Ngày xưa, đường bộ ở vùng đất Nam kỳ chưa phát triển, việc vận
chuyển đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng. Năm 1792, chúa Nguyễn đắp đường Thiên Lý
từ Gia Định về Cái Thia, lập các trạm mục, cấp ngựa cho trạm phu để thực hiện các
công việc hỏa tốc vào mùa khô, nhưng mùa mưa họ vẫn sử dụng ghe thuyền để
chuyển công văn giấy tờ. Đến khi người Pháp chiếm đất Nam kỳ, thực hiện chính
sách khai thác thuộc địa, mở mang giao thông đường bộ, cùng với các phương tiện
cơ giới khác như tàu chạy bằng máy hơi nước, xe lửa...việc dùng ngựa dần dần
phổ biến nhưng chỉ trong giới thượng lưu và quan chức, còn người bình dân vẫn
thích dùng xe trâu, xe bò.
Bến Tắm Ngựa - Sài Gòn 1909. |
1. Sau khi chiếm Định Tường, chính quyền thực
dân Pháp bắt dân đắp hai con đường ở phía tây thành Định Tường sử dụng vào việc
tuần tra, đề phòng nghĩa quân tập kích. Sau đó hai con đường được mở rộng trải
đá, hai bên trồng dừa. Theo mô tả dân gian, chiều chúa nhật các “thầy chú”
thường cỡi xe đạp dạo quanh con đường nầy, đặc biệt những ngày lễ lớn, quan
Tham biện Chủ tỉnh thường tổ chức đua ngựa. Đường đua thứ nhất dân gian đặt tên
là đường Vòng nhỏ (người Pháp ghi là Petit tour d’Inspection – Vòng nhỏ của
quan Tham biện). Đường thứ hai là đường Vòng lớn (Grande tour d’Inspection -
Vòng lớn của quan Tham biện). Tấm ảnh của nhà chụp hình Nadal ở Sài Gòn chụp
khoảng năm 1925 cho thấy hai bên đường Vòng nhỏ đã có hai hàng dừa cao, ước
tính trên vài chục năm. Từ đó có thể giả định, con đường nầy được đắp trễ nhất
cũng vào khoảng năm 1900.
Lúc bấy giờ, đường Vòng lớn và Vòng nhỏ đều ở ngoài
đồng trống. Về sau dân cư phát triển mới trở nên đông đúc. Đường Vòng nhỏ chạy
từ đầu đường Địa hạt số 6 (Route local No 6), nay là đường Ấp Bắc,
vô ngã tư Hòa Phong rồi ra tận bờ sông
Tiền. Vùng nầy xưa kia thuộc làng Bình Tạo, nhưng trước năm 1945 thuộc ấp Hòa
Phong xã Điều Hòa. Khi bắt đầu chỉnh trang đô thị, các làng thuộc TP. Mỹ Tho
hiện nay đã bi xáo trộn rất lớn, đường
Vòng nhỏ trở thành ranh giới ba làng Điều Hòa – Bình Đức và Đạo Thạnh từ ngày 1-1-1933. Đường Vòng nhỏ hiện
nay là đường Trần Hưng Đạo, trước năm 1975 mang tên là đường Pasteur. Cung đường
còn sót lại ngôi chợ cùng tên: chợ Vòng nhỏ, được lập từ lúc chính quyền Ngô
Đình Diệm thực hiện chính sách dồn dân lập ấp. Hiện nay chợ Vòng nhỏ là một
trong những ngôi chợ khá sầm uất của TP.Mỹ Tho.
Đường Vòng lớn cũng chạy từ đường Địa hạt số 6 ra tận
tỉnh lộ 25, sát bờ sông Tiền. Đầu đường Vòng lớn có cầu Cống, có lẻ được xây từ
lúc mới đắp con đường nầy, hiện nay chỉ còn tên gọi. Địa điểm nầy thuộc làng
Trung Lương, nay là xã Trung An. Đường Vòng lớn dài trên hai cây số, cuối đường
có kinh Xáng cụt do thực dân Pháp đào từ năm 1935; đến năm 1965, chính quyền
Sài Gòn tiếp tục đào để lấy đất xây dựng căn cứ pháo binh, khu gia binh và khu
gom dân. Con kinh xuyên qua lộ nên phải bắc cầu sắt, gọi là cầu sắt Bình Tạo. Đường
Vòng Lớn hiện nay là quốc lộ 60 đi qua cầu Rạch Miễu sang Bến Tre.
