộc nằm trên bờ kinh Mối Nhíp là ấp có số dân ít nhất trong xã, nên diện tích bình quân mỗi hộ gần 1 ha ruộng. Ruộng nhiều, năng suất lại cao, mỗi năm thu hoạch đến 16 tấn/ha.

Chợ Thạnh Lộc nằm sát bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, từ khi có cầu bắc qua kinh, ngôi chợ trở thành trung tâm mua bán của các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc...Xung quanh chợ là những dãy phố lầu sầm uất, có hơn 100 hộ mua bán, dù còn danh xưng là chợ xã nhưng ở đây không thiếu các dịch vụ từ chuyện làm đẹp của các bà, các chị đến mua bán điện thoại di động, quay phim, chụp ảnh...

Thạnh Lộc đang hối hả xây dựng. Năm 2009, nhiều công trình quan trọng đã được khởi công và sắp hoàn thành như nâng cấp lộ Kinh 10, xây dựng mới 5 cầu bê tông, xây dựng tuyến dân cư kinh Tám Bì, tuyến đê bao chống lũ kinh Tám Dư, qui hoạch đường ống cung cấp nước sạch cho ấp 4 và ấp 5...Tỉnh lộ 865 - con đường huyết mạch trên tuyến đang thi công nâng cấp trải nhựa. Công trình nầy chậm hơn so với dự kiến do công tác đền bù giải tỏa. Sự chậm trễ đó phần nào đã làm khựng lại cái guồng máy đang phát triển của khu vực. Nhưng dẫu sao, so với năm 1980, mỗi khi đến vùng nầy phải đợi đò mỗi ngày một chuyến, từ huyện lỵ vô Thạnh Lộc phải mất một ngày đi, một ngày về thì nay chỉ cần 30 phút. 

Nhớ lại, năm năm sau ngày chia xã, tôi đón đò về thăm vùng này, Năm ấy, đường tỉnh 865 vừa mới đắp phần nền, nước lũ tràn về vượt qua mặt đường chảy tràn xuống vùng nam kinh Nguyễn Văn Tiếp. Nước về, phía Mối Nhíp đang đắp bờ hàn kinh ngăn lũ, cứu lúa. Cả cánh đồng phía nam kinh Nguyễn Văn Tiếp lúa chỉ còn chút bông ló lên mặt nước, mọi người hối hả đổ ra đồng, lặn xuống nước cắt ngầm từng bó chất lên xuồng. Phía Tân Hòa sợ nước ứ lại không cho đắp bờ bao, du kích hai giáp ranh xách súng ra bắn thị uy đe dọa.

Ông Chín Thợ Rèn, tên Phước năm ấy đã 72 tuổi, bà con gọi ông là Phước Búa thầu, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm và vui tính. Ông thuộc thế hệ cuối cùng những người đàn ông ăn trầu và cũng là những người thợ rèn cuối cùng của vùng này còn biết nghề rèn lưỡi hái cắt lúa.

Ông thợ rèn già vừa rèn lưỡi hái cho bà con cắt  lúa chạy lũ vừa kể chuyện đắp cản hàn kinh hồi trào Việt Minh ở Kinh Gãy. Không phải đắp đập ngăn lũ mà là ngăn tàu giặc. Cả ngàn người tới, dùng ghe chở đất, đục đáy ghe nhận chìm, xóc tràm, tre…rồi trồng chuối lên để nghi trang. Giặc vô dùng bom mìn đánh phá, giải tỏa lòng kinh, có lần chúng đánh sập đập nước, Việt Minh đánh mõ huy động cả ngàn người tới đắp lại. Bấy giờ mọi người đoàn kết lắm. Xóm giềng có gây lộn thì tổ chức họp kiểm điểm, bắt tay nhau thề không gây nữa. Ngày Tết mấy anh em bơi xuồng xin quà, gạo, bánh mứt của các gia đình khá giả chia cho dân nghèo ăn Tết. Thời kháng Pháp dân ở hai bên bờ kinh Gãy khá đông, mỗi chiều tập trung ở nhà ngói ông Cả Mùi đẻo súng cây tập lính. Lò rèn nhà ông tổ chức sản xuất lựu đạn gang, mã tấu cung cấp cho Việt Minh.

Năm 1958, địch cào nhà gom dân, ông chạy ra Bình Phú ở được một năm rồi cũng trở về xóm cũ, mấy đứa con khuyên ông đi ra vùng tạm chiến, ông dạy, theo chúa nào thì phò chúa nấy, đã theo Cộng sản thì thờ Cộng sản, không được phản. Tới Đồng khởi, năm 1960, ông Hai Bộ bàn chế súng ngựa trời bằng ống tuýp sườn xe đạp, dùng miểng chai, sắt vụn dồn vào họng súng, có cò vỗ, lấy diêm sanh làm chất nổ. Đem đi bắn thử, súng nổ ngang hông, văng miểng bị thương người bắn, đặt tên ngựa trời cái. Cho nên có súng mà không dám bắn, chủ yếu là để gợi tò mò, lúc nào cũng được bó lại, nửa kín nửa hở...

