Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Vô đề

Gần đây thấy chùa Vĩnh Tràng có nhiều chuyện: Phật thì cao to lấn át chùa, đứng ngồi phơi nắng ngoài sân, cây cối trong khuôn viên thì dọn dẹp khoáng đãng không còn vẻ u nhàn của chốn thiền môn. Chưa hết chốn thiền môn lại có người mặc sắc phục, cầm dui cui gác cổng...Thấy lạ bèn cùng 1 người bạn viết một bài đăng báo chơi, ai ngờ bị các sư mắng là thiếu hiểu biết, là không rành giáo lý.
Bức tượng này xưa làm bằng xi măng trắng theo kỹ thuật phương Tây
Giờ được mặc áo mũ đỏ, thêm một chút tóc cho ...sinh động ư ?


Thưa các sư !
Tại hạ vốn không phải là tín đồ Phật giáo, chuyện không rành giáo lý là lẻ đương nhiên, nhưng theo tại hạ biết thì kinh sách nhà Phật không cấm chúng sinh “góp ý cho việc hoằng dương Phật pháp”, nên  tại hạ có đôi lời như sau:
- Chuyện di dời hai pho tượng của hòa thượng Minh Đàn và Trà Chánh Hậu trước đây đã xảy ra. Bấy giờ hòa thượng Minh Đàn còn tại thế. Nhưng sau khi hòa thượng viên tịch thì hai pho tượng được đặt chỗ cũ cho phù hợp với nội dung các câu đối và hoa văn “trần thế” được thiết kế hai bên cổng. Sau này các vị lại tiếp tục di dời rồi thay vào đó là tượng Phật Di đà với lý do “theo tinh thần nhà Phật từ bi bình đẳng, không để người khác đi lòn dưới chân mình, trong đó có việc vận chuyển kinh sách của Phật”. Ô hay ! mấy chục năm người ta vẫn đi về thăm viếng chốn thiền môn qua lối ấy, có ai thắc mắc gì đâu ? Hơn nữa, ngày trước chùa Vĩnh Tràng có cổng chính, việc vận chuyển kinh sách hay vào những ngày lễ lạt tín đồ và các sư sãi đều đi qua cổng này. Vì sao các sư lại bít lối cổng chính để cho chùa hiện nay chỉ còn hai cổng, giống như hai cổng Thiện nam, Tín nữ chấp hữu chấp vô, vốn không phải là của Phật giáo.
- Chuyện đốn bỏ 2 hay 3, 4 cây sao gì đó, tại hạ đâu có đếm mà các vị phân bua. Chỉ biết ngôi chùa xưa nhiều cây cối xanh tốt lắm, hổng tin các vị hỏi những người xung quanh chùa hay các vị trụ trì đời trước như hòa Thượng Thích Bửu Thông xem sao. Còn không, các vị có thể tham khảo những hình ảnh chụp ngôi chùa trước đây thì sẽ thấy. Phân bua làm gì số lượng cây đã hạ.
- Còn vụ tượng Phật Di đà phóng quang hay thủ ấn, do tại hạ không rành giáo lý thấy sách vỡ nói sao không đúng thực tế nên thắc mắc mà thôi. Giống như đứa trẻ không rành chuyện nên hỏi người lớn: Ủa sao những bức tượng giống nhau mà tượng này giơ tay phải tượng kia giơ tay trái. Vậy thôi !
- Phật dạy sửa chùa tô tượng là làm phước, song tô sửa như thế nào để còn dấu xưa cho con cháu và cũng để tỏ lòng kính trọng công lao của bậc tiền nhân chứ !
Cuối cùng, tại hạ cũng xin nói thêm việc tu hành, hoằng dương Phật pháp là chuyện của các vị, còn ngôi chùa này là tài sản văn hóa của quốc gia đấy !
------

Vĩ Thanh: Có một vị theo trường phái “đông không thầy, tây không chủ” nói rằng các vị xây dựng tượng Phật Di đà to lớn trước cổng là để “trấn áp quần hùng”. Không biết đúng hay sai nên không dám lạm bàn.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

VÒNG KIM CÔ VÀ... "TỰ SƯỚNG"