Ở Gò Công cũng có một nơi dành để đua ngựa. Khi chính
quyền thực Pháp bắt đầu sửa sang kiến thiết tỉnh thành thì họ cho đào một cái ao
lớn hơn 1 ha, bề sâu khoảng 3 mét, vừa để lấy đất làm nền cho các công sở dinh
thự, vừa chứa nước cho người dân sử dụng. Mấy năm sau đó, họ đắp một con đường quanh
bờ ao, chu vi gần 3 cây số. Lộ này dùng làm đường đua ngựa, gần bên ao có xây
khán đài rất cao. Mỗi khi có cuộc lễ hay ngày tết Nguyên đán thì tổ chức mở
cuộc đua ngựa chạy quanh đường này. Sau đó thêm các cuộc đua xe đạp để giúp
vui, cho nên người dân gọi là ao Trường Đua. Hiện nay khu vực này trở thành công
viên ở trung tâm thị xã.
Khi việc sử dụng xe ngựa phổ biến ở vùng Gò Công hơn
các địa phương phía tây. Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên trong tập thơ Gò Me đã ghi
lại hình ảnh chiếc xe ngựa (có lẻ là xe thổ mộ) ở quê mình:
“Con đê cát đỏ cỏ viền
Leng
keng nhạc ngựa, đường lên chợ Gò”
2. Khi xe ngựa phát triển thì có thêm dịch vụ
đóng xe ngựa, xén lông, đóng móng...và một vài địa phương đắp đường đi ngựa, hay
có những chỗ dành cho ngựa tắm nay còn sót lại địa danh như Bờ Ngựa ở xã Nhị
Quí, Bến Tắm ngựa ở TP. Mỹ Tho.
Bến Tắm Ngựa nằm ở phường 2 - TP.Mỹ Tho cuối đường
Nguyễn Huỳnh Đức, nơi ngày xưa từng là bãi đậu ghe thuyền của giới thương hồ. Chưa
biết bến Tắm này hình thành bao giờ, nhưng có lẻ sớm nhất cũng vào khoảng thời
gian sau khi Tây chiếm Định Tường, lập trại ngựa, kho chứa cỏ và sử dụng ngựa làm
phương tiện đi lại, tuần tra. Cuối thế kỷ 19 ở đây có một bến đò sang Rạch Miễu
(Bến Tre), sau đó dời lên đặt tại đầu đường De Castelneau (nay là đường Nam kỳ Khởi
nghĩa) trở thành bến bắc Mỹ Tho, nay đã đi vào quá khứ.
Hồi thực dân
Pháp trở lại tái chiếm, rồi Nam
bộ kháng chiến, bến Tắm Ngựa có lúc trở thành pháp trường. Bọn lính Tây ruồng
bố, bắt được những người tình nghi là Việt Minh thì đem ra bến Tắm Ngựa xử bắn
rồi đạp xác xuống sông. Ở khu phố này đã chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của một
chiến sĩ Việt Minh tên là Biếu, hy sinh vào năm 1946. Sự kiện được nhà thơ
Lương Giang ghi lại trong bài thơ “Cái chết của anh Biếu”: Nó đem lên xe kéo/ Kéo ra bến Tắm Ngựa/ Treo trước ngực đính bài/ Đọc
bản án rồi xử/ Bắn anh tôi ngả gục/ Nó xô xuống mé sông/ Chiều về trên Cửu Long/Một
buổi chiều vắng lặng...
Bến Tắm Ngựa dừng hoạt động khi Mỹ Tho...không còn xe
ngựa. Sau năm 1954, có lúc nơi đây là sào huyệt của các tay anh chị. Du đảng
bến Tắm Ngựa đã từng bao vây đánh đoàn hát Thanh Minh tại rạp Viễn Trường và
chuốc lấy thất bại vì trong đoàn hát có các diễn viên rất giỏi võ như Văn Ngà,
Ba Xây, Ba Nghĩa ...trấn giữ cửa trước cửa rạp.