Bấy giờ Mối Nhíp là tam giác hoang vu, căn cứ cách mạng vào những năm đen tối thời Ngô Đình Diệm. Những nông dân như ông Hai Kim, Hai Thì, chị Hai Nông dân sáng chiều lui tới vườn trâm bầu đem cơm nước nuôi "Việt cộng nằm vùng". Tới những ngày đồng khởi 1960, họ rủ nhau rần rần kéo ra kinh Mười, qua bót giặc, hù dọa “chết tụi bây rồi, bộ đội mang súng ngựa trời về”, tự dưng đám làng lính hốt hoảng bỏ chạy. Hóa ra cây súng ngựa trời bên nào cũng sợ.

…Trở về thăm Thạnh Lộc lần này, nhắc lại chuyện cũ, ít người nhớ ông Chín Búa Thầu, ông Hai Bộ. Mấy anh ở Ủy Ban xã cũng không nhớ ngày xã mình thành lập, nên không nghĩ tới chuyện tổ chức lễ kỉ niệm. Dân vùng Đồng Tháp Mười là vậy. Vô tư. Lặng lẽ. Thạnh Lộc không tổng kết 30 năm thành lập và phát triển, song cái ấp nghèo nhất xã hồi năm 1979 bên bờ kinh Mối Nhíp nay xây dựng ấp văn hóa với thu nhập bình quân đầu người hơn 6 triệu đồng/năm, có lẻ đó là bản tổng kết sinh động nhất. Bê tông hóa đường đi, dọn dẹp tu chỉnh cảnh quang cho đẹp, song cũng nên bảo tồn khu vườn trâm bầu ở vuông Bộ Phước, nhắc nhỡ những ai đã từng ở đó đừng quên, và con cháu mai sau có chỗ để về nguồn.

Ký ức Trấp Bèo.

Nằm trong cái vạt đất trủng rất đặc trưng của Đồng Tháp Mười kéo dài từ ấp 6 đến ấp 5 B xã Phú Cường, hồi chưa chia xã Thạnh Phú khu vực Trấp Bèo là cánh đồng đầy năn kim làm lúa một vụ. Nghe nói lúc mới có kinh Tổng Đốc Lộc là đã có người tới cất nhà làm ruộng.

Nhắc lại chút lịch sử, năm 1895, Trần Bá Lộc đã ngó tới vùng Đồng Tháp Mười bèn bắt dân vùng Cái Bè, Cai Lậy đào một con kinh từ Rạch Ruộng đến Bà Bèo. Dân gian lưu truyền, khi phóng kinh, Lộc ngồi trên chiếc ghe lườn trải chiếu bông, bắt dân kéo theo tầm ngắm ống dòm, rồi căn cứ vào vết ghe lướt qua vùng sậy đế đưng lác mà cắm bông tiêu, chia đoạn mà đào. Kinh được đào tay bề ngang khoảng 3 thước, dài 47 cây số. Hồi đó dân phu đào kinh bị chết rất nhiều, do thiếu nước ngọt và dịch bệnh kiết lỵ. Mục đích của Lộc là chiếm đất, khai thác vùng Thiên Hộ, Phụng Thớt. Cho nên sau khi thành khoảnh, đất đai được giao cho cháu nội hắn là Trần Bá Trình, tục gọi là cậu Mười Bảy chết trẻ lúc 30 tuổi, địa chủ lập phủ thờ ở Ngả Sáu- Cái Bè. Kinh Tổng Đốc Lộc khánh thành vào tháng 07-1897, từ năm 1918 đến 1924, thực dân Pháp đã nhiều lần dùng xáng múc cải tạo lại nên còn gọi là kinh Xáng. Năm 1947, kinh Tổng Đốc Lộc được Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Mỹ Tho đổi tên là kinh Nguyễn Văn Tiếp.

Gia đình bác Bảy Võ Văn Khánh là một trong những nông dân đầu tiên lập nghiệp phía bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp. Năm năm sau ngày lập xã, bác Bảy Khánh đã bước và tuổi cổ lai hy, gầy, tóc hoa râm, mặt xương, má hóp khắc khổ. Qua hai đời định cư mà nhà cửa còn đơn sơ, mái lợp tôn. Tiện nghi quí giá nhất là cái tivi đen trắng 12 inch, chạy bằng ắc qui.