Hôm qua, chi hội Văn khai mạc trại sáng tác bút ký, một dạng “trại viết bỏ túi” chỉ trong dòng 2 tuần lễ. Nhưng để cho hoành tráng, BTC đã sắp xếp 3-4 bài tham luận về kinh nghiệm viết Ký. Kinh nghiệm đâu chẳng thấy, chỉ thấy các bài tham luận ngoài chuyện “ tự sướng” với cái tôi của mình, còn lại là những lý luận theo kiểu Ký là gì, ký văn học đặc trưng như thế nào, bố cục, chữ nghĩa ra sao…Nghe mà nhức đầu. Chẳng biết hồi xưa ông Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân hay Hoàng Phủ Ngọc Tường có quan tâm chuyện đó hay không khi đặt bút viết những bài ký sự sống mãi với thời gian. Hay xa hơn, ông Nguyễn Liên Phong ghi chép Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (XB 1909) bằng thể văn vần có được xếp vào thể…Ký.
Biểu mình phát biểu kinh nghiệm, chẳng có kinh nghiệm gì cả. Tự dưng tròng cho mình một cái vòng kim cô với những nguyên tắc theo kiểu của các nhà lý luận thì không chơi, chỉ biết chọn đề tài, tiếp cận và viết…Thế thôi. Có điều những bài viết có liên quan đến những vấn đề liên quan lịch sử thì nên thận trọng, nguyên tắc là không ném những kiến thức sai trái vào trang viết, như tình trạng phổ biến hiện nay.
Còn xã hội hiện tại có nhiều vấn đề hết sức trăn trở, bức xúc, nhưng viết rất khó, không phải khó cho người viết mà khó cho BBT. (cân nhắc đăng hay không dám đăng)
Hiện thực đang phơi bày với nhiều vấn đề gay góc. Xã hội thì “ra ngỏ gặp du côn” (trộm cướp, giật dọc, đâm chém). Nông thôn thì nông dân làm ra lúa nhưng vẫn nghèo. Trồng cây ăn trái thì như đánh bạc, nay trồng mai đốn. Tình trạng bỏ quê lên Sài Gòn, làm thuê kiếm ăn ở các xí nghiệp thật tàn nhẫn; có xã không còn thanh niên, đám cưới kiếm vài chục thanh niên bưng mâm quả không có.... Đời sống văn hóa xuống cấp, không có chuẩn mực, mất phương hướng. Các giá trị truyền thống thì bị phá vỡ từng mảng. Đang hình thành  một lớp thanh niên chỉ biết kiếm tiền và hối hả hưởng thụ những gì có được, thậm chí hưởng thụ theo kiểu “trả góp”.
Rồi môi trường bị huỷ hoại. Nông thôn bây giờ tìm đâu ra nhưng dòng sông con rạch để chiều chiều nhảy xuống tắm, nô giỡn...Hồi xưa vào mùa nước nổi thì bơi xuồng giăng lưới, giăng câu, bắt ốc. Còn giờ thì cua ốc bán ngoài chợ cũng toàn đồ nuôi. Đi đâu cũng gặp rác. Cái kỷ nguyên đồ nhựa này xem ra sẽ còn trả giá sau nhiều thế hệ nữa.
Còn nhiều chuyện để nói, để viết. Song muốn phơi bày hết những bức tranh xám xịt đó cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh từ cách thức tiếp cận vấn đề đến việc bộc bạch tâm tư - điều này thể Ký cho phép. Còn bài viết có đăng được hay không thì…để đó. Không khi này thì khi khác vậy. Chứ đừng viết chung chung, nhàn nhạt, hay lộng giả thành chơn rồi tự sướng.


Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Loạn rồi !

Báo vietnamnet.vn đưa tin ‘Đưa Bà Tưng, Ngọc Trinh vào đề thi học sinh giỏi’ (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/143959/dua-ba-tung-ngoc-trinh-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi.html)  có kèm theo ảnh chụp và trích bình luận của những nickname trên mạng xã hội. Theo đó,  đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn TP. Hải Phòng do Sở GD-ĐT Hải Phòng ra đề. Đề thi với thời gian 180 phút có một câu hỏi nghị luận với nội dung:
"Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng : "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn : "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền:
Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ."

Báo viết thêm “Đề thi lạ và “hot” này khiến cư dân mạng xôn xao và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông cho rằng đề thi hay, bám sát thực tế cuộc sống, mở và thoáng.  
Không bình luận về việc ủng hộ (thậm chí chí ca ngợi) hay không  của các nickname trên mạng, chỉ muốn nói nhấn mạnh 1 điểm là thành viên trong ban ra đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 của thành phố Hải Phòng xác nhận thông tin về câu nghị luận xã hội nói trên đưa vào đề thi năm nay. Và ý kiến của Phó GĐ Sở GD-ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường: Việc ra đề mở cho học sinh làm bài là chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT, không phải việc sở tự nghĩa ra. Để hiểu cho thấu đáo phải cắt nghĩa câu hỏi, tình tiết và mục tiêu đề bài. Hình như để phòng hờ ông Trường còn thả câu thòng “Đây là cuộc thi mà đề bài giới hạn cho nhóm học sinh giỏi, không phải đại trà nên phải cân nhắc mức độ khó dễ”. (Theo Vietnamnet)

Xã hội đang đầy rẫy những chuyện “Đòi chồng trả tiền “hao mòn thân thể”. Con trai kiện đòi tiền phụng dưỡng mẹ. Con kiện cha, đòi bồi thường 18 quả trứng gà. Con kiện mẹ 90 tuổi đòi bộ ghế salon...chưa đủ hay sao cái thảm cảnh tình – tiền – tù – tội mà phải tiếp tục gợi ý, đầu độc thêm cho thế hệ trẻ được mệnh danh là “tiến bộ xã hội”.

Loạn rồi !