Hồi ông còn nhỏ, rạch Trấp Bèo còn là đường mương dẫn vô bưng Sình Chạy, sen mọc bạt ngàn. Ông kể, chỗ lung Thị Ngoãn có một cây cột to, bọn trẻ thường ra lung bắt cá, ôm cột đùa giỡn, người xưa bảo là cột buồm, nhiều năm trước vẫn còn nguyên ròng rọc, nhưng không ai quả quyết. Có lẻ tiềm thức Đồng Tháp Mười vốn là biển cả vẫn còn hằn sâu trong ký ức qua nhiều thế hệ.

Xưa ở bưng ở trấp rùa rất nhiều, đốt đồng bắt rùa vui nhứt. Đỉa thì khỏi phải nói, lội lềnh đen nước. Chuột cũng nhiều vô kể, có năm chuột chuyển đồng đến 1 -2 tiếng, lội rạp đưng năn, bắt không hết. Kinh nghiệm của người xưa nơi nào năn kim mọc nhiều thì nơi đó phèn nặng khó có thể cấy lúa, cho nên khẩn ruộng chỉ chọn nơi có sen mọc nhiều. Lúc ông còn nhỏ vùng này đã cấy lúa, thân phụ ông vốn là bầu vạn cấy. Lúa cấy vào tháng bảy âm lịch, các giống Gan đá, Nàng lai, cao giàn vượt nước, chỗ nào thấp hoặc năm nước lụt thì sạ Trường hưng, nàng Tri vượt nước. Nguồn sống hồi đó chủ yếu làm ruộng, lấy đưng, đốn tràm và bắt cá. Gà đãy nhiều, hồi nhỏ thấy gà đãy rất sợ. Gà vô tới nhà rình bắt heo con. Xa xa phía trong lung là một gò đất cao, gọi là sân heo. Ông bà xưa kể mỗi chiều về heo rừng tụ tập đông, chúng kêu nghe rợn óc. Chỗ Cống chùa có cây kè lớn, bên dưới có một cái miếu hoang sập hư, nghe nói thờ “những người tiền chủ ”, ông Sáu Dần làm ruộng gần đó, một đêm nằm chiêm bao thấy họ về, sợ quá nên sửa miếu lại. Qua mấy năm chiến tranh cây kè vẫn còn, miếu sập lâu rồi.  

 Trước năm ông Công an Bảy bị xử máy chém, bác Bảy còn bám trụ làm ruộng. Mấy năm sau tụi lính khu trù mật lên bán phá quá, ông bỏ ruộng tản cư. Năm 1975, ông trở về điên điển mọc thành rừng, sậy đế cao khỏi đầu, thưa thớt chỉ có vài ba ngôi  nhà.

+

Nhờ mở rộng các con kinh sườn, nước phèn được đưa ra sông lớn nhanh chóng, vùng đất ven kinh Nguyễn Văn Tiếp bây giờ trở nên trù phú, song nó cũng trải qua không ít thăng trầm thời cuộc. Có những chuyện nhắc lại như một kỉ niệm buồn.

Năm 1981, sau khi có tỉnh lộ 865, khu vực Trấp Bèo được Đội 4 – Nông trường Ấp Bắc khai phá trồng lúa. Nhưng lúa sạ tốt tươi được vài tuần lễ thì lụn dần do “phèn dậy”. Vài năm sau, một hệ thống kinh 26 tháng 3, kinh Trấp Bèo, Cống Chùa, Cống Kho…được xẻ rộng nối kinh Nguyễn Văn Tiếp và Hai Hạt. Trong lúc đào kinh xẻ cống thì phát hiện lớp than bùn tiềm ẩn trong lòng đất. Bấy giờ huyện là đơn vị kinh tế kỹ thuật theo cơ cấu nông công nghiệp vì vậy một xí nghiệp khai thác than bùn của huyện nhanh chóng mọc lên. Nhưng rồi sản phẩm than chẳng ra than, bùn chẳng ra bùn ấy bán không ai mua nên xí nghiệp Than bùn nhanh chóng chết yểu. Tuy nhiên cái được là hiệu quả của các con kinh đào. Nó giúp xả phèn nhanh chóng, ít năm sau, đội 4-Nông trường Ấp Bắc khoán đất lại cho dân, việc khai thác diễn ra nhanh hơn dự tính, chưa đầy 10 năm đã trồng được lúa 1 vụ, rồi 2 vụ và hiện nay là 3 vụ với năng suất bình quân hơn 6 tấn/ ha/vụ. Vài năm nay, vùng đất nầy xen canh thêm dưa hấu. Một cái chợ Dưa tự phát mọc lên đối diện trụ sở Ủy ban xã nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán. Xe tải các nơi đến đậu xếp hàng chờ lấy dưa chở về Sài Gòn, ra tận miền Bắc để xuất khẩu. Thật khó có thể hình dung Đồng Tháp Mười quanh năm phèn mặn ngày xưa nay lại có dưa hấu bán tận bên Tàu.

Chỗ xí nghiệp Than bùn bây giờ là Trung tâm nông sản Phú Cường, thành lập năm 2002, với diện tích hơn 32 ha, bình thường trông có vẻ lặng lẽ, nhưng vào vụ thì nhộn nhịp với các hoạt động xay xát, chế biến và kinh doanh gạo xuất khẩu và nội địa... Ở đây còn có dịch vụ  phơi, sấy, bảo quản, gia công xay xát lúa, lau bóng gạo, sấy cám, môi giới mua bán lúa gạo cho nông dân, thông tin giá cả, thị trường nông sản, hàng hóa; kinh doanh dịch vụ xăng dầu, vật tư nông nghiệp, cho thuê kho bãi....Trung tâm thu hút một lượng lớn tàu ghe từ Long An, Đồng Tháp đến mua bán trao đổi lúa gạo... Người dân Phú Cường hiện tại không chỉ có dưa, có lúa mà còn có thêm công ăn việc làm khác từ các dịch vụ của Trung tâm lúa gạo và chợ Dưa theo mùa.

30 năm, dấu vết Trấp Bèo không còn. Những cái tên Sân Heo, bưng Sình Chạy, lung Thị Ngoãn càng lùi xa vào quá khứ khi mọi ngỏ ngách trong xóm ấp đều được bê tông hóa. Phú Cường - ước vọng giàu - mạnh của người dân đang dần trở thành hiện thực sau hơn một phần tư thế kỷ.


Mùa Áp thấp-2009

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

XÓM RẠCH TRẮC

Xóm ấy cùng tên với con rạch dài hơn 3 ngàn thước, nối vào Kinh xáng Ngang, kinh Lacour và kinh Kháng chiến, vàm rạch đổ ra kinh 12, nằm trọn trong xã Mỹ Phước Tây. Cái tên Rạch Trắc không biết có tự bao giờ, song trước năm 1945, địa danh hành chánh ấp Rạch Trắc đã có và hơn nửa thế kỷ qua chưa hề thay tên đổi họ.
Ấp Rạch Trắc bây giờ là trung tâm xã bởi khu vực hành chính xã đóng trên địa bàn. Cách đây mươi năm, xóm này nổi tiếng với những chiếc cầu khỉ bắc qua các con kinh nhỏ, bây giờ thay thế toàn bộ bằng bê tông. Các con đường vô xóm cũng được lót bê tông, vài khúc quanh uốn lượn, mềm mại như những đường cong trên cơ thể thiếu nữ tuổi dậy thì.

+
Ngược dòng lịch sử, cái xóm nhỏ có cái tên khó truy nguồn gốc này xưa thuộc làng Mỹ Hạnh Tây, còn tại sao gọi là Rạch Trắc thì đành chịu, bởi lẻ vùng Đồng Tháp Mười nước trủng phèn chua quanh năm là gì có cây trắc, có lẻ là Trấp, lâu ngày bị nói trại đi chăng ?. Thảm thực vật đặc trưng còn sót lại với nhiều chủng loại: cà na, tràm, bình bát, chòi mòi và cây mua tím. Đó đây trong xóm còn vài liếp sậy mọc hoang. Nước lũ chưa về mà sậy đã ra bông, nhớ câu ca dao “gió đưa bông sậy”, hoài niệm thuở hoang vu.
Theo thư tịch, thôn Mỹ Hạnh Tây, vào năm 1808 thuộc tổng Kiến Lợi, đến năm 1836 lại thuộc tổng  Lợi Trinh. Ngày 13-12-1913, thôn Mỹ Hạnh Tây nhập với thôn Long Phước thành Mỹ Phước Tây, thuộc tổng  Lợi Trinh, quận Cai Lậy. Thôn Long Phước nguyên thủy là thôn đồn điền, một dạng nông trường khai hoang, có tính chất bán quân sự  thời nhà Nguyễn do Cai đội Phạm Văn Huy lập. Ngày 29 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) thành lập tổng Lợi Thạnh ở phía bắc gồm các thôn Giai Thạnh, Phú Lợi, Giai Thành, Phú Đa, Long Phước. Địa bạ Minh mạng ghi “Long Phước có diện tích khai thác 300 mẫu toàn công điền, bổn thôn đồng canh”.  Khi Pháp chiếm Định Tường, toàn bộ dân đồn điền tham gia kháng chiến, các thôn tan rã, chỉ còn duy nhất một thôn Long Phước nhập vào  làng Mỹ Hạnh Tây. Các thôn đồn điền mới lập, chưa xây dựng đầy đủ các thiết chế văn hóa, cho nên vùng này duy nhất chỉ có ngôi đình làng Mỹ Hạnh Tây được sắc phong. Đình nằm trên xóm Rạch Trắc, dân gian quen gọi là đình Rạch Trắc.
Hồi năm khoảng 1915, rạch Trắc rất cong queo. Năm 1910 chùa Khánh Long khai sơn. Đất lở đe dọa cả đình Rạch Trắc. Có người chỉ vẽ phải dựng tấm bia “Thái sơn thạch cẩm đương” để ngăn “bà Thuỷ”. Các sư trụ trì bèn nhờ một người Hoa tìm tấm đá khắc bia. Nhận tiền cọc xong, không biết có ai mách bảo làm tấm bia đó thì sẽ bị “bà Thủy” bắt. Ông ta hoảng hốt trả lại tiền, từ chối việc khắc bia.
Bấy giờ trong xóm có một vị kinh sư tên Trọng nhận lời khắc tấm bia ấy. Ông mua một miếng đá dùng để làm bia mộ viết 5 chữ “Thái sơn thạch cảm đương” lên đó rồi chạm khắc. Tấm bia được dựng trước mé sông, trước khúc vịnh thường xuyên bị lở. Vài năm sau, người Pháp cải tạo rạch Ba Rài và đào kinh Lacour, rạch Trắc cũng được nắn lại, dòng chảy thay đổi. Chỗ bị lở triền miền trước kia nay trở thành khúc sông bồi. Thiên hạ bắt đầu tin sự linh nghiệm của tấm bia trấn thuỷ. Về phần thầy Trọng, ít lâu sau, có người mời ông lên Cái Bè làm đám tuần thất. Xuồng ông bơi đến đoạn sông Hòa Khánh, gần miễu Cậu thì bị gió thổi bay cái kho. Vì tiếc của, ông nhào ra vớt chiếc kho lên, xuồng lật, hai người chết chìm. Riêng ông thì trôi mất xác. Cái chết của thầy Trọng khiến cho lời đồn về sự linh nghiệm của “bà Thủy” càng thêm giá trị.
Tấm bia “thái sơn thạch cảm đương” đứng vững mãi đến sau năm 1975, rồi sau đó các công trình thuỷ lợi để xả phèn phía sông Cũ -  Ba Rài làm dòng chảy mạnh hơn, nước xoáy, đất lở, bia sụp đổ, rớt xuống lòng rạch. Niềm tin về sự linh nghiệm của bùa trấn thủy lung lay rồi đi vào dĩ vãng. Số phận ngôi đình làng cũng chẳng hay ho gì. Giai đoạn đầu chín năm kháng chiến, đình phải dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến, không cho giặc đóng bót. Riêng nền đình cũ, sau năm 1976, được trưng dụng làm xí nghiệp gỗ. Người dân đem đạo sắc thần Thành hoàng về nhà cất giữ. Đồ tự khí giữ được từ hồi tiêu thổ kháng chiến dần dần bị thất lạc, duy chỉ có tấm bảng gỗ viết chữ Thần còn giữ nhưng cũng mối mọt gậm nhấm. Người dân địa phương vẫn theo tập quán tín ngưỡng tổ chức cúng bái hàng năm tại ngôi chùa. Tuy nhiên tổ chức khi cúng đình phải cúng mặn nên nảy sinh nhiều điều bất cập.
Mươi năm sau, lỗ lã triền miên, xưởng cưa bị giải tán còn trơ lại nền đất đìu hiu. Một ông già xóm rạch Trắc khác thấy mủi lòng bèn đệ đơn lên tới tỉnh xin cất lại ngôi đình. Đã mấy mùa sậy ra bông, mà chuyện cất đình vẫn chưa được chấp thuận. Dân Rạch Trắc nghe theo ông lặng lẽ gom góp tiền xây cất, đem sắc Thần về thờ cúng. Chính quyền địa phương mặc nhận, bởi lẻ dù gì ông cũng là cách mạng tiền bối, bậc “khai quốc công thần”, đã từng ra tay đốt đình để tiêu thổ kháng chiến.

Tấm bia “thái sơn thạch cảm đương” được Ban khánh tiết đình vớt lên, dù chẳng còn linh nghiệm. Nó đã đi qua một vòng quay lịch sử, lặp đi lặp lại như con nước lớn ròng hai lượt.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

KÝ ỨC MỘT DÒNG SÔNG




Bút ký

Đối với những ai mới đến lần đầu mới cảm nhận cái không khí cuối năm ở vùng nầy thật lạ. Một chút se lạnh đủ để người già khoác thêm chiếc áo ngoài, để nhận biết năm cũ sắp qua. Nắng đã lên nhưng sương mù vẫn còn bàng bạc, lơ lửng trên dòng nước đục lờ - cái thứ nước bùn được chắt từ trên ruộng xuống. Bây giờ người ta sạ dề, nguyên cánh đồng được bơm cùng lúc, ào ạt nên nó có vẻ đặc quánh và tanh tưởi mùi cá chết. Đó là cái rất đặc trưng mùi, quen thuộc, không có nó sẽ thiếu đi sinh khí của ruộng đồng.
Đường vào xóm Cống Huế được trải bê tông phẳng phiu, nó lượn lờ uốn theo con rạch dù nhiều lần cải tạo vẫn không xóa hết dấu vết do thiên nhiên tạo tác. Nghe nói đó là con rạch do voi đi mà hình thành, nối từ sông Cũ chảy về cánh đồng phía nam đến xã Tân Hội – nơi có những xóm dân cư có những cái tên rất hình khối: xóm Vuông, xóm Dĩa, xóm Dài…Khó có thể hình dung thuở hoang sơ, cảnh vật đôi bờ như thế nào, chứ bây giờ thì nhà cửa san sát, nhiều nhà tường mái ngói. Hai bên đường nhiều quán cóc, biểu hiện sự chuyển đổi lao động nông nhàn, trước đây sau vụ mùa người ta thường tập trung đươn đệm nhiều hơn là làm nghề khác; “Về Mỹ Hạnh Đông nghe tiếng giã bàng” bây giờ chỉ còn trong ký ức.
 Nhà bác Sáu Lê Quang Hanh nằm trên bờ rạch. Ngôi nhà do con cháu Việt kiều về cất nên khá khang trang, đầy đủ tiện nghi. Một cái sân kiểng rộng đằng sau cửa ngỏ với hàng kiểng uốn theo lối xưa tam cang ngũ thường đủ để thấy chủ nhân của nó là một người mực thước.
 Bác Hanh năm nay đã ngoại tám mươi, thuộc hàng điệt lão thượng thọ nhưng còn rất minh mẫn. Cho nên sẽ không ngoa khi nói rằng ông là cây cổ thụ cn sót lại của xóm Cống Huế, và hơn ai hết, sông Cũ trong ông vẫn đầy ắp bao điều trăn trở. Ông nói, vị tiền hiền khai khẩn làng Mỹ Hạnh Đông là ông Lê Quang Hiền, tức ông tổ của ông, người sống cách ông đến 4 đời. Nghe ông nội kể lại, ông vốn là người ở miền ngoài vào vùng Tân Hội định cư. Năm ông vào đây khẩn đất cũng chỉ khẩn được có 300 mẫu. Đất nầy thuộc cơi ba, là đất bưng phèn nên rất xấu, vả lại không có nhơn công nên không dám khẩn nhiều. Nhưng người xưa bảo “nhứt ruộng sâu, nhì trâu nái” nên cố gắng trụ lại. Nhờ vậy mà mới có cơ ngơi ngày nay. Từ miệt đất giồng Tân Hội vốn là nơi cư trú lý tưởng thời trước, muốn vào vùng Đồng Tháp Mười nầy phải bơi xuồng len lỏi qua những con rạch ngoằn nghèo, hai bên cây cối rậm rạp, đồng rộng mênh mông chỉ có năn lác, vài cụm tràm và cây cà na, có khi cả ngày mới đến được chỗ đất được chọn, cắm bông tiêu mà khai phá. Đội quân tiên phong khai phá vùng nầy có khi không phải định cư, chỉ cất tạm những căn chòi nhỏ, tránh nắng, đụt mưa, xong mùa vụ thì rút quân về. Cái tên Xóm Chòi nổi tiếng ở Mỹ Hạnh Trung còn lưu lại đến ngày nay. Từ Tân Hội vô xóm Huế hiện nay chỉ mất vài mươi phút phóng xe gắn máy trên đường trải bê tông nên khó có thể hình dung cái gian nan thuở trước.

Tại sao gọi là cống Huế ? Ông Hanh kể, sau nhóm người khai phá đầu tiên thì có mươi gia đình người Huế đến sinh sống ở vàm rạch nên mới gọi nơi đây là cống xóm Huế. Hiện tại thì vàm cống Huế đổ ra sông Cũ, nhưng ngày xưa chỗ nầy là một cái bưng rộng, không rõ tên, là nơi bắt nguồn của con rạch. Người đi khai hoang phải “trở đầu” dòng nước bằng cách đào một cái cống ăn thông với sông Cũ rồi dẫn nước ngược về phía nam ra các xã Mỹ Hạnh Trung, Tân Hội. Và nhờ đó người ta vô xóm, vô ruộng dể dàng nhanh chóng hơn bằng con đường Ba Rài –Sông Cũ.
Ba trăm năm qua, thật khó mà hình dung vùng đất nằm ở lòng chảo Đồng Tháp Mười nầy xưa có bộ dạng như thế nào. Lần giở thư tịch, sách Gia Định thành thông chí có nói đến đoạn sông đào này, gọi là Tranh Giang tân kinh - con kinh mới của sông Tranh hay còn gọi là rạch Chanh, còn kêu là sông Cũ vì lẻ nó được đào trước khi người mới đến ở. Hổng lẻ dân làng nầy đã có một lần xiêu tán. Nghe Hanh nhắc đến tục cúng xiêu mồ lạc mả mà nổi băn khoăn được giải tỏa phần nào nhưng để khẳng định thì phải tìm thêm tư liệu chứng minh.
Sông Cũ dài gần 25 cây số tính từ vàm La-cua đến ngọn rạch Chanh. Theo thư tịch, con sông này do Đô uý Đặng Văn Trấn (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép là Nguyễn Trấn) chỉ huy đào vào khoảng năm 1785. Ba trăm năm là khoảng thời gian không ngắn. Chuyện lịch sử nếu không có tư liệu thành văn thì cũng khó mà khẳng định được điều gì, nên chăng nhắc lại vài sự kiện: năm 1776, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh quân chúa Nguyễn ở Gia Định, Duệ tông Phước Thuần sai Tống Phước Hiệp từ Bình Khang vào cứu viện, lại sai Đỗ Thanh Nhơn mộ quân cần vương. Đỗ Thanh Nhơn chiêu mộ được Huỳnh Đức, Trần Búa, Đỗ Hoành, Đỗ Ky, Võ Nhàn, Đỗ Bảng và 3.000 người từ Ba Giồng, tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân kéo về Sài Gòn đánh Nguyễn Lữ. Lữ chạy về Quy Nhơn. Năm sau, năm 1777 khi Nguyễn Huệ vào Gia Định, Duệ tông Phước Thuần thua trận, chạy tới rạch Chanh thì Ánh đã đem 4.000 quân Đông Sơn tới ứng viện. Rạch Chanh bấy giờ chưa có sông Cũ nối qua, nhưng có lẻ lớp người đi trước phải bỏ làng xiêu tán vì trận đánh nầy. Nơi phát tích của Đông Sơn là Gò Lũy (Nhị Bình), chỉ cách vùng sông Cũ chừng hơn chục cây số theo đường chim bay.  
Năm 1781, sau khi Nguyễn Ánh giết Đỗ Thanh Nhơn thì thuộc tướng Đông Sơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng trở về chiếm giữ Ba Giồng làm phản. Đầu năm 1785 Nguyễn Huệ đem quân vào phá tan quân Xiêm ở Rạch Gầm, Nguyễn Ánh lại chạy qua Xiêm. Nguyễn Huệ rút quân về, để Đô úy Đặng Trấn ở lại giữ Gia Định,  Ngài Đô uý nầy đã lo xa cho đào sông bao chặn phía bắc vùng Nhị Bình, Gò Luỹ tạo thế bao vây đám tàn quân Đông Sơn đang đóng tại Gò Lũy thời bấy giờ, mặc dù Đông Sơn sau cái chết của Đỗ Thanh Nhơn thì chỉ còn là nhóm võ biền phiến loạn. Nhưng dù sao đây cũng là công trình hiếm hoi và duy nhất mà nhà Tây Sơn để lại ở đất Nam bộ nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng trong lịch sử.
Lan man đôi điều trong sách vở để đi tới giả định rằng, có sông Cũ làng xã ở khu vực này mới định hình. Làng xã miền Nam là thường tập trung ở ven rạch, ven sông, nơi có điều kiện sản xuất và lưu thông. Cho nên các xã xung quanh Sông Cũ chỉ mới hình thành sau năm 1785 đến đầu thế kỷ 19. Ông Lê Quang Hiền có lẻ là người tiên phong, nhưng ít nhất cũng đến khi cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh ngã ngũ. Có ai đó quan tâm tới công lao mở đất và thành quả khai thác Đồng Tháp Mười của tiền nhân cũng nên lập một tấm bia hay cái gì đó ghi công ngài Đặng Trấn.
+
Đình làng Mỹ Hạnh Đông nằm ở vàm Cống Huế. Người xưa đặt tên ấp là Bình -Lương - Phú - Hội, thì ngôi đình đặt trên ấp Mỹ Phú với ước vọng giàu có. Năm 1945, khi giặc Tây tái chiếm, ngôi đình phải dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến. Nền đình bây giờ được sử dụng làm chợ, một cái chợ điều hiu không phát triển vì dân làng còn kiêng sợ nền đất thiêng, không dám vào mua bán. Ông Hanh đem 6 đạo sắc phong của làng Mỹ Hạnh về nhà cất kỹ, hàng đêm đốt nhang cúng vái, trong lòng đau đáu ước mong xin được cất lại đình để bảo tồn di sản tiền nhân:
“Sắc Mỹ Hạnh Bảo An Thành hoàng chi thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh tổ Nhân hoàng đế Ngũ tuần đại Khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu Đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng Cảnh mạng miễn niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chánh trực chi thần. Nhưng chuẩn Kiến Đăng huyện Mỹ Hạnh Đông thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai !
Thiệu Trị ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập thất nhật.
Đây là nguyên văn của một trong 6 đạo sắc nhà Nguyễn ban cho làng Mỹ Hạnh, nó nhắc lại, trước khi dân làng chia ra ba làng Đông – Trung – Tây, làng Mỹ Hạnh Đông là một làng lớn chi phối. Đạo sắc nầy được phong tặng vào ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ năm (tức 25-12-1845), sau khi làng xã đã chia, riêng làng Mỹ Hạnh Đông thì nhận đến 6 lá, Mỹ Hạnh Tây, Mỹ Hạnh Trung mỗi làng nhận 2 lá.  Phân tích đôi điều về lịch sử thông qua đạo sắc, ông Hanh rưng rưng nước mắt, bây giờ tôi đã khá giả hơn trước nhiều, lại có con cháu làm việc ở nước ngoài cứ gởi tiền về luôn, bỏ ra vài trăm triệu để cất lại ngôi đình không khó. Nhưng mà...khó xin phép quá !
Thiệt là cái cảnh người giàu cũng khóc. Giàu mà làm gì khi ôm đống vàng mà nửa đêm cứ giật mình thảng thốt: ta là ai, ta từ đâu đến ? Tiếc là những người như ông Hanh bây giờ không còn nhiều.
Hồi năm 1915, khi mới đào đoạn kinh nối từ eo Mỹ Hạnh Trung với kinh Tổng Đốc Lộc (tức kinh Nguyễn văn Tiếp ngày nay) mà Tây gọi là La-Cua thì đất đai sông Cũ còn đậm màu sắc, phong thổ của vùng Đồng Tháp Mười. Những cái tên Láng Biển, bưng Bồn bồn, bưng năn, đìa Rái, đìa Cần Bẩy…còn lưu lại đến nay không phải không phản ánh cái hiện trạng đất đai thời bấy giờ. Láng Biển là tên gọi của một lòng chảo khoảng vài ba chục mẫu tây còn sót lại do quá trình bồi đắp không đồng đều của phù sa mà chưa có bàn tay con người tác động vào. Thuở đó, mùa khô, láng Biển như một “phồn” trâu lớn toàn sình là sình. Đến mùa mưa, nước đọng lại mênh mông, các loại sen, súng, năn, lác phát lên điểm tô mặt nước. Chim trời về tụ hội, nhiều nhất là con gà đãy, một giống chim đã biệt dạng ở vùng nầy từ hơn năm mươi năm trước.  
Bưng bồn bồn  hẹp hơn, xưa mọc đầy rau bồn bồn. Loại cây họ rái, sống trên đầm lầy, hái về làm dưa chua, nấu canh hoặc ăn sống với mắm kho, bây giờ trở thành món ăn đặc sản của các nhà hàng sang trọng.  Những kẻ thừa đạm dư mỡ tìm đến món dân dã nầy, có khi để vỗ ngực xưng tên rằng ta không quên bản sắc quê hương, rồi mị rằng đi đâu vẫn nhớ mùi bông súng mắm kho. Họ không biết rằng bưng Bồn Bồn hiện tại chỉ còn lại cái tên, cũng như sông Cũ nằm trong ký ức ông Hanh chỉ là cái nền đình và vài cây cà na còn sót lại.
Lịch sử giống như dòng sông miên man chảy, mang trên mình chuyện dâu bể trăm năm. Sông không nhớ mà con người thì quá nhiều cái sự vô tình và bất nghĩa. Sông không trách nhưng ghét con người hay mị, mượn danh nầy nọ mà tô son trát phấn cái nhân cách đã hao mòn, huỷ hoại.

---o0